1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Vui buồn cùng bóng đá? Có mà điên!

Chủ đề trong 'Cuộc sống' bởi songhetlong, 02/07/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. songhetlong

    songhetlong Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    11/11/2004
    Bài viết:
    16
    Đã được thích:
    0
    Vui buồn cùng bóng đá? Có mà điên!

    Một phần sáu nhân loại, tức 1 tỷ người, say mê hò hét, vung tay vung chân, mắt dán vào màn hình TV theo dõi trái bóng được chuyền từ chân này qua chân khác, chuyền cho đồng đội, chuyền cho đối thủ, đôi khi còn chuyền lên khán đài cho khán giả (không hiểu để làm gì!!). Cách đây chừng một chục năm, tôi cũng từng nằm trong số một tỷ người điên cuồng đó, từng thức hôm thức khuya để coi trực tiếp, từng buồn bã vì đội tuyển mình ủng hộ (đội Đức của Rummenigge thời 1982, của Klinsman thời 1986) thất bại trong trận trung kết với đội tuyển Ý của Paolo Rossi năm 82, và thua đội Áchentina của Maradona vào những phút cuối cùng trong năm 86.

    Tôi còn nhớ đó là cái thời mà người dân Việt Nam còn chưa được coi tường thuật trực tiếp tất cả các trận bóng đá mà chỉ một số trận được tường thuật trực tiếp (vì đài truyền hình không có đủ tiền để mua quyền phát hình cho tất cả các trận), trận nào không coi được thì hồi hợp đợi nghe kết quả qua đài BBC, sáng hôm sau thì háo hức đi mua báo để đọc bài tường thuật, và chiều thì ngồi coi trận đấu được chiếu lại. Vào lúc đó, nhà không có TV phải đi coi ké nhà cô tôi. Thật ra lúc đó có 3 nhà gần nhau nhưng chỉ có một nhà có cái TV. Mỗi khi có phim hay hoặc khi có các trận đá banh trực tiếp cúp thế giới, cái phòng nhỏ đặt TV của nhà cô tôi trở thành địa điểm tập trung của hơn mười mấy anh chị em họ tôi. Người ngồi ghế, người ngồi sàn nhà, người nằm trên chiếu dưới đất, ngừời nằm trên giường, dán mắt vào cái TV trắng đen.

    Bóng đá có thể đưa người ta xích lại gần nhau, về mặt không gian vật lý (tức, tập trung nhiều người vào một chỗ), nhưng không hẳn, nếu không muốn nói là không bao giờ, giúp người ta gần gũi nhau hơn, hiểu nhau nhiều hơn về mặt tinh thần. Những lúc anh chị họ tôi và tôi chia làm hai phe ủng hộ cho hai đội bóng khác nhau là những lúc hai bên tranh luận với nhau, bình luận, sau đó tiến đến chê bai, rồi rút cuộc dẫn đến lớn tiếng cãi nhau, gây mất hòa khí trong vài ngày sau đó.

    Sau World Cup năm 1990, tôi hoàn toàn gần như cắt đứt "cơn nghiện bóng đá" của mình. Không hiểu bóng đá làm tôi phát ngấy đến tận lỗ mũi vì hầu hết các trận đấu kết thúc không tỷ số và phải giải quyết bằng đá phạt đền luân lưu (đối với các trận ở vòng trong), hay vì lúc đó tôi đã phần nào trở nên chín chắn hơn, già dặn hơn để nhận ra sự lố bịch của việc "ăn cùng bóng đá, thức cùng bóng đá và ngủ cùng bóng đá"? Việc thắng hay thua của hai đội bóng ở hai quốc gia hoàn toàn xa lạ chẳng ăn nhập gì đến Việt Nam thì có liên quan gì đến tôi? Liệu tôi có được ích lợi gì, học hỏi được gì, có trở thành một con người tốt đẹp hơn, hay xã hội Việt Nam có trở nên tốt đẹp hơn được chút gì nếu đội Đức thắng trong trận trung kết thay vì là đội Braxin? Có gì khác nhau?

    Bóng đá, và các môn thể thao khác nói chung, chỉ là một hình thức giải trí. Nó cũng giống như phim ảnh hay kịch nghệ. Xét cho cùng, nếu như trong phim ảnh kết cuộc của một bộ phim là do đạo diễn hay nhà viết kịch bản quyết định, thì trong bóng đá kết cuộc của một trận bóng cũng do một hay nhiều nhà đạo diễn, nhà biên tập kịch bản quyết định. Họ có thể là huấn luyện viên, và trọng tài, hay chính các cầu thủ trên sân. Người ta cho rằng điều làm cho bao nhiêu triệu người say mê bóng đá là vì sự kịch tính diễn ra trên sân bóng, vì yếu tố bất ngờ của bóng đá (có ai ngờ Pháp có thể thắng TBN 3-0?) phản ảnh yếu tố bất ngờ của cuộc sống con người (có ai học được chữ ngờ?). Nếu vậy, xem một trận đấu bóng hay, đầy bất ngờ và nhiều kịch tính, cũng giống như xem một bộ phim hoặc vở kịch hay: khán giả say mê theo dõi tình tiết của bộ phim/vở kịch/trận đấu mà không thể đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Coi một trận đấu mà biết trước 100% Braxin sẽ thắng thì cũng chán phèo không khác gì coi một bộ phim của Hollywood biết trước nhân vật chính (Tom Cruise, Brad Pitt, hay Keaneau Reeves, hay thằng mắm nào khác) sống cho tới cuối phim và giết chết hết những ngừơi khác.

    Nói cách khác, chúng ta cần nhận ra rằng khía cạnh giống nhau quan trọng nhất giữa bóng đá và phim ảnh là: về thực chất chúng chỉ là những "vở kịch" được dàn dựng để mua vui cho khán giả trong vài trống canh. Chẳng có nhân vật nào trong phim thực sự chết cũng giống như chẳng có cầu thủ nào trên sân cỏ thật sự chết vì đội bóng của mình bị thất thủ. Sau khi coi phim xong, có ai điên đến nỗi đánh nhau, giết nhau chỉ vì phim kết thúc không như mình mong đợi, chỉ vì diễn viên mình hâm mộ bị thua trong trận quyết đấu vào cuối phim? Nếu vậy, tại sao chúng ta lại phải vui hay buồn, phải cãi nhau, uýnh nhau, giết nhau vì đội này thắng chứ không phải là đội khác? Nếu Braxin đoạt được danh hiệu vô địch thì lương của Ronaldo sẽ là bạc triệu, nếu không được vô địch lương của anh ta vẫn là bạc triệu, mặc dù có thể ít hơn một chút so với trường hợp đầu. Vậy, chả lẽ chúng ta vui và buồn vì đồng lương của một cầu-thủ-triệu-phú Ronaldo tăng hay giảm? Chả lẽ chúng ta cãi nhau, đánh nhau, giết nhau vì lo lắng cho tiền túi của các cầu thủ ở tận đâu đâu? Chả lẽ chúng ta điềm nhiên, vô cảm khi xung quanh mình còn quá nhiều người nghèo, nhưng con tim lại "thổn thức" vì số phận lương tiền của những con người sung-sướng, giàu-có nào đó mà chúng ta chẳng hề quen biết?

    Bóng đá có đáng để tôi vui hay buồn vì nó?
  2. milanista_81

    milanista_81 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    05/04/2006
    Bài viết:
    236
    Đã được thích:
    0
    Nếu những trận đấu có đội Séc thì đặc biệt quan tâm. Bóng đá cũng hay. Có những cầu thủ rất khoẻ, ở Việt Nam thì không có.

Chia sẻ trang này