1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Võ nhân Bình Định - Quách Tấn & Quách Giao

Chủ đề trong 'Tác phẩm Văn học' bởi DeNhatKhao, 03/09/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Triều đại võ Tây Sơn
    Võ thuật đời Tây Sơn là đỉnh cao của võ thuật Bình Định. Nhiều lúc ba chữ võ Bình Định hòa lẫn với võ Tây Sơn. Nói đến võ Bình Định, người ta nghĩ ngay đến võ Tây Sơn. Nói đến võ Tây Sơn thì ta lại biết ngay là nói về võ Bình Định.
    Vậy đặc điểm của thời võ Tây Sơn là gì?
    Về võ thuật có 4 môn: Côn, Quyền, Kiếm, Cổ.
    Về binh khí thì có: Tây Sơn thập thần vũ khí.
    Về ngựa thì có: Tây Sơn ngũ thần mã.
    Về nhân vật thì có: Tây Sơn Tam Kiệt, Tây Sơn Thất Hổ tướng, Tây Sơn Ngũ Phụng Thư. Tây Sơn Lục Kỳ sĩ, Tây Sơn Tứ danh sư.
    * Võ thuật thời Tây Sơn
    1. Côn:
    Về côn thì ở nơi nào cũng có, gồm có hai thứ: Trường côn tục gọi là roi, đoản côn tục gọi là thước.
    - Trường côn cũng có hai loại: roi trường (roi đấu) và roi chiến. Roi trường cao hơn đầu người, thường gọi là trường tiên dùng trong chiến trận. Có khi dùng trên ngựa thì sống như ngọn thương. Roi chiến hay gọi là trung bình tiên thường cao hơn đầu người một chút hoặc ngang bằng đầu người. Thường dùng để đánh với đám đông người.
    - Đoản côn có tên gọi là thước, dài tới vai người sử dụng là một vũ khí cá nhân gọn gàng trong việc sử dụng và di chuyển. Tại Bình Định có nhiều võ sĩ dùng đoản côn dài hơn kích thước thường hoặc ngắn chỉ bằng 1 sải tay có thể dắt gọn vào lưng. Côn làm bằng gỗ dẻo và chắc như gỗ kiền kiền. Sớ của gỗ phải là sớ dọc. Nếu gỗ có sớ ngang thì sẽ dễ gãy. Đôi khi côn cũng làm bằng thép.
    2. Quyền
    Đặc điểm của quyền Bình Định là môn quyền hòa hợp giữa ngạnh quyền và miên quyền.
    Ngạnh quyền là quyền dùng sức mạnh bên ngoài mà cốt ở sự uyển chuyển hòa hợp. Lấy nội công làm chính.
    Ở Bình Định, các võ sư thường dạy cho các môn đệ cả hai thứ. Người giỏi bên ngạnh quyền, nội công vẫn có. Người chuyên về nội công, ngạnh quyền không đến nỗi tầm thường.
    3. Kiếm:
    Là một loại binh khí bằng kim loại sắc bén. Kiếm gồm hai loại kiếm và đao.
    Kiếm thì có trường kiếm và song kiếm. Thường trường kiếm thì đàn ông dùng, song kiếm thì đàn bà dùng. Trường kiếm phát huy sức mạnh. Song kiếm thích hợp uyển chuyển, lẹ làng.
    Đao thì có đại đao, tục gọi là siêu và đoản đao gọi tắt là đao. Bình Định thường sử dụng loại đao ngắn gọi là mã tấu thường để đánh giáp lá cà với địch. Rựa và dao bảy cũng được liệt vào loại đao.
    4. Cổ
    Là môn võ trống.
    Đây là một bộ môn võ thuật đặc biệt của thời Tây Sơn. Cho nên còn gọi là trống võ Tây Sơn.
    Trống võ dùng để luyện tập võ và điều binh khiển trận.
    Bộ võ trống gồm 16 cái lớn nhỏ được bố trí thành một giàn trống như sau:
    Đứng ngay chính giữa là võ công. Hai giàn trống nằm ở vị trí trước và sau võ công.
    - Phía sau gồm 4 trống lớn, đường kính hơn một thước tây, được treo trên một kệ gỗ gồm từng đôi một. Hai cái gần sát đất, hai cái ngang đầu người. Bốn trống này được võ công đánh bằng gót chân, cùi chỏ và đầu.
    Tùy theo tầm vóc của võ nhân mà khoảng cách treo trống cũng tăng giảm theo. Tuy nhiên, khi luyện võ đã khá thuần thục thì khoảng cách càng chênh lệch càng phân biệt được tài nghệ cao thấp. Ban đầu thì khoảng cách thuận vị trí của gót chân, cùi chỏ, sau này trống treo ở bất cứ nơi nào võ nhân cũng dùng gót và cùi chỏ chân đánh trúng. Khán giả chỉ nhìn theo gót chân, cùi chỏ người có võ thuật hay chỉ nghe tiếng trống vang lên dòn dã, âm điệu nhịp nhàng và âm sắc như nhau thì biết được sự điêu luyện của võ nhân. Còn khi nghe tiếng trống khi to khi nhỏ, khi kêu khi tắc, thì biết ngay tay học trò võ mới vào nghề.
    - Phía trước võ nhân là một giàn trống gồm 12 cái, nơi trung tâm là hai trống lớn bằng một nửa trống phía sau. Hai trống này làm chủ cả giàn trống trầm hùng luôn luôn rền vang liên tục, âm dương hòa lẫn cùng nhau. Khi người sử dụng có nội công thâm hậu thì tiếng trống vang xa gây thành tiếng sấm rền vang. Khi tiếng trống âm dương thay đổi nhịp điệu, người nghe biết rằng thế trận đang đổi thay, khi hùng hồn dòn giã là khí thế tấn công. Khi trầm trầm chậm rãi là lúc đoàn quân di chuyển?
    Phía trước hai trống âm dương có 4 trống chiến, mặt trống lớn bằng hai phần ba trống âm dương. 2 cái nằm trước trống âm, 2 cái nằm trước trống dương, được phối khí theo trống mẹ: 2 âm, 2 dương. Âm nằm bên trái, dương nằm bên phải. Tiếng trống âm nghe trong và cao. Tiếng trống dương nghe trầm và đục. Bốn trống của hai loại này dùng để điều khiển binh sĩ, hợp với trống mẹ. Khi tiếng trống âm vang rền thánh thót thì trận thế cần thủ nhiều hơn công. Khí tiếng trống dương rền vang là lúc xung phong kết thúc trận tiền. Phối hợp nhịp nhàng, bốn trống đại phía sau vẫn điểm nhịp khi khoan thai, khi dồn dập.
    Sau hai trống âm dương một dãy gồm 6 trống nhỏ chỉ bằng nửa hai trống âm dương. Đây là một dãy trống dùng trong việc điều hành, phối hợp. Nó chỉ dùng trong việc luyện tập, hiệu lệnh, từ trái sang phải 6 trống này có độ căng của mặt trống khác nhau nên khi đánh lên có 6 âm độ khác nhau. Khi được đánh lên, âm thanh của 6 trống sẽ tạo nên những nhịp điệu khoan thai, dồn dập ? điều khiển ba quân làm theo tiếng trống: hội quân, xuất quân, hành quân ? Trong các cuộc thao diễn, 6 trống này hòa nhịp với 2 trống âm dương làm thành một giàn nhạc võ. Hai trống âm dương đánh nhịp thùng, thùng, 6 trống hòa reo làm nhịp nhàng thế võ. Giàn trống thay thế cho giàn trống kèn của các nước Tây phương. Tuy nhiên có nhiều cái khác biệt là giàn trống chỉ một người đánh, phải là một vị tướng vừa đánh vừa chỉ huy hoặc điều khiển hành quân, tác chiến bằng âm tanh trống.
  2. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Người đánh trống cũng tùy nghi mà sử dụng 12 cái trống chớ không nhất thiết phải đánh cái nào bỏ cái nào. Sự phối hợp âm thanh lại là một nghệ thuật nên mỗi người có một cách biểu diễn riêng biệt, tuy các điều căn bản vẫn không được thay đổi. Nòng cốt của sự điều khiển là phải biết cái nào là chủ cái nào là khách, tiếng nào là đệm, tiếng nào là nhịp. Cũng tương tự như trong giàn trống của một ban hát bội. Tiếng chầu thì điểm nhịp cho câu hát, trống con thì hòa nhịp, tạo nhịp?
    Người đánh trống phải giỏi võ, có nội lực thâm hậu, sức khỏe dẻo dai. Phải giỏi võ, ví như một nhạc công phải hiểu nhạc lý thì nghệ thuật mới cao tuyệt. Phải có sức và dẻo dai để tiếng trống được liên tục, được hùng hồn.
    Trong một đám múa lân, ta thấy người đánh trống làm vũ đạo cho con lân khi lui, khi tiến, khi chồm bên tả, khi nghiêng bên hữu, khi đứng cầu, khi tạ ơn ? Khi con lân đã hòa theo nhịp trống thì nghệ thuật múa lân đến cao độ và đánh trống với vai múa lân hoàn toàn có giá trị ngang nhau. Cho nên trong đám múa lân thường là tay cầm đầu giữ vai trò đánh trống (thường thầy đánh trống trò múa lân, khi cần thiết, thầy mới múa, song phải cần người đánh trống cho hay).
