1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

VÒNG MẶT TRỜI - Tâm Yếu Của Đại Toàn Thiện (full)

Chủ đề trong 'Yoga - Khí công - Nhân điện - Thiền' bởi Prahevajra, 25/09/2024.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên quen thuộc Staff Member

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Thực hành liên tục

    Trong các tình huống sau thời thiền, trong lúc ngủ và những giờ thức, tâm trí không được phép lang thang. Vào ban ngày, không chối bỏ các chức năng của nhận thức giác quan, người ta nên học cách thực hành tự giải thoát thông qua nhận thức, qua chức năng của sáu giác quan. Người ta không nên đình chỉ chúng để duy trì sự điềm tĩnh trong một nỗ lực ngăn chặn tâm trí trở nên tán loạn, cũng không nên để mình bị xao lãng đến mức bản thân không hiện diện và kết quả là người ta bị dao động bởi một loạt các cảm nhận giác quan. Thực hành này có thể được nâng cao bằng cách suy nghĩ: “Bất cứ thứ gì tôi đang nhận thức qua các giác quan đều không có bản chất trường tồn khách quan.”

    Ban đêm, vào lúc ngủ, thay vì để tâm trí mơ màng, mộng tưởng, hay đơn giản trôi vào trạng thái uể oải, hành giả nên cố gắng tu luyện tỉnh giác để khía cạnh sáng chói của tâm trí được kích hoạt. Ngày cũng như đêm, hành giả có cơ hội tận dụng mọi cơ hội để nâng cao tiến bộ tinh thần và phát triển tuệ giác sâu sắc hơn. Yếu tố khác là hành giả cần tránh bám chấp, tham lam và mong muốn.

    Tinh túy của thực hành có thể được cô đọng thành sự tập hợp của tính giác tự có hay rigpa, và thực tại tối hậu, ying. Với khái niệm rigpa, tính giác tự hữu là rigpa bản nguyên, sau đó là rigpa thứ cấp, hay rigpa phát nguyên, đến từ thực hành thiền định. Bằng cách trở nên tỉnh giác hơn, đó chính là rigpa.

    Bốn điểm chính cần duy trì

    1. Quan điểm mà hành giả Dzogchen phải nắm giữ là mang ying và rigpa lại với nhau: đây là tinh túy thực hành Dzogchen.

    2. Thiền liên quan đến việc không tách rời thế giới hiện tượng và thực tại tối hậu, là tính không.

    3. Hướng dẫn tinh thần liên quan đến thực hành này là phải hiểu rằng nhờ đạt được tuệ giác sâu sắc hơn và trở nên gần gũi hơn với rigpa, hành giả có khả năng loại bỏ mọi ảo tưởng cùng các khuôn mẫu thói quen tiêu cực.

    4. Điểm thiết yếu thứ tư và cuối cùng liên quan đến thực hành Dzogchen là cho phép những cảm nhận giác quan về thế giới hiện tượng được tự giải thoát thông qua thực hành thiền định, để tâm không còn bị tổn thương với sự phấn khích và hứng khởi, mê hoặc, buồn ngủ và chán nản.

    Đây là cách hành giả Dzogchen cần tiếp tục thực hành. Làm thế nào để đạt được điều này thì đã được giải thích, và bốn điểm này liên quan đến thực hành Dzogchen đã được trình bày tỉ mỉ trong văn bản này và trong nhiều cẩm nang Dzogchen khác. Nhận ra rằng ying và rigpa là không thể tách rời, mục đầu tiên trong bốn điểm trên là mục đích thực hành Dzogchen, mọi thứ khác đều được thêm vào dưới chủ đề cụ thể này.

    Các dấu hiệu và mức độ tiến bộ biểu hiện thế nào

    Những giáo lý thiết yếu liên quan đến thực hành trekcho rất phù hợp với truyền thống Đại Ấn, tuy nhiên ở điểm này, văn bản chủ yếu xoay quanh thực hành thogal, nhảy qua. Như đã được biết, việc thực hành thogal liên quan đến sự trải nghiệm những linh ảnh nhất định.

    Để tóm lược, chúng ta có thể thảo luận về bốn linh ảnh xoay quanh thực hành thogal, thứ nhất cố gắng giải thích những hình ảnh đó biểu thị như thế nào và thứ hai, thảo luận những dấu hiệu tiến bộ thiền định sẽ xuất hiện hoặc biểu lộ đối với người hành thiền.

    Ở điểm này, tầm quan trọng của việc chăm chỉ thực hành ngondro, hay tu luyện sơ khởi, cần phải được nhấn mạnh, bởi vì thiền sinh rất dễ nghĩ rằng họ có thể đi thẳng vào thực hành thogal, bỏ qua mọi thứ. Người ta phải có nền tảng vững chắc trong thực hành ngondro để phát triển sự đánh giá chính xác về hai tình trạng tổng thể của vạn hữu, gọi là luân hồi và niết bàn, tình trạng trói buộc và tình trạng giải thoát. Nếu không quen thuộc với những thực hành chung và riêng của ngondro, thì ngay cả khi một cá nhân bước vào con đường Dzogchen và chăm chỉ tu luyện thogal, họ sẽ không thể kinh nghiệm được những linh ảnh và nhận ra được những dấu hiệu tiến bộ. Hơn nữa, thiền sinh nên được cảnh báo rằng việc thực hành trekcho, pháp tu luyện đã được mô tả chi tiết trong tài liệu này, nên được sử dụng làm nền tảng. Nếu chẳng hiểu thấu đáo những điều đó, họ sẽ không thành công trong việc thực hành thogal. Vì những lý do này, điều quan trọng là phải dành nhiều thời gian cho thực hành ngondro và trekcho, cố gắng theo đuổi chúng mà không lạc đường. Nếu hành giả kiên trì thực hành ngondro và trekcho thì những linh ảnh của thogal sẽ bắt đầu hiển lộ.
  2. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên quen thuộc Staff Member

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Linh kiến của Pháp Tính Hiển Lộ

    Khi thực tại tối hậu hòa nhập với tâm tỉnh giác tự hiện hữu, người ta sẽ trải nghiệm một loại linh ảnh về ánh sáng. Khi ánh sáng tăng cường, những linh ảnh này được gọi là “những ngọn đèn”. Phần này của tài liệu đã đề cập đến ý nghĩa của những linh ảnh nhưng ở đây, “những ngọn đèn” biểu thị rằng khi tầm nhìn về ánh sáng tăng cường và sâu sắc hơn, thì một số vòng tròn ánh sáng sẽ hiển lộ, được gọi là bindu trong tiếng Phạn, thigle trong tiếng Tây Tạng, là thứ cuối cùng sẽ dẫn đến chứng ngộ tính giác tự hiện hữu.

    Ba giai đoạn liên quan đến những linh kiến

    Về những linh ảnh, hành giả thường sẽ đi qua ba giai đoạn.

    Thứ nhất, có sự tiếp xúc ban đầu với tính giác tự hữu, nhưng điều này không ổn định và chỉ là một trải nghiệm nhất thời, thoáng qua. Trải nghiệm này được ví như “có thể nắm được dây thừng nối với mũi con vật”. Nếu ai đó buộc dây thừng vào mũi một con vật thì họ biết họ có thể dẫn nó đi bằng sợi dây đó.

    Tiếp theo là việc làm sâu sắc hơn kinh nghiệm đó, nơi nó trở nên có lợi và nâng cao tinh thần hơn, bất cứ điều gì được trải nghiệm đều được coi là phong phú và tốt đẹp. Bằng cách này, thiền sinh tự củng cố mình trong thực hành. Đây là giai đoạn thứ hai của những trải nghiệm linh ảnh liên quan đến thogal. Tại đây, những vòng tròn của mặt trời có thể hiển lộ.

    Cuối cùng, thiền giả có thể phối hợp và kết hợp các trạng thái ở ngoài trái đất và trên trái đất. Sự hợp nhất của cả hai được nhận thức ngay lập tức, mà không cần nỗ lực. Đây là loại linh ảnh cuối cùng, tiếp theo sau khi đạt được giai đoạn thứ ba của kinh nghiệm thogal.

    Các dấu hiệu tiến bộ

    Về các dấu hiệu, chúng được kết nối với cái gọi là “ba cánh cổng”. Những dấu hiệu này cho thấy sự thực tế hóa chân bản tính của chính người đó.

