1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Võ nhân Bình Định - Quách Tấn & Quách Giao

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi DeNhatKhao, 03/09/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Võ nhân Bình Định - Quách Tấn & Quách Giao

    Võ nhân Bình Định
    Quách Tấn & Quách Giao
    Từ lúc được thành lập phủ Hoài Nhơn rồi Quy Nhơn và thành tỉnh Bình Định, nhân dân Bình Định gồm đa số các dân Việt sống ở miền Bắc, Nghệ An, Thanh Hóa... vào sinh sống lập nghiệp. Là một miền đất mới, dân cư ngụ gồm nhiều thành phần phức tạp nên vấn đề an ninh chính trị được đặt lên hàng đầu. Chính quyền chỉ tập trung vào Phủ, Huyện sở lỵ, cho nên các vùng nông thôn, sơn cước xa xôi người dân phải sống bằng tự lực bảo vệ, tự khai phá làm ăn. Cũng vì vậy, võ thuật được trọng vọng và phát triển. Ngoài ra, do nạn đạo tặc thường thoát khỏi sự kiềm chế của chính quyền nên người dân tự học võ nghệ để tự bảo vệ gia đình và làng xóm.

    Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, cả hai miền nhân dân đều khốn khổ. Một số người không thể an cư được với chúa Trịnh bèn rời bỏ quê hương vào Nam lập nghiệp. Một số lại không thích chế độ nên cũng vào Nam theo chúa Nguyễn.

    Thời gian này có Khám Lý phủ Quy Nhơn là Trần Đức Hòa, rể là Đào Duy Từ và người tài được tiến cử là Nguyễn Hữu Tấn.

    Rồi miền Nam có loạn thần Trương Phúc Loan chuyên quyền, nhân dân khốn khổ, nạn tham nhũng hoành hành, quan lại tham ô đầy rẫy khiến cho phong trào "áo vải cờ đào Tây Sơn" vùng lên. Thời đại Tây Sơn là đỉnh cao của võ thuật Bình Định. Tây Sơn tam kiệt, Tây Sơn thất hổ tướng, Tây Sơn ngũ phụng thư, Tây Sơn danh tướng cùng với Bình Định võ sư tam hùng làm rạng danh cho phong trào võ Bình Định.

    Đối kháng với nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn Gia Miêu cũng tụ hội các anh tài Bình Định như Châu Văn Tiếp, Phạm Văn Sĩ, Lê Chất và một anh hùng người miền Nam nhưng đã ghi lại một tấm gương nghĩa khí cho người dân Bình Định: Võ Tánh.

    Thời Gia Long, các danh tướng Bình Định như Phạm Văn Lý, Võ Văn Trừ vẫn vang danh ở đất Bắc; như Lê Đại Cang đã từng bình định vùng đất Cao Miên (Campuchia ngày nay).

    Rồi giặc Pháp xâm lăng Việt Nam, tướng Lê Đình Lý đã anh dũng chống Pháp khi giặc vào cửa biển Đà Nẵng.

    Khi phong trào Cần Vương bùng dậy, Bình Định đã có linh phong tam kiệt: Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ, Võ Trứ tụ hội dưới trướng trên 30 vị tướng lãnh cùng nhân dân nổi lên đánh Pháp. Phong trào bị đàn áp, người thì tuẫn tiết, xuất dương, kẻ lui về ẩn dật. Ngoại trừ Đội Chương, Voi Con đi ra Nghệ An hoạt động cách mạng.

    Năm 1908, Bình Định hưởng ứng phong trào chống thuế, các võ sĩ An Vinh, An Thái đã hăng hái tham gia giúp phong trào về phần an ninh trật tự cùng trừng trị bọn tay sai thực dân.

    Trong những năm bị đô hộ, các nhóm võ như An Thái, An Vinh, Thuận Truyền vẫn âm thầm luyện tập. Các tay võ như Hương mục Ngạc, Khách Bút, Hương lễ Nghè... luôn luôn được nhắc đến. Các câu tục ngữ, ca dao:

    "Roi Kinh, quyền Bình Định"

    "Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh"

    Và:

    "Ai về Bình Định mà coi

    Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền"

    Luôn luôn được mọi người tâm đắc khi nói đến Bình Định.