    Trong một giàn trống ít khi viên chủ tướng ra tay đánh trống mà phần nhiều do các đệ tử được đào tạo có căn bản rồi đánh theo hiệu lệnh của viên chỉ huy. Chỉ khi nào cần thiết lắm viên tướng chỉ huy mới đích thân cầm roi trống. Do đó có một toán chuyên viên đánh trống. Thay phiên nhau, giữ cho nhịp trống luôn luôn rền vang. Khi cần thay người, võ công chỉ cần hô lớn lên rồi quẳng hai dùi trống lên cao. Lập tức người kế tiếp phi mình lên đón bắt rồi rồi nhẹ nhàng rơi vào vị trí trung tâm và tiếp tục nhiệm vụ. Trong khi đó, người trước đã lanh lẹ lùi sang một bên đứng điều công vận khí lấy lại hơi sức. Màn biểu diễn đổi roi trống đẹp như một màn biểu diễn võ thuật. Trên chiến trường khi người võ công đang đánh trống mà bị thương thì việc tiếp tay thay dùi trống vẫn diễn ra như vậy.
    Khi lâm trận, bộ trống được đặt lên một giàn xe có quân yểm trợ là một đoàn kỵ binh được trang bị khiên mộc che tên và giáo dài chiến đấu. Viên tướng chỉ huy ngồi trên cao có lính hộ vệ đôn đốc giàn trống trận.
    Khi tập trận thì ban đầu lính được tập trận theo từng nhóm nhỏ có tiếng trống phụ họa. Sau khi đã thuần thục thì được ghép thành đội ngũ và tập theo giàn trống.
    Còn khi luyện võ thì đa số đều là võ sĩ học võ thuật tập thể thay vì theo tiếng hô của sư trưởng thì lại theo tiếng trống làm hiệu lệnh. Bài tập từ điệu trống khoan thai đến dồn dập.
    Ban đầu các võ sinh được luyện tập các thế bộ chân bước gọi là bộ ngựa. Tiếng trống tập võ nhịp nhàng giúp cho người tập bước nhuần nhuyễn bộ ngựa. Người luyện võ, giống như các vũ công bước nhịp nhàng theo tiếng nhạc. Thanh niên ngày nay chỉ cần nghe nhịp trống là có thể khiêu vũ theo các điệu xì lô, tăng gô, rumba, cha cha cha, pa sô ? cũng như thanh tráng niên đời Tây Sơn nghe nhịp trống là đi bài quyền, đánh bài côn một cách uyển chuyển.
    Bài luyện võ thông thường nhất là bài quyền "Ngọc Trãn" và "Lão Mai". Đây là hai bài võ rất phổ biến thời Tây Sơn.
    Ngoài việc dùng trống để tập quyền, võ trống cũng giúp cho việc tập các môn vũ khí như kiếm, côn? Việc luyện tập ban đầu hạn chế sau lan truyền khắp thôn xóm. Đêm đêm tại sân đình làng, thanh niên đem trống ra đánh nhịp để trai trong làng luyện tập võ nghệ phòng thân. Ngày nay cứ mỗi buổi sáng đều có nhạc tập thể dục. Hồi đó khi nghe trống nhịp thì trai gái có thể ra sân nhà luyện tập theo trống. Phong trào luyện võ theo trống lan đến các nhi đồng. Thôn xóm đêm đêm náo nức tập luyện.
  3. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Để trợ giúp cho nhạc trống còn có một bộ nhạc đệm:
    1. Tù và:
    Làm bằng sừng trâu, sừng bò hoặc bằng vỏ ốc tai tượng. Tiếng tù và âm hưởng vang rất xa. Tùy theo hơi thở mà tiếng tù có âm điệu khác nhau. Tiếng trầm tiếng bổng khi nhặt khi khoan, một nhóm tù và nổi lên khiến cho người nghe lòng thêm náo nức. Tù và thường dùng trong khi canh tuần hoặc đi săn. Người thổi tù và có thể báo hiệu lúc có cướp, cháy nhà, lụt lội. Lũ chó săn nghe tiếng tù và biết được khi nào rượt con mồi, khi nào mãn cuộc săn hội tụ lại để đi về.
    Trong khi lâm trận, tiếng tù và cũng thúc giục lòng ba quân, hòa với tiếng trống trận thành âm thanh trầm hùng.
    2. Mõ
    Gồm có mõ làng và mõ trâu.
    - Mõ làng: Làm bằng một thân cây lớn, chu vi gần một thước tây, cao bằng đầu người, khoét trống bụng và trổ miệng chạy dài từ trên xuống dưới độ 2/3 thân.
    Mõ thường đặt tại thôn, nhà hội làng và các nơi điếm canh để tránh hiệu tụ dân làng hoặc báo hiệu có cướp hoặc tai nạn: cháy, lút?
    Tiếng mõ khi bình thường thì đánh khoan thai, khi khẩn cấp thì đánh dồn dập. Tuy nhiên để dễ nhận biết, trong một hồi mõ có luật đánh thêm một, hai, ba tiếng. Khi nghe tiếng cuối cùng người dân biết đó là hiệu lệnh gì. Hồi một thì mõ có một tiếng vang: cum, cum, cum, cum... cum. Mõ hồi một chỉ đánh khi có cướp, cháy nhà, lụt lội.
    Mõ hồi hai thì sau hồi mõ lại hai tiếng? cum, cum. Khi nghe đánh thì biết là mõ đang thúc giục một việc gì đó như đóng thuế, có quan về làng ?
    Mõ hồi ba thì sau một hồi, đánh thêm ba tiếng (gọi là lại ba) loại này thường dùng trong các việc tụ hội dân làng trong tất cả công việc cũng như tại các điểm tuần canh thường đánh để thay phiên, đổi gác ?
    - Mõ trâu: Loại mõ thường dài độ đồ hai, ba tấc, thường dùng trong việc canh tuần. Toán canh tuần thường mang theo khi đi canh tuần và gõ cốc, cốc để chứng tỏ là có sự hiện diện của canh tuần. Dùng tiếng gọi mõ trâu là mõ dùng để cột cổ con trâu đầu đàn. Đàn trâu sẽ nghe theo tiếng mõ kêu của con trâu đầu đàn mà đi theo ra đồng hoặc trở về nhà.
    Mõ thường dùng trong thôn làng. Tuy nhiên, nhiều làng trên có cướp, làng bên cũng khua mõ tiếp ứng. Thường khi xảy ra một biến cố thì nhân dân nghe hướng mõ mà chạy đến, vừa chạy vừa đánh mõ trâu để tin cho nơi bị nạn biết là sẽ có tiếp cứu.
    3. Phèng la, chiêng: Làm bằng đồng. Thường dùng trong các đám rước, cúng lễ ? Tuy nhiên khi xóm làng hữu sự cũng được đem ra dùng để kết hợp cùng mõ, trống ?
    Tất cả các nhạc cụ nói trên được tổ chức thành một bộ phận phối hợp, hỗ trợ cho giàn trống võ Tây Sơn.
    Khi thúc trận, hãm thành, kịch chiến thì tiếng trống âm dương và bốn trống con dồn dập dòn giã. Hòa theo là tiếng tù và khẩn trương, tiếng mõ liên hồi nhịp một xen lẫn tiếng phèng la điểm hồi chát chúa, khí quân đang hăng thêm hăng, tiến quân đang hùng thêm hùng.
    Các bậc anh hùng hào kiệt thời Tây Sơn sử dụng võ trống một cách nhuần nhuyễn cao siêu hơn. Mười hai cái trống đều treo trên giá dùng để tập quyền thuật. Võ sinh không dùng dùi trống mà chỉ đánh bằng quyền, cước. Tiếng trống tùy theo trình độ của võ sinh mà phát ra, khi mới tập thì rời rạc to nhỏ lộn xộn không đều. Sau khi tập nhuần nhuyễn thì âm hưởng lại đều đặn vang xa như sử dụng bằng dùi trống, tiến, thối, quay quanh 12 cái trống nhịp nhàng, uyển chuyển. Võ sư nhiều lúc ngồi uống trà trong nhà chỉ nghe tiếng trống vang lên mà biết được môn sinh đánh sai hay đánh đúng bài quyền.
    Đôi khi trống võ cũng luyện song đôi, cặp ba, người phụ trách 4 trống hậu, kẻ phụ trách 2 trống âm dương và 4 trống phụ, kẻ phụ trách 6 trống chiến. Tùy số người và cách phân công để sử dụng.
    Ngoài ra, để có thể sử dụng đánh trống trên ngựa, trên thuyền, trên xe đang di chuyển, võ công còn phải trải qua giai đoạn luyện tập vừa đánh trống vừa di chuyển trên các khúc gỗ dẻo tròn, trên các cây tròn và trên các cọc gỗ đóng chặt dưới đất cách nhau chừng vài tấc.
    Võ nhân có nguồn lực thâm hậu thì quyền, cước hoặc dùi trống chỉ vừa chạm nhẹ vào mặt trống thì tiếng trống đã rền vang.
    Võ sư Trương Văn Hiến đã phối hợp cách đánh trống thành một bộ môn võ thuật đặc biệt trong cách huấn luyện võ nghệ. Đây là một môn võ thuật nhịp điệu dùng cho tập thể, mọi người đều học tập một lượt, ra đòn một lượt và sức tấn công vì thế như tổng hợp được mọi lực lượng đồng nhất.
    Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã được học lối đánh thúc quân và đã áp dụng vào các trận đánh khởi nghĩa ban đầu, chiến thắng quân Thanh.
    Bùi Thị Xuân đã dùng trống tập voi và khi xung trận cũng đã dùng trống giục voi xông lên dày xéo quân địch. Trong trận chiến đấu cuối cùng nơi bờ sông Linh Giang, đàn voi trận của Bùi nữ tướng đã theo hồi trống oai hùng phá tan đoàn kỵ binh của Lê Chất.