    Liên quan đến cánh cổng đầu tiên, tức là thân thể, giáo lý nói rằng thân thể của một người được coi là hoàn toàn tự nhiên và không bị hạn chế, chính xác là vì thân thể không được sử dụng cho bất kỳ nhiệm vụ hay dự án cụ thể nào. Thân thể không được giao cho một nhiệm vụ được chỉ định nào. Nhờ điều này, thiền sinh có cảm giác được ở cùng với thân thể trong trạng thái tự nhiên của nó. Hơn nữa, nếu một người nhận quán đỉnh cái bình thì tiềm năng này của thân thể sẽ được hiện thực hóa. Khi đó thân thể có thể hoạt động mà không cần nỗ lực hay gắng sức và do đó là tự phát và tự nhiên.

    Đối với cổng thứ hai, là cổng lời nói, ngôn ngữ, dấu hiệu là trở nên im lặng. Thông thường, một người không thể ngừng nói huyên thuyên, muốn nói về chuyện này chuyện kia dưới hình thức chuyện tầm phào, tất cả các kiểu giao tiếp bằng lời nói chỉ nhằm lấp đầy thời gian, hoặc để giải trí, hoặc nhằm mục đích làm tổn thương ai đó. Ở đây tất cả điều đó đều chấm dứt. Dấu hiệu cho thấy điều đó theo đúng nghĩa đen là chết lặng; hành giả bắt đầu trải nghiệm mọi thứ như thể chúng bị câm. Kinh nghiệm về sự câm lặng này được hỗ trợ bởi kiến thức về những bí mật. Khía cạnh lời nói liên quan đến các dấu hiệu được kích hoạt thông qua sự truyền trao lễ quán đỉnh bí mật.

    Cổng thứ ba là tâm trí, dấu hiệu ở đây giống như một con chim. Nếu những ý nghĩ hay cảm xúc vừa nảy sinh trong tâm có thể được nắm bắt ngay khi chúng vừa nảy sinh thì không có chỗ cho sự sai lệch, giống như con chim bị nhốt trong ***g.

    Hơn nữa, dấu hiệu chung cho tình trạng hợp nhất giữa thân, khẩu, và đặc biệt tâm ý, là có lòng sùng mộ và kính trọng sâu xa đối với các vị đạo sư trong quá khứ, xem họ như những vị Phật sống. Hành giả sẽ phát triển lòng bi mẫn tự phát chứ không phải thông qua các nguyên nhân hay lý do, và sẽ thật sự hiểu được mối quan hệ nhân quả vận hành như thế nào. Họ sẽ có khả năng đối phó với những mức độ thô thiển của cảm xúc khi chúng phát sinh, và cũng sẽ thấm nhuần sự hiểu biết về tính chất bất phân chia của hỷ lạc, trong sáng và vô niệm.

    Một lần nữa, sự hiểu biết này sẽ diễn ra tự nhiên; nó không được tìm kiếm hay phát triển nhờ nỗ lực. Khi điều này bộc lộ, thiền giả sẽ không gặp phải những xao lãng thông thường. Khi giáo lý Đại Ấn nói về ba mức độ của yoga nhất niệm, giai đoạn này tương đương với điều đó. Một người như vậy sẽ trở nên vững vàng trong thực hành và chạm đến nguyên bản của chính mình, sẽ không bao giờ bị đặt vào tình huống mà họ bị ép buộc phải phá bỏ samaya, thệ nguyện tâm linh. Trong trường hợp này, từ đó trở đi, một thiền giả như vậy không bao giờ có thể rơi vào các cõi thấp hơn của luân hồi.
  3. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên quen thuộc Staff Member

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Linh kiến của Kinh nghiệm tăng cường

    Khi hành giả tiếp tục tu luyện như được mô tả trong tài liệu, chắc chắn họ sẽ có những kinh nghiệm khác nhau cho thấy sự tiến bộ trên con đường đạo. Những điều này chia thành hai loại: kinh nghiệm dựa trên sự hiểu biết của một người (shes nyams) và trải nghiệm liên quan đến những linh ảnh (snang nyams).

    Đối với shes nyams, kinh nghiệm liên quan đến hiểu biết, khi hành giả theo đuổi việc thực hành, họ sẽ gặp những giai đoạn hỷ lạc, trong sáng, và vô niệm, nhưng những giai đoạn này bị hoen ố và do đó dễ hư hỏng. Ngay cả khi sự sáng suốt tinh thần tạm thời hiện diện, kinh nghiệm đó cũng không hoàn toàn đáng tin cậy. Khi điều này xảy ra, nó có thể thay đổi, nên đôi khi hành giả rất tự tin vào kinh nghiệm và thực hành của mình, nhưng có lúc lại mất đi niềm tin đó. Vì lý do này, thiền giả không thể dựa vào những kinh nghiệm đó như một chỉ dẫn tối cao.

    Những trải nghiệm liên quan đến các linh ảnh thì đáng tin hơn vì chúng xuất hiện ngay từ đầu do hành giả đã có sự tiếp xúc với bản tính chân thực của mình. Những linh kiến này là biểu lộ của tính giác bẩm sinh đã được kích hoạt. Khi hành giả quen thuộc hơn với cảm giác nguyên sơ của sự tỉnh thức này, điều đó sẽ làm nảy sinh nhiều linh ảnh khác nhau trong đó người ta có thể nhận thấy sự hình thành ánh sáng ngũ sắc.

    Hành giả có thể và thường có nhiều kinh nghiệm khác nhau liên quan đến các linh kiến. Những thứ này luôn gắn liền với nhận thức về ánh sáng, ánh sáng dọc, ngang, ca rô, hình mái vòm, hình cuống hoa sen, bánh xe giống chày kim cang, hoặc đá quý, cùng nhiều vật dụng khác nhau. Ngoài ra còn có nhiều biểu tượng tượng trưng khác nhau, những biểu tượng nguyên mẫu gắn liền với sự tốt lành. Chẳng có hình dạng hoặc hình thức nào mà một linh ảnh cụ thể bị cho là hoàn toàn không thể xác định.

    Tất cả những hình dạng ánh sáng này đều liên quan đến việc kích hoạt tiềm năng vốn có trong năm loại trí tuệ. Khi ánh sáng được nhìn thấy trong chiều thẳng đứng, đó là biểu hiện của trí tuệ như tấm gương. Khi được thấy trong chiều ngang, đó là biểu hiện của trí tuệ về bình đẳng. Khi thấy dạng chữ nhật, điều đó cho thấy trí tuệ phân biệt. Trí tuệ của sự thành tựu tất cả biểu hiện dưới dạng ánh sáng ca rô, còn trí tuệ không gian bao trùm hay trí tuệ về thực tại tối cao được kết nối với linh ảnh về một mái vòm.

    Dấu hiệu của trí tuệ như gương là người ta có thể trải nghiệm cảm giác lung linh. Do sự kích hoạt của trí tuệ bình đẳng, các linh ảnh có hình dạng giống như quân cờ xuất hiện, tương tự như một tấm lưới. Trí tuệ phân biệt được kết nối với nhận thức về hoa, vân vân. Trí tuệ mọi thành tựu kết nối với nhận thức về các dụng cụ và đối tượng khác nhau, còn trí tuệ không gian bao trùm hay thực tại tối hậu có thể làm phát sinh nhận biết về một mái vòm hay mandala.

    Những hình ảnh mà hành giả có thể có được thông qua thực hành được coi là quan trọng hơn những kinh nghiệm dao động về hỷ lạc, trong sáng và vô niệm. Tất cả các linh kiến này đều có liên quan đến sự phát triển tiềm năng của ngũ trí.

    Những linh ảnh về thực tại tối hậu này trải qua chuyển hóa dần dần. Lúc đầu chúng có kích thước nhỏ nhưng sau đó chúng tăng dần kích cỡ. Kích cỡ của vật thể được hiển thị trong linh kiến ban đầu có thể là một cubit 43 , sau đó nó tăng dần về độ lớn. Các linh ảnh về vòng tròn, hạt thigle, cũng xảy ra tương tự. Lúc đầu các vòng tròn có ngoại hình rất nhỏ bé rồi dần dần chúng lớn lên đến kích thước của một lòng chảo và mở rộng ra đến mức mà cả một thung lũng được bao phủ bởi vòng tròn ánh sáng, và khu vực nơi ở của hành giả được bao phủ bởi vòng tròn ánh sáng. Vì vậy điều này liên quan đến những linh ảnh về thực tại tối hậu và nó cho thấy trình độ thiền định của hành giả.

    Các dấu hiệu khác liên quan đến tiến trình thiền định bao gồm những hành vi bất thường liên hệ đến thân, khẩu, ý.

    Về thân thể, hành giả có thể không nhìn nó với sự khiêm tốn thông thường. Như thể người đó đang mắc một căn bệnh buộc họ phải hành động theo những cách khác thường. Điều này thỉnh thoảng có thể xảy ra.

