1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Vui buồn xứ Mỹ

Chủ đề trong 'Mỹ (United States)' bởi hoanghac1, 24/03/2004.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. hoanghac1

    hoanghac1 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    402
    Đã được thích:
    0
    Chào các bạn
    Tết Trung Thu
    Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi
    Em đốt đèn đi khắp phố phường
    Một buổi sáng một ông vừa bước ra cửa đi làm , bà xã ổng gọi giật lại :
    - Ông ơi ! Có biết hôm nay là ngày gì không ?
    Ông kia bực trong người , giọng hơi gắt :
    - Biết rồi bà ơi !
    Ổng đóng cửa lại , và lên xe đi làm . Chừng 9 giờ sáng ổng sực nhớ ra , và gọi cho tiệm bán hoa .
    Khoảng 10 giờ sáng ,nghe tiếng gõ cửa , bà xã ổng ngó ra , một bó hoa hồng tươi thắm . Độ 2 giờ chiều lại nhận được một gói kẹo sô cô lát bọc rượu rum , loại kẹo bả thích nhất . Sau cùng là bộ đồ ngủ hàng ca-xơ-mia mỏng .
    - Cha ! Hôm nay sao được nhiều quà tặng quá , nào bông hồng , kẹo sô-cô-lát , áo ngủ trong ngày Trung Thu .
    Đến chiều về , bà xã ổng thủ thỉ :
    - Chưa bao giờ ngày Trung Thu em vui vẻ như vậy .
    - Vậy hôm nay không phải là Ngày Sinh Nhật bà à ?
    - À nè ông ! Hôm nay Trung Thu , ông làm đèn kéo quân kéo kiếc gì cho bọn nhỏ dự thi .
    - Thôi bà ơi ! bà ra ngoài chợ mua vài cái cho xong .
    - Ủa ! Sao ông nói ngày xưa đi Hướng Đạo , ông làm đèn ngôi sao được giải nhứt mà .
    - Bà nhớ lộn rồi , lúc đó tôi nộp đèn ông sao cho ban giám khảo gồm các huynh trưởng , anh Hùng Bi nói : - "Suốt đời tôi , chưa bao giờ từng thấy đèn ngôi sao nào đẹp như vậy , đèn người ta làm năm sáu cánh , mà sao của em chỉ có bốn cánh thôi " . Hồi còn trẻ nghe thế , cứ tưởng là mình làm đèn khéo , bèn thưa : " Dạ , em còn biết làm đèn hai cánh nữa ."
    Bên quê nhà trẻ con có thể xách ***g đèn Trung Thu đi vòng vòng quanh xóm , nhưng bên Mỹ ở chỗ tôi ở , thành phố Fort Worth cũng như hầu hết các thành phố trên đất Mỹ , không cho phép trẻ em lang thang xách đèn .
    Hàng năm giáo xứ tôi có tổ chức ngày Tết Trung Thu cho các em nhỏ . Sau lễ chiều ngày thứ bảy , có đoàn múa lân do các em Thiếu Nhi tổ chức và thi giải ***g đèn . Năm nay không có nhiều đèn dự thi , tổng cộng có vào khoảng tám cái đèn . Các em nhỏ thường phải nhờ bố mẹ làm dùm . Đèn con cá , con **** v.v... Năm ngoái giải nhất là đèn kéo quân . Năm nay người trúng giải là một bé gái mười tuổi với đèn " nhà mái tranh " . Gọi đèn thì không đúng , chỉ là một mô hình một cái nhà rơm nho nhỏ . Khi trao phần thưởng cho em , cha xứ dùng microphôn , vang vang cả sân nhà thờ :
    - Bây giờ cha hỏi con nhá , con có biết ý nghĩa cái đèn "nhà mái tranh " này không ?
    Cô bé ngần ngừ một lát , rồi xoay mặt dáo dác như thể tìm ai :
    - Con không biết , để con hỏi mẹ con đã .
    HoangHac 28.9.04
  2. hoanghac1

    hoanghac1 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    402
    Đã được thích:
    0
    Chào TigerDang và các bạn
    Mong bạn vào chơi , góp thêm nụ cười . Chúc bạn một ngày vui .