    Khi còn đồn quân nơi Tây Sơn thượng, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đã luyện tập binh sĩ bằng trống võ Tây Sơn. Cho nên phần đông các tướng Tây Sơn đều giỏi về trống võ.
    Sau khi diệt được nhà Tây Sơn, Gia Long nhận thấy trống võ của Tây Sơn rất lợi hại cho nên đã cấm không cho sử dụng và học tập. Trống võ Tây Sơn còn bàng bạc trong tiếng trống tuồng hát bội Bình Định. Người dân Bình Định trẻ hay già mỗi khi xem hát bội, lòng cũng rộn rã theo tiếng trống chầu, trống chiến ? Trong các trận đánh trên sân khấu, điệu bộ các tướng đang đánh nhau hòa nhịp với tiếng trống kèn rộn rã.
    Hiện nay, trống võ Tây Sơn đang được hồi phục lại. Song vì thiếu người tài năng nên dàn nhạc trống võ chỉ là một dàn nhạc phụ điểm nhịp cho một vài võ công múa may theo các điệu võ. Ngày xưa đã dùng trống võ để dựng nước, cứu nước. Ngày nay trống võ dùng để điểm tô cho các cuộc thăm viếng tại Điện Tây Sơn trong các buổi lễ quan trọng hoặc có phái đoàn viếng thăm.
  4. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    4. Kỳ võ Tây Sơn: Ngoài bốn bộ môn: quyền, côn, kiếm, cổ, thời Tây Sơn còn có môn đánh kỳ nữa.
    Môn kỳ ít phổ biến và khó sử dụng nên chỉ có một vài người có nhiệm vụ đặc biệt mới theo học và sử dụng mà thôi. Đây là một bộ môn võ dùng lá cờ làm binh khí. Nguyên thường cờ chỉ dùng để làm hiệu trong quân, nhà Tây Sơn dùng lá cờ màu đỏ, chính giữa là một hình tròn màu vàng. Thật ra đây là hiệu cờ của vua Quang Trung. Ngoài hiệu kỳ của Hoàng đế thì các binh đoàn thuộc năm quân Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu đều có hiệu kỳ riêng. Ngoài ra vua Quang Trung còn tổ chức thêm những đội quân đặc biệt tên gọi Tả Bật, Hữu Bật, Ngũ Chế, Càn Thanh, Thiên Cán, Thiên Trường, Hổ Đôn, Hổ Hầu, Thị Lân, Thị Loan. Mỗi quân gồm 5 bậc là Sư, Lữ, Tốt, Lượng, Ngũ.
    Ở các phủ, huyện, quân đội lại chia ra từng đạo, cơ và đội. Từ đạo trở lên đều có hiệu kỳ để phân biệt.
    Người sử dụng kỳ là quân sĩ giỏi võ và có sức mạnh. Khi hành binh, diễn binh thì các hiệu kỳ dùng làm hiệu lệnh. Khi lâm trận thì còn thêm một nhiệm vụ nữa là giao đấu cho nên cần phải có 3 người giữ và sử dụng cờ.
    Cờ gồm hai phần: lá cờ và cán cờ.
    Lá cờ thường hình vuông, mỗi cạnh rộng chừng 2-3 thước, dệt bằng sợi thao càn rất dày, rất chắc. Thao càn là một loại hàng dệt bằng sợi càn của kén tằm. Sợi càn ki ươm tơ người ta lấy trước tiên. Đây là một loại tơ thô, to sợi. Sau khi lấy xong phần đầu gồm một phần các sợi tơ rối bên ngoài kén tằm thì mới đến sợi tơ bên trong. Kén tằm cho ba loại sợi: Càn, thao và tơ. Thao là sợi hợp chung hai loại càn và tơ. Dùng để may quần áo có tánh bình dân thông dụng, vì vừa dày vừa chắc. Phần đông đàn bà dùng lụa, đàn ông dùng thao. Riêng về càn thì khi dệt vải vừa dày vừa chắc.
    Sợi càn khi dùng để dệt cờ võ thì phải đem ngâm với một loại vỏ cây có chất chát rồi phơi khô. Xong đem se lại với nhau (thường thì se chập hai, chập ba) rồi mới dệt thành tấm. Trừ một cạnh để may vào cán cờ, ba cạnh kia đều lấy móc thép bén nhọn kết vào làm tua cờ. Khi cờ phất ra, các móc thép va vào nhau hòa với tiếng phần phật của lá cờ gây thành một âm thanh khủng khiếp. Cờ vung đến đâu, móc sắc bấu vào đó. Thịt nát, máu văng, người ngã, ngựa ***g lên bỏ chạy, quả là một thứ võ khí nguy hiểm.
    Cán cờ thường làm bằng một loại tre đực, đặc ruột ngâm muối và bùn nên rất cứng rắn mà nhẹ dễ sử dụng. Cán cờ được sử dụng như một cây trường thương (dài gấp đôi) nên các đối phương ngồi trên ngựa rất kiêng sợ.
    Để bảo vệ cho toán đánh cờ võ, một toán xung kích chuyên dùng khiên và đao làm rào chắn hai bên. Như vậy cờ võ chỉ tấn công mặt trước để mở đường cho đoàn quân mà khỏi đề phòng giặc đánh hai bên hông. Một đôi khi người cầm cờ cưỡi ngựa song cần phải có sức mạnh, giỏi võ và ngựa hay.
    Thường thường cờ đi một toán ba lá, khi thì hình tam giác, khi thì hàng ngang. Phạm vi hoạt động của một toán cờ rất rộng do đó có thể dùng ít người mà đánh được nhiều người.
    Cờ võ Tây Sơn có thể dùng để tấn công, ngăn chặn, mở đường máu, đối phó với kỵ binh? Tuy nhiên, có cái nhược điểm là không đánh lâu dài được và phải cần người có đầy đủ sức mạnh, dẻo dai. Không phối hợp hoặc chỉ được một phần với các toán quân khác.
    Gia Long lên ngôi cấm dân Bình Định dùng các vũ khí, võ thuật về kiếm, cổ, kỳ. Các môn này chỉ còn xuất hiện tượng trưng trên sân khấu tuồng hát bội.
  5. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Vũ khí thời Tây Sơn
    Triều đại Tây Sơn có nhiều danh tướng đã làm vang danh các vũ khí được sử dụng trong sự nghiệp dựng nước. Nổi danh nhất là Tây Sơn thập thần vũ khí.
    Đó là mười món binh khí có những đặc điểm phi thường: một thanh thần kiếm, hai cây thần côn, ba thanh thần đao và bốn cây thần cung của các danh tướng Tây Sơn.
    1. Độc thần kiếm:
    Là thanh cổ kiếm của Nguyễn Nhạc, tình cờ mua được lúc đi buôn trầu trên thượng nguồn sông Côn. Nguyễn Nhạc đem về tặng cho thầy Trương Văn Hiến. Trương Công biết là một báu kiếm nên đem cất thật kỹ. Khi Nguyễn Nhạc đã xây dựng xong cơ sở chiến đấu, xuống An Thái thăm thầy và vấn kế, Trương Công bèn trao lại thanh gươm để dùng cho đại sự. Gươm dài hơn sải tay, chém sắt như chém chuối; lưỡi gươm ra khỏi vỏ, ánh hào quang tỏa ra loa mắt. Người dân tộc vùng Tây Sơn thượng đạo theo Hỏa thần, tin là thanh kiếm của thần ban cho nhà vua nên gọi là kiếm thần và gọi ông Nhạc là Vua Trời.
    Để làm cho lòng người thêm tin tưởng, ông Nhạc bèn bày ra một cảnh tượng kiếm trời cho. Nguyên một hôm, Nguyễn Nhạc cùng bộ hạ ở An Khê về đến Hoành Sơn thì ngựa Nguyễn Nhạc ***g lên, rồi thẳng cổ phi nước đại. Đến chân núi phía trong gò Sặt, cương ngựa bị đứt Nguyễn Nhạc té nhào xuống ngựa, trật chân không đứng dậy được. Đám tùy tùng chạy đến xoa bóp hồi lâu mới bớt. Khi đứng dậy để lên ngựa thì Nguyễn Nhạc chợt thấy chuôi kiếm ló ra nơi vách đá trên sườn núi. Sai người lên xem thì là một thanh cổ kiếm, lưỡi sáng như nước. Ai nấy đều mừng là kiếm trời ban. Do tích được kiếm của Nguyễn Nhạc tại đây nên núi mang tên là hòn Kiếm Sơn.
    Trong ngày khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc lập đàn cáo trời đất tại nghẹo Cây Khế nơi đèo An Khê, dưới bóng 2 cây đại thọ: Cây Ké, Cây Cầy. Khi đại quân đến gần tế đàn thì từ trên cây Ké một con rắn bò xuống, thân lớn bằng cột nhà, sắc đen nhánh như hạt huyền, người đương thời gọi là Ô Long nằm cuộn nơi đường đi. Quân không dám tiến. Nguyễn Nhạc bèn xuống ngựa tuốt gươm, vái cùng trời đất rồi chém bay đầu rắn. Nhờ vậy gươm linh lại thêm lừng lẫy.
    2. Song thần côn
    Là hai cây côn của hai tướng Võ Đình Tú và Đặng Xuân Phong.
    a. Ngân côn
    Cây ngân côn của tướng quân Võ Đình Tú màu trắng được rèn bằng bạch thiết, rất chắc và khá nặng, phải đến hai người khiêng.
    b. Thiết côn
    Cây thiết côn của tướng quân Đặng Xuân Phong màu đen, cũng nặng như cây ngân côn.
