1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

VOVINAM - VÕ THUẬT VÀ NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC

Chủ đề trong 'Võ thuật' bởi namoadiaphat, 25/04/2004.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. namoadiaphat

    namoadiaphat Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    23/01/2003
    Bài viết:
    1.093
    Đã được thích:
    0
    VOVINAM - VÕ THUẬT VÀ NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC

    Bài sưu tầm này post lên thay một lòng tri ân với anh Minhtrinh và anh em bên VOviNam, Vovinam-Việt võ đạo (VVN) do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng tạo tại Hà Nội. Ông sinh ngày 24/5/1912, nguyên quán ở làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Hà Tây).

    Với vốn võ và vật dân tộc, ông nghiên cứu thêm nhiều môn võ khác nhằm hình thành môn võ mới phù hợp với thể tạng của người Việt Nam. Công trình nghiên cứu hoàn thành vào mùa thu năm 1938, ông đặt tên là Vovinam và mang ra huấn luyện thử nghiệm cho một số thân hữu... Ngót một năm sau, ông đưa lớp môn sinh này ra mắt quần chúng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc biểu diễn thành công rực rỡ và lớp tập VVN công khai đầu tiên khai giảng tại trường Sư phạm Hà Nội vào mùa xuân 1940. Từ đó, các lớp võ liên tục mở ra ở nhiều nơi...

    Từ giữa những năm 50, VVN được phổ biến tại Sài Gòn, Gia Định, Đà Lạt... Sau khi ông Nguyễn Lộc qua đời (ngày 29/4/1960; hưởng dương 49 tuổi) tại Sài Gòn (nay là TPHCM), các môn đệ kế nghiệp đã sắp xếp lại bộ máy, chương trình huấn luyện, thi cử, đẳng cấp... mang tính khoa học và hiện đại hơn. Nhờ thế, phong trào dần dần phát triển mạnh tại hầu hết các tỉnh phía Nam. Từ khi lớp huấn luyện được mở ra trong các trường học (khoảng 1966), danh xưng Vovinam được bổ sung thành Vovinam-Việt võ đạo để thanh thiếu niên chú trọng đến tinh thần dân tộc khi luyện võ hầu phấn đấu hoàn thiện bản thân về 3 phương diện: Tâm - Trí - Thể, nhằm phục vụ cho dân tộc và nhân loại. Và theo chân các du học sinh, bộ môn xuất hiện ở một số nước châu Âu từ năm 1973.

    Sau ngày đất nước thống nhất, nhằm tạo điều kiện cho VVN phát triển, ngành TDTT các tỉnh, thành và Tổng cục TDTT đã cho tổ chức giải vô địch cấp tỉnh, thành phố và toàn quốc từ năm 1992. Vài năm sau còn có thêm các giải khu vực, Trẻ, Thiếu niên, Hội khỏe Phù Đổng. Trải qua 11 giải vô địch cấp quốc gia, số đoàn tham dự ngày càng đông, trình độ VĐV ngày một tiến bộ; đặc biệt, từ năm 1997, võ sĩ giành thành tích cao tại giải vô địch toàn quốc được Ủy ban TDTT phong cấp như các môn thể thao khác. Vài đơn vị mạnh ở giải toàn quốc trong vài năm gần đây là: TPHCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ, Quân đội... Song song đó, 3 lớp tập huấn ở Thanh Hóa, Hà Tây, Quảng Bình dành cho các tỉnh phía Bắc đã tạo điều kiện cho khu vực này xây dựng bộ môn và hòa nhập dần vào phong trào chung. Tính đến đầu năm 2002, VVN quy tụ khoảng 30.000 môn sinh thường xuyên luyện tập ở hầu hết các tỉnh phía Nam và một số tỉnh phía Bắc.

    Trên bình diện quốc tế, các môn sinh VVN của TPHCM, BR-VT, Quân đội... từng được ngành TDTT cử tham dự nhiều cuộc Liên hoan Võ thuật truyền thống quốc tế tại Thái Lan, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản... Những tiết mục biểu diễn hấp dẫn và nghệ thuật của VVN đã góp phần giúp bè bạn năm châu hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam, được người xem nhiệt liệt tán thưởng và giới võ thuật truyền thống thế giới quan tâm. Ngay từ cuối năm 1996, sau khi hướng dẫn đoàn võ thuật Việt Nam (Võ cổ truyền và VVN) tham dự Lễ hội Văn hóa Thể thao truyền thống thế giới lần thứ 2 ở Thái Lan, Trưởng đoàn Trương Quang Trung đã báo cáo cùng lãnh đạo Tổng cục TDTT:"... Khán giả rất hâm mộ, Ban tổ chức đánh giá cao chất lượng biểu diễn của đoàn. Đặc biệt, chương trình biểu diễn của Vovinam - Việt võ đạo làm cho khán giả rất khâm phục...". Một số nước đã mở lớp tập VVN như: Pháp, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Hà Lan, Anh, Romania, Ba Lan, Tây Ban Nha, Úc, Mỹ, Canada, Morocco, Algeria, Nga, Belarus... Với tinh thần "uống nước nhớ nguồn", nhiều đoàn môn sinh nước ngoài đã về đất tổ để tập huấn, thi thăng đai, tham dự Hội diễn quốc tế...
    Dựa trên nền tảng võ và vật dân tộc, đồng thời nghiên cứu tinh hoa của các môn võ khác trên thế giới để dung nạp, thái dụng và hóa giải, nhất là cải tiến nền tảng kỹ thuật của mình theo nguyên lý Cương - Nhu phối triển, thế nên hệ thống kỹ thuật của Vovinam - Việt võ đạo (VVN) khá phong phú, nhưng vẫn có một số nét đặc trưng.