    Hôm qua K đi dự đám cưới . Lễ cưới được tổ chức tại nhà thờ St Lawrence , một nhà thờ đẹp với những vòm cửa sổ là những bức tranh bằng kính mầu vẽ các thánh . Ở trong , ngay gần cửa là một cái spa , nước sóng sánh . Và ngay thành spa là một cái bồn bằng đồng mỹ thuật để cha làm lễ rửa tội cho con chiên , nơi mà nước và ánh sáng và con người giao điểm .
    Nhà thờ không thấy có bàn thờ lớn và trang nghiêm như những nhà thờ K thường thấy ở VN ( đúng ra là ở Huế , ở đó mỗi lần thắp nến và tắt nến phải có những nghi thức và dụng cụ đặc biệt , nếu K nhớ không lầm . Lâu quá rồi còn gì . Những mùa Noel xưa đi lễ theo bạn . Bạn quỳ thì K quỳ , bạn cầu nguyện thì K cầu nguyện . Bạn bảo K không cần phải thế . Đúng vậy , nhưng đâu có hại gì . Mai mốt bạn theo K đi chùa , ngồi nghe chuông ngân nga giữa vùng đồi thăm thẳm , lòng thanh tịnh , cũng vui thôi .) Nhà thờ chỉ có cái bàn hình chữ nhật nhỏ , vừa đủ đặt cuốn kinh , một dĩa bánh thánh , và một bình rượu thánh .
    Lại có chiếc ghế dựa lớn để cha ngồi chờ làm lễ .
    Cha làm lễ hôm nay còn rất trẻ , còn biết nói đùa cho con chiên cười rộ . Trong lúc cha giảng , K nhìn vơ vẩn lên ngọn nến sáng lung linh đặt trên một cái dĩa bằng đồng , treo lơ lửng bằng ba sợi dây đồng giao nhau tại một hình cầu bằng sứ rồi nối lên trần bằng một sợi đồng khác . Ngọn đèn đong đưa nhè nhẹ theo gió thổi từ một máy không khí đặt đâu đó . Toàn thể nhà thờ hình như đựợc tạo nên từ một tay nghệ sĩ tân thời , nhiều lòng tin mà không nệ cổ . Mọi thứ thật là đẹp , mới , không cầu kỳ mà lại trau chuốt cẩn thận . K không biết những người khác có cùng một ý nghĩ như K không .
    Trên cao , trên tường , thay vì bàn thờ nhiều chuyện , là một bức tranh bằng kính vĩ đại , kể lại chuyện thánh St Lawrence với lính La Mã ngựa xe rộn ràng , và dân chúng đang kẻ đứng người ngồi chung quanh Thánh . K không biết rõ chuyện như thế nào , chỉ đọc thấy hàng chữ St. Lawrence , The Martyr . Nhưng mà bức tranh màu sắc xuyên qua ánh sáng làm nhà thờ có một nét riêng , thân mật chứ không nặng nề .
    K cứ nhìn vơ vẩn như thế , hết bức tranh cửa sổ này , đến bức tranh cửa sổ khác , cho tới khi nghe cha nói về contract and commitment , về guarantee và blank check thì K chợt thấy vừa vui vui vì sự so sánh dí dỏm , vừa buồn buồn vì mọi liên hệ tình cảm trong đời đều thế cả .
    Cha đề cập đến hôn nhân như là một giao kèo cả hai bên cùng ký . Một giao kèo tuy không thể bảo đảm rằng người bên kia sẽ tuân theo những điều khoản ấy đến cuối đời , nhưng tự mình sẽ phải rán theo những gì mình hứa , tin chắc rằng mình đã đồng ý đem trao cho thân chủ những dịch vụ của mình , và mong bên kia cũng giữ lời như thế . Đó là một giao kèo mà khi mình trả tiền , mình đồng ý đưa cho người ta một BLANK CHECK , nhắm mắt mà tin .
    Đâu cứ phải trong hôn nhân mới vậy . Trong cả tình bạn thân sơ cũng chỉ là đưa blank check cho bạn mà thôi , hi vọng rằng bạn không điền vào đó một con số quá lớn , quá đắt cho tâm hồn yếu mềm của mình phải chịu đựng về sau .
