1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Việt Nam sản xuất thành công áo giáp chống đạn

Chủ đề trong 'Giáo dục quốc phòng' bởi algorithmvn, 04/08/2003.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. algorithmvn

    algorithmvn Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    09/07/2003
    Bài viết:
    443
    Đã được thích:
    0
    Việt Nam sản xuất thành công áo giáp chống đạn

    Việc sử dụng lụa làm tấm lót cho các tấm giáp đã được người Trung Quốc nghĩ ra từ thế kỷ thứ 6. Càng về sau này, người ta ngày càng có nhu cầu dùng những tấm giáp che thân nhưng phải thuận tiện khi di chuyển. Người Nga lần đầu tiên dùng lụa làm tấm chắn chống đạn súng ngắn vào khoảng năm 1914 nhưng đến chiến tranh Triều Tiên thì vật liệu composite chống đạn mới lần đầu tiên được sử dụng trong quân đội Mỹ ở dạng đơn giản: tấm áo vét làm từ các tấm nylon cứng (chỉ chống được những mảnh đạn có tốc độ không cao).
    Đến chiến tranh Việt Nam, áo giáp của Mỹ mới chống được đạn súng trường. Lính Mỹ sợ chết, trước nỗi ám ảnh bị quân đội Việt Nam đánh tập kích bất cứ lúc nào nên hầu như họ không rời tấm áo giáp nhưng chính những chiếc áo này lại gây ra nỗi ám ảnh khác cho họ khi khối lượng của chúng lên tới 6g/cm2 (60kg/m2).
    Gần đây, một số loại áo giáp do Nga sản xuất được độn một tấm thép dày nên vẫn còn khá nặng, có thể tới hơn 10kg. Hiện nay, trên thế giới đã chế tạo được cả mũ, khiên, cặp bảo vệ chống đạn. Phần lớn chúng đều được tạo từ các sợi siêu bền như cacbon, gốm, polyethylene... và vật liệu composite.
    Việt Nam hiện đã nhập một số loại áo giáp của Nga, Pháp, Israel? nhưng áo rất đắt song hiệu quả sử dụng không cao vì những chiếc áo giáp đó được may theo kích thước cơ thể của người phương Tây. Cán bộ, chiến sĩ ta khi phải mặc rất khó linh hoạt.
    Qua khảo sát, tiếp cận công nghệ, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Vật liệu mới - Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ do kỹ sư Bùi Công Khê đứng đầu bắt đầu quá trình phân tích các chỉ tiêu kỹ thuật, cấu trúc sản phẩm.
    Năm 2002, những chiếc áo giáp chống đạn đầu tiên đã được sản xuất tại Việt Nam với nhiều cấp chống đạn khác nhau không thua kém về tính năng bảo vệ so với các sản phẩm cùng loại của Mỹ, Anh...
    Theo kỹ sư Bùi Công Khê, để chống lại được đạn, trước tiên, điều tối cần thiết là phải hiểu cơ chế phá hủy của viên đạn. Một số viên đạn của các nước Đông Âu có lõi bằng đồng nên khả năng xuyên kém hơn so với loại bọc lõi thép của Nga đang được sử dụng ở Việt Nam và một số nước châu Á khác.
    Vì vậy, một số áo giáp nhập khẩu từ châu Âu nhiều khi không phát huy được tác dụng. Để chống lại lực phá mạnh của viên đạn, vật liệu chống phải ngăn chặn được sự xuyên thủng và hấp thụ được toàn bộ năng lượng động học của viên đạn.
    Với cơ chế như thế, áo giáp phải có độ giãn, độ bền và tốc độ sóng ngang trong sợi cực cao để phân tán lực từ đầu đạn ra một diện tích lớn hơn. Nhưng để có thể mặc được và cơ động trong các hoàn cảnh cần vận động thì khối lượng của áo giáp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao công năng của chính nó. Vì vậy vật liệu có khối lượng riêng càng nhỏ nhưng độ bền, độ giãn dài và tốc độ sóng ngang càng cao thì sẽ cho chất lượng áo giáp càng tốt.