    Cuộc cách mạng tháng Tám bùng lên, người võ sĩ Bình Định lại cùng toàn dân với tầm vông vót nhọn, giáo mác mài bén, đi đầu trong phong trào chống Pháp. Vũ khí tối tân tuy làm lu mờ con người giỏi võ nhưng tinh thần thượng võ của người dân Bình Định vẫn tồn tại và rạng rỡ cùng với non sông Bình Định.
  2. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    I. Lược thuật
    Võ Bình Định gồm nhiều môn phái. Mỗi môn phái có nhiều đặc điểm khác nhau. Phần nhiều được truyền trong gia tộc và từng vùng, từng huyện, từng thôn.
    Nói đến quyền, người ta nhớ ngay đến quyền An Vinh với gia đình ông Hương mục Ngạc và con trai là Bảy Lụt, con gái là Tám Cảng.
    Nhắc đến roi thì lại nghĩ ngay đến ngọn roi thần tốc của Bầu Đê, Hương Lễ Nghè và Hồ Ngạnh.
    Nói đến ăn cướp có nghĩa khí như nhóm Lương Sơn Bạc bên Tàu thì ai cũng nhớ đến Chú Lía ở Truông Mây...
    Riêng về võ Tây Sơn thì sẽ có một chương trình riêng nói về đặc điểm và võ nhân.
    Trường dạy võ tuy không được tổ chức quy mô rộng lớn chứa hàng trăm môn sinh, song khung cảnh một thầy với vài môn đệ rất thích hợp với võ Bình Định. Có thể các đồ đệ, ngày đi cày bừa, đốn củi, gánh phân làm cỏ ruộng, tối đến thầy trò luyện võ dưới ánh trăng thanh hay dưới ánh sáng của bó đuốc hừng cháy hoặc cây đèn chai khêu lớn ngọn. Có khi luyện tập theo thời vụ, ngưng nghỉ để thu hoạch lúa rồi sau mùa lại tiếp tục học. Có lúc mỗi tháng chỉ tập vài buổi khi trăng sáng. Nhiều làng cả nam lẫn nữ đến tụ hội tại sân đình làng cùng nhau luyện võ. Tuy nhiên, đây chỉ là một phong trào sớm phai tàn. Chỉ riêng những người có nghị lực với lòng ham muốn võ nghệ mới đủ kiên nhẫn luyện tập cho đến khi thành tài.
    Sự luyện tập đại thể gồm có:
    1. Luyện tập thân thể
    A. Tập xách tạ: Cốt yếu để tăng thể lực và đây là môn căn bản trong các kỳ thi võ, người học võ phải luyện tập hằng ngày bằng cách xách một vật nặng (đá hoặc sắt) có một trọng lượng tối thiểu là 36 kg (6 yến tạ) mỗi ngày có thể trọng lượng mỗi tăng thêm. Lối xách tạ khác với lối nâng tạ vì khi xách tạ thì sức nặng dồn ở cánh tay và đôi chân. Cho nên xách nặng đã khó mà còn phải di chuyển càng xa càng tốt. Người cử tạ chỉ cần nâng được vật nặng lên khỏi đầu. Trọng lượng sẽ đè lên toàn thân dồn xuống đôi chân bất động. Nâng được lên khỏi đầu là có thể ném vật nặng xuống.
    Trong các cuộc võ hương thí, môn thi xách tạ buộc thí sinh phải xách, nếu 1 tay thì quả tạ nặng 72 kg, 2 tay thì mỗi tay 36 kg và phải đi được một khoảng đường dài 32m (8 trượng) cho một tay và 64m (16 trượng) cho hai tay. Qua được môn này mới được thi các môn khác. Bởi vậy nên các võ sinh lúc nào cũng lo tập xách tạ để làm căn bản.
    B. Tập đu: Mục đích luyện cho đôi tay được cứng rắn và dẻo dai. Lối tập này giống như tập thể dục hiện nay về môn tập xà ngang, xà dọc, xà kép... Dụng cụ luyện tập đơn sơ bằng cành ổi, cành tre... để tập đu, tập nâng mình?
    C. Luyện chân tay: Tập cho chân tay được mạnh, dẻo dai và lanh lẹ. Người võ sinh tập sao cho di chuyển lẹ làng và vững chắc, tay vung ra có lực, nắm đấm gọn mạnh... Khi luyện chân tay thì các võ sinh chưa cần phải theo đúng cách tập các thế võ, bài võ. Chỉ khi nào tay chân di chuyển tới lui, đánh ra, thu vào gọn gàng có lực thì võ sinh mới được tập võ thuật. Trong thời gian luyện tập này, nhiều võ sư đã cho môn sinh đá, đấm vào vật mềm như bao bông, bao trấu (vỏ lúa) hoặc thân cây chuối. Cao hơn thì đấm đá vào vật cứng hơn như bao gạo, bao lúa, bao cát... Võ sinh sẽ quen dần và tay chân cứng rắn có thể đá, đánh vỡ gạch ngói, gỗ mỏng?
    Võ sinh sẽ học cách chém bằng lường bàn tay, đấm bằng lưng các ngón tay nắm chặt, đánh bằng lòng bàn tay (chưởng) hoặc lưng bàn tay. Các ngón tay cũng luyện tập thật cứng rắn. Khi thành công có thể đâm thủng ván mỏng, thủng cơ thể con người.
    D. Tập nhảy: Để tập đôi chân và để dễ dàng nhảy cao cũng như nhảy dài.
    Lối tập đơn giản nhất là tập nhảy từ dưới hố lên. Ban đầu hố cạn, sau sâu dần. Lúc mới tập thì nhảy không. Khi thiện nghệ rồi thì đổ cát vào hai ống quần, cột lại rồi tập nhảy. Khi thành công thì có thể nhún một cái là nhảy lên cao, khỏi cần lấy đà, lấy trớn. Võ sinh cũng tập nhảy leo thang, nghĩa là nhảy lên cao rồi nương theo đà nhảy, dùng chân đạp vào một điểm tựa để rồi tiếp tục nhảy lên cao một khoảng nữa. Lối tập này rất công phu và ít người thành công.
  3. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    2. Tập võ thuật
    Sau khi võ sinh đã tập luyện thân thể mạnh mẽ, chân tay cứng rắn, lẹ làng, gân cốt dẻo dai thì bắt đầu đi dần vào luyện võ thuật. Cách tập tùy theo từng môn phái. Tuy nhiên, đại thể vẫn là tập chân và tập tay.
    Tập chân thì có đứng tấn và di chuyển.
    Đứng tấn hay còn gọi là trụ. Hai chân võ sinh dạng ra vừa đủ, chân rùn xuống để cho hai đùi nằm song song với mặt đất. Hai bàn chân nằm song song với nhau. Lưng thẳng đứng, mặt ngó thẳng, hai tay nắm chặt, cùi chỏ ép sát vào sườn, cánh tay song song với hai đùi. Nguyên tắc của đứng tấn là dồn trọng lực xuống đôi chân, bàn chân gắn chặt vào mặt đất. Khí lực dồn vào đan điền.
    Mỗi khi tập đứng trụ thành công thì người đứng trụ đứng vững chắc, khó có thể xô ngã. Đôi lúc phải dùng đến năm ba người mới xô ngã.
    Sau khi tập được đứng tấn thì môn sinh tập đến di chuyển, thường được gọi là bộ ngựa. Có nhiều cách di chuyển cho nên có nhiều bộ ngựa khác nhau. Tùy theo mỗi môn phái nghiên cứu bộ ngựa cho thích hợp với môn võ của mình. Có phái thì chuộng tập tấn cho vững chắc, di chuyển gọn gàng, nếu đối phương có đánh hoặc đá trúng chân cũng không có hại gì cho cuộc chiến đấu vì khi trụ chắc thì trả đòn mạnh và chính xác. Có phái chọn bộ ngựa linh hoạt biến hóa nhanh chóng để đối phương không thể đụng đến mình, như vậy trụ sẽ lơi lỏng, nếu đối phương đánh nhằm chân thì có thể nguy hại. Cho nên ngoài quy định của môn phái còn tùy thể chất của võ sinh. Nếu là người mập mạnh, to lớn thì thường tập luyện trụ. Nếu là người mảnh khảnh, yếu ớt thì phải chăm bộ ngựa để lách tránh. Phái nữ thường lẹ bộ ngựa. Phái nam thường mạnh bộ trụ. Tuy nhiên, cần dung hòa cả hai thì thân thủ người đánh võ mới hoàn hảo. Khi trụ thì vững chắc, khi di chuyển thì lẹ làng.
    Tập tay thì tập các thế đánh và đỡ. Các cử động phải nhuần nhuyễn và phản xạ linh động, võ sinh tập tất cả các thế đánh, khi nào thì dùng nắm đấm, khi nào thì dùng lườn bàn tay, ngón tay, cách đánh cùi chỏ, cách đỡ gạt...
    Sau khi nhuần nhuyễn, võ sinh sẽ được dạy cách kết hợp chân và tay. Khi ấy võ sinh mới học các bài quyền căn bản như bài Ngọc Trản quyền, Lão Mai quyền...