    Ngân côn và thiết côn chỉ lớn bằng cổ tay, dài quá đầu, song lại rất nặng. Khi lâm trận côn múa lên, ngân côn tạo thành một đạo bạch quang, thiết côn tạo nên một luồng hắc quang. Đường côn đi đến đâu, vũ khí của đối phương văng lên tứ phía, thây người ngã rạp như rạ gặp bão.
    Vì danh vang khắp nơi nên đích thân nữ tướng Bùi Thị Xuân đã thêu hai lá cờ để tặng "Ngân Côn Tướng Quân" cho Võ Đình Tú và "Thiết Côn Tướng Quân" cho Đặng Xuân Phong.
    3. Tam thần đao
    Là ba cây đại đao của Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu và Lê Sĩ Hoàng, có tên Ô Long đao, Huỳnh Long đao và Xích Long đao.
    a. Ô Long đao
    Là tên đao của Nguyễn Huệ. Truyền rằng một hôm Nguyễn Huệ đi tuần nơi đèo An Khê, khi cùng anh là Nguyễn Nhạc lo xây dựng cơ đồ khởi nghĩa. Để tạo nên một không khí thần linh, Nguyễn Huệ đã loan tin là trong dịp đi tuần này có hai con rắn mun to lớn đón đường dâng đao rồi từ tạ vào rừng. Tại nơi rắn dâng đao, Nguyễn Huệ cho lập miếu thờ gọi là Miếu xà.
    Thanh Ô Long đao, cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi đao cũng bằng một loại kim khí màu đen. Khi đao ra khỏi vỏ thì khí lạnh tỏa ra một vùng khá rộng. Thanh đao không có hào quang mà chỉ có khí lạnh, đồng thời sắc bén vô cùng. Trọng lượng rất nặng, phải một người vác mới nổi.
    Trong trận Rạch Gầm, Xoài Mút năm Giáp Thìn (1785) Nguyễn Huệ đã sử dụng thanh Ô Long đao chém tướng quân Xiêm lên đến hàng trăm người. Đao loan đến đâu vũ khí và đầu người rụng đến đó. Rồi đến năm Kỷ Dậu (1789) lại một lần nữa thanh Ô Long đao lại đẫm máu quân Thanh xâm lược.
    b. Huỳnh Long Đao
    Là thanh đao thần của tướng quân Trần Quang Diệu. Đao thần do sư phụ Trần Quang Diệu là võ sư Diệp Đình Tòng truyền tặng. Sở dĩ có tên Huỳnh Long là vì tại đầu con cù nơi ngậm lưỡi đao được thép vàng.
    Cặp song đao Ô Long và Huỳnh Long phối hợp tung hoành trong trận đánh quân Xiêm tại Rạch Gầm, Xoài Mút. Các chiến công của Trần Quang Diệu đều do thanh Huỳnh Long góp phần tạo nên.
    c. Xích Long Đao.
    Là thanh đao của tướng Lê Sĩ Hoàng. Sở dĩ có tên là Xích Long đao vì tại đầu con cù ngậm lưỡi đao sơn màu đỏ.
    Nguyên sau khi dẹp xong quân Mãn Thanh, vua Quang Trung mở hội thi võ để chọn thêm nhân tài giữ nước.
    Lê Sĩ Hoàng, người quê Quảng Nam ra kinh ứng thí. Hoàng dũng sĩ, lúc nhỏ nhà nghèo, chăn trâu cho một Phú ông trong thôn. Nhà gần núi nên một hôm trâu bị cọp bắt. Hoàng sợ chủ bắt đền. Chạy trốn vào núi sâu. Lạc đường không tìm được lối ra, gặp được dị nhân truyền thụ võ nghệ. Lê có sức mạnh hơn người, võ nghệ tuyệt luân, chuyên sử dụng cây đao Xích Long của sư phụ truyền cho.
    Năm Quang Trung thứ hai (1789) khoa thi võ đầu tiên tại kinh đô Phú Xuân, Lê Sĩ Hoàng ra ứng thí. Thấy tài năng vượt trội, lại chuyên sử dụng đại đao nên vua Quang Trung sai Trần Quang Diệu ra tỉ thí. Hai thanh đao Huỳnh Long và Xích Long như đôi rồng hợp nhau múa lượn, người xem vỗ tay hoan hô vang dậy. Hai bên bất phân thắng bại. Vua Quang Trung cao hứng, truyền đem Ô Long Đao ra để tỷ đấu cùng Lê võ sinh. Lê Sĩ Hoàng cung kính quỳ tâu:
    - Với Trần tướng quân, hạ thần còn chưa địch nổi, huống chi bệ hạ.
    Nhà vua đắc ý, vỗ vai họ Lê, cười nói:
    - Khanh là Hứa Chữ của ta đó!
    Rồi cởi chiếc cẩm bào đương mặc, ban cho Lê Sĩ Hoàng.
  6. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    4. Tứ Thần cung
    Là bốn cây cung nổi danh thời Tây Sơn: Thiết Thai cung, Vỹ Mao cung, Liên Phát cung.
    a. Thiết Thai cung
    Là cung của tướng Nguyễn Quang Huy, người Phú Yên, thiện dụng cây ngân câu (móc câu bạc) ưa cưỡi bạch mã. Huy có sức mạnh lại giỏi võ nghệ, tinh thông binh pháp, Vua Thái Đức rất ái trọng, phong làm Phòng ngự sứ vào trấn Bình Thuận.
    Cây Thiết Thai cung có cánh cung làm bằng thép, có nòng bằng sắt, nên trọng lượng rất nặng, sức bắn xa gấp ba, bốn lần cung thường.
    Nguyễn Quang Huy trước trấn Bình Thuận, sau bị Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm nên phải lui về thủ Phú Yên. Năm Kỷ Mùi (1799) thành Quy Nhơn bị Nguyễn Phúc Ánh vây hãm, Nguyễn Quang Huy kéo quân ra cứu Quy Nhơn. Nguyễn Quang Huy đánh rất hăng. Một ngày đánh bại 25 viên tướng của Nguyễn Phúc Ánh. Phúc Ánh lấy làm lạ lên thành đứng xem. Quang Huy tả xung hữu đột giữa muôn quân như Triệu Tử Long ở trận Đương Dương Trường Bản, ngó thấy Nguyễn Phúc Ánh đứng trên thành, bèn dùng Thiết Thai cung bắn trúng cánh tay trái. Phúc Ánh té nhào bất tỉnh. Vì vết thương này mà Nguyễn Phúc Ánh phải rút về Gia Định để dưỡng thương.
    b. Vĩ Mao cung:
    Là cung của văn thần La Xuân Kiều, người huyện Phù Cát, văn thơ Nôm, Hán đều thông suốt. Lại giỏi cưỡi ngựa, bắn cung hay. Họ La có một cây cung đặc biệt làm bằng gỗ quý, dây cung bện bằng lông đuôi ngựa. Khi dây cung bật, một âm thanh trong trẻo du dương phát ra, tên phóng ra rất mạnh. Âm thanh vừa dứt thì đích đã trúng hồng tâm. Nhờ cây Vĩ Mao cung mà La Xuân Kiều nổi danh là một xạ thủ đương thời.
    c. Kỳ Nam cung:
    Là cung của tướng quân Lý Văn Bưu. Cung có một cấu trúc đặc biệt. Giữa nơi cánh cung, chỗ tay cầm có tháp gỗ quý Kỳ Nam. Bởi vậy cho nên khi treo cung nơi phòng thì hương trầm thơm ngát khắp nhà. Lúc dùng nơi trận địa, hương trầm làm tăng nội lực nên Lý Văn Bưu bắn trăm phát trăm trúng. Càng bắn nội lực càng tăng, tên càng trúng đích.
    Lúc còn đang xây dựng cơ sở cho nhà Tây Sơn, tại dãy núi Ninh Thuận, huyện Tây Sơn bây giờ, có một con cọp tàu cau, to lớn như con trâu mộng, rất hung dữ và lại tinh khôn, thường hay xuống bắt bò heo và luôn cả người nữa. Lúc đầu thì hổ đi săn bắt ban đêm, sau lại phá phách luôn cả ban ngày. Chẳng những có sức mạnh mà da hổ lại quá dày, cứng đến độ giáo mác dâm không lủng. Dân làng thuê đám thợ săn cọp và các võ sĩ có danh để trừ hổ, song tất cả đều thất bại. Lớp chết lớp trọng thương.
    Lý Văn Bửu được tin, mang cung Kỳ Nam tìm vào rừng sâu để diệt trừ hổ dữ. Gặp được hổ, họ Lý trương Kỳ Nam cung bắn một phát vào đầu cọp. Tên xuyên từ mắt phải ra đến sau ót. Cọp còn hăng sức xông đến. Lý Văn Bưu tiếp liền hai phát. Tuy da hổ cứng rắn song tên vẫn xuyên ngang cuống họng và yết hầu. Cọp giãy giụa một hồi lâu mới chết. Trong các trận Nam chiến, đánh nhau với quân Xiêm và Bắc chiến với quân Mãn Thanh, cây Kỳ Nam cung cũng đã ra sức giúp Lý Văn Bưu lập được nhiều chiến công.
    d. Liên Phát cung:
    Là cung thần của Đặng Xuân Phong. Cánh cung làm bằng thép có độ cứng và đàn hồi cao nên sức bật rất mạnh. Nhờ ở sức mạnh và tài luyện tập, Đặng Xuân Phong có thể bắn một lần 5 mũi tên và bắn liên tiếp.