    Các tấm áo giáp của Việt Nam đã được chế tạo chủ yếu từ các sợi Kevlar 129 (khối lượng riêng 1,45g/cm3, độ giãn dài 3,3%, tốc độ sóng 8.263m/s); Spectra 1000 (khối lượng riêng 0,97g/cm3, độ giãn dài 2,7%, tốc độ sóng 13.277m/s); Boron (khối lượng riêng 2,5g/cm3, độ giãn dài 1,0%, tốc độ sóng 12.649m/s)...
    Để làm được một chiếc áo giáp thành phẩm, phải qua nhiều công đoạn phức tạp. Cơ bản nhất là làm sao liên kết hàng trăm bó sợi để thành một thể thống nhất bền vững, sau đó qua một bể nhựa nhiệt dẻo, những tấm composite dẻo sẽ thành hình. Xếp vuông góc các tấm composite đó làm nên các lớp mỏng, ép nhiệt dán chúng lại với nhau để tạo thành một tấm gia cường - thành phần quan trọng nhất trong công năng chống đạn của áo giáp.
    Theo kỹ sư Bùi Công Khê, chỉ với tấm áo dệt trông dày hơn áo jean của thanh niên vẫn mặc một chút, người mặc không bị đạn súng K59 sát thương. Khi thêm các tấm tăng cường, tùy từng loại sẽ bảo vệ được con người trước các loại súng bộ binh phổ biến như CKC, AK?
    Ma sát đóng vai trò quan trọng để chống lại các tác động của đạn, do đó, cách bện sợi có vai trò đặc biệt. Nếu dệt quá chặt hoặc quá cứng, biến dạng của vật liệu sẽ bị hạn chế khi viên đạn xuyên tới nên dễ gây tác động xé rách tại điểm tập trung lực tại đầu đạn. Nhưng nếu lỏng hoặc quá mềm, đầu đạn sẽ dễ dàng đi qua bằng việc tách các lớp sợi ra. Vì vậy, áo giáp thành phẩm phải được sản xuất trong điều kiện nghiêm ngặt và có kiểm nghiệm kỹ để tránh được các sai sót này.
    Bên cạnh đó, kỹ sư Bùi Công Khê cho biết, để tránh bề mặt sợi vật liệu quá mịn, trong quá trình va đập các sợi sẽ bị trượt (do hệ số ma sát giữa chúng thấp), nhóm nghiên cứu đã phải tìm cách làm nhám, xử lý bề mặt sợi để tăng ma sát đáp ứng nhu cầu: giữ viên đạn lại bảo đảm phía bên trong áo giáp không hề có dấu hiệu bị đạn bắn. Các loại áo giáp chống đạn của Việt Nam đều có khối lượng vừa phải: chống K59 nhẹ 2,2kg và nặng nhất là chiếc áo chống đạn AK với khối lượng 5kg.
    Hiện tại, Trung tâm Công nghệ vật liệu đã chế tạo được khiên chống đạn với khối lượng chỉ khoảng 12kg/m2, có thể chống được hầu hết các loại đạn súng bộ binh.
    Loại áo giáp binh lính Mỹ sử dụng ở chiến tranh Iraq trị giá từ 1.000-1.500 USD/chiếc. Sản phẩm của Việt Nam sản xuất qua kiểm nghiệm có chất lượng tương đương nhưng giá thành chỉ bằng 2/3.
    Cũng theo kỹ sư Bùi Công Khê, hiện nay, Trung tâm công nghệ vật liệu hoàn toàn có khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước (khoảng 10.000 chiếc/năm) với giá thành thấp hơn nhập từ nước ngoài.
    Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, các cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang Việt Nam ở tương lai gần có thể giảm thiểu thương vong trong các hoạt động an ninh quốc phòng nhờ các sản phẩm hiện đại: chiếc áo giáp chống đạn được sản xuất trong nước.



    Theo Thế giới mới
  2. RandomWalker

    RandomWalker Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    21/05/2003
    Bài viết:
    5.360
    Đã được thích:
    1
    Chủ đề này đã có ở đây. Tôi xin phép khoá lại cho khỏi loãng diễn đàn.
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này