    Võ sinh phải học thuộc lòng các "bài thiệu" của thầy dạy rồi bắt đầu học từng thế võ trong bài.
    Võ sư giảng bài rất kỹ các từ, các cách biến thế, hư thực của từng thế võ rồi biểu diễn cho trò coi. Xong rồi võ sinh mới tập luyện. Trong thời gian luyện tập, thầy luôn luôn theo dõi, uốn nắn, chỉ dạy các chỗ sai trái của môn sinh. Tình thầy trò thường khắng khít trong lúc này. Trò khổ công tập luyện, thầy hao tổn tâm sức dạy dỗ.
    Học xong hết bài quyền, môn sinh được sư phụ cho giao đấu với nhau để chỉ vẽ những sai sót. Thường công việc này thường giao cho một đại đệ tử (học trò trưởng tràng) truyền dạy. Sư phụ chỉ bổ túc một vài sai sót. Học tập võ nghệ, ngoài sự chuyên cần tập luyện còn có năng khiếu nữa. Cũng một bài quyền mà võ sinh này biết biến hóa linh diệu thì sẽ khác hẳn với người khác khi sử dụng. Người khổ công tập luyện, võ nghệ sẽ tinh thâm. Người biết biến chuyển linh hoạt sẽ trở thành cao thủ. Kết hợp được cả hai thì võ nghệ sẽ tuyệt luân.
    Khi học một bài quyền, võ sinh phải khổ công tập luyện, phải biết biến hóa tùy trường hợp và nhất là phải nhuần nhuyễn đến độ không cần suy nghĩ gì mà vẫn sử dụng được các thế võ ứng đối với mọi trường hợp bức xúc xảy ra. Mỗi khi giao đấu thì tự nhiên những điều mình luyện tập phát ra. Biết áp dụng thì linh hoạt, không biết biến hóa thì trở nên lúng túng, vụng về.
    Đánh võ cũng như làm thơ. Thi sĩ phải nhuần nhuyễn luật thơ trong đầu. Khi hứng đến, tứ thơ tuôn ra và người thơ vung bút thành chương, không một mảy may nghĩ đến luật thơ. Võ sĩ cũng vậy, khi giao đấu, quyền cước bay ra như bão, không liên hệ đến bài quyền, thế trước thế sau.
    Các võ sinh có thể chỉ học chuyên về môn quyền cước. Tuy nhiên, phần đông các võ sinh cũng học thêm một môn vũ khí nữa. Có người học luôn tất cả các môn vũ khí.
    Tùy theo tầm vóc và sức lực mà võ sinh lựa chọn lấy cho mình một món vũ khí thích hợp. Người thân hình to lớn có sức khỏe thì thường sử dụng đại đao, chùy, xà mâu... Phái nữ mà có sức mạnh thì thích dùng đoản đao.
  4. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    3. Các môn vũ khí
    Trước thời Gia Long, việc tập luyện và sử dụng vũ khí rất thông dụng. Sau khi thống nhất lãnh thổ, Gia Long rất khắt khe với các môn võ sử dụng binh khí như kiếm, đao. Nhất là đối với các môn võ nổi tiếng thời Tây Sơn. Cho nên ngoài các môn quyền cước ra người dân Bình Định chỉ còn sử dụng các loại vũ khí làm bằng cây, gỗ. Họa hoằn mới có thứ bọc thép nơi mũi nhọn. Nếu có dùng đao kiếm thì phải lén lút, cất giấu kỹ.
    Các loại vũ khí thông dụng như:
    - Thiết lĩnh: Gồm hai thanh gỗ cứng rắn, một dài một ngắn. Dài gọi là mẹ, ngắn gọi là con. Hai thanh mẹ con được nối với nhau bằng một sợi dây mảnh và chắc. Thường được dùng đuôi ngựa hoặc tóc kết lại. Tại hai đầu nối có một vòng khuyên bằng sắt. Lúc giao đấu, người sử dụng dùng được cho hai tay, khi trái, khi phải, khiến cho địch nhân khó lường trước được hướng tấn công. Khi địch thủ ở xa tầm đánh thì cây mẹ được cầm để đánh bằng cây con, khi ở cận thì cây con làm trụ để đánh bằng cây mẹ.
    Lối đánh thiết lĩnh cũng như lối đánh côn nhị khúc, song côn nhị khúc là hai thanh gỗ bằng nhau. Thiết lĩnh đánh rất mạnh mà gọn, xoay trở lẹ làng, nên rất thuận tiện cho lối đánh cận chiến, trong chỗ chật hẹp, đông người.
    - Bút chì: Là một vũ khí có cán và đầu bịt sắt. Thường người sử dụng có thể dùng cán mai đào đất làm bút chì. Cuối cán bút chì có buộc một sợi dây mảnh và chắc. Khi giao đấu, đầu sợi dây buộc chặt vào cổ tay người sử dụng để sau khi phóng ra có thể thu hồi bút chì về lại. Người lão luyện có thể trong chớp mắt phóng ra và thu về. Trong cuốn Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân có tả một cảnh ném "bút chì" rất lý thú...
    - Bút sắt: Là một ngọn giáo hoặc ngọn mác, đầu bọc thép, thân bằng gỗ, tre gai hoặc mây cây đặc ruột rất cứng, có độ uốn và bật rất khỏe. Khi giao chiến thì sử dụng thay ngọn giáo. Lúc bất ngờ, người sử dụng uốn cong cây giáo rồi lựa chiều thả bung ra lao vào kẻ địch. Sức bật cong với đà lao khiến đối thủ khó mà tránh né. Tuy nhiên, phải thành thạo lắm mới dám dùng chiêu thức này vì khi phóng ra mà không lấy được mạng kẻ địch thì vũ khí không thể thu hồi lại được và ta chỉ còn tay không. Phần nhiều sử dụng phóng bút là lúc tháo chạy, đánh lấy chiêu thức cuối cùng, hoặc nhân lúc bất ngờ đánh ra một ám khí.
    Bút chì cũng như bút sắt là một thứ đòn gió để ám phóng hại địch.
    - Song xỉ: Là món vũ khí dùng cho hai tay vừa đỡ gạt vừa tấn công. Song xỉ gồm một đôi thanh sắt dài hơn cánh tay ngoài của người sử dụng. Thân thanh song xỉ ôm tròn lấy cánh tay. Hai đầu là hai mũi nhọn. Phía trước, nơi phần bàn tay có đai sắt để cầm. Phía sau có dây da quấn vào bắp tay gần cùi chỏ. Thân song xỉ che cánh tay giống như một tấm khiên nhỏ. Hai mũi nhọn hai đầu như hai lưỡi dao găm. Đây là một món vũ khí phối hợp với thế đánh của lăn khiên và đao ngắn, dùng để đánh cận chiến. Người giỏi quyền thuật sử dụng song xỉ rất thích hợp vì vũ khí vừa gọn gàng vừa thích hợp với lối đánh vừa thủ vừa công. Đối phương đánh tới thì tay này đỡ gạt, tay kia tấn công. Người sử dụng như có hai cái khiên chống đỡ, hai ngọn đao tấn công, gọn gàng, mau lẹ. Đồng thời, người sử dụng song xỉ cũng cần có "bộ ngựa" di chuyển thật tinh vi.
    Với đôi mắt sắc bén nhìn thấy trước các chiêu thức của đối phương để thoáng một cái, vừa đỡ đòn vừa tấn công bằng cách nhập nội kề sát đối phương rồi dùng vũ khí có lợi thế đánh kề cận chế phục vũ khí đánh xa của đối phương.
    - Khiên: Khiên là một tấm đan bằng gỗ hoặc tre, mây, và tẩm dầu chai cho bền chắc, dùng trong việc che chắn khi giao chiến.
    Dùng khiên để che tên bắn từ xa và để đỡ gạt vũ khí khi đánh xáp lá cà. Người võ sĩ một tay dùng khiên che chắn, tay kia dùng vũ khí để tấn công.
    - Cung, ná: Cung là một vũ khí dùng để tấn công từ xa. Cung gồm có cánh cung và dây cung. Cánh cung thường làm bằng gỗ cứng, bằng tre gốc, đôi khi có lắp kim loại vào để độ cứng tăng thêm. Có nhiều cây cung làm bằng gỗ hoặc giác thêm kim loại nặng đến một người vác hoặc hai người khiêng. Đó là loại cung của các võ tướng có sức mạnh siêu phàm. Dây cung thường làm bằng cật của tre già ngâm lâu dưới nước hoặc bằng gân các loài vật to lớn như gân cọp, gân trâu ? Đôi khi dây cung cũng bằng dây kim loại.
    Dây cung ngoài độ cứng và dẻo dai còn có sức bật mạnh để vừa kéo được ánh cung cong lại và để cùng cánh cung tạo sức bật đưa mũi tên đi xa.
    Tên cũng dùng gỗ cứng và đầu thường bịt sắt để có sức xuyên phá mạnh.