    Một hôm, Bùi Thị Xuân đứng ở trường trầu Kiên Mỹ, trông thấy một tráng sĩ trẻ tuổi cầm côn đồng, mang cung sắt, cưỡi ngựa ô, từ hướng làng Thuận Nghĩa chạy lên Phú Lạc, thái độ hiên ngang nhưng tướng mạo trung hậu. Đến hòn Trưng Sơn, tráng sĩ phi ngựa lên núi. Đường sá gập ghềnh nhưng ngựa chạy như trên bình địa.
    Một bầy quạ bay ngang qua, tráng sĩ gương cung bắn hai phát: hai con quạ rơi xuống. Tiếp theo 5 phát nữa: lại 5 con rơi như lá rụng.
    Biết là người có tài, bà Bùi Thị Xuân sau khi thăm dò gốc tích, đã cùng với Võ Đình Tú đến tận làng Dõng Hòa kết bạn và mời tham gia đại sứ, xây dựng nhà Tây Sơn.
    Ngoài Tây Sơn thập thần vũ khí, Bình Định còn có thanh đại đao của tướng Lê Đại Cang. Cây đao nổi tiếng đã từng giúp cho Lê tướng công dẹp yên giặc Miên bình định Trấn Tây Thành.
  7. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Để giúp cho các tướng lãnh thi thố võ công ngoài các loại vũ khí, còn có ngựa để cưỡi ra trận. Bình Định có nhiều tướng tài, vũ khí mà danh mã cũng nhiều. Nổi danh như Tây Sơn thần mã, Linh Phong song tuấn mã và Bằng Châu kỳ mã...
    * Tây Sơn ngũ thần mã
    Tây Sơn ngũ thần mã là năm con chiến mã có tài năng, có lòng trung nghĩa với chủ ở thời Tây Sơn mà mãi sau khi nhà Tây Sơn mất, người Bình Định vẫn tưởng nhớ và coi như thú vật linh thiêng. Năm con thần mã ấy đều có tên ghi vào sử Tây Sơn là cuốn Tây Sơn nhân vật chí của Đinh Sĩ An, một nhân vật nổi danh về văn học, người Bình Khê (Bình Định) đã từng được bổ làm việc ở Nội các vua Quang Trung. Năm con thần mã là: Bạch Long, Xích Kỳ, Ô Du, Ngân Câu, Hồng Lư.
    a. Bạch Long
    Là ngựa của vua Thái Đức. Vốn là ngựa rừng trên núi Hiển Hách, tục gọi là núi Hảnh Hót ở miền An Khê. Lông trắng như tuyết, bờm và đuôi lông dài, mượt như tờ. Chạy nhanh như gió và nhẹ nhàng như bay. Trông xa như một làn mây trắng vút trong gió. Người dân tộc thiểu số gọi là ngựa nhà trời. Khi Nguyễn Nhạc lên An Khê cổ động người dân tộc thiểu số theo mình khởi nghĩa, người dân tộc thiểu số giao hẹn nếu ông Nhạc bắt được ngựa, thì sẽ theo và hết lòng phụng sự.
    Nhờ những kinh nghiệm tháng ngày học nuôi ngựa ở thôn Bằng Châu và lui tới nơi rừng sâu buôn trầu với người dân tộc thiểu số, nên Nguyễn Nhạc đã dùng mưu lấy ngựa cái dụ ngựa rừng.
    Ông Nhạc tìm mua một số ngựa cái tơ thật đẹp. Sau khi tập luyện thành thục, hễ nghe tiếng hú thì chạy đến, bầy ngựa cái được đem thả trên núi Hảnh Hót. Được vài hôm, ngựa rừng và ngựa nhà quen nhau. Hễ nghe tiếng hú thì ngựa đồng chạy về, ngựa rừng cũng chạy theo. Nhưng vừa thấy bóng người bèn quay đầu chạy trở lui. Nguyễn Nhạc bỏ cỏ tươi cho ngựa rồi trở về. Ngựa rừng trở lại ăn cỏ chung với ngựa nhà. Hôm sau Nguyễn Nhạc ở lại vuốt ve bầy ngựa nhà. Ngựa rừng đứng xa trông chừng. Dần dần thấy người cùng ngựa quen thân, ngựa rừng một vài con mon men lại ăn cỏ. Sau đó quen dần, ăn cỏ chung với ngựa nhà và cho Nguyễn Nhạc vuốt ve. Sau rốt là con ngựa bạch. Rồi từ đó Nguyễn Nhạc thuần dưỡng được ngựa. Cũng từ đó, người dân tộc thiểu số tại vùng An Khê theo nhà Tây Sơn.
    Ngựa trắng được mang tên là Bạch Long Câu theo Nguyễn Nhạc chinh chiến khắp nơi.
    Năm 1793, Nguyễn Nhạc mất. Bạch Long Câu ban đêm vượt tàu ngựa chạy thẳng một mạch về núi Hảnh Hót. Từ đó rừng núi Hảnh Hót đêm đêm vang tiếng ngựa thần hí lên nhớ người chúa cũ.
    b. Xích kỳ
    Là ngựa của tướng quân Nguyễn Văn Tuyết.
    Ngựa lông đỏ tía, kỳ và lông đuôi dài màu đen huyền. Ngựa vốn dòng Bắc Thảo, sức mạnh ngày đi vạn dặm không đổ mồ hôi, chạy nhanh như gió. Xích Kỳ vốn của chúa Nguyễn Phúc Khoát được nước Cao Miên (Campuchia) tặng làm cống vật. Chúa Võ vương rất yêu thích, nhân đi tuần du phương nam đến Quy Nhơn bị Nguyễn Văn Tuyết vào chuồng cướp đi. Một mình một ngựa, Tuyết đang đêm phi thẳng lên Kiên Mỹ theo phò Nguyễn Nhạc lập được nhiều công lớn.
    Năm Mậu Thân (1788) Xích Kỳ vượt ngàn dặm từ Thăng Long đưa Nguyễn Văn Tuyết về Phú Xuân cấp báo tình hình quân Mãn Thanh vào Hà Nội.
    Năm Nhâm Tuất (1802), thành Thăng Long bị tấn công, Đại Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cùng phu nhân hộ giá vua Bửu Hưng cùng cung quyến qua sông Nhị Hà lên phương Bắc. Đến Xương Giang bị vây. Trong trận này con Xích Kỳ cùng với Đô Đốc Tuyết xông pha giữa muôn quân và cả hai đều trúng đạn tử trận.
    c. Ô Du
    Là ngựa của tướng Đặng Xuân Phong. Sắc lông đen nhánh như mun, bốn chân thon nhỏ như chân nai. Có tài leo núi hay vượt qua các ghềnh núi đá chập chùng. Khi chạy trên núi cao thì tài nghệ mới phô bày, người cưỡi như ngồi trên đất bằng. Ngựa mang tên Ô Du vì sắc lông đen, có hình dạng và bộ đi giống như cọp. Nhờ Ô Du mà Đặng Xuân Phong ra trận đầu liền chiếm được Thăng Bình và Điện Bàn.
    Sau khi Nguyễn Bảo, con vua Thái Đức bị giết, Đặng Xuân Phong liền từ quan trở về quê quán rồi trở đi nơi khác. Ô Du cũng theo chủ đi biệt tích.
    d. Ngân Câu
    Là ngựa của bà Bùi Thị Xuân, tục gọi là ngựa Kim. Ngựa có sức mạnh và tài đi trong đêm tối. Dù trên đường đi có hầm hố, trở ngại, ngựa vẫn chạy mau như ban ngày trên đường trường. Người đời bảo rằng dưới chân ngựa có mắt sáng để đi trong đêm tối. Nhờ có tài kỳ diệu này mà Ngân Câu đã phi nhanh trong trận phục kích Rạch Gầm khiến tướng Xiêm là Lục Côn không kịp phản ứng đã bị nữ tướng Bùi Thị Xuân chém bay đầu một cách dễ dàng như Quan Vân Trường cưỡi Xích Thố chém Huê Hùng đời Tam Quốc bên Tàu.
    Trong trận Đâu Mâu cũng nhờ con Ngân Câu mà Bùi Thị Xuân đã cứu được vua Bửu Hưng...
    Khi miền Bắc lâm nguy, Trần Quang Diệu bỏ Quy Nhơn ra Nghệ An để giải cứu. Vì phải đi đường thượng đạo nên Quang Diệu mang trọng bệnh mà bị bắt sống tại Hương Sơn. Bùi Thị Xuân ở Diễn Châu hay tin, giục Ngân Câu vượt đường dài đến Giáp Sơn thì gặp quân đang áp giải Quang Diệu và Văn Dũng. Tả xông hữu đột, bà cứu được chồng, cùng cưỡi chung lên lưng Ngân Câu chạy về Thanh Hóa. Nhưng đến sông Thành Chương thì Ngân Câu bị đạn tử thương. Hai vợ chồng Trần, Bùi bị bắt trở lại và bị giải về Nghệ An.
    e. Hồng Lư
    Là ngựa của tướng Lý Văn Bưu. Lông sắc hồng, hình vóc giống ngựa thường. Đầu Hồng Lư giống đầu lừa, mình ốm o như đói cỏ, bốn chân cao lỏng chỏng như chân nai. Tánh tình hay giở chứng, muốn đi thì đi, muốn chạy thì chạy, không ai có thể điều khiển được theo ý muốn. Chỉ riêng có chủ là Lý Văn Bưu mới điều khiển được dễ dàng. Họ Lý cưỡingựa không bao giờ dùng yên cương, ông chỉ điều khiển bằng đôi chân. Khi thì bắp vế, khi thì ống chân, khi thì gót chân, giống như dân da đỏ ở Châu Mỹ vậy.