    Về lời nói, người ta nói như thể bị mất trí. Điều này là do hành giả bị xúi giục bởi ảo tưởng rằng bản thân không bị ràng buộc bởi những tiêu chuẩn thông thường về đàm luận.

    Về tinh thần, người ta cũng sẽ trải qua những giai đoạn ngừng hoạt động tinh thần, gần giống như một người uống thuốc độc rồi bất tỉnh. Điều này có nghĩa là các hoạt động tinh thần phàm tục đã chấm dứt, những hoạt động được làm mới và tô điểm như tức giận, oán ghét, ghẹn tị, vân vân, và bất cứ điều gì nảy sinh trong tâm trí đều được giải quyết trở thành trạng thái tự nhiên của tâm trí. Điều đó chẳng có nghĩa là trên thực tế người ta trở nên vô ý thức. Nó có nghĩa là bất cứ điều gì khởi lên trong tâm trí đều không dao động khỏi các đặc trưng kép của trạng thái tự nhiên, tính không và tính sáng, các đặc tính của kadag, thanh tịnh bản nguyên, giống như trạng thái tự nhiên của tâm trí.

    Đây là một số dấu hiệu và chỉ dẫn về sự tiến bộ tiềm năng thường được kinh qua khi tu tập thiền định, và hành giả sẽ tự mình đi qua những điều này.

    Cách mà hành giả nhìn thế giới, liên hệ với nó và tương tác với những người khác sẽ thay đổi bởi vì họ đã có thể giải phóng bản thân khỏi sự bám chấp vào tính chắc thật của mọi hình dáng bề ngoài. Được trang bị kiến thức hay sự hiểu biết này, thiền giả sẽ không còn bị sa lầy vào những suy nghĩ về bạn bè và kẻ thù, những suy nghĩ gắn chặt với những cảm xúc rất mạnh mẽ của sự tham luyến hay sân hận quá mức. Những niềm đam mê mãnh liệt này tạo nên tính cách của một người, xây dựng trên cơ sở những dấu ấn tâm linh do những cảm xúc đó để lại. Người hành thiền có khả năng buông bỏ tốt hơn và không rập khuôn vào cách thức mà họ bị ảnh hưởng bởi người khác.

    Người hành thiền cũng có thể không muốn lúc nào cũng bận rộn với việc theo đuổi lạc thú và trốn tránh đau khổ, sẽ không có những phản ứng nhị nguyên mạnh mẽ đối với hạnh phúc và đau khổ, tốt và xấu, chấp nhận và từ chối. Tâm trí của họ không còn quá cứng nhắc trong cách nó phản ứng theo thói quen đối với các kích thích khác nhau và có cảm giác tự do khỏi sự bám chấp. Những kinh nghiệm này là kết quả hoặc kết quả cuối cùng của quán đỉnh trí tuệ vô niệm, quán đỉnh thứ tư trong hệ thống mật tông.

    Ở điểm này, hành giả có một hiểu biết thực sự về tính – không – có - thực chất, và trong giáo lý Dzogchen, giai đoạn phát triển này được gọi là “chuyến bay của một con chim”. Hình ảnh những chú ong bay lượn quanh những bông hoa hút phấn cũng được dùng để truyền tải giai đoạn này. Nhiều nhà bình luận đã so sánh giai đoạn Dzogchen này ở cấp độ thogal với Đại Ấn của giai đoạn vô niệm. Tuy nhiên, có vẻ phù hợp hơn đếu đánh đồng cấp thogal đặc biệt này với yoga nhất vị trong hệ thống Đại Ấn. Nếu hành giả có thể giữ vững được trình độ này thì họ đã tìm thấy giải thoát thực sự, do đó giai đoạn phát triển đặc biệt này còn được gọi là “sự tách rời luân hồi khỏi niết bàn”. Người tu luyện không còn bị chi phối bởi các dấu vết và khuynh hướng nghiệp báo, và không bị buộc phải khoác lấy những hình thái luân hồi bất toại nguyện và kỳ cục, bởi vì một người như vậy có khả năng có được bất cứ hình thái hóa thân xứng đáng nào nếu muốn. Vào lúc chết, tu nhân sẽ có khả năng sử dụng osel, kinh nghiệm về tính sáng chói trong trạng thái trung ấm. Cá nhân đó sẽ tìm được giải thoát hoàn toàn trong đời này hay đời sau.
  4. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên quen thuộc Staff Member

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Linh kiến của Tỉnh Giác đạt đến viên mãn

    Như đã nêu ra trước đây, có hai loại linh ảnh. Những linh ảnh về không gian hay ying, trở nên lan tỏa khắp nơi theo nghĩa bất cứ nơi nào có không gian thì ở đó có linh ảnh về ying. Đối với linh ảnh về vòng tròn hoặc thigle, chúng cũng trải qua biến đổi trong đó những vòng tròn trở nên ngày càng lớn hơn. Chúng có thể có kích thước như một tấm khiên hoặc chu vi bên ngoài của một cái trống. Chúng có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc biểu lộ theo số lượng năm hoặc chín, hoàn toàn linh hoạt về cách biểu hiện. Bên trong các vòng tròn, có thể nhận thấy những hình ảnh như hoa sen bốn cánh và nhìn thấy hình ảnh những chúng sinh hòa bình được bao bọc trong các vòng tròn. Những chúng sinh này có thể xuất hiện trần trụi, không có quần áo, đồ trang sức.

    Các linh ảnh về chúng sinh ban đầu được thấy là đơn lẻ. Chúng cũng có thể xuất hiện trong sự kết hợp của năm cá thể, trong dạng phối ngẫu cùng đối tác. Chúng cũng có thể nhân lên đến mức chúng là tất cả những gì có thể nhận thức được. Cũng có thể có kinh nghiệm về một linh kiến liên quan đến thân thể của chính mình, trong đó mỗi lỗ chân lông có thể được thấy như một cõi Phật, và trong mỗi lô chân lông không chỉ có linh kiến về một cõi Phật, mà hàng ngàn.

    Khi có những linh kiến này, trong một thời gian, những ấn tượng giác quan của người ta về những đối tượng vật chất, như đất, đá, núi non, vách đá, vân vân, có thể chấm dứt. Ngay cả khi những nhận thức giác quan thông thường này không bị gián đoạn, thì những đối tượng nhỏ bé của nhận thức thị giác, như một hạt nguyên tử, một sợi tóc, một chiếc lá gắn trên cành, trong mỗi đối tượng này người ta có thể có những linh ảnh về các cõi Phật.

    Viễn cảnh về các cõi Phật không nhất thiết là người ta đang nhìn vào một loại thiên đường nào đó. Nó có nghĩa là sự quý giá đến cực điểm của thực tại tối hậu có thể được nhìn thấy trong mọi thứ được nhận thức, và mọi thứ nhỏ nhặt đều có thể trở thành thứ gì đó rất có ý nghĩa. Những linh ảnh này là biểu hiện của bước đột phá tâm năng đặc biệt đó. Gọi những linh ảnh này là “cõi Phật” chỉ là một cách để mô tả kinh nghiệm đó.

    Tóm lại, những hình ảnh đạt được ở cấp độ này không thể dễ dàng được mô tả, bởi vì từ ngữ không đủ để truyền đạt đầy đủ loại kinh nghiệm về trường nhìn mà một thiền giả có thể gặp phải ở trình độ này. Tất cả các kinh nghiệm tiềm tàng trong trung ấm đã được hiện thực hóa. Nhờ thực hành, người ta đã tiếp xúc được với các loại kinh nghiệm thị kiến mà một hành giả có tiềm năng gặp phải trong trạng thái trung ấm.

    Ví dụ, khi hành giả đang trải qua những kinh nghiệm này, có thể nghĩ rằng có một sợi dây ánh sáng phát ra từ trái tim, sau đó nó gắn chặt vào những linh ảnh của nhiều loại chúng sinh. Trên đầu hành giả có thể cảm thấy có một bánh xe ánh sáng nhiều màu giống như lông công. Có nhiều bánh xe khác nhau có tính chất này. Cũng giống như trong kinh nghiệm trung ấm, người ta có thể có những hình ảnh về báo thân hóa hiện cùng với các vị thần phẫn nộ xuất hiện trên đầu mình, các vị thần hiền hòa xuất hiện phía trước, còn bên dưới là những biểu lộ của hóa thân.44
  5. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên quen thuộc Staff Member

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Những dấu hiệu tiến bộ tinh thần

    Tương ứng với các linh kiến này là những chỉ dấu, dấu hiệu của sự tiến bộ trên đường đạo.