    Cung thủ phần nhiều phải có sức mạnh, mắt tinh và nhanh tay. Tập bắn cung cũng trải qua nhiều giai đoạn: tập trương cung, tập nhắm đích, tập bắn quỳ, bắn đứng, vừa đi vừa bắn, rồi vừa chạy vừa bắn. Khi đã hoàn thuần thục bắn trên bộ rồi thì tập bắn trên lưng ngựa.
    Ban đầu tập bắn mục tiêu cố định, sau bắn mục tiêu di động. Sau khi thuần thục, người bắn cung có tài có thể ở xa trăm bước bắn trúng cành liễu đong đưa trước gió hoặc cánh nhạn đang bay trong mây.
    Thời Tây Sơn có 4 nhân vật nổi danh về bắn cung là Nguyễn Quang Huy, La Xuân Kiều, Lý Văn Bưu và Đặng Xuân Phong.
    - Roi: Là loại vũ khí bằng gỗ, tre, mây, dài ngắn tùy theo loại.
    a. Roi dài: Có 2 loại: Trường tiên và trung bình tiên.
    - Trường tiên hay trường san còn gọi là roi đấu, dài đến 3m, thường dùng để đánh trận hay sử dụng trên ngựa, nếu ở đầu có mũi sắt nhọn thì gọi là thương.
    - Trung bình tiên còn gọi là roi chiến chỉ cao ngang đầu người sử dụng.
    b. Roi ngắn: Còn gọi là thiết bản, ngắn gọn, dài chứng 1 m. Thường cây roi thiết bản được giắt bên hông hoặc sau lưng khi di chuyển.
    Khi trước, môn đánh roi được triều đình tập trung các tay cao thủ khắp mọi miền về kinh đô để sung vào đội quân bảo vệ kinh thành. Quân sĩ đội bảo vệ cấm thành được huấn luyện rất nhuần nhuyễn môn đánh roi. Các ông Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) đều phần lớn trở thành các võ sư nơi kinh đô.
  5. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Sau đây là một đoạn về cách luyện roi trường (Trích Hồi ký Xã hội quanh tôi hồi ấu thơ của Quách Trường Sa).
    Luyện roi trường: Cắt, cụp, cắt
    Cách tập đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm.
    Bên một cây cau, chôn một đoạn trúc song song cao ngang đầu, cách thân cau 1 đến 2 tấc, chôn thật chặt, khoảng cách cố định.
    Người cầm roi ở tư thế đấu, đầu roi ở trong khoảng cách cau, tre. Tay phải cầm đoạn giữa roi, tay trái cầm đốc roi. Tay trước (tay phải) thẳng, giơ ngang vai, cùi chỏ không gập, bàn tay cầm ngửa, đầu roi ngang tầm với miệng.
    1. Luyện tay trước
    - Bước một: Bàn tay đang ngửa, lật úp xuống đồng thời gạt qua bên phải, đầu roi vòng xuống nửa vòng quay đánh nhằm khúc tre kêu cái "cắt" thì phải lập tức ngửa bàn tay đưa đầu roi trở qua trái va vào thân cau kêu cái "cụp", lập tức úp bàn tay cho đầu roi va vào khúc tre như ban đầu. Như vậy phải tập sao cho hai tiếng "cụp" "cắt" nghe được đều đặn, liên hồi.
    Nếu nghe tiếng "cắt" rồi mà không nghe tiếng "cụp" thì khi đấu thật, hoặc là ta hoặc là đối phương đã bị đâm trúng rồi hoặc có thể là cả hai đều không thành thạo đã bỏ qua cơ hội làm điểm hoặc cả hai đều cảnh giác chuyển sang thế khác. Vì vậy, lúc tập phải luôn luôn chú ý nghe nhịp "cắt, cụp" "cắt, cụp" đều, nhanh, cho quen để đến khi giao đấu thật không bị bỏ lửng.
    Thân cau và cái trụ bằng tre đứng cố định song lại thay cho đầu roi di chuyển của đối phương. Khoảng cách của thân cau và trụ tre giữ cho tay roi của ta không gạt ra quá xa, se trống mặt và ngực và không kịp quay lại đỡ và tấn công.
    Tay trước luôn luôn thẳng, chỉ cổ tay chuyển nên mới đầu luyện tập rất mỏi và dần dần cổ tay được dẻo dai rất nhạy và rất khỏe. Cánh tay chỉ co duỗi trong trường hợp đặc biệt (ở thế đặc biệt).
    - Bước hai: Tập bước hai cao hơn bước một một chút là dùng cái lắc trả, gây luôn cả hai tiếng "cụp, cắt".
    Tay trước đang để ngửa, lật sấp xuống bật sang phải, roi va vào cọc tre nghe "cắt" một tiếng. Rồi lập tức ngửa tay ra, lắc sang trái đánh "cụp" vào thân cau và luôn thể để tay ngửa và nâng lên cao hơn lắc sang phải, va vào cột tre đánh "cắt" một cái thứ hai, rồi trả sấp tay lại va vào thân cau nghe "cụp" một cái. Như vậy, cái thế của bàn tay trước khi lật thì "cắt", ngửa thì "cụp", nay lại một lật thì tạo thành "cắt", "cụp" và khi ngửa cũng tạo thành "cắt", "cụp".
    Đó là dùng động tác hai gây thêm tác dụng của động tác thứ ba. Cách này nhanh và gây bất ngờ cho đối phương. Ta có thể nhân gạt đầu roi đối phương mà tấn công luôn. Nhưng cũng rất nguy hiểm cho ta là bàn tay vặn ngửa cao quá, phải tạo thành một thế chết khó xoay xở.
    2. Luyện tay sau (tay cầm đốc roi):
    Đó là hậu vệ có hai tác dụng: Đỡ đòn và trợ thủ tiến công.
    Hai tác dụng này không thể tách rời. Đỡ đòn có hai cách:
    Một là bị động: Mũi roi của đối phương bị mũi roi của ta khắc chế, nhưng không phục được để lách đâm vào, vô hiệu hóa đầu roi của ta.
    Hai là chủ động: Đầu roi ta bỏ đầu roi địch không kìm chế, để nó rảnh rang đâm vào. Lúc ấy nhiệm vụ đỡ đòn của đốc đồng thời là nhiệm vụ kiềm chế đầu roi địch để cho đầu roi ta rảnh rang tấn công địch bất ngờ. Đốc đỡ mà lại điều khiển ngọn tấn công. Ngay trong trường hợp bị động, chống đỡ cũng phải đồng thời tạo điều kiện và hướng dẫn ngọn roi tấn công.
    Cho nên hai tác dụng đỡ đòn và trợ thủ tấn công của đốc luôn luôn gắn liền nhau.
    Ngoài ra còn trường hợp tấn công trực tiếp của đốc (song không nằm trong bài tập "cắt, cụp, cắt" này).
    Tập tay sau phải đồng thời với tập tay trước và tùy theo ý đồ kỹ thuật, tay sau ở hai tư thế như sau:
    - Tư thế tĩnh: Khi tay trước tập bước một "cắt, cụp", "cắt, cụp", tay sau tuy không đổi vị trí nhưng cũng phải theo đúng tay trước mà lắc cổ tay.
    Khi tay trước tập bước hai thì sau hai tiếng "cắt, cụp" phải nhích tay sau lên, hất mạnh theo, để đưa động tác của hai tay trước vượt nhanh và mạnh, sang tiếng "cắt" thứ hai. Có thể tay sau vượt sát lên tay trước. Khi kéo lại về "cụp" thì tùy tay trước quay trên hay quay dưới tay sau. Tay sau có thể lặn xuống hay vượt lên tay trước. Đây là cách tập rất thú vị và khó.
    - Tư thế động: Tay sau hoặc vòng lên hoặc vòng xuống dưới tay trước để đón và gạt ngọn roi của đối phương, tay trước lúc đó cũng phải vặn theo để ăn nhịp với tay sau.
    3. Thế đâm so đũa (nhân đỡ mà đâm):
    Tay sau vừa vòng lên (hoặc xuống) gạt ngọn roi đối phương, vừa đẩy roi ra trước đâm tới hoặc cùng tay trước cọng sức đâm tới. Thế đâm so đũa bao giờ cũng chiếm tiên cơ.
    4. Kỹ thuật đổi tay roi:
    Cũng như đấu kiếm một tay, việc bí mật đổi tay trong khi đang đấu làm cho đối phương bất ngờ, đâm ra lúng túng.
    Roi trường thường cầm tay phải ra trước tay trái và như thế thân đứng nghiêng, ngực bên phải đưa ra trước (ngực trái ở phía sau để tim được che kín hơn).
    Nhưng nếu hai bên đều như thế mà không dứt điểm được thì người giỏi thường phải thay tay. Tay trái cầm ra trước, tay phải lùi về giữ đốc, mình đứng nghiêng bên trái ra trước. Đổi tay roi rất khó vì đầu roi luôn luôn bị đối phương kìm chặt không thể buông tay ra, nên phải dùng động tác giả đâm vói roi ra trước để cho đốc roi chạy ra đến tay phải, lúc ấy tay trái từ trong đưa vụt ra cầm đoạn trước thay chỗ cho tay phải ?