    Hôm qua bên nhà ******** tụi K đến chơi để ăn cho hết những thức ăn họ còn dư từ trưa hôm trước lúc đãi khách khứa sau lễ ở nhà thờ . Dù vừa ăn trưa xong , tụi K cũng đi qua góp mặt cho vui . Căn nhà đầy người . Những bà con từ xa đến ở lại , và bà con , cháu chắt đến chơi . Khi K bước vào thì họ đang ngồi quanh một đống những giấy hoa được tháo ra từ các gói quà cưới .
    Cô dâu reo lên khi ngước lên thấy hai đứa K : " Thank you for the thousands you gave us ! " Đó là cô ấy nửa đùa nửa thật chê số tiền tụi K mừng đấy vì số tiền tụi K mừng chỉ có 3 con số , chưa tới số ngàn đâu . K chỉ cười xoà mà đi vào trong . Tiệc cưới này họ mời cả hai vợ chồng và con cái . Tuy thiệp gởi chỉ có một cho tất cả , nhưng quà cưới thì đi riêng từng đứa một .
    Chuyện cưới xin của người Việt mình rất vui . Thông thường khi mời khách thì gia đình đương sự thích mời khách Việt hơn khách Mỹ vi khách Việt sẽ tặng tiền mặt là thứ họ thích ( chưa chắc họ cần ), còn khách Mỹ thì cho quà là những thứ họ không thích và không cần . Bạn sẽ làm gì với mấy cái lọ tiêu muối bằng nhựa trong ở một ngôi nhà giá gần hai triệu nhỉ ?
    Có nhiều gia đình gặp ai cũng mời cả . Mời ba trăm người thì đặt bàn khoảng hai trăm rưỡi thôi , trừ hao người ta từ chối . Bà chị của K đi ăn đám cưới , đến nơi rồi , đứng chờ hoài mà người ta không kiếm được chỗ cho chị ngồi vì đầy hết rồi . Không lẽ để chị , một bà gần 70 , ngồi với đám con nít 7 tuổi sao ? Bà chị bỏ về sau đó , vừa giận , vừa buồn cười , vừa tự diễu mình ưa tin lời thiên hạ , cứ tưởng người ta tha thiết với mình .
    Vào hôm sau đám cưới thì xúm nhau lại mà mở quà và ... phê bình người tặng . Đây là lúc mà đôi khi đời sống riêng tư của người tặng quà được đem ra mổ xẻ , phê bình ,và khen chê tuỳ theo món quà . Rồi so sánh . Rồi phân bì . Món quà 1000 đô quả là lớn cho một cặp vợ chồng mới cưới còn quá trẻ để có sự nghiệp , nhưng quá nhỏ cho một cặp vợ chồng đã có phòng mạch tư từ mấy năm rồi .
    Các bạn có thấy là bất công không . Tại sao phải cho quà lớn và đẹp cho một cặp đã có đủ , và dư mọi thứ ? Mà cái quan niệm mời khách để mong người ta tặng quà kha khá nghe nó kỳ kỳ làm sao . Mình mời khách để chung vui với mình , những người mình thương mến , gần gủi , chứ có phải để đánh xổ số đâu . K có cái tật ưa nghĩ vớ vẩn .
    Tuy nhiên mọi suy nghĩ ấy tan biến khi ngồi nói chuyện tam khào với nhóm bạn rể của ông xã . Ngồi nghe mà cười chảy nước mắt thì thôi .
    Một người nói : "Thằng con tôi thật là khôn . Nó lấy vợ Tàu để lỡ vợ nó có nói hỗn bằng tiếng Tàu , nó sẽ không hiểu gì cả ." .
    Một người khác : " Trong sở , để cho nhân viên phải nể mình , tui treo một tấm bảng " I am the boss " ngay trên cửa phòng . Thằng con trai tui đứng bên chỉ tay la lên : " That''s Mom''s sign . You better return it to her before she knows you took it ! " .
    Chuyện đám cưới còn dài nghe bạn . Hì hì .