    Đặc trưng nổi bật nhất là tính thực dụng. Thay vì phải mất một thời gian luyện tấn, tập đi quyền rồi mới học phân thế, võ sinh VVN được HLV hướng dẫn ngay các thế khóa gỡ (khi bị nắm tóc, nắm áo, nắm tay, bóp cổ, ôm ngang...), phản đòn căn bản (khi bị đấm, đá, đạp...) song song với những kỹ thuật gạt, đấm, đá, chém, té ngã... ngay từ các buổi tập đầu tiên. Tính thực dụng này nhằm giúp võ sinh có thể tự vệ hữu hiệu được ngay, vì võ sinh không chỉ tập trung thời gian cho luyện võ.

    Đặc trưng tiếp theo là tính liên hoàn. Một đòn thế VVN tung ra luôn luôn phải có tối thiểu từ 2 - 3 động tác. Thí dụ: muốn chống đòn đấm thẳng tay phải (trình độ 1) của đối phương, võ sinh sẽ bước chân trái sang bên trái cùng lúc dùng tay phải gạt tay đấm đối phương để tránh né; sau đó phản công bằng cách dùng tay trái chém vào mắt hay mặt và kết thúc bằng cú đấm thấp tay phải vào bụng đối phương; hoặc thế chiến lược (liên hoàn tấn công) số 1 bao gồm cú chém úp bàn tay vào mắt hoặc mặt, bồi thêm cú đấm thấp tay phải vào bụng và tiến chân phải lên, dùng chỏ phải đánh vào thái dương của đối phương. Nói chung, có thể đó là vài động tác liên hoàn bằng tay (chém, xỉa, đấm, bật, chỏ...), hay bằng chân (đá, đạp, quét, cài, móc...), hoặc đòn tay đi kèm với đòn chân (chém quét, triệt ngã...). Lối ra đòn này nhằm chiếm thế thượng phong khi tự vệ và chiến đấu, phù hợp với thể tạng gọn gàng và nhanh nhẹn của người Việt Nam, đồng thời cũng là biện pháp dự phòng trường hợp 1 - 2 động tác ban đầu đánh chưa trúng đích.

    Hệ thống kỹ thuật VVN còn tuân thủ nguyên lý Cương - Nhu phối triển. Lúc bị tấn công, võ sinh thường né tránh (nhu), rồi mới phản công (cương). Song song đó, VVN cũng có nhiều kỹ thuật tấn công nhưng vẫn đảm bảo nguyên lý này. Chẳng hạn, khi tung một cú đá tấn công hoặc phản công (cương) vào thân thể đối thủ, võ sinh phải dùng tay che mặt và bảo vệ hạ bộ để thủ (nhu). Ngay trong phương pháp luyện tập té ngã (không nguy hiểm, không đau), võ sinh phải lên gân và co tròn thân người lại (cương), sau đó lăn tròn thân người lúc ngã xuống (nhu) để hóa giải lực tấn công của đối phương và sức rơi của trọng lượng cơ thể. Nhờ vậy, võ sinh VVN tập luyện đòn thế và té ngã trên sàn gạch bình thường như trên thảm.

    Như các môn võ khác, kỹ thuật VVN cũng vận dụng các nguyên lý khoa học như: lực ly tâm (các thế xoay người, gạt, đỡ, đấm đá, đánh chỏ... theo hình vòng cung hoặc vòng tròn); lực đòn bẩy (các thế bẻ, khóa, gài, móc, chặn...), lực xoáy (các thế đấm thẳng...), lực co gấp và sức bật (các đòn quăng, quật, vật, nhảy...).., nhằm giúp võ sinh ít hao tốn sức lực khi thi triển đòn thế mà vẫn đạt hiệu quả cao.

    Đặc biệt, các đòn chém quét, chém triệt, chỏ triệt (lực tay và chân đánh cùng lúc nhưng nghịch chiều), triệt ngã (lực tay và lực chân đánh cùng lúc và cùng chiều) cùng các thế quặp cổ (bất ngờ tung ra khi đối phương bất cẩn, lảo đảo.) trong hệ thống đòn chân cơ bản được sử dụng để đánh ngã đối phương cũng là một đặc trưng kỹ thuật quan trọng của VVN.

    Một điểm đáng chú ý khác là các bài đơn luyện (quyền tay không, quyền có binh khí), song luyện (2 võ sinh thực hiện liên tục một số đòn thế theo quy ước), đa luyện (3-4 võ sinh thực hiện liên tục một số đòn thế theo quy ước) chính là sự kết nối hợp lý các khóa gỡ, các thế phản đòn căn bản... để tạo điều kiện thuận lợi cho võ sinh ôn luyện. Đây là nguyên tắc "một phát triển thành ba" trong hệ thống kỹ thuật của bộ môn.

    Hơn một thập kỷ qua, VVN lại có thêm một số bài Nhu khí công quyền dành cho tất cả võ sinh và một số bài liên hoàn đối luyện dành cho người có tuổi bao gồm những động tác nhẹ nhàng và không té ngã.

    Được bổ sung liên tục trong gần 40 năm qua, hệ thống đòn thế, bài bản tay không và cả vũ khí (dao, kiếm, côn, búa, mã tấu, tay thước, đao, đại đao...) của VVN đảm bảo những đặc trưng cơ bản ban đầu, cũng như vừa mang tính truyền thống Việt Nam và vừa mang tính hiện đại.
  2. Lonelymanus

    Lonelymanus Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    01/11/2002
    Bài viết:
    1.556
    Đã được thích:
    0
    Thanks

Chia sẻ trang này