    Liên quan đến thân thể, dấu hiệu này được mô tả như một con voi nổi lên từ bùn. Thông qua kinh nghiệm này, các đối tượng vật lý không tạo ra sự kháng cự đối với một người như vậy, chính xác là bởi vì người ta đã nhận ra sự thanh tịnh tự nhiên của thế giới bên trong và bên ngoài, đồng thời hiểu được bản tính phi vật chất của thế giới bên trong và cả bên ngoài.

    Lời nói có thể so sánh với lời nói của một sinh vật thần thoại Tây Tạng. Theo truyền thuyết, sinh vật này có giọng nói tuyệt vời, bất cứ ai nghe thấy âm thanh đó đều yêu thích nó. Tương tự, bất cứ điều gì được nói ra bởi hành giả đạt đến trình độ này đều trở thành bài pháp và được xác thực, cho dù theo nghĩa đen chỉ có một điều có thể được nói ra. Tuy nhiên, khi lời nói được nghe bởi những người có sở thích và tính cách khác nhau, mỗi người sẽ giải nghĩa nó theo nhu cầu của mình và từ đó nhận được lợi ích từ nó. Trong một khoảnh khắc, một cá nhân như vậy có khả năng liên hệ với những người khác nhau ở nhiều trình độ khác nhau.

    Về tâm trí, nó có thể được so sánh với một người đã khỏi bệnh dịch. Một người đã trải qua bệnh dịch hạch và sống sót không hề sợ hãi hay lo lắng về việc tái phát. Bất cứ ai có thể cắt đứt mối ràng buộc giữa luân hồi và niết bàn đều không lo lắng sẽ bị thoái chuyển, không sợ bị rơi trở lại vào trạng thái luân hồi. Một người có tố chất này đã phát triển tất cả tiềm năng của mình và do đó sở hữu tất cả những đặc điểm chung và độc đáo của sự giác ngộ.

    Ở đây như lời đồn là người ta có thể bay, bay lên không gian hoặc lặn xuống vực sâu của trái đất. Một người như vậy không thể nào bị quấy rầy bởi sự bất hòa giữa các yếu tố. Loại người này có khả năng thực hiện một số thần thông nhất định do đã đạt được quyền năng đối với những giới hạn của bản thân. Những người đã đạt được cấp độ này có thể làm vậy bởi vì họ đã hiểu đầy đủ và hiện thực hóa bản chất của ngôn từ, hoặc quán đỉnh biểu tượng. Ở điểm này, thiền giả đã hiểu trọn vẹn ba khía cạnh của thể tính Phật, pháp thân, báo thân, hóa thân. Giai đoạn kết quả, Phật quả đã đạt được ngay trong đời này.

    Trong văn học, giai đoạn này thường được so sánh với các cấp độ nhỏ và trung bình của yoga không thiền định của giáo lý Đại Ấn, nhưng những gì đạt được ở đây chả khác với yoga không thiền định ở cấp độ cao nhất. Có ba nguồn gốc của ảo tưởng tinh thần chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của trạng thái luân hồi, và ba nguồn này có liên quan đến sự diễn dịch sai hoặc nhận thức sai lầm về thân thể, thế giới hiện tượng và tâm trí. Những suy nghĩ ảo tưởng đó giờ đây đã chấm dứt. Trong hai loại che chướng tinh thần, những loại xung đột cảm xúc và nhầm lẫn khái niệm, thì nhầm lẫn khái niệm giờ đây bị loại bỏ.

    Hành giả có thể hoàn thiện sức mạnh của kiến thức hay tuệ giác, từ bi, và dũng lực, và bởi vì ba năng lực này đã được hoàn thiện nên không còn sự phát triển nào để có thể nói thêm được nữa. Chẳng còn gì mà người ta cần phát triển để cải thiện bản thân.

    Linh kiến về sự cạn kiệt của Pháp Tính

    Tiếp theo thị kiến trước đó là “sự cạn kiệt của Pháp Tính”, hay “sự diệt tận của Thực tại Tối hậu”, là thị kiến cuối cùng. Nó được đặt tên như vậy vì các hiện tượng bên ngoài, hay thế giới thực nghiệm được cảm nhận bằng các giác quan, đã hòa nhập với không gian bên trong, ying, không gian của bản tính chân thực. Có một ý nghĩa trong đó một quá trình thoái hóa diễn ra, trái ngược với sự tiến hóa, trong đó khía cạnh vật lý của hiện thể Phật, tức hóa thân, hòa nhập vào pháp thân, trạng thái chân thực của thể tính Phật.

    Trong trạng thái như vậy, cá nhân không còn bị phân tâm bởi nhiều dự án khác nhau đòi hỏi phải sử dụng thân thể. Kết quả từ đó là trải nghiệm bên trong về cảm giác điềm tĩnh trọn vẹn. Tâm trạng không còn bị xáo trộn bởi những suy nghĩ như hối tiếc, tham vọng, hay khao khát, tất cả đều cạn kiệt. Tâm trí đã được làm trống rỗng trong tất cả những quá trình này.

    Tóm lại, những gì đang diễn ra là lhun grub, đã được nói rất chi tiết ở phần đầu của tài liệu, và là biểu hiện tự phát của những kinh nghiệm khác nhau nảy sinh trong tâm trí, đã hòa nhập vào trạng thái kadag, trạng thái nguyên thủy của tính thanh tịnh tuyệt đối. Đó là vì sao cái thấy này được gọi là “cái thấy liên quan đến việc làm trống rỗng thực tại tối hậu.”

    Các dấu hiệu liên quan đến thành tựu cụ thể này như sau:

    Về thân, người ta cảm thấy mình giống như một con chim bị nhốt trong ***g lâu ngày rồi bây giờ được thả ra. Có nghĩa là cá nhân không cần sử dụng thân thể với một ý định về mục tiêu trong tâm trí.

    Về ngôn ngữ, người như vậy sử dụng lời nói như tiếng vang. Hình ảnh này được sử dụng bởi vì bất cứ điều gì cá nhân đó nói đều vang vọng trong tâm trí người nghe rồi được hiểu và diễn giải theo cách thích đáng và phù hợp nhất với mỗi người. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, một người đã đạt được trạng thái này sẽ không chìm đắm trong suy tưởng của người nói và những người được nói chuyện cùng.

    Về tâm trí, người ta cảm thấy như một người vừa bị đau tim. Nếu ai đó bị đau tim và không được chăm sóc ngay lập tức, người đó sẽ chết. Khi quá trình chết bắt đầu, người đó sẽ có những trải nghiệm liên quan đến cơ thể, sự hoạt động của các giác quan và tinh thần, khi đó các cảm giác của cơ thể dừng lại, các giác quan trở nên kém hoạt động, mọi thứ trở nên mờ ảo, tâm trí không thể suy nghĩ và ý niệm hóa một cách rõ ràng. Theo nghĩa đó, người ta kinh nghiệm sự trống rỗng của mọi hoạt động.

    Tương tự, giống như một người sắp chết vì đau tim không thể lựa chọn và phải trải qua quá trình hấp hối và đối mặt với cái chết, hành giả trong tình trạng này không có lựa chọn và gần như bất lực, họ hầu như bị đẩy vào trạng thái đạt đến giác ngộ. Điều này xảy ra bởi vì tất cả các chức năng bình thường của tâm trí đã hòa nhập vào chân thực tại của cá nhân và thực tại tối hậu.

    Khi một người như vậy đã đạt được mục tiêu giác ngộ, không thể liệt kê được các dấu hiệu, phẩm chất hoặc thuộc tính khác nhau mà người giác ngộ có thể biểu lộ như thế nào, dưới dạng các dấu hiệu tinh thần thông thường hiển lộ cho người khác thấy.

    Kinh Dra Thalgyur nói:

    Một khi thiền giả chứng ngộ trực tiếp thực tại tối hậu thì kinh nghiệm đó không thể bị khái niệm hóa. Người ta không thể suy nghĩ cho vui về nó, hay thậm chí diễn đạt bằng lời những gì đã xảy trải qua. Một khi trải nghiệm này đã được xác lập vững chắc, tạo thành nhiều kinh nghiệm và thị kiến thì nhận thức mê lầm bắt đầu giảm bớt.

    Cái nhìn của nhận thức mê lầm suy giảm đi khi nhận thức thanh tịnh tăng cường lên. Khi những kinh nghiệm và thị kiến về thực tại tối hậu tăng trưởng, thì ngược lại có một sự suy giảm của nhận thức ảo tưởng. Ở điểm này, thiền nhân đã hành tựu được sức mạnh và năng lực thực sự của rigpa, hay tính giác tự hiện hữu. Nhờ thị kiến này, thiền nhân đã nhận ra đầy đủ tiềm năng của ba phương diện hiện hữu Phật.