    Hồng Lư tuy dị tướng song chạy nhanh, bền bỉ và khôn ngoan. Khi ra trận không cần chủ điều khiển, ngựa tự biết tiến lui theo ý chủ. Chỉ một nhịp nhẹ của đôi chân Hồng Lư biết phi như tên bắn, bay theo quân địch đang tìm đường trốn chạy. Hồng Lư biết vượt qua chướng ngại vật để chận đầu ngựa địch, để cho chủ xử lý địch thủ một cách gọn gàng.
    Trừ các con thần mã: Bạch Long, Xích Kỳ, Ô Du, Ngân Câu thì các con ngựa khác đều khiếp sợ Hồng Lư khi Hồng Lư hí lên một tiếng, các con ngựa chung quanh đều cụp tai, cúp đuôi hoặc ***g lên cắm đầu bỏ chạy, nhờ Hồng Lư mà Lý Văn Bưu đã tổ chức được một đoàn kỵ mã cho nhà Tây Sơn và cũng nhờ sự có mặt của Hồng Lư trong đoàn kỵ mã mà đoàn ngựa khiến không những không sợ đàn tượng binh của bà Bùi Thị Xuân mà còn phối hợp khi giao tranh với quân địch.
    Hồng Lư luôn luôn có mặt cùng với Lý Văn Bưu khắp các nơi trận tuyến. Khi họ Lý theo vua Quang Trung ra Bắc tảo trừ quân Mãn Thanh thì Hồng Lư cũng được tham gia trận đánh ở Nhân Mục Thanh Trì và đánh đồn Khương Thượng.
    Khi Cảnh Thịnh lên ngôi, Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, triều chính Tây Sơn đổ nát thì Lý Văn Bưu xin được lui về quê quán. Còn Hồng Lư theo chủ trở về với thiên nhiên núi đồi.
  8. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Ngoài Tây Sơn ngũ thần mã, còn có con Bằng Châu Kỳ Mã của Đinh lão ở Bàn Châu cũng được xem như một con ngựa quý.
    Ở Bình Định trong thời kỳ Văn Thân có hai con ngựa cùng nổi danh là Linh Phong song tuấn mã.
    Đó là hai con ngựa Hồng và ngựa Ô của nguyên soái Mai Xuân Thưởng và Quản trấn Trần Nhã.
    * Con ngựa hồng của Mai Nguyên Soái
    Khoa Ất Dậu (1885), Mai Xuân Thưởng đậu cử nhân. Trên đường về quê, qua Thú Thiện nghe lời khuyên thâm thúy của một nhân sĩ, nên lặng lẽ bỏ võng lọng đi nẻo tắt về nhà. Trên đường đi Mai công gặp một ông lão ngồi bên lề đường trông coi một con ngựa ốm o đang ăn cỏ. Dừng chân hỏi thăm mới biết ông lão đang dẫn ngựa đi bán, song vì còn quyến luyến con vật nên muốn cho nó ăn no một bữa trước khi xa nhau. Cảm động trước tình lão trượng đối với ngựa, Mai công bèn hỏi mua ngựa. Sau một thời gian chăm sóc con ngựa béo tốt và được luyện tập trở thành một con tuấn mã.
    Con Hồng mã theo Mai công tham gia nhiều trận chiến. Trong trận Bàu Sấu, lực lượng địch tấn công quá mạnh. Trận Bàu Sấu là một trận thủy bối, hai mặt đều có núi non và mặt sau là một cái bàu nước sâu và rộng. Nghe đồn rằng tại đây có nhiều cá sấu, nên bàu mang tên là Bàu Sấu. Dùng thế trận thủy bối là cốt để chỉ có một phương chống giặc, lưng và hông khỏi bị tập kích. Song khi lâm vào tình trạng nhất thế thì thủy bối lại trở thành hiểm nguy cho bước đường rút lui.
    Đa số quân sĩ đành phải nhảy xuống nước thoát thân. Mai nguyên soái bị trúng đạn. Máu ướt đẫm nhung y. Con ngựa Hồng như một luồng mống đỏ chở Mai nguyên soái chạy xuống mép bờ bàu, rồi tung mình nhảy xuống nước, bơi một mạch qua khỏi bàu, rồi lên đường thẳng chạy về Phú Lạc.
    Sau ngựa Hồng theo Nguyên soái vào Linh Đổng rồi cùng nguyên soái quy hàng. Trên bước đường chịu nạn ngựa Hồng luôn luôn theo bên chủ. Bọn quan lại tại thành Bình Định muốn đoạt lấy ngựa song khi Mai nguyên soái bị bắt cầm tù thì ngựa bỗng bỏ ăn. Mỗi ngày chỉ gặm một vài túm cỏ nên thân hình trở nên cằn cỗi như thuở mới gặp chủ. Hơn nữa hễ ai đến gần thì ngựa hí lên và cắn đá, nên không ai cưỡi được.
    Ngày Mai Nguyên soái thọ hình ở Gò Chàm, ngựa Hồng có đến tham dự. Trời đổ mưa tầm tã, tiếng ngựa Hồng hí lên ***g lộng. Sau cơn mưa, không còn ai trông thấy bóng ngựa đâu cả.
    Ngựa hồng đã trở về mật khu Linh Đổng.
    * Con ngựa ô của Quản Nhã
    Ông Quản Nhã nguyên quán làng Trường Định, huyện Bình Khê (Tây Sơn), tên thật là Trần Tấn theo Mai Xuân Thưởng được cử làm Quản Trấn cùng các ông Võ Phong Mậu chức vụ Tham Trấn, Nguyễn Trọng Trì làm Hiệp Trấn, đồng trấn thủ Hương Sơn. Ông Tham Mậu người thôn Thuận Hạnh đồng huyện với ông Quản Trần. Tuy đồng huyện với nhau, nhưng không ưa nhau vì tâm tánh mỗi người một khác. Tham Mậu là một nhà nho, đậu cử nhân, song tánh thâm hiểm mưu mô, lại háo kỳ, háo sắc, háo tiền. Mặc dù thân ở giữa ba quân mà thói phong lưu vẫn đeo theo canh cánh bên mình. Ông Quản Trần, trái lại, tánh nóng nảy vì võ nhiều văn ít song trung trực can trường, lại ghét thói phong lưu như nhà nông ghét cỏ, mặc dù là một phú hộ dám đem cả tiền lúa sẵn có ra nuôi nghĩa quân, ông Trần thường đem lời ngay thẳng ra chỉ trích Tham Mậu. Tham Mậu rất ghét, rất căm, nhưng chưa có dịp để hãm hại.
    Một hôm đương đi tuần, ông Trần được tin một toán nghĩa quân bị giặc Pháp đột kích, viên chỉ huy bị tử trận, liền hối hả chạy vào dinh Tham Trấn cấp báo. Thấy Tham Mậu đang cùng Hiệp Trấn Nguyễn Trọng Trì ngồi đánh cờ, ông Trần nổi giận hét:
    - Giặc đến không lo, tướng chết không tiếc. Cả ngày chỉ rượu với cờ!
    Nói đoạn sấn tới giật bàn cờ ném ra sân.
    Đã căm ghét sẵn, lại bị xúc phạm mạnh, Tham Mậu liền hét quân bắt trói Quản Trần. Ông Trần đang giận càng giận thêm, không còn kể chi đến quân luật, vừa la hét vừa tung quyền, cước đánh quân lính ngã lăn, hết lớp này đến lớp khác. Tham Mậu phải huy động đến cả một đội vũ trang mới bắt được Quản Trần. Tham Mậu buộc tội ông Trần là phản loạn, truyền đem chôn sống tức thì. Hiệp trấn Nguyễn Trọng Trì tuy không có hiềm khích chi với ông Trần, song bị làm mất thể diện trước ba quân, nên làm lơ để Tham Mậu hạ độc thủ.
    Quản Trấn Trần Tân có nuôi một con ngựa Ô. Truyền rằng con ngựa Ô này thuộc dòng giống con Ô Du của Đặng Xuân Phong thời Tây Sơn. Khi chú cháu nhà Tây Sơn diệt lẫn nhau, họ Đặng từ quan vào núi mai danh ẩn tích, con Ô Du cũng đi theo vào rừng. Sau đó vùng Tây Sơn có người đi rừng cưỡi theo ngựa cái và sau về ngựa sinh được một con ngựa Ô. Trần Tân mua được một con thuộc giống Ô Du.
    Ngựa Ô được chủ chăm nom cẩn thận và được quý như người thân. Trước khi khởi nghĩa, Trần Tân đã quen biết với Mai Công. Ngựa Hồng và ngựa Ô cũng trở thành thân thiết, thường đi song song với nhau.
    Khi thấy chủ bị nạn, con ngựa Ô liền bứt dây cương chạy thẳng một mạch về Trường Định báo nguy. Hương Sơn ở giữa Trường Định và An Chánh, cách nhà ông Trần chừng một cây số. Người nhà thấy ngựa chạy về dậm chân hí thảm thiết, chưa biết chuyện gì thì có người tâm phúc đến báo tin dữ, bà Trần liền cho người lên Phú Phong, cách Trường Định độ bốn cây số, cáo cấp cùng Mai Nguyên Soái.
    Con ngựa Ô chở người đi trong khoảnh khắc thì đến. Mai Nguyên Soái phi ngựa xuống Hương Sơn. Con ngựa Ô phi song song với con ngựa Hồng, vượt qua sông Côn đến nơi chủ bị chôn sống. Quản Trần được đào lên thì chỉ còn ấm ấm nơi ngực, cứu chữa mấy cũng không hồi sanh. Vừa thương vừa giận, nhưng người vắng mặt bao giờ cũng có lỗi, thêm nữa nước nhà đang cần người, Mai Nguyên Soái đành gạt lệ cắn răng, cho đưa di hài cố nhân về nhà chôn cất.