  6. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Các môn vũ khí (tiếp)
    - Dáo sào và rựa quéo
    + Dáo sào: là một loại vũ khí dài làm bằng một loại tre đực đặc ruột có đầu vót nhọn (cũng được gọi là gậy tầm vông) nếu tại đầu nhọn thay bằng một lưỡi kim loại thì gọi là dáo sào. Đây là một loại vũ khí dùng để trấn áp địch từ xa, dùng để đi săn và chống cướp.
    Trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Mai Xuân Thưởng, nghĩa binh đã dùng dáo sào để phòng thủ căn cứ quân sự tại Thứ Hương Sơn.
    + Rựa quéo: là một loại vũ khí giống như cái rựa đi củi của nông dân nhưng cán dài làm bằng gỗ cứng hoặc tre đực đặc ruột.
    Đây là một loại vũ khí đặc biệt của Bình Định, Phú Yên. Nhà nào cũng có rựa quéo để đi săn, chặt cành hoặc hái trái trong vườn lá đi núi. Rựa quéo vừa là vật dụng vừa là vũ khí che mắt được bọn chính quyền bảo hộ. Rựa quéo mang tính chất hai mặt: vừa là công cụ lao động vừa là vũ khí lợi hại khi cần thiết. Nó hơn hẳn các loại công cụ lao động khác như dao phay, dao bầu, dao xắt rau heo, phảng vẹt bờ ruộng, cuốc chĩa ba? ở nhiều đặc tính:
    - Không quá ngắn, không quá mảnh yếu, dễ sử dụng, sắc bén.
    - Mọi nông dân đều quen dùng thành thạo: chém mạnh, chém sắc, chém xa mà chính xác. Chém rồi khi giật lại kéo cả vật bị chém theo (rất bất ngờ và nguy hiểm cho đối phương) vì vậy khi huấn luyện không cần dạy bộ chém cơ bản mà có thể đi ngay vào luyện thế, ngón nhanh hơn huấn luyện về một vũ khí khác.
    - Do cấu trúc của rựa quéo mà người sử dụng có thể dùng của hai hoặc ba loại vũ khí khác như đại đao, trung bình thương, trung bình tiên, độc câu.
    Lưỡi rựa to bản và dày sống, sắc bén và chắc như một đại đao, loại có mấu như độc câu. Cổ rựa có nhiều vòng khoen bằng sắt làm cho đầu nặng và chắc không sợ kiếm, đao chặt đứt.
    Đầu đốc thường bịt sắt nhọn, cũng có khoen như ở cổ nên chém bằng lưỡi, rồi có thể đánh bằng đốc đâm ngược, đâm lui như một trung bình thương. Có thể liên tiếp dùng hai đầu theo thế "lưỡng đầu tinh tấn" như kiểu trung bình tiên. Và nhất là trong các thế "loạn đả toàn vân" "phát thảo tầm xà" "sào phủ đả ngư"? thì còn lợi hơn trung bình tiên vì có lưỡi sắc. Chính cái cán bằng tre đực vừa cứng vừa chắc vừa dẻo là một cây côn (roi) tuyệt vời.
    So với dáo sào, rựa quéo có nhiều thuận lợi hơn. Rựa quéo vừa đủ dài để áp đảo từ xa vừa gọn (nhất là khi dùng vào trung bình thế) để đánh gần, đánh với đám đông cũng như đánh lẻ, trong khi dáo sào chỉ có lợi điểm là dài, trấn áp địch từ xa nhưng bị hạn chế khi đánh sáp lá cà.
    Rựa quéo nổi danh trong phong trào Cần Vương của Võ Trứ tại Phú Yên và được mang danh là "giặc Rựa Quéo" (cũng có tên nữa là "giặc Thầy Chùa").
    II. Võ kinh
    Võ kinh là sách dạy về phép dụng binh, bố trận, hiểu thiên văn, thông đại lý, tính toán, nhâm độn?
    Muốn trở thành một vị tướng tài ba lỗi lạc, ngoài việc giỏi thập bát ban võ nghệ còn phải nghiên cứu học tập các sách binh thư đồ trận.
    Các sách bàn về binh pháp như: Lục thao tam lược (binh pháp cổ thơ), Binh pháp Tôn Tử của Tôn Vũ là của người Trung Hoa du nhập vào Việt Nam.
    Binh pháp của Việt Nam có: Binh gia diệu lý yếu lược của Trần Hưng Đạo và Hổ tướng khu cơ của Đào Duy Từ. Ngoài ra còn một cuốn binh thư dựa vào hai cuốn binh thư của Hưng Đạo vương và Lộc Khê Hầu viết thành tập Binh thư yếu lược (không rõ tác giả là ai) mà có người lầm tưởng là của Trần Hưng Đạo.
    Tập Binh thư yếu lược phần nhiều chép hầu hết các chi tiết của Binh gia diệu lý yếu lược và Hổ tướng khu cơ.
    Trong binh thư này có nêu 5 yếu tố quan trọng.
    - Hòa mục là đạo hay trị nước, dụng binh cao nhất.
    - Mưu đã định, mới đánh giặc, tiến hay lùi do ở ta.
    - Đánh nơi không có thành, công chỗ không có lũy, chiếu ở chỗ không có trận.
    - Do dự là cái hại lớn trong việc dùng binh.
    - Tướng xem quân như chân tay, quân coi tướng như đầu óc.
    Binh chư yếu lược chú trọng nhiều về mặt thực hành, nêu ra một số tình huống và giải pháp cụ thể.
    Đặc biệt Bình Định có cuốn Tây Sơn binh pháp của Huỳnh Văn Thuận người Mộ Đức, Quãng Nghĩa, học trò của Trương Văn Hiến và là tướng của Tây Sơn, tham chước hai cuốn Binh ngô tôn pháp và Binh thư yếu lược mà tòa soạn ra. Tây Sơn binh pháp chỉ còn trong ký ức người dân Bình Định vì chiến tranh đã làm thất truyền bộ võ kinh quý giá này
  7. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Thi võ
    Mục đích của thi võ là để tuyển chọn người phục vụ cho triều đình. Tùy theo trình độ mà bổ dụng cũng như bên văn. Do đó cũng có ba kỳ thi: Thi Hương, thi Hội, thi Đình. Ngoài ra còn có những kỳ thi đặc biệt để lựa chọn người tài ra giúp nước khi đất nước có tình trạng chiến tranh.
    Triều Lý, Lê đều có tổ chức, song phần lớn là tại thủ đô Thăng Long.
    Triều Nguyễn, năm thứ 17, vua Minh Mạng mở khoa thi đầu tiên tại ba nơi: Huế, Hà Nội, Thanh Hóa.
    Năm 1867, do yêu cầu cấp thiết đào tạo những võ tướng, vua Tự Đức cho mở thêm tại Bình Định, vốn nổi tiếng là nơi nhiều anh hùng hào kiệt và là đất thượng võ, một trường thi võ.
    Trường thi võ Bình Định, khi thành lập, triều đình có ý định là tổ chức giống như ba trường Huế, Thanh Hóa, Hà Nội, nghĩa là cũng có đủ cả thi Hương, thi Hội, thi Đình để chọn tú tài, cử nhân và tạo sĩ.
    Nhưng sau khi tổ chức thì thực tế chỉ là trường thi Hương võ để tuyển cử nhân. Trường không có tú tài như bên văn. Sở dĩ trường không thể tổ chức thi tuyển tiến sĩ võ (tạo sĩ) là vì tạo sĩ sẽ được phong chức chỉ huy (tướng quân) là người ngoài tài côn kiếm ra, còn phải có tài cao học rộng. Về các võ kinh phải giỏi các môn thao lược, binh thư, đồ trận, huấn luyện và tổ chức quân đội. Tạo sĩ phải là người văn võ kiêm toàn, nếu không, khi ra làm tướng phải kèm theo một quan văn làm tham mưu giữ chức Tham tán Quân vụ hoặc Tán tương Quân vụ.
    Khóa đầu tại trường võ Bình Định chỉ lấy được đủ số võ cử nhân. Rất ít người có đủ tiêu chuẩn thi tạo sĩ nên không thể mở tiếp kỳ thi Hội mà phải tập trung về Huế.
    Khóa thứ hai cũng vậy và mặc nhiên trường thi võ Bình Định trở thành trường võ cử nhân. Mặt khác, cũng do thiếu cả người có đủ tư cách và tài năng làm giám khảo vì số đủ tài năng rất ít, chỉ đủ tập trung chấm tại kinh đô.
    Còn một việc chính là nạn kỳ thị và bè phái. Dường như chức tạo sĩ chỉ để dành cho các võ sinh thuộc dòng dõi hoàng tộc hoặc cháu em của các bậc quyền hành tại kinh. Lâu nay chưa hề có một tạo sĩ người Bình Định hoặc Hà Nội. Câu chuyện ông Mười ở Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định kể là một ví dụ điển hình.