    Nhờ vậy, đạo lộ đã được hiện thực hóa. Con đường không còn là một con đường để đi nữa mà trở thành mục đích. Cái thấy về con đường đã diễn ra nên có sự siêu việt. Bản thân con đường được nhận ra là mục đích và do đó, siêu kinh nghiệm đã đạt được. Khi đó, thiền nhân có thể làm trống rỗng thực tại tối hậu khỏi mọi nội dung của nó, cụ thể là mê lầm, ảo tưởng, nhận thức méo mó, để chấm dứt kinh nghiệm liên miên trong tam giới.

    Theo cách này, thiền nhân trải qua bốn cái thấy: cái thấy về pháp tính hiển lộ, cái thấy về kinh nghiệm tăng cường, cái thấy về tỉnh giác đạt đến viên mãn, và cái thấy về sự cạn kiệt của pháp tính.
  6. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên quen thuộc Staff Member

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Ba nguyên tắc không dao động

    Bốn linh kiến có thể mang lại cho người hành thiền một cảm giác thực tế về kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu chỉ nghĩ về bốn trường linh ảnh này là chưa đủ, bởi vì người ta phải kiên trì thực hành và làm việc với chúng. Điều này đạt được bằng cách tuân thủ những gì được gọi là “ba nguyên tắc không dao động”. Người tu luyện phải đặt việc thực hành của mình trên những nguyên tắc này, bằng cách làm như vậy, bốn linh kiến sẽ được nuôi dưỡng, nâng cao và phát triển.

    Ba nguyên tắc không dao động có liên quan đến các khía cạnh bên ngoài, bên trong, và bí mật của bản thân.

    Nguyên tắc đầu tiên liên quan đến nhận thức của một người về thế giới bên ngoài. Bất cứ điều gì người ta nhìn thấy hay nhận thức qua các giác quan đều tự biểu lộ là cõi Phật, bởi vì nguyên tắc này liên quan đến việc duy trì nhận thức thanh tịnh.

    Nguyên tắc không dao động tiếp theo liên quan đến thân thể con người. Người hành thiền thấy thân của mình như một thân huyễn. Sự hiện diện với thân huyễn sẽ giải phóng cá nhân khỏi những kinh nghiệm ảo tưởng dẫn đến xao lãng.

    Nguyên tắc không dao động thứ ba là khía cạnh bí mật, liên quan đến sự vận chuyển của năng lượng tâm vật lý hay khí prana. Khi người thực hành duy trì hiện diện với prana và không dao động, thì người đó sẽ nhận ra sự phối hợp trong trạng thái chân thực của mình là không gian và trí tuệ: ying và yeshe. Hai yếu tố này tạo thành trạng thái chân thực của bản tính con người, không thể hợp nhất lại với nhau, cũng không thể tách rời nhau, chúng hoạt động trong trạng thái tổng thể nơi cả hai yếu tố cùng hiện diện.

    Ba dấu hiệu liên quan đến rigpa

    Khi rigpa đã phát triển đầy đủ, ba dấu hiệu cũng xuất hiện liên quan đến kinh nghiệm đó.

    Dấu hiệu đầu tiên là nhận ra tâm và khí, năng lượng tâm vật lý, và ở điểm này, thiền nhân thực sự kiểm soát được dòng chảy năng lượng. Thiền nhân có thể, và thường trải nghiệm nhận thức về cái vô hạn và có thể xác lập cái nhìn đúng theo cách mà cơ quan mắt được sử dụng.

    Ở trình độ này, người thực hành sẽ có nhiều kinh nghiệm khác liên quan đến việc đi trên các con đường cũng như các giai đoạn của giác ngộ. Ai giữ vững được vị trí này sẽ hoàn toàn kiểm soát được vận mạng của mình, bao gồm cả sự tái sinh của bản thân. Bởi vì một người với tầm vóc như vậy đã có thân ánh sáng. Tuy nhiên, điều này chẳng có nghĩa là cá nhân đó không còn tồn tại, bởi vì cá nhân vẫn là một hiện thể. Sự tồn tại cá nhân của người đó hầu như là một sự phản chiếu. Thân thể không còn là thân thể cũ nữa, mà đã được biến đổi.

    Hình thái hiện thân này được so sánh với sự phản chiếu của mặt trăng trong nước. Với loại hiện thân này, hành giả sẽ tiếp tục làm lợi ích cho tất cả chúng sinh và không có giới hạn thời gian cho điều đó. Chừng nào thế giới luân hồi chưa vắng bóng chúng sinh mê lầm thì thiền nhân đã đạt được trạng thái này vẫn sẽ tiếp tục cống hiến cho họ.

    Thành tựu thứ hai liên quan đến mức độ chứng ngộ này gọi là “quyền năng trên lối vào”, nghĩa là “quyền năng trên trạng thái chân bản của chính mình”. Mặc dù thiền giả sở hữu thân thể rất đặc biệt này, thân ánh sáng, nhưng vì thiếu nhân duyên tốt lành, họ có thể bị buộc phải đi vào tình trạng yên lặng vĩnh viễn, vì những chúng sinh có thể tiếp nhận thông điệp mà cá nhân này cần truyền đạt lại không xuất hiện. Trong trường hợp đó, thiền giả không những có thể quyết định đi vào trạng thái tĩnh lặng vĩnh viễn mà họ còn có thể đưa những người khác đi cùng. Như được kể rằng có tới ba nghìn cá nhân khác có thể được giải thoát, trong khi đó chẳng có thân thể vật lý nào ở lại.

    Trạng thái hiện thể của cá nhân thiền giả đã hòa nhập vào trạng thái tồn tại chân thực, nơi hiện thân vật lý và trí tuệ duy trì trong một tình trạng hợp nhất tổng thể. Không có sự tách biệt hay kết hợp giữa thân thể và trí tuệ, có nghĩa là một tình trạng thống nhất hoàn toàn. Trạng thái này một khi đã đạt được, sẽ tiếp tục.
  7. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên quen thuộc Staff Member

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Chỉ dấu trong các giấc mơ

    Có những kinh nghiệm khác liên quan đến cấp độ tu chứng này. Ngay cả khi đang ngủ, những giấc mơ của người ta sẽ có ý nghĩa hơn. Khi thiền giả bắt đầu nhận ra bản chất của những giấc mơ, điều này sẽ được phản ánh trong các hoạt động thể chất của mình, và cách giao tiếp bằng lời nói với người. Trong giáo lý truyền thống, loại kinh nghiệm này được gọi là “con rùa được đặt trong bát”. Có nghĩa là khi mơ, những cá nhân có khả năng nỗ lực thông qua sự sáng suốt có thể đạt đến giải thoát hoàn toàn, ảo tưởng có thể bị chấm dứt.

    Thiền giả duy trì trạng thái sáng chói liên tục cả ngày và đêm, dù làm nhiều việc vặt khác nhau trong lúc thức hay khi ngủ. Một cá nhân đạt được mức chứng ngộ này có thể không thành công như một người đạt được loại thành tựu được mô tả trước đây, nhưng ngay cả như vậy, một người với hiểu biết thực sự nào đó về rigpa sẽn tìm thấy giải thoát hay giác ngộ vào lúc chết trong trung ấm, giai đoạn trung gian.

    Có thể có một loại điềm báo về kinh nghiệm trung ấm tương lai của một người trong những giấc mơ hiện tại, nơi chúng không dẫn đến nhầm lẫn và cung cấp thêm chất liệu cho các ý niệm ảo tưởng. Thiền giả có thể nhận ra các giấc mơ chỉ là đang mơ và không thật. Những cá nhân khác không sáng dạ, không chăm chỉ bằng, không cùng trình độ với những người được mô tả trước đó, nhưng trong chính kiếp sống này, họ sẽ không gặp ác mộng mà chỉ có những giấc mơ êm đềm, và trong khoảng 500 năm sau, những cá nhân như vật sẽ đạt được thành tựu giác ngộ cuối cùng.

    Điều này được nói đến không chỉ liên quan đến giáo lý Đại Toàn Thiện mà có cả những kinh điển đề cập đến những loại kinh nghiệm này. Ví dụ, kinh Ánh Sáng Hoàng Kim và kinh Đại thừa nổi tiếng Thập Địa hay Mười cấp độ của Bồ Tát, trình bày chi tiết về những giấc mơ mà một hành giả có thể trải qua ở những cấp chứng ngộ bậc cao. Những giấc mơ linh ảnh được mô tả trong những giáo huấn này tương ứng với những mô tả về giấc mơ linh ảnh trong Đại Toàn Thiện hay hệ thống Maha Ati.