    Con Ô theo linh cửu ra đến mộ, nước mắt ra ròng ròng!
    Chôn cất xong, người về hết, ngựa ở lại, đói ra gò ăn cỏ, khát xuống bàu uống nước, ngày đêm cứ quanh quẩn bên mồ của chủ nhân. Đến ngày làm tuần thì chạy về nhà giây lát rồi trở ra. Tuần nào cũng vậy, đến tuần thất thất, ngựa chạy về nhà cất cổ hí dài một tiếng, rồi chạy ra mộ hí thêm một tiếng dài nữa. Tiếng hí ai oán não nùng. Đoạn chạy thẳng lên chiến khu Linh Đổng, sống cùng con Hồng của Mai Nguyên Soái.
    Sau khi nghĩa quân tan rã, Mai Nguyên Soái về thần, con Ô và con Hồng đem nhau vào Linh Đổng.
    Trong nơi mây khói mịt mờ, không còn ai trông thấy bóng dáng. Song những đêm trăng sáng trời trong, nơi phần mộ của Mai Nguyên Soái và của Trần Quản Trấn, người ta thường nghe tiếng ngựa hí.
    Người địa phương có câu:
    Ngựa đâu tiếng hí mơ màng
    Người nay thổn thức can tràng người xưa.
    Còn Tham Mậu?
    Mất Hương Sơn, Võ Phong Mậu và Nguyễn Trọng Trì chạy thoát. Nguyễn Trọng Trì đi lánh nạn cho đến khi có lệnh đình chỉ bắt bớ dư đảng Cần Vương mới trở về làng. Còn Võ Phong Mậu thì liền ra đầu thú, sau ngày Mai Nguyên soái tuẫn quốc và được giặc bổ đi làm Huấn Đạo. Ít năm sau xin về hưu trí ở Thuận Hạnh. Một đêm, nghe tiếng sột soạt ở đầu hè liền mở cửa ra xem thì một con cọp tàu cau lớn bằng một con bò đực, nhảy đến vồ. Tham Mậu kêu cứu, láng giềng chạy đến. Cọp liền vật Tham Mậu xuống đất, móc cuống họng, bỏ xác Tham Mậu lại rồi đi. Người ta bảo rằng đó là ông Trần mượn cọp báo oán.
    Ông cử nhân Huỳnh Bá Văn có viết một bản tuồng hát bội nhan đề là Mãi Tiêu Thứ (thường gọi là tuồng Thứ) diễn tả hành vi và tánh tình của Tham Mậu.
    Những câu chuyện trên, các bậc phụ lão, bên nữ cũng như bên nam, không mấy ai không biết và những kẻ hậu sinh nhiều người cũng được nghe nhắc đến luôn.
    Đi ngang qua Hương Sơn, cổ bàn nhân có mấy vần cảm tác:
    Bình Tây dù chẳng thành công
    Hương Sơn để tiếng anh hùng nghìn thu
    Giận ai cưu mối tư thù
    Cho gương phấn dũng bị lu ít nhiều
    Chuyện đời có nhạt màu rêu
    Mùi hương chính khí gió chiều thoảng đưa
  9. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    Võ nhân Bình Định thời Trịnh Nguyễn phân tranh
    1. Chàng Lía
    Là một hiệp sĩ áo vải, sống vào thời chúa Nguyễn. Cha là người huyện Phù Ly, ở gần miền Bích Khê. Nhân dân đã đặt bài vè "Chàng Lía", có câu:
    Có người ở Phủ Quy Nhơn
    Ở Phù Ly huyện gần miền Bích Khê
    Bích Khê là khe xanh, chỉ miền sơn cước.
    Mẹ là người thôn Phú Lạc, huyện Tuy Viễn. Lía mồ côi cha. Mẹ đem về nuôi ở quê ngoại, lớn lên ở chăn trâu cho một phú hộ trong thôn.
    Lía rất thương mẹ. Đến ở nhà người, nhưng tối nhất định trở về với mẹ. Và những lúc ra đồng, vào rừng, hễ bắt được con cá, con chim, đều để dành về dâng cho mẹ, những khi không bắt được chim cá, thường bắt trộm gà vịt ở các thôn xóm xa, làm thịt đem về, nói dối rằng vịt nước, gà rừng. Nhiều lần, bà mẹ sanh nghi, không chịu ăn, gạn hỏi:
    - Bắt trộm của ai?
    Lía năn nỉ:
    - Thấy mẹ khổ, Lía kiếm về nuôi mẹ. Mẹ ăn đi cho Lía vui lòng.
    Bà mẹ nhất định không ăn thì Lía chui đầu vào lòng khóc đến lúc mẹ chịu ăn mới thôi. Bà mẹ giận dỗi thì Lía xin chừa. Nhưng rồi thỉnh thoảng vẫn đem về không chiếc đùi gà thì cũng nửa thân vịt.
    Lía trông không có gì khác chúng bạn. Thân vóc cũng không được vạm vỡ. Song sức mạnh thật phi thường. Mỗi lần gây sự đánh nhau, Lía chấp hàng vài ba chục trẻ em đồng lứa. Những khi hai trâu báng lộn, một mình Lía nắm một đuôi trâu, cả bọn mục đồng nắm một đuôi kéo lui ra không cho báng. Lúc nào trâu của Lía cũng bị kéo lui xa hơn. Bởi thế bọn mục đồng đều khiếp sợ Lía. Lía bảo gì phải nghe theo nấy, không ai dám cãi, cũng không ai dám tỏ ý bất bình.
    Một hôm cao hứng, Lía rủ bọn trẻ vật một con trâu nghé của Lía chận, xẻ thịt thui ăn. Ăn xong sai đem tất cả da xương và lông lá? vào rừng chôn dấu kỹ, chỉ để lại đuôi trâu. Lía lấy đuôi cắm xiên xiên xuống đất, rồi khuân một tảng đá to lớn đè lên trên, chừa ló mõm chót với chồm lông đen. Đoạn chạy về nhà báo cùng chủ:
    - Trâu đương ăn, bỗng rống lên một tiếng, rồi chui tọt xuống đất. Chúng tôi nắm đuôi kéo không lên.
    Chủ nhà lật đật chạy ra xem. Thấy đuôi trâu, nắm kéo thử, nhưng mắc cứng, nhổ không ra. Hỏi đoàn mục đồng, chúng đều nói theo Lía. Sau dò biết được sự thật, chủ nhà tức mình đuổi Lía ra khỏi nhà.
    Lía về ở cùng mẹ, thấy mẹ làm lụng đầu tắt mặt tối, mà tháng ngày vẫn hụt trước thiếu sau, bèn lén đi bẻ bí trộm, đào khoai trộm,? đem về giúp mẹ. Bà mẹ rầy rà mãi không được. Mong nhờ chữ nghĩa thay đổi tính tình, bà cho Lía đi học. Lía học rất tối, lại hay gây gổ, đánh đá bè bạn. Thầy dạy mãi không được, phải đuổi ra khỏi trường.
    Sợ mẹ, không dám về nhà, Lía đi lang thang trong rừng, chợt thấy một lão trượng đang cùng cọp đánh nhau. Lão trượng râu tóc bạc phơ, nhưng diện mạo quắc thước, tay kiếm lanh như chớp. Còn cọp là một con cọp vện tàu cau, vừa lớn vừa dữ. Hai bên đánh nhau cả buổi mà vẫn không bên nào chịu nhượng bên nào. Rồi hai bên đều dừng lại, đứng thủ thế ghìm nhau. Lía đi lẻn ra phía sau lưng cọp, thình lình nhảy bổ tới, tay ôm cổ, chân kẹp hông. Cọp thất kinh, nhào lộn mấy vòng, nhưng Lía đeo cứng, không sao hất ra nổi. Cọp thất thế, vuốt dùng không được, chỉ cố sức vùng vẫy để thoát thân. Cọp càng vùng vẫy, Lía càng siết chặt. Cọp nghẹt thở, lần lần đuối sức rồi tắt hơi. Lão trượng vui mừng đến hỏi, Lía thưa rõ lai lịch. Lão trượng tỏ ý muốn đem về nuôi. Lía hớn hở đưa về xin phép mẹ. Bà mẹ làm lễ bái lão trượng mà gởi con. Lão trượng để cọp lại cho mẹ Lía xẻ thịt bán làm vốn nuôi thân và dắt Lía lên núi.
    Lão trượng vốn là một võ tướng của nhà Lê. Vì chán họ Trịnh, ghét họ Nguyễn, bỏ quan về ở ẩn. Lão trượng dạy Lía võ nghệ. Lía học văn thì tối mà học võ lại rất sáng. Học đâu thuộc đó. Học quyền xong, học sang kiếm, côn. Môn nào cũng tinh nghệ. Lía lại tự nguyện được phép phi thân, đứng đỉnh núi này nhảy sang đỉnh núi kia một cách dễ dàng như nhảy qua khe suối. Lại có thể đứng dưới đất nhảy lên đọt cây cao, đứng như con chim, rồi nhảy xuống nhẹ nhàng như một chiếc lá rụng.
    Lía ở núi hơn 5 năm. Sau khi lão trượng qua đời thì Lía trở về cùng mẹ. Lúc bấy giờ Lía đã trưởng thành, ngày lên núi kiếm thịt về nuôi mẹ. Nhưng tánh khí ngang tàng, không chịu nổi những cảnh bất công trong xã hội, nên thường can thiệp vào việc người. Bọn cường hào, ô lại rất ghét, nhưng sợ không dám làm gì.