    1. Thi Hương
    Sau đây là một bài viết về một kỳ thi võ năm Mậu Dần (1878) được ông Tiêu Đàm tả trong Tri Tân tạp chí, số 2, ngày 10 tháng 6 năm 1941.
    Khoa thi võ năm Mậu Dần (1878)
    "Năm ấy, niên hiệu Tự Đức 31 (1878) nhân ngũ tuần đức Dục Tôn và thất tuần đức Từ Dụ Hoàng Thái hậu, triều đình mở ân khoa thi văn và thi võ tại Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và các tỉnh Bắc Thành Hà (Hà Nội). Xong thi văn đến thi võ.
    Ở Hà Nội, sau khi trường thi văn xướng danh là ngày mồng một tháng một, thì đến lượt các võ thí sinh sửa soạn vào trường.
    Trước khi thi một ngày, các quan tiến trường. Rồi hôm sau, mờ đất, đầu trống canh tư, sau những hồi trống dõng dạc, dưới những ánh linh điệu sáng rực, các quan trường, mũ áo tề chỉnh, che lọng, ngồi trên các hàng ghế ngay cửa chính. Lại phòng gọi danh sách các võ thí sinh vào trường.
    Khoa này các ông Chánh chủ khảo là ông Lê Trực, Tạo sĩ xuất thân, lĩnh lãnh binh tỉnh Hà Nội và Phó chủ khảo là ông Bùi Ủng, Binh bộ Tả Thị lang do triều đình Huế cử ra cùng với các quan Phúc, Sơ, Phân, Giám.
    Thí sinh có ngót 8.000 người, phần đông là các tỉnh: Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương, Ninh Bình, Hưng Yên.
    Sáng rõ mới gọi hết các thí sinh vào trường. Khác với thi văn, võ sinh chỉ vào người không, không mang theo gọng lều ống quyển, vì suốt trong các ngày thi, các thí sinh đều đứng giữa trời, mặc mưa gió. Lúc vào thi được phép cởi áo dài, chỉ mặc áo ngắn (áo mã khoa). Đến kỳ đấu roi thì cởi trần, chỉ mặc một cái quần. Cởi trần để dễ thấy ngay, nếu trúng roi trong thi đấu thì có chấm mực.
    Khi thi, bốn cửa trường đều đóng chặt. Trong ngoài có đội thể sát và lính tuần canh rất nghiêm mật.
    Ròng rã suốt cả tháng Một, cứ cách ba ngày lại một ngày thi. Ai có điểm ưu bình kỳ đệ nhất mới được vào kỳ đệ nhị; kỳ đệ tam, kỳ đệ tứ cũng thế, kỳ đệ ngũ là phúc hạch.
    Số trúng cách còn độ 120 người sau các kỳ chọn lọc.
    Đại để trong khoa này, các kỳ thi có những món võ nghệ sau đây, xin lần lượt biên từng kỳ một.
    Kỳ đệ nhất
    Xách hai quả tạ nặng 100 cân, hai tay xách hai quả. Có người khỏe thì cắn thêm một quả. Đi được 20 trượng là thứ, 30 trượng là bình, 36, 40 trượng là ưu.
    Múa côn sắt, côn nặng bằng 36 quan tiền kẽm, nếu đi được 1 bài là thứ, 2 bài là bình, 3 bài là ưu.
    Kỳ đệ nhị
    Côn gỗ, đi đủ 3 bài, quên một bài cũng hỏng.
    Khiên (đằng bài), bằng mây và gươm: một bài.
    Siêu hay đại đao, nặng bằng 15 quan tiền: một bài.
    Độc kiếm, kiếm dài 1 thước 50 phân ta, nặng bằng 15 quan tiền: một bài.
    Dùng ngọn giáo dài 9 thước ta, đứng cách xa bồ nhìn mười trượng, chạy đến đâm. Chỗ đất thí sinh đứng cách bồ nhìn có đào sẵn ba cái hố, sâu 5 thước, ngang ba thước. Cứ ba hố thì ba quãng đất không, nghe trống thúc phải chạy, không được đi thong thả, nhảy qua ba cái hố sâu, rồi nhằm đâm trúng rốn bồ nhìn. Kỳ này, khó vì nhiều người bị sa hố, không đến được chỗ bồ nhìn. Các bài trên đi không quên, múa tốt thì được ưu bình, nếu đâm trúng rốn bù nhìn hay đâm sượt qua cũng được vào đệ tam.
    Kỳ đệ tam
    Bắn súng có máy đá. Từ chỗ bắn đến chỗ dựng bia cách xa 25 trượng, phải bắn 6 phát. Mỗi phát trúng đích thì ăn hai quyền (vào vòng tròn là quyền). Vòng tròn ở bia rộng một thước hai ta, còn cái dĩa đích thì bằng ba tấc. Không trúng vòng là liệt.
    Được một hay hai quyền là thứ hạng. Được ba hay bốn quyền là bình hạng. Được năm hay sáu quyền là ưu hạng. Ai được ưu, bình, thứ thì được vào phúc hạch.
    Kỳ đệ tứ và phúc hạch
    Đấu roi: Dùng hai côn gỗ dài 7 thước ta, đầu côn bọc giẻ có nhúng mực. Ai thắng đấu với thắng, phụ đất với phụ. Nhất thắng nhất phụ là thứ hạng; nhất thắng nhất đồng là bình hạng; nhị thắng là ưu hạng.
    Bắn: Bia là một người bồ nhìn bằng bùn quét vôi. Thí sinh đứng cách bia 25 trượng. Kỳ này trúng một phát cũng được. Cách tính điểm số như sau: một phát là thứ, hai phát là bình, ba phát là ưu.
    Xong cả bốn kỳ thi đến xướng danh, rồi các thí sinh lại phải xách tạ lại. Nếu đi trụt một, hai thước cũng bị đánh hỏng. Sở dĩ có kỳ thi này là phòng thi gian.
    Trong kỳ thi phúc hạch khoa này có ông Bùi Duy Thiên, quán làng Hòa Mã, tỉnh Hà Nội, vì ốm nên xách tạ bị trụt; quan trường phải làm sớ tâu lên. Ông bị gọi vào kinh thi lại trong một ngày, nhưng sau cũng lấy đỗ vào hạng cử nhân võ.
    Kết quả khoa này chỉ được có 34 võ cử nhân ghi tên hổ bảng. Bảng bằng phên cót, sau lưng có vẽ con hổ. Quan trường vì thương trong bọn thí sinh có nhiều người tài, nên lấy đỗ thêm 80 người nữa và ban cho áo mũ hẳn hoi, nhưng sau sớ tấu về kinh 80 ông cử này bị bác và bị tỉnh thần ở nguyên quán, theo tờ sức đòi lại áo mũ. Mỗi người lại phải trả 12 quan tiền, là tiền giặt áo ban nữa. Vì có sự này nên trong số 80 ông cử trượt ấy, người thì phẫn uất mà chết vì khao vọng cả, người thì bất đắc chí mưu đồ làm việc khuấy nước chọc trời.
    Thế là khoa Mậu Dần chỉ có 34 võ cử nhân.
  8. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    2. Thi Hội
    Sau khi thi Hương, đến thi Hội.
    Phép thi Hội cũng giống như thi Hương, nhưng mỗi kỳ đều tăng trọng lượng.
    Hai quả tạ của thi Hương nặng 60 cân mỗi quả, thì quả tạ của thi Hội là 65 cân.
    Thi Hương phải đi 16 trượng, thi Hội 20 trượng.
    Côn và Sang thi Hội cũng nặng hơn.
    Cách cho điểm cũng như thi Hương.
    Sau khi trúng cách, thí sinh được vào thi đình, tuy nhiên không bắt buộc.
    3. Thi Đình
    Thi Đình lấy văn tự làm đầu tỷ võ. Hội đồng giám khảo dưới quyền chủ tọa của Hoàng đế.
    Thi Đình gồm một vài bài hỏi về võ kinh, một vài điều yếu lược về cách dùng binh và một vài câu về thời sự. Hội đồng xét văn lý hơn kém định phân số. Ai đủ phân số đỗ võ Tiến sĩ (Tạo sĩ), những thí sinh không có phân số nào hoặc đậu Hội thí mà không vào Đình thí được lấy đỗ vào Phó bảng.
    Đình thí thi luôn trong một ngày ở điện Thái Hòa, chỉ có độ 10 phút nghỉ để ăn cơm của vua ban.
    Các bài thi gồm có:
    - Thập bát ban võ nghệ: Phải đánh thảo đủ 18 thứ binh khí, dùng binh khí thật, sai một bài cũng bị đánh hỏng.
    - Đấu quyền: Thí sinh phải đấu với năm người lính ngự lâm giỏi võ, do quan trường lựa chọn. Đấu thắng được năm người là ưu, ba người là bình. Thắng chỉ có hai người là hỏng.
    - Đấu roi, đấu côn: Cũng đấu với năm lính ngự lâm giỏi võ, do quan giám khảo lựa chọn và phải thắng được ba người trở lên.
    Sau khi hạch võ, các thí sinh ăn cơm trưa và ăn xong lại vào thi đối sách.
    Thi đối sách gồm các câu hỏi về võ kinh, các điều yếu lược về cách dùng binh ghi trong các binh thư.
    Các bộ võ kinh như Binh Pháp Tôn Tử, Binh Thư Yếu Lược, Hổ Tướng Khu Cơ ? đều được đem ra chất vấn để cho thí sinh lý giải và ứng đáp. Thêm vào đó có một vài câu nhận định về thời sự.
    Đối sách xong, thí sinh phải hạch lại bằng cách thi bắn. Mỗi người phải bắn 9 phát, phải trúng hồng tâm ít nhất là 3 phát. Kỳ này gọi là Phúc hạch cửu phục để phòng thi gian.
    Hội đồng giám khảo dưới quyền chủ tọa của Hoàng đế văn lý, định phân số. Ai đủ điểm được lấy đậu Tạo sĩ, những thí sinh không đủ điểm quy định sẽ cùng với các vị thi Hội đậu mà không thi Đình đều đậu Phó bảng.
    Các Tạo sĩ, võ Phó bảng, võ Cử nhân sẽ được triều đình lựa chỗ bổ dụng như bên văn và quyền lợi ở xóm làng đình trung cũng vẫn như bên văn khoa.
    Ngoài các cuộc thi võ có định kỳ còn có những kỳ đặc biệt triều đình mở ân khoa - hoặc tổ chức các cuộc tỷ võ để lựa chọn ngay người tài trong khi quốc gia hữu sự.
  9. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Thi võ tại trường Bình Định
    Trường võ tại Bình Định được thiết lập năm 1867, đời vua Tự Đức thứ 20. Sau đây là câu chuyện kể lại về thi võ tại trường thi Bình Định. Người kể câu chuyện là ông Mười, người Phước Thuận, huyện Tuy Phước, đã từng hai lần thi võ tại Bình Định, theo hồi ký của Quách Trường Sa.
    * Ông Mười thi võ
    Xưa nay mọi người con nhà võ đều biết câu "Roi Kinh, quyền Bình Định". Còn trong tỉnh thì "Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh".
    Roi thì mình không có tiền rước thầy học cho thật đầy đủ các kỹ thuật, mánh khóe, nên khi ra biểu diễn người ta chê là quê. Còn khi đấu thì vướng phải ngọn roi bí truyền, nó rượt toát mồ hôi mà không tìm ra được một chỗ sơ hở để công kích lại.
    Còn quyền thì mình khó tranh với bọn gà nòi An Vinh, An Thái, huyện Bình Khê, huyện An Nhơn. Họ học võ từ nhỏ đã biết đánh quyền Ngọc Trản. Mấy chục năm gần đây họ lại có võ Tàu như Thiếu Lâm du nhập. Hiện nay có 4 phái: Phái ông Ngạc, phái ông Nghĩa, phái Từ Thứ - Đoàn Phong, phái An Thái. Mỗi phái lại có tuyệt riêng không truyền cho ai (ngoại trừ học trò cưng của mình). Phải giàu có, giao du rộng rãi mới học được một vài ngón nghề, mới có đầy đủ kinh nghiệm để tranh tài.
    Thi đậu chưa hẳn là do tài sức đâu? Khoa đầu tôi chưa đủ kinh nghiệm, phí sức nhiều quá mà không đạt quy cách nên hỏng trường nhì.
    Về nhà tập luyện, học thêm ba năm rồi đi thi lại. Lần này gánh theo 300 quan tiền để trải đường, lót tay, nhưng rồi cũng hỏng trường nhì, vì lót không đúng tay. Bọn cai đội chỉ giúp được các việc lặt vặt như chọn cho súng tốt, cung tốt? mà không cho điểm được. Còn ông cho điểm thì 300 quan lại không đủ lót tay ông.
    Trường nhất xách kẽm (xách tạ) đánh thảo Ngọc Trản, đánh thảo roi Ngũ Môn, đánh thảo siêu đao tôi không xuất sắc lắm, nhưng đậu một cách dễ dàng.
    Gay nhất là xách kẽm. Hai "ông kẽm" mỗi ông là một khối kẽm hình hộp nặng 1 tạ, có quai bằng mây bọc vải. Sở dĩ gọi bằng ông vì chúng tôi cho rằng khối kẽm đó rất linh thiêng, nên thường hay cúng vái và dán giấy vàng bạc lên đó.
    Thí sinh mỗi tay xách một ông chạy hoặc đi nhanh 200m vừa đi vừa về. Ngày thường mình cũng tập xách hai khối sắt đúng cân lượng như thế rất dễ dàng; nhưng không hiểu tại sao lúc nào vào trường thi, khi đứng giữa hai ông kẽm thì thấy mình phát sốt lên, thân toát mồ hôi. Khi hai tay cầm vào quai xách chờ lệnh thì trong đầu lùng bùng, tai điếc đặc cho đến khi lính giục, giật mình xách lên chạy thì chân như loạng choạng, cái cổ dài ra, hai vai lép xuống, như thế cho đến khi tới cuối đường quay lại thì chờn vờn như không còn có thể bước được nữa. Thế nhưng vẫn cố gắng lê về được đến đích, đạp lên đường vạch, để hai ông kẽm xuống thì con người như muốn ngã chúi ra đằng trước, bước tới bái giám khảo như đi trong cơn mê. Được điểm cập cách: Bình 3. Vào trường nhì.
    Tại trường nhì có các môn: bắn cung, nỏ vào hồng tâm. Bắn súng nạp tiền (nạp đạn phía trước) vào bia cát, nhảy qua hào, quay ba vòng đâm bù nhìn. Cỡi ngựa phi, tế, nhảy rào, nhảy nương múa kiếm.
    Đây là những môn thi cần phải "lót tay", "lót đường" mới qua được.
    Thường thì bắn súng nạp tiền tức là súng xưa, bỏ thuốc súng vào nện chặt, lót bông rồi bỏ đạn vào từ phía trước nòng. Có ngòi để châm lửa (như súng kíp của người Mèo) nhưng trong khoa thi năm ấy, lính tập lại mang đến 20 khẩu súng trường loại mới nạp hậu. Tôi lo tiền anh lính khố xanh bày vẽ cách ngắm, cách bóp cò. Tập cả một ngày đầy đủ chỉ thiếu có đạn nổ thật. Tối lại nhờ ông ấy nói với thầy Cai, hôm sau khi đến lượt tôi thì chọn giúp cho một khẩu súng bắn êm, nhẹ, ít rung và chính xác. Tất cả hết 50 quan tiền (tức là 7 đồng bạc Đông Dương bấy giờ).
    Đến phiên tôi bắn thi, anh lính ấy xem bia và giao súng, nháy mắt với tôi và nói:
    - Súng này tốt nhất, cần cố gắng bắn cho thật đạn nhé.
    Tôi hồi hộp cố nhớ lại các thao tác yếu lĩnh để làm cho thật đúng.
    Một sự bất ngờ: ngắm, nạp đạn, ngắm lại rồi siết cò. Đoành một tiếng, chát cả hai tai, tôi giật nảy mình làm rơi cả súng. Cờ phất báo trúng điểm.
    Đến phát thứ hai, vì tiếng nổ chát chúa lần trước vẫn còn ám ảnh nên khi định bóp cò, tôi ngại ngần dừng lại. Rồi lại ngắm và định bóp cò. Đoành, súng văng ra một bên. Lần này đạn không trúng đích. Và cứ như vậy, trong cơn hoang mang, tôi thi bắn bằng các thao tác lộn xộn. Tai thì ù đi, mắt hoa lên, ***g ngực phập phồng dồn dập theo tiếng trống giục liên hồi. Thôi đành bắn càn được điểm nào hay điểm đó. Cầm bằng thi bắn hỏng trên tay.
    Bắn xong 6 phát, trả lại súng ra đi mà không cần nhớ hỏi xem được bao nhiêu điểm nữa.
    Môn nhảy qua 3 hào (mỗi cái rộng 3 thước ta tức 1,8m) quay ba vòng rồi đâm con bù nhìn dưới hào xuất hiện, nhảy qua được ba cái hào, tim tôi đập liên hồi rồi xoay đi 3 vòng tôi cảm thấy trời đất chao đảo và nhìn con bù nhìn trước mắt, thấy nó như cử động chạy qua chạy lại. Và cuối cùng tôi đâm được 3 lần. Cả ba đều trật.
    Sở dĩ tôi thất bại môn thi này trước tiên là do thiếu luyện tập hằng ngày, sau là do tiếc 20 quan lót tay cho tên lính phụ trách đẩy con bù nhìn trồi lên mặt hào, nó đưa lên hoặc chậm hoặc nhanh một chút là mình đâm sai ngay. Vì khi cầm ngọn giáo xoay quanh 3 vòng thì chóng mặt lắm nhưng ở cuối vòng ba nó đưa lên kịp thời thì theo quán tính mình đâm trúng ngay, nếu nó đưa lên sớm thì khi quay xong 3 vòng mình mới đâm thì con bù nhìn đã thụt xuống hào rồi. Còn nếu nó đưa lên muộn thì quay 3 vòng xong lại không thấy con bù nhìn và không thể quay lại để đâm.
    Mỗi môn thi điểm bình là 15, ưu là 30 điểm. Thi được 3 môn rồi mà chỉ có 26 điểm (4 môn trung bình phải 60 điểm) còn môn cỡi ngựa, múa kiếm, nhảy hào nhảy mương là môn mình kém nhất thì không mong gì có nhiều điểm để bù vào.
    Cho nên tôi bỏ không thi môn cỡi ngựa ?
    Ông Mười không được vào trường ba (đấu quyền, đấu roi) và phúc hạch (đấu roi phân hạng) nên không nói rõ chi tiết.
  10. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Ông Tạo sĩ Phù MỹCâu chuyện này cũng do ông Mười ở Phước Thuận, huyện Tuy Phước kể.
    - Việc thi võ Cử nhân ở Bình Định rồi phải ra thi Tiến sĩ ở Huế đã gây nên một việc vô lý như sau:
    Một ông đậu thủ khoa trường võ Bình Định ra Huế thi Tạo sĩ. Thấy ông ấy giỏi binh thư đồ trận lại võ nghệ cao cường, triều đình Huế sợ ông chiếm vị trí thứ nhất mà triều đình đã có ý định trao cho một người tôn thất quen lớn trong triều. Nếu có chèn được ông ta thì chỉ chèn được trên bài vở, còn lúc giao đấu thì phải chờ hơn thua.
    Quả nhiên, sau khi đấu lực, đấu tài, ông ấy đã đỗ đầu tiến sĩ. Triều đình rất bực mình.
    Sau khi bái mạng, ông Tạo sĩ bèn cưỡi ngựa về làng. Khi đến đèo Nhông thuộc huyện Phù Mỹ, ông bị cọp chận đường. Ông nhảy xuống ngựa, dùng đoản đao đánh nhau với cọp từ nửa đêm đến gà gáy. Cuối cùng mãnh hổ bị hạ gục.
    Nhân dân Phù Mỹ đã nhiệt liệt hoan hô chiến công oanh liệt đầu tiên của vị Tạo sĩ Tân khoa, tổ chức tiệc khoản đãi để chúc mừng và lập bản tường trình về triều đình để tuyên dương công trạng.
    Đợi đến ba tháng thì tỉnh nhận được lệnh của Bộ thi hành kỷ luật nghiêm khắc đối với Tân khoa Tạo sĩ giết cọp. Lý do được nêu ra:
    - Xưa nay cọp được coi là ***** của con nhà võ và nơi nơi đều có lập miếu thờ: ngũ hổ, bạch hổ và tôn thờ làm võ sư. Thế mà một Tạo sĩ, mới đậu, đã quên căn, quên ơn thầy mà giết đi thầy. Đó là một tội phản sư của hạng người bất hiếu. Vì vậy nên triều đình đã thượng tấu xin thu hồi bằng Tạo sĩ của đương sự và hạ xuống hàng thứ dân. Đồng thời phạt đánh 30 trượng.
    Thế là triều đình gạt được người có tài đã tranh mất vị trí khôi khoa của người đã được chọn trước. Và như vậy người ấy được nâng lên thay thế chức vụ đã dành sẵn cho vị thủ khoa đột nhiên bị khuyết.
    * Chuyện cụ Trung Quân
    Cụ Trung Quân người ở vùng Đông Lâm, Thọ Lộc, huyện Bình Khê (Tây Sơn), ông nội của Đội Bốn, phục vụ tại thành Bình Định trước năm 1945.
    Lúc bấy giờ Bình Định chưa có trường thi võ nên cụ phải ra Huế thi.
    Môn đầu tiên là xách tạ (cũng gọi là xách kẽm). Đây là một môn thi loại gần một phần ba thí sinh. Khi tập luyện, võ sinh cũng xách bao nhiêu trọng lượng đó song khi vào thi thì có nhiều người vì tự kỷ ám thị nên không vượt qua khỏi. Có người vừa cúi xuống xách ông kẽm lên đã thấy hốt hoảng, chân tay bủn rủn, đầu óc mê sảng. Bước được vài bước, gân cổ căng ra, mắt lồi hẳn rồi lảo đảo đi một vài bước thì quỵ xuống hoặc buông "ông kẽm" ra đứng thở dốc, mặt bơ phờ. Cho nên trước ngày thi, thí sinh thường đến cúng lễ và dán giấy vàng bạc lên mình "ông kẽm".
    Nhưng cũng có nhiều thí sinh có sức khỏe lạ thường, họ xách tạ chạy phăng phăng như người làm vườn xách hai gàu nước tưới cây. Có một vài người hai tay xách, miệng còn cắn thêm một tạ nữa.
    Cụ Trung Quân là người rất khỏe. Mở đầu cuộc thi, cụ xách mỗi tay một "ông kẽm" và dang thẳng cánh tay ba lần. Xong rồi để "ông kẽm" xuống trước mặt, dùng một tay xách hai quai, co tay thước thợ lên ngang ngực xong rồi từ từ bước đi. Ban đầu đi, sau chạy, không phải 200 thước mà chạy vòng quanh võ trường có đến mấy nghìn thước. Khi về đến chỗ khởi hành, nét mặt cụ không thay đổi, hơi thở vẫn điều hòa. Toàn bộ ban giám khảo họp tuyên dương và lấy đậu thủ khoa khỏi cần phải thi các môn khác.
    Nhưng trong các thí sinh có dư luận: "Võ giả dòng vi bán" (Trong võ, sức mạnh là một nửa) ông ấy mạnh thật không ai sánh kịp, nhưng muốn chiếm thủ khoa còn phải rành kỹ thuật côn, kiếm, đao, cung. Hứa Chữ tuy khỏe nhưng đâu có thắng nỗi Mã Siêu".
    Ban giám khảo nhượng bộ một phần: miễn thi các môn khác, lấy đậu cử nhân. Còn sắp xếp hạng còn phải qua phúc hạch.
    Tại sân võ trường, Cụ Trung Quân cầm roi đứng đợi giao đấu trường tiên với 10 thí sinh có số điểm cao nhất.
    Người thứ nhất xông vào. Hai roi vừa chạm nhau kêu hai tiếng "lắc, cắc" thì nghe vụt một cái ngọn roi của người đấu văng bổng lên cao sau một tiếng "cắc" khô khan. Tay chỉ còn một đoạn roi ngắn, ông cử nhân kia mặt tái mét, chân vội vàng chạy trốn. Cụ không đuổi theo chỉ chống roi xuống đất, đứng đợi người thứ hai. Người này thân hình to lớn, gân tay nổi lên cuồn cuộn, tỏ ra có sức mạnh phi thường.
    Lần này cụ không dùng sức mạnh mà dùng thế "Lạc Côn" để hạ đối phương.
    "Thế Lạc Côn" là một thế roi dùng để lừa địch. Khi đâm, võ sinh giả rơi đầu roi ra khỏi tay trước. Đầu roi rơi xuống đất giữa hai chân của đối phương. Nếu đối phương không biết thế lừa này nên khi nghe tiếng đầu roi vừa chạm đất là tranh thủ lướt tới đâm thì bị mắc mưu ngay. Người thả rơi đầu roi chỉ chờ hành động ấy của đối phương, liền bước sang một bên tránh đầu roi địch, cầm nhanh ngọn roi mình lên, lật mạnh một cái. Đầu roi đang nằm giữa đôi chân của đối phương và nhân đối phương tiến tới nên khi đầu roi được hích lên sẽ đẩy một chân đối phương hỏng lên, đối phương chỉ còn đứng một chân nên sẽ lúng túng không sử dụng roi của mình được. Nếu người dùng thế lạc côn có sức mạnh thì có thể dùng đầu côn vích mạnh khiến đối phương ngả nghiêng. Nếu không khỏe thì cũng treo được một chân của đối phương lên chới với và phải buông roi của mình chụp lấy roi của người ra thế cho khỏi ngả nghiêng.
    Trong trường hợp đối thủ không phải vừa tay, biết rõ đó là thế lạc côn thì sử dụng cách phá thế lạc côn: khi đầu roi của người ra thế vừa chạm đất, người phá thế phải lấy gót chân đá móc thật mạnh khiến cho đầu roi văng xa và lập tức xông tới đâm thẳng vào đối phương. Người ra thế, lúc bấy giờ, chỉ còn cầm roi ở tay sau không chống đỡ kịp đành phải né tránh rồi bỏ chạy.
    Ông Trung Quân dùng thế lạc côn, ông cử nhân kia dùng thế phá lạc côn và xông tới đâm thẳng với lòng tin chắc thắng. Nhưng nghe đánh rắc một cái, ngọn roi của đối phương đã bị cụ Trung Quân nắm chặt và bẻ gãy làm đôi, nhân đà cụ quật luôn đối phương ngã xuống đất. Cuộc đấu roi chỉ xảy ra trong chớp mắt, khiến mọi người không khỏi bàng hoàng kinh sợ.
    Tám ông cử điểm cao còn lại, không ai bảo ai, bước ra trước ban giám khảo xin được miễn thi đấu và quay qua cụ Trung Quân bái tạ xin tôn là thủ khoa. Cuộc phúc hạch chỉ còn giữa mười ông cử nhân điểm cao để tranh á nguyên.

Chia sẻ trang này