    Người thực hành có thể mơ thấy mình leo lên ngọn núi vàng, du hành tới các vì sao và ngồi trên mặt trời, mặt trăng. Họ cũng có thể mơ thấy nhiều dạng ánh sáng khác nhau phát ra từ thân thể, rồi sau đó tỏa ra mọi hướng, nhờ đó nỗi đau khổ của người khác được giảm bớt. Nếu người tu luyện có những giấc mơ tiên tri kiểu này, thì đây là dấu hiệu của thành tựu tu hành siêu việt.

    Bốn loại tự tin

    Cùng với bốn linh kiến, hành giả sẽ trải qua kinh nghiệm về bốn loại tự tin, hướng lên hoặc hướng xuống. Thực tại tối hậu có hai mặt: nó có khía cạnh hướng lên trên về mặt siêu việt, nhưng cũng có khía cạnh hướng xuống, gắn liền với tình trạng của một người bình thường, tồn tại trong sự nhầm lẫn, che chướng tinh thần và những phiền não. Những cách diễn đạt khác có thể là “kinh nghiệm siêu việt về tự tin” và “kinh nghiệm tự tin trong trạng thái nội tại”.

    Loại tự tin thứ nhất thứ nhất là người tu luyện có khả năng vượt qua mọi hình thái sợ hãi và lo lắng, nỗi sợ hãi không chỉ xoay quanh những biểu hiện thể chất mà còn liên quan trực tiếp đến trạng thái tâm lý của người đó.

    Loại thứ hai là cá nhân không sợ hãi về địa ngục. Những kinh nghiệm địa ngục về nóng, lạnh, đau khổ khởi lên, đều hoàn toàn được vượt qua. Tóm lại, tu nhân không còn bị lo âu và buồn phiền chi phối nữa. Nhờ vậy loại tự tin đó được thiết lập bên trong ở tại thời điểm đó.

    Thứ ba là khi hành giả nhận ra rằng họ sẽ không còn phải tái sinh và trôi lăn trong vòng luân hồi nữa, vì vậy họ tự tin thực sự vào việc sẽ trở nên giác ngộ, sở hữu và phát triển những phẩm tính của một bậc giác giả. Những biểu hiện tự tin liên quan đến tính không sợ hãi được nối kết với loại tự tin do tu chứng, hoặc trực tiếp tới chân thể của người đó như vốn có.

    Loại tự tin thứ tư, được phát triển bởi hành giả liên quan đến cõi siêu nghiệm, xuất hiện thông qua việc không cảm thấy mất hy vọng đạt đến niết bàn hoặc kinh nghiệm quả vị niết bàn.

    Vì vậy, ba loại tự tin hướng tới cõi hiện tại, cõi tạm thời, loại thứ tư hướng tới cõi siêu nghiệm. Bốn loại tự tin này đạt được nhờ có sự hiểu biết đầy đủ rằng kinh nghiệm luân hồi và kinh nghiệm niết bàn, cõi tạm thời và cõi siêu nghiệm, cả hai đều là những biểu hiện của tâm tỉnh giác tự hiện hữu, một trải nghiệm trực tiếp và không qua trung gian, không được khái niệm hóa.

    Về căn bản, tất cả đều tập trung vào hiểu biết rằng không có gì tồn tại bền vững và người ta không thể nêu ra đầy đủ điều kiện tồn tại đích thực của thực tại tối hậu.

    Khi hành giả Đại Toàn Thiện đã có những kinh nghiệm này, thì dù không chủ ý tuân theo hệ thống các con đường và các giai đoạn như được trình bày trong các giáo lý kinh điển và mật điển, các cấp độ này vẫn được hoàn thành một cách tự động.
  8. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên quen thuộc Staff Member

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Những con đường và các địa

    Theo các kinh điển, giáo lý chính thống hay công truyền của đạo Phật, có năm con đường liên quan đến hành trình giác ngộ của một người: con đường tích lũy, con đường áp dụng, con đường của cái thấy, con đường tu luyện và con đường không học thêm nữa. Năm con đường này tương ứng với mười trạm dừng hoặc cấp độ của sự phát triển đạo quả, gọi là bhumi trong tiếng Phạn.

    Theo giáo lý bí truyền, mười sáu trạm liên quan đến tiến bộ tinh thần của một người. Mật điển Viên Minh nói rằng theo cách tiếp cận của mật giáo và Đại Toàn Thiện, con đường đạo được đi qua ngay lập tức. Ngoài ra còn có năm con đường liên quan đến cách tiếp cận này. Ví dụ, khi học viên tham gia tu tập ngondro, các thực hành sơ khởi và bắt đầu thực hiện Guru Yoga, cấp này tương ứng với con đường tích lũy. Khi học viên tiến xa hơn và nhận được chỉ dẫn từ vị thầy về tu luyện trekcho và thogal, cấp đó tương ứng với con đường áp dụng như được trình bày trong các kinh điển.

    Tiếp theo, sự thông linh tinh thần xảy ra giữa thầy và trò. Việc này được thực hiện thông qua bốn phương pháp hướng dẫn trực chỉ khác nhau. Điều tiên là ví dụ, thứ hai là ý nghĩa, thứ ba là ký hiệu, thứ tư là biểu tượng. Từ đây, học trò có thể xác lập tự tin toàn diện vào việc đạt được giác ngộ ngay trong đời này. Cấp này tương ứng với con đường của cái thấy.

    Cuối cùng là thiền mà không thiền, loại thực hành thiền định không có mục đích, tương ứng với tu luyện trekcho, và sau đó là thực hành không có gì để thiền, đó là tu luyện thogal, nhảy qua. Ngược lại, những thực hành này được coi là con đường của giai đoạn tu luyện. Hai cách tiếp cận thực hành Đại Toàn Thiện này được thống nhất và có cảm giác cân bằng thực sự. Sự cân bằng đó không thể đạt được bằng cách kết hợp hai thực thể riêng biệt mà vẫn có thể tách rời vì chúng khác nhau trước đó. Về căn bản, chúng không thể tách rời và do đó có sự cân bằng. Điều này tương ứng với con đường không học nữa, vì lúc đó hành giả đã hiểu và làm chủ được thân phận thực sự của con người.

    Hành giả Đại Toàn Thiện hiểu rằng sự trói buộc của luân hồi, sự tự do của niết bàn, và con đường dẫn đến niết bàn, tất cả các kinh nghiệm này đều bắt nguồn từ tâm trí. Không có tâm trí, chúng ta chẳng thể nói về bất cứ điều gì, sẽ không có sự ràng buộc, không có tự do và không có con đường để nói đến.

    Theo giáo lý Đại Toàn Thiện, cá nhân phải trải qua con đường và tiến dọc theo mười trạm của sự phát triển đạo học. Tuy nhiên, nếu một cá nhân có thể hiểu được điều kiện tồn tại, cách mọi thứ hiện hữu, thì các trạm dừng của sự mở mang đạo tuệ sẽ được nhận ra ngay lập tức. Ở điểm này, ai đó đã theo hiển giáo của Phật có thể thắc mắc “làm sao điều đó có thể xảy ra được?” Nếu những hướng dẫn chỉ thẳng của trekcho và thogal được ứng dụng thích hợp thì người ta sẽ trải nghiệm được kết quả của mười trạm phát triển trí tuệ, như đã được đặt ra trong các hệ công truyền.

    Khi cá nhân đã kết nối được với các giáo huấn trực chỉ của trekcho và thogal, một cảm giác thanh thoát và hoan hỷ vô bờ sẽ xuất hiện trong dòng tâm thức của họ. Điều đó tương ứng với trạm đầu tiên hay mức độ phát triển đạo hạnh được gọi là “hoan hỷ địa”.

    Khi tiếp tục thực hành, các kinh nghiệm bên trong nảy sinh do hoạt động của tâm trí hoặc nhận thức giác quan được coi là phụ thuộc vào tâm trí. Tâm trí là kẻ tạo ra mọi thứ có thể kinh nghiệm được. Cấp này tương đương với trạm không ô nhiễm, ly cấu địa, cấp độ thứ hai.

    Khi người hành thiền trở nên quen thuộc hơn và thành thục hơn trong tu tập, họ có thể nắm bắt được bản chất thực sự của mọi sự vật, điều đó tương ứng với bhumi thứ ba hay trạm tinh thần được gọi là “chiếu sáng”, phát quang địa.

    Khi đó thiền sinh bắt đầu nhận ra bản chất thực sự của sự vật và hình thức hiện tượng là không tách rời. Với nhận thức đó, người ta đạt được trạng thái đạo hạnh thứ tư gọi là “rực rỡ”, diệm huệ địa, liên quan đến việc đào sâu vào những trải nghiệm thiền định của mình.

    Điều này dẫn đến việc người hành thiền có thể vượt qua mọi cảm xúc mâu thuẫn. Thiền sinh không cần phải cố gắng tách mình ra khỏi ảo tưởng và các cảm xúc xung đột, chúng được coi là tự thanh tịnh. Cấp này tương đương với trạm thứ năm gọi là “khó huấn luyện”, nan thắng địa.

    Ở trạm thứ sáu, hành giả có thể sử dụng các vòng tròn của mặt trời, như đã đề cập trước đó trong tài liệu. Các vòng tròn có nhiều hình thức khác nhau và hiện diện trước người hành thiền. Trạm này được gọi là “hiện thực hóa”, hiện tiền địa. Ở đây, thiền nhân đã có thể nắm chắc ý nghĩa của rigpa, tính giác tự hữu, theo giáo lý Đại Toàn Thiện.

    Ở điểm này, thiền nhân không còn bị quấy rầy bởi sự tiếp diễn của tình trạng luân hồi và đã quay lưng lại với những khuynh hướng thói quen. Trạm phát triển đạo hạnh đặc biệt này được gọi là “đi xa”, viễn hành địa, nghĩa là hành giả đã rời bỏ tất cả những gì họ quen thuộc trong quá khứ.

    Tiếp theo là trạm tinh thần thứ tám, nơi thiền nhân không còn bị quấy rầy bởi sự sinh khởi các vọng niệm, do đó trạm này được gọi là “không dao động”, “trạng thái không dao động”, bất động địa.

    Khi thiền nhân hoàn toàn thoải mái với thế giới hiện tượng, có thể thấy nó như một mandala tự thân và hoàn thiện nhờ vào năng lực liên kết với trí tuệ, hoàn toàn kiểm soát được các lĩnh vực kinh nghiệm của thế giới hiện tượng, thì tương đương với trạm thứ chín, “trí thông minh siêu phàm”, thiện huệ địa, chín muồi trong chính trí tuệ.

    Mọi thứ được kinh nghiệm đều xuất hiện trong tầm nhìn của trí tuệ, nơi mọi thứ, trường nhìn, trường giác quan, trở nên hoàn toàn được chuyển hóa và biểu lộ như những đám mây trên bầu trời, phát sinh từ đại dương. Trạm phát triển đạo hạnh hay bhumi đặc biệt này được gọi là “đám mây pháp” hay “đám mây của thế giới hiện tượng”. Trong bối cảnh này, “pháp” không có nghĩa là giáo lý, mà là thế giới hiện tượng, mọi thứ hiện hữu, vật chất, và cả trạng thái tâm lý. Cấp này tương đương với trạm thứ mười, “đám mây pháp”, pháp vân địa.

    Cho đến nay, cuộc thảo luận vẫn xoay quanh việc làm thế nào các giáo lý bí truyền của Đại Toàn Thiện tương ứng với những giáo lý công truyền của kinh thừa. Cuộc thảo luận đã không cho phép tìm ra sự khác biệt nằm ở đâu, mà những khác biệt này lại có nhiều. Như sẽ được làm rõ, những giáo lý bí truyền của Đại Toàn Thiện thì siêu việt hơn. Nếu chúng ta chỉ ra một số điểm khác biệt chính thì có thể nói rằng vấn đề sau khá là căn bản.

    Theo các giáo lý công truyền của kinh thừa, mười trạm phát triển đạo hạnh của Bồ tát, hành giả tu tâm của hiển giáo, được bảo đảm nhờ nỗ lực lớn lao. Bồ tát áp dụng mười ba la mật hay hành động siêu việt về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tập trung, trí tuệ, phẩm hạnh, bình đẳng, từ bỏ và hoạt động. Điều này đòi hỏi nỗ lực và khó khăn rất lớn, tuy nhiên người ta vẫn có thể bị bỏ lại với những suy nghĩ nhị nguyên. Bởi vì người tu hành có thể không thực sự hiểu được sự thống nhất giữa các trường giác quan và chủ thể nhận thức, nên vẫn có khả năng họ bị cuốn vào lối suy nghĩ nhị nguyên.

    Trong bối cảnh Đại Toàn Thiện, một phần của giáo lý bí truyền, con đường cần được đi qua một cách nhanh chóng. Không giống như những giáo lý công truyền nói rằng người ta cần trải qua ba a tăng tỳ kiếp để đạt được sự viên mãn tối thượng, thì ở đây, theo giáo lý bí truyền, không có nhiều cố gắng hay nỗ lực, nếu một người thực hành đúng cách, người đó có thể đạt được cảm giác to lớn về sự thành tựu trong vài tháng và vài năm. Thân thể như vốn có giờ đây được chuyển hóa thành biểu lộ của chân thân, trong khi môi trường, thế giới, có thể được chuyển hóa thành cõi Phật. Cá nhân có thể ưa thích và tận hưởng tất cả những điều này nhờ việc hiểu rõ tính giác tự hiện diện có sẵn trong dòng chảy tâm thức của mình.

    Làm thế nào để đạt được thành tựu phi thường này? Theo giáo lý bí truyền, việc này có thể thực hiện được do thay vì nghĩ về nhân quả và những cảm xúc xung đột như những thứ cần từ bỏ, loại trừ, và tránh né, chúng được xem là tự tịnh hóa. Những cảm xúc mâu thuẫn, những khuynh hướng nghiệp báo, sự sinh sôi của các ý niệm được coi là tự giải thoát, và tự thanh lọc. Vì điều này mà các giáo lý bí truyền là cực kỳ cao siêu.
  9. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên quen thuộc Staff Member

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Giáo lý mật tông

    Sau khi bàn về hiển giáo, giờ đây chúng ta có thể thảo luận về mật giáo dưới dạng bí mật bên trong.

    Trong Mật Tông, khoái lạc được chú trọng, còn hành giả, thông qua áp dụng các phương pháp yoga khác nhau, có thể tạo ra bốn trạng thái hỷ lạc. Điều này đạt được bằng cách chuyển hóa các xung đột cảm xúc trên chính sân nhà của chúng. Tuy nhiên, giáo lý Đại Toàn Thiện con đi xa hơn và không dựa vào các phương pháp bí truyền, chứ đừng nói đến các phương pháp công truyền đã đề cập trước đây.

    Làm thế nào mới được như vậy? Chính xác là bởi vì một hành giả Đại Toàn Thiện nhận ra sự cần thiết của việc tu luyện osel, được dịch là “sự tỉnh giác tự hiện hữu”, và những biểu hiện khác nhau của tâm tỉnh giác đó. Thực hành Đại Toàn Thiện hướng tới việc nắm bắt thực tại như nó là, một cách tức thời. Tính tức thời được nhấn mạnh trong giáo lý Đại Toàn Thiện, thay vì sử dụng những phương pháp như trong giáo lý bí truyền.

    Lúc đó, hành giả Đại Toàn Thiện phải phát triển sự tự tin hoàn toàn vào những gì được nhận thức, bởi vì cái người đó nhận thức là rất gần, chứ không phải ở khoảng cách xa. Người nhận biết và cái được nhận biết không tách rời. Chủ thể và đối tượng, người nhận thức và thứ được nhận thức được gắn kết với nhau bằng tâm tỉnh giác tự hiện hữu.

    Về sự phô diễn của các hiện tượng, bất cứ thứ gì được nhận thức đều được thấy là ánh sáng. Mọi thứ đều tự biểu lộ và do đó chúng được thấy là ánh sáng, chiếu sáng. Trải nghiệm trực tiếp về các hiện tượng này gây ra xáo trộn tinh thần, những thay đổi tinh thần nhất định liên quan đến năm hình thái rối loạn tâm lý: ham muốn, giận dữ, ghen tị, kiêu ngạo và không tỉnh biết. Nhưng khi các hiện tượng được nắm bắt tức thời, chúng sẽ tự bộc lộ hoàn toàn khác biệt, thay vì các rối loạn tinh thần, người ta có sự hiển lộ của năm trí tuệ, với những phẩm tính của đối tượng được thị hiện dưới dạng các sắc màu.

    Người hành thiền có thể có kinh nghiệm tức thời về những điều mà trong thực tế thậm chí không tồn tại. Về ấn tượng giác quan, có thể cảm nhận được nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau. Nếu một người đã thực hành phương pháp bí truyền của mật tông, thì nhiều loại đối tượng nhận thức sẽ xuất hiện không tương ứng với bất cứ thứ gì trong thế giới thực, chẳng hạn như các vị nam và nữ thần trong sự hợp nhất ái dục, và người đó có thể thấy toàn bộ hào quang của mandala.

    Đó là một loại kinh nghiệm có thể đến từ thực hành Đại Toàn Thiện. Điều đang xảy ra ở đây là người nhận thức và cái được nhận thức không còn được coi là khác nhau nữa. Khái niệm người nắm bắt và thứ được nắm bắt, người nhận thức và thứ được nhận thức đã bị đình chỉ. Đó chính là ý nghĩa của tính không, theo giáo lý Đại Toàn Thiện: “tính thanh tịnh bản nguyên không bị suy thoái bởi những ý niệm nhị nguyên”.

    Loại thành tựu này không thể giải thích được. Nó chẳng thể diễn đạt thành lời hay diễn đạt theo bất kỳ cách nào khác bởi vì nó liên quan đến trải nghiệm trực tiếp. Điều này có nghĩa là đang tiến gần đến thực tại hiện tiền. Thực tại tối hậu ở rất gần nhưng nó không phải là thứ có thể nhìn thấy được. Nó không được nhìn thấy bởi vì nó là vô điều kiện và những gì vô điều kiện thì không thể tiếp nhận được đối với các giác quan. Nhìn thấy những gì không thể nhìn thấy bằng cách nhận ra rằng những gì người ta nghĩ là ở xa thực ra lại rất gần, là sự chứng ngộ, hiện thực hóa. Những gì tiềm tàng giờ đây đã trở thành thực tế.

    Theo Đại Toàn Thiện, các trạm phát triển đạo hạnh có thể được nhân lên. Trong hiển giáo của kinh thừa, có mười địa, trong mật giáo còn có nhiều hơn nữa. Với Đại Toàn Thiện, chúng nhân lên cho đến khi có mười sáu địa về các kinh nghiệm thị kiến đã được mô tả cho đến nay. Những thị kiến này biểu hiện các địa tiếp theo của việc tu đạo được chứng nghiệm bởi hành giả.

    Tuy nhiên hành giả Đại Toàn Thiện nên nhận ra rằng không quá quan trọng khi nói về những trạm dừng khác nhau trên con đường, hay hành trình đi đến giác ngộ của một người. Đó là vì theo hiển giáo, một vị Bồ tát có thể đi qua năm con đường và mười trạm của cách tiếp cận công truyền để tu tập, và một khi những xu hướng tâm lý mâu thuẫn, tiền ẩn, được giải quyết, vị đó sẽ giác ngộ, trong khi đó, từ quan kiến mật giáo, nếu một người có được điều đó thì trạm thứ mười một đã được đạt tới, trạm Akanishtha, cho nên cấp này tương đương với địa thứ mười một.

    Theo giáo lý mật tông, hành giả thậm chí có thể tiến xa hơn nữa đến cấp độ thành tựu tu đạo tiếp theo, địa thứ mười hai, được gọi là “Hoa sen không dính mắc”. Sau đó, người ta trở nên hoàn toàn giác ngộ và đạt được sự giác ngộ này tương đương với địa thứ mười ba, “giống như kim cương” hay “trạng thái bất hoại”. Đây là nơi tất cả các phẩm chất và thuộc tính tiềm ẩn xuất hiện. Những gì đã bị che giấu giờ đây trở nên hoàn toàn rõ ràng và minh bạch, nó không còn tiềm ẩm nữa. Theo Đại Toàn Thiện, việc này không có gì to tát, bởi vì điều quan trọng là có sự tự tin vào sự tỉnh giác. Bằng cách thực hành tỉnh giác một cách hiệu quả và khéo léo, thì bất cứ điều gì được trải nghiệm sẽ được coi là biểu hiện của Akanishtha, thực tại vô điều kiện, nơi không có sự phân chia, không có sự chia rẽ.

    Hành giả nhận ra rằng dù là ai, cá nhân hiện sinh này đang biểu lộ những phẩm tính giác ngộ, bởi vì trạng thái giác ngộ tùy thuộc vào những nguyên nhân và điều kiện hiện diện trong chính cá nhân đó. Hành giả Đại Toàn Thiện phải hiểu rằng những nguyên nhân và điều kiện này hiện diện một cách tự nhiên bên trong cá nhân hiện tại. Thay vì nghĩ đến việc vượt qua hoặc đi trên các cấp độ khác nhau của sự tu tiến, chỉ cần có sự nhận thức về bản thân mình như cá nhân đó, có tiềm năng giác ngộ hoặc đã là hiện thân của sự giác ngộ.

    Tsele Natsok Rangdrol nói rằng ông sẽ không nói chi tiết về vấn đề này quá nhiều vì sợ làm mọi người bị bối rối.
  10. Prahevajra

    Prahevajra Thành viên quen thuộc Staff Member

    Tham gia ngày:
    04/09/2015
    Bài viết:
    193
    Đã được thích:
    0
    Các phương thức giải thoát thấp hơn

    Cho đến nay, chúng ta đã mô tả cách mà một người có trí tuệ cao đạt được giải thoát chỉ trong một đời, tuy nhiên, một hành giả có thể đạt được giải thoát bằng những phương tiện khác. Ví dụ một người có trí tuệ kém hơn có cơ hội đạt được nó trong trạng thái sau khi chết của trung ấm, và có sẵn một lựa chọn thay thế thứ ba theo đó cá nhân có thể đảm bảo được giải thoát bằng cách nhận ra bản thể tâm linh của mình.

    Cũng có thể có những hoàn cảnh mà hành giả đã trở nên quen thuộc với Dzogchen, có thể giữ vững lòng tin và thiên hướng đối những giáo lý này, tuy nhiên họ lại chưa thực hiện bất cứ pháp tu nghiêm túc nào trong đời. Một người có bản tính như vậy vẫn có thể hy vọng được giải thoát trong trạng thái sau khi chết. Có một tài liệu về bardo được biết bởi tác giả Vòng Mặt Trời, Tsele Natsok Rangdrol, gọi là Gương Chánh Niệm, nên không cần đi sâu vào chi tiết ở đây. Những phương pháp để đạt đến giải thoát cũng được các vị thầy khác giải thích một cách chi tiết. Nên tham khảo những văn bản thảo luận về các phương thức giải thoát thay thế như vậy.

    Trong bối cảnh này, chúng ta quan tâm đến phương cách giải thoát có thể đạt được ngay trong đời này, trái ngược với các hình thái giải thoát khác. Làm thế nào để đạt được mục tiêu đó? Nó đạt được bằng cách từ bỏ sự bám víu vào luân hồi, từ bỏ sự bám víu vào các mối bận tâm thế tục, phi tâm đạo, rồi thay vào đó là thực hành hai phương pháp của Dzogchen, là trekcho và thogal. Nếu hành giả có thể áp dụng hai phương pháp này, ngay cả khi họ không thể tự giải thoát ngay lập tức do nhiều chướng ngại tinh thần nhất định, họ sẽ có thể đạt được giải thoát ngay trong đời này nhờ sức mạnh của các chỉ dẫn tâm linh. Điều không thể tránh khỏi là nó sẽ xảy ra.

    Ngược lại, thay vì đặt trọng tâm vào việc tu luyện, nếu một người chỉ đơn giản lượn lờ quanh rìa của việc tu tập, làm quen với các giáo lý nhất định, biết được một số thực hành, họ có thể phát triển ý thức tự mãn về bản thân và trở nên tự cao tự đại vì sự tham gia đó. Người đó có thể chỉ đọc thuộc lòng những từ và cụm từ quen thuộc về chủ đề tính không chẳng hạn, họ có thể rất hùng hồn trong việc sử dụng nhiều hình thức diễn đạt khác nhau và nói to nhất có thể. Nhưng nếu cá nhân vẫn không tiếp thu được những lời dạy và các phương pháp thiền định khác nhau, rồi kết nối điều đó với trạng thái hiện sinh của mình, thì đặc tính riêng của người đó vẫn chưa được chạm đến. Thậm chí không có một dấu vết nào của đạo tâm thực sự hiện diện trong học viên đó.

    Nếu không thể thực sự tu tập và ứng dụng vào trạng thái sinh tồn của mình, người ta có thể rất quen thuộc với các khái niệm như giải thoát và thành tựu, cùng hàng trăm hàng nghìn ngôn từ và thuật ngữ có thể tạo thành vốn từ vựng của họ, nhưng người này cũng chẳng hơn gì một người bình thường thậm chí chưa từng nghĩ về giác ngộ hoặc giải thoát. Họ sẽ chẳng đi đâu khác ngoài việc lang thang trong trạng thái luân hồi, và thực sự sẽ có nguy cơ chìm sâu hơn xuống vực thẳm tuyệt vọng của luân hồi. Tôi chắc chắn rằng bất kỳ độc giả sâu sắc nào của tài liệu này cũng sẽ hiểu điều đó, vì vậy tôi không muốn nói quá nhiều về tầm quan trọng của việc hành trì.

Chia sẻ trang này