    Một hôm, một tên lính nha về làng, cậy thế hiếp đáp dân chúng. Lía nổi giận đánh chết. Bọn cường hào được dịp trả thù, liền đi báo quan. Quan cho lính đến vây nhà bắt. Biết rằng không thể ở nơi quê nhà được nữa. Lía bèn cõng mẹ, nhảy qua rào, nhảy chuyền từ nóc nhà này sang nóc nhà nọ, chạy ra bờ sông Côn, lội qua Phú Phong, đi thẳng vào núi xanh trú ẩn.
    Vào núi, Lía gặp một đoàn lục lâm mời làm chúa, Lía sai sửa sang thành Uất Trì của Chiêm thành ở Bá Bích làm sơn trại. Thành Uất Trì cũng thường được gọi là thành Lía hoặc thành Ôn Công tức là thành của các ông ác ôn. Đoàn lục lâm ngày ngày kéo nhau đi ăn cướp. Dân tuần, lính canh không chống nổi. Ai nấy đều khiếp sợ, nhiều nhà giàu thuê võ sĩ đến giữ tài sản. Nhưng tất cả xa gần đều thất đảm mỗi khi bọn Lía đến. Vì tay côn của Lía mỗi khi vung ra thì hàng nghìn người phải ngã quị, không một võ sĩ nào có thể chịu nổi được một roi. Bởi vậy tiếng tăm của bọn Lía lừng lẫy khắp nơi. Không ai còn dám lãnh giữ của mướn và bọn Lía đến đâu không ai dám chống cự.
  10. DeNhatKhao

    DeNhatKhao Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    13/01/2002
    Bài viết:
    195
    Đã được thích:
    0
    ... Nhưng không bao giờ Lía lấy của những người không dư ăn dư để, mà chỉ lấy của những nhà giàu, nhất là nhà giàu bất nhân, thất đức. Lía lại đặt ra lệ:
    - Nếu chủ nhà biết điều, đem của ra dâng, thì bọn Lía lấy hai phần để lại cho chủ một phần. Vàng bạc, lúa gạo, cũng như trâu bò, trâu, heo, dê. Bằng kháng cự, bị đánh lấy hết. Nếu đi báo quan để cầu cứu thì nhà cửa bị tiêu tan, có khi còn bị thiệt mạng.
    - Những của cướp được, đem về trại một phần còn bao nhiêu đem phân phát cho người nghèo khó, trước hết là người trong địa phương bị cướp.
    Bởi vậy chỉ có nhà giàu oán bọn Lía mà thôi.
    Lại thêm, chẳng những Lía ăn cướp của nhà giàu đem san sẻ cho nhà nghèo mà còn luôn bênh vực, che chở cho những kẻ yếu thế bị hà hiếp. Nhiều tên cường hào, nhiều tên tham quan ô lại bị xẻo mũi cắt tai hoặc bị bể đầu vỡ mặt.
    Kẻ cầm quyền tìm đủ mọi cách để trừ khử bọn Lía, song nơi sào huyệt thì không dám vào vì núi khe kiểm trở, một vào không còn mong ra. Còn những khi có vụ cướp xảy ra, hễ quan quân nghe tin kéo đến khi bọn Lía đã đi rồi. Đôi lúc gặp được lại chỉ thêm khổ cho quân lính mà thôi, vì phần thì ngọn roi của Lía vương nhằm ai thì không còn mong sống, phần thì đồng bào tìm cách ủng hộ ngấm ngầm?. không tài nào bắt được. Cuối cùng phần ai nấy lo!
    Lía vào Bá Bích được ít lâu thì bà mẹ tạ thế. Không nỡ để mẹ nằm nơi quê người, Lía quyết định đem di hài về chôn ở Phú Lạc. Nhưng chôn ở đồng bằng, sợ về thăm viếng bất tiện, lại sợ bọn cường hào manh tâm xâm phạm đến phần mộ, Lía bèn chọn đỉnh Trưng Sơn. Trưng Sơn ở phía Bắc ngạn sông Côn, cách sơn trại của Lía chừng năm, sáu cây số đường thẳng, xiên xiên về hướng Tây Bắc. Để đưa mẹ về, Lía đội quan tài lên đỉnh núi Chóp Vàng ở phía ngoài sơn trại. Một tay đỡ quan tài, một tay cầm chiếc mâm đồng, ngắm về phía Trưng Sơn, ném mạnh. Mâm đồng vút bay, Lía đội quan tài nhảy theo đứng lên mâm rồi lấy thế nhảy vọt một nhảy nữa sang Trưng Sơn.
    Chôn cất mẹ xong, Lía khuân một tảng đá to đặt lên trên mộ để giữ nắng mưa và kê hai thớt đá nhỏ lên nhau ở bên mộ để ngồi khóc mẹ.
    Mẹ mất rồi, Lía buồn, bỏ Tuy Viễn ra Phù Ly thăm mộ cha rồi sẵn đường đi ra phía Bắc. Một đoản côn, một khăn gói, lang thang hết phù Ly đến Bồng Sơn.
    Một buổi chiều, Lía đi ngang qua Truông Mây. Tứ bề vắng lặng. Thấy địa thế hiểm yếu, dừng chân ngắm nghía. Bỗng một toán cướp, kẻ hèo người mác từ trong rừng kéo ra đón đường.
    - Muốn qua truông, phải để khăn gói xuống.
    Lía cười:
    - Ai đời ăn cướp lại đi giựt của ăn cướp bao giờ!
    Bọn cướp không thèm đáp, áp tới đánh, Lía đưa nhẹ cây đoản côn ra đỡ. Mấy tên ngã lăn. Mấy tên khác xông vào, cũng bị gạt ngã lăn nữa? Chúng thất kinh chạy lên núi báo cùng chủ trại.
    Chủ nhà là hai tên cướp nổi danh, tục gọi là Cha Hồ và Chú Nhẫn. Cha Hồ, Chú Nhẫn nghe báo liền vác đại đao xuống núi. Trông thấy tướng mạo của Lía tầm thường, vóc vạc lại không lấy gì làm cao lớn. Cha Hồ và Chú Nhẫn chê không xứng tay. Lía nổi xung đánh cho một côn. Cha Hồ đưa đao lên đỡ thì đao văng. Chú Nhẫn tiếp đánh. Lía hất đao, co chân đá lăn cù. Cha Hồ, Chú Nhẫn thất kinh! Hỏi ra, biết là Lía, mừng rỡ đón lên sơn trại, mở tiệc chung vui. Lía cho biết việc mình. Cha Hồ, Chú Nhẫn liền tôn lên làm đệ nhất trại chủ.
    Lía sửa đổi kỷ cương, không cho chận đường cướp giật nữa và đem thi hành chính sách đã áp dụng ở quê hương: Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo. Truông Mây nổi tiếng hơn trước. Bọn giàu có, quyền thế, đêm ngày lo sợ nơm nớp. Còn đám bình dân thì vui vẻ làm ăn. Người đi qua Truông Mây không còn phải lo nạp mãi lộ.
    Được ít lâu, ở thành Quy Nhơn có tổ chức cuộc thi võ để chọn nhân tài cầm quân đi đánh chúa Trịnh. Cha Hồ, Chú Nhẫn bàn cùng Lía đi lập công danh. Lía ưng thuận, cùng Cha Hồ, Chú Nhẫn thay đổi y trang xuống núi.
    Thanh thế Truông Mây tuy lừng lẫy, song không mấy ai biết mặt những kẻ cầm đầu. Nhờ vậy mà bọn Lía vào thành được vô sự. Nhưng rủi lại gặp viên giám khảo là một tên tham quan, lấy tiền tài làm chủ nghĩa. Bọn Lía không chịu lo lót nên bị đuổi ra như một số võ sĩ chỉ đến với tài năng. Bọn Lía tức mình, về Truông Mây kéo lâu la xuống đốt phá Trường Thi và bắt giết viên giám khảo. Nhân lúc bất ngờ, đánh phá luôn kho lương và cướp đem về núi một số lớn. Tuần phủ, khám Lý Phủ Quy Nhơn ra quân truy kích, nhưng đến Truông Mây thì bị đánh lui.
    Quyết tảo thanh Truông Mây, tuần phủ cho thêm binh đến vây đánh. Nhờ thế núi hiểm xung, bọn Lía giữ vững được sơn trại.
    Một đêm, trong khi quân lính bao vây sơn trại. Lía cùng một ít quân lâu la lẻn ra đường núi đi thẳng đến thành Quy Nhơn. Thừa lúc tối trời, Lía cõng lâu la nhảy vào thành, phóng hỏa đốt các doanh trại. Quân canh không trở tay kịp. Lửa cháy ngất trời, nhân dân trong thành tưởng giặc đến cướp thành, kéo nhau mà chạy. Kẻ chạy lên, người chạy xuống? hớt hải, cuống quít, xô lấn nhau, dậm đạp nhau. Tiếng khóc, tiếng la vang dội khắp đây đó. Viên Tuần phủ giật mình thức dậy, bước chân xuống đất thì đầu liền bay, người ái thiếp cùng chung gối bị bắt mang đi?
    Không biết giặc nhiều ít thế nào, sợ Quy Nhơn bị thất thủ, bọn quan lại phụ tá viên tuần phủ liền hỏa tốc gọi quân đóng ở Truông Mây về giữ thành. Phần bị Lía gặp giữa đường chận đánh, phần bị Cha Hồ, Chú Nhẫn thúc lâu la cũng theo rượt đánh, quân Quy Nhơn thất kinh không giám chống cự, ném khí giới chạy thoát thân.

Chia sẻ trang này