    DLK
  3. hoanghac1

    hoanghac1 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    402
    Đã được thích:
    0
    Chào các bạn
    Những điều tốt về chàng
    (Trích trong VN News )
    Em yêu
    Hôm qua em hỏi anh rằng , anh đối xử với em tốt đến chừng nào , nhất thời anh chẳng nghĩ ra điều gì cả . Qua một đêm suy tư , cuối cùng anh cũng nhớ ra mấy điểm anh xử tốt với em .
    1. Trước khi quen em thì anh lãnh học bổng , đến khi quen em rồi thì em lãnh học bổng dùm anh .
    2. Có một quả táo , em ăn trọn . Có hai quả táo , em chọn quả to .
    3. Em xấu xí như vậy mà anh vẫn khen em xinh . Anh đẹp trai như thế mà em bảo anh xấu .
    4. Khi đi chơi toàn anh tiêu tiền . Khi về nhà anh chỉ dám ăn mì gói .
    5. Khi em giận , anh phải làm thùng rác cho em đổ nỗi bực dọc . Lúc anh bực tức , anh phải làm thùng rác cho chính mình .
    6. Em thường xuyên cấu nhéo anh . Anh chưa hề một lần đánh em , dù chỉ là cành hoa .
    7. Khi em muốn hôn anh , em hôn liền . Khi anh muốn hôn em thì trước tiên phải được em cho phép .
    8. Có lần em hỏi , nếu em yêu người khác thì anh sẽ phản ứng ra sao . Anh trả lời anh sẽ đi tu . Anh hỏi lại , nếu anh yêu người khác thì em sẽ làm thế nào . Em trả lời rằng em sẽ mua kéo về , cho anh thành Lâm Bình Chi .
    9. Anh mua tặng em cái áo da 100 đô la . Anh nói dối em là chỉ có 10 đô . Em biếu anh cái đồng hồ 5 đô , em lại nói dối anh là 50 đô .
    10 . Anh đến nhà em , anh phải ngủ ngoài ghế sa lông . Em đến nhà anh , anh vẫn lại phải ngủ ngoài ghế sa lông .
    11. Anh chịu đựng mọi người diễu cợt để giặt quần áo cho em .
    12. Cùng một con cá , em ăn phần thịt , anh mút phần xương .
    13. Anh làm hỏng cái headphone của em , anh mua đền ngay . Em làm chạm điện , làm cháy tiêu giàn nhạc hifi của anh , một tiếng xin lỗi cũng không .
    14. Lần em ốm nhẹ , anh gầy mất 2 kí lô vì lo âu . Lần anh ốm nặng , em lại béo lên 5 kí vì lo giải quyết sạch gọn tất cả mọi thức ăn ở bệnh viện mỗi khi thăm anh .
    15. Anh không chê em xì trum (lùn) , nỡ nào em chê anh cao .
    16. Chat với em , anh chat chỉ mỗi mình em . Còn em thì chat với cả chục người .
    17. Viết thư tay cho em , anh viết cả chục trang . Nhận thư tay em , chỉ vỏn vẹn hàng chữ : Hòn vọng thư .
    18. Trước khi quen em , anh chưa hề có bạn gái . Trước khi quen em , em có cả khối bồ .
    19. Trước khi quen em , đêm anh ngủ 8 tiếng . Quen em rồi , anh ngủ 8 tiếng trong sở làm .
    20 . Trước khi quen em , anh chưa chờ đợi ai quá 5 phút . Quen em rồi , anh phải đợi cả tiếng mỗi khi em trang điểm .
    ************
    Chào HH và các bạn ,
    Sau tiệc cưới , khi ngồi lại với nhau thì có nhiều chuyện để kể nhau nghe , lang bang từ chuyện lấy vợ , lấy chồng ở Mỹ , ở Việt Nam ; chuyện làm dâu , gởi rể ; chuyện con dâu , mẹ chồng ; chuyện gì cũng vậy , cứ để một chút khôi hài vào trong thì cả nhóm được cười thoải mái thay vì xuýt xoa thương hại . Cô em họ bên chồng có con trai lấy vợ Việt Nam . Con bé vừa xinh , vừa đảm , hiền lành , dễ thương , mà lại có học , ai cũng mến . Nói chuyện thì ngây thơ vô tư , con nít đeo lấy nó đòi bế . Cô em kế chọc nó , biểu nó o bế bà già chồng đi rồi bà để của lại cho . Con bé cười mắc cở .
    Sẳn dịp , cô em kế kể chuyện làm dâu cho nghe . Cô này lấy chồng năm 18 . Mẹ chồng có tới 10 con trai . Con trai thì chỉ ăn học thôi , không làm việc nhà . Cô kể cô có bầu đứa con đầu , vừa đi làm , vừa làm phụ việc nhà . Với 10 miệng ăn con trai , cọng thêm bố mẹ , dâu con , mỗi bữa ăn phải nấu nồi cơm to không tả được . Ăn xong thì rửa dọn . Cô bảo nồi to nặng quá , mà cô từ xưa chưa hề làm gì động đến móng tay , lại mệt vì cái bầu , nên rửa chùi không được kỷ , bên ngoài nồi còn dính tí dơ . Cô rửa xong ,vừa mới cất lên tủ cao ( thay vì thường thường người ta hay cất soong nồi ở các tủ dưới thấp để lấy cho dễ ), đóng tủ lại quay đi thì mẹ chồng đến nơi , mở tủ ra , lấy tay hất nguyên cả tủ son nồi xuống đất mà chẳng nói câu nào .
    Cả bọn nghe cô kể , le lưỡi, dữ quá , dữ quá a . Cô nói chưa hết đâu . Trời mùa đông nơi cô ở , tuyết lạnh cóng người . Đi làm về thường thì chồng cô đón . Ra mà không thấy chồng thì phải đi bộ đến trạm điện thoại gọi về cho chồng đến ngay vì lạnh lắm . Mẹ chồng ngồi canh điện thoại , hể nghe tiếng cô là cúp . Gọi hoài không được muốn khóc . Bụng thè lè gần sinh . Có người bạn làm cùng sở chỉ có xe gắn máy thấy thương tình đề nghị chở về giùm . Nửa đường cảnh sát chặn không cho cô đi vì nguy hiểm , trơn trợt xe trượt như chơi . Cảnh sát chở cô về nhà . Chồng hỏi sao không chịu gọi điện thoại , cô kể mà chồng không tin . Cả bọn lại le lưỡi , dữ quá a , dữ quá a .
    Cả bọn chỉ le lưỡi la lên vậy thôi rồi cười thoải mái vì cô nói chuyện có duyên , làm điệu bộ khiến cho người ta chỉ thấy tình cảnh khôi hài chứ không bi thảm . Cô nói khi cô sanh đứa con đầu , bà mẹ chồng vào nhà thương , không hỏi han cô tiếng nào , tiến đến cái nôi , coi mặt , coi tóc , coi luôn cả phần dưới của thằng bé , rồi bĩu môi quay đi : Cái mặt giống tàu !! Ý rằng thằng con bà chưa chắc đã là bố thằng bé vì da con bà ngăm ngăm .
    Cô tuyên bố : Đó là chuyện xưa rồi . Giờ thì cưng lắm vì có mấy đứa cháu . Mấy đứa con trai của cô giống ông nội y hệt , thương ông bà nội lắm vì mỗi lần về thăm , ông bà nội cưng như cưng trứng .
    Chuyện lang bang vậy mà cũng hết một buổi chiều . Nghĩ lại thấy cũng tiếc thời gian đi qua chả làm được gì ra hồn , nhưng xã giao thì phải thế thôi . Ít ra cũng có những trận cười thoải mái .
    DLK
  4. hoanghac1

    hoanghac1 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    402
    Đã được thích:
    0
    Chào các bạn
    Lái xe
    Bước vào phòng ăn tôi gặp một thiếu nữ Mỹ chống nạng , chân đi khập khễnh rồi ngồi xuống bàn . Vài anh Mỹ gợi chuyện cùng cô , hỏi cô mới biết cô bị tai nạn trên đường về nhà .
    - Thứ sáu tuần trước em đang lái xe trên xa lộ tiểu bang 377 . Em chợt thấy một con bò khoang bước qua đường . Em bẻ vội tay lái , xe húc vào một cột đèn , em bất tỉnh một lúc , và nhận ra một bên chân đau nhức . Vừa lúc ấy xe cứu thương , xe cảnh sát hú còi í e chạy tới .
    Mấy anh Mỹ nhao nhao lên :
    - Rồi em có sao không ?
    - Từ từ để em kể tiếp nè . Một ông police tới bên cạnh em hỏi em có bị gì không . Em nói cái chân em bị nhức .
    Ông cảnh sát tuần tiểu hỏi :
    - Nói thiệt nha , trên xe truck của cô sao lại có con bò đang nằm nghé ọ um sùm . Có phải của cô không ? Không à ! Cô có biết luật Texas , hễ ai trộm cắp trâu bò , sẽ bị treo cổ ngay (Cattle thieves may be hung on the spot .) .
    Nghe vậy em bật khóc , em mới đi làm về biết gì mà trâu với bò . Lúc đó vài người Mỹ quanh đó bu lại : " Đúng vậy , tôi thấy cô này tránh con bò nên mới bị tai nạn như vậy . Sao ông không lo đưa cô ấy đi nhà thương . Tôi sẽ khiếu nại ông . Ông cảnh sát lẩm bẩm : " Chắc tui phải treo cổ con bò này quá ".
    Tôi hỏi cô thiếu nữ :
    - Thế hãng bảo hiểm có đền bù gì cho cô không ?
    - Không , họ nói đó là lỗi con bò . Luật sư của em đang thưa chủ con bò vì gây thương tích cho em , gẫy một xương hông và ống chân .
    - Tội nghiệp quá nhỉ ! Thế cô đòi chủ con bò bao nhiêu ?
    - One point five million dollars (một triệu rưỡi đô) .
    Tôi nghĩ thầm việc này tội nghiệp cho ông chủ con bò , chả biết trông nom thế nào để bò lang thang ngoài đường .
    - Tiền đâu mà ổng đền cho cô .
    - Em nghĩ ổng có bảo hiểm .
    A ! Nếu không có bảo hiểm chắc ông ta phải bán nhà bán đất để bồi thường cho cô gái đó .
    HoangHac 30.9.04
  5. hoanghac1

    hoanghac1 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    402
    Đã được thích:
    0
    Chào các bạn
    Già gân
    Trong giáo xứ chúng tôi có ba ông Đọi , tuổi trạc như nhau , tóc muối tiêu lấm chấm trên đầu . Thiệt ra họ có tên đàng hoàng , một ông Đợi , một ông Đối và ông Đời . Mỹ gọi mấy ông là Đoi hết . Ông Đọi này dong dỏng người , thỉnh thoảng ra chơi banh với chúng tôi .
    Vào lúc nghỉ chúng tôi kẻ đứng người ngồi tán dóc với nhau .
    - Còn làm hãng làm quạt không ?
    - Còn chứ , không làm lấy gì mà sống .
    Với giọng nói nhẹ nhàng dí dỏm ông Đọi kể tiếp :
    - You know ? Ông già của cậu Hăng Rô làm chung với tui . Năm nay ổng gần ri-tai , ở chung với thằng con thứ hai . Được một cái con dâu ổng hiếu thảo , ngày nào cũng bới cơm nước cho vào túi đựng thức ăn (lunch bag) . Một hôm không biết cậu nào nghịch ngợm lấy tờ báo Bút Việt ổng hay coi để cuốn Playboy vào trong , rồi bỏ vào túi cơm như cũ . Khi về nhà con dâu mở túi ra , định mang chén nhựa đi rửa , chợt trông thấy mấy hình màu xanh đỏ tím vàng . Đỏ mặt , con dâu trách bố chồng :
    - Sao thầy già rồi mà còn coi mấy thứ này .
    Ấm ức quá không biết làm sao , mai vào hãng sở ổng hỏi đứa nào phá tao vậy . Bố đứa nào cũng chẳng dám nói . You know ?
    Tôi nghĩ thầm : " Lại biết không ? Qua Mỹ học ai mà cứ mở miệng You Know "
    - Nói tiếp đi thầy .
    - Ổng cứ đinh ninh là tui làm . Tui chối bai bải . Ổng giận tui cả tháng không thèm nói chuyện . Qua mấy tuần sau ổng đang đi đâu đó trong hãng quạt , mấy cậu trẻ cứ ngó sau lưng ổng mà cười hăng hắc , lại chỉ chỏ cho ông supervisor coi . Ông
    này theo sau lưng ổng cười ngắt nghẻo , rồi kêu ổng lại :
    - Sao you dán hình cô Marilyn Monroe sau lưng vậy , làm tụi nhỏ cười quá vậy .
    Giận quá ổng hiền lành mà cũng chửi đổng lên .
    - Rồi sao nữa ?
    - Thì nghỉ ở nhà trông cháu chớ sao .
    Một cậu thanh niên khác nói chen vào :
    - Hèn gì bữa đó thằng Cà Giựt cứ đi theo ông cụ miết , té ra theo coi hình .
    HoangHac 1.10.04
  6. hoanghac1

    hoanghac1 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    402
    Đã được thích:
    0
    Chào các bạn
    Thi cử
    Một danh hài trẻ tuổi Việt Nam , cậu Đạt thì phải . Trong cuộc thi The Last Comic Standing năm ngoái , cậu đoạt giải nhứt với lối kể chuyện vui .
    Tôi mới qua Mỹ năm 15 tuổi , và vào một trường trung học Mỹ . Vào giờ thi toán , tôi đang làm bài chợt trông thấy vài người bạn Mỹ đang len lén cốp pi tôi . Tính tôi dễ dãi và thân thiện . Chuyện đó không có gì là ầm ĩ . Qua hôm sau mấy người bạn trong lớp cằn nhằn tôi : " Tụi tao tưởng dân Á Đông nào cũng giỏi toán . Ai ngờ mày dở cũng như tụi tao thôi . Làm tụi tao đứa nào đứa nấy F hết trơn .
    Thuở đó còn học trường college TCJC (Tarrant County Junior College) . Hai Móm thường hay rủ tôi đi câu cá hồ Texoma ban đêm .
    - Thôi ! Mai còn về thi môn lượng giác .
    - Lo gì tao với mày nhắm mắt cũng được điểm A hết .
    Cá ăn quá , mãi mê câu tụi tui chưa chịu về . Từ đó về Fort Worth mất hai giờ lái xe . Đến nhà tắm rửa lên trường , đã trễ giờ thi . Hai thằng tôi tới gặp giáo sư dạy môn đó :
    - Thầy ơi ! Tui với thằng Hai Móm đi câu cá trên Oklahoma , xe bị bể lốp . Ban đêm chờ mãi không có ai help , nên rốt cuộc tụi tui về trễ không thi được . Mong thầy bữa nào cho chúng tôi thi lại .
    Ông giáo sư trầm ngâm suy nghĩ :
    - Vậy ngày mai hai cậu tới đây thi lại .
    Qua hôm sau Hai Móm và tôi được chỉ định vào hai phòng riêng biệt . Trên bàn có một xấp bài thi . Mở ra trang đầu tiên , câu 1 (5 điểm) : Sin 30 độ ? Câu này dễ quá chừng .
    Trang này chỉ có một câu , mở qua trang kế tiếp :
    Câu hỏi 2 (95 điểm ) : Which tire ?
    HoangHac theo chuyện vui
  7. hoanghac1

    hoanghac1 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    402
    Đã được thích:
    0
    Huy chương vàng và chiếc đàn hảo tâm
    NMT
    Buổi ban đầu
    Lúc bốn tuổi em đã được chỗ học phong cầm tại trường âm nhạc Oslo. Hôm khai giảng, theo bố mẹ đến trường em còn đeo ngồi trong lòng bố. Bố dọa coi chừng cô giáo thấy em bé bi như vậy thì cô sẽ không chịu dạy đâu. Nhờ vậy em mới ngồi nghiêm chỉnh bên chiếc ghế cạnh giữa bố và mẹ.
    Cô giáo vào lớp và chào hỏi mọi người, cô tự giới thiệu tên là Brith Laila Ouff. Cô nhìn em và hỏi đây là Lan-Anh phải không? Bố thúc em trả lời như sợ cô giáo lại nghĩ là em không hiểu tiếng Na Uy. Đây là lần đầu em đi đến trường học đàn, em càng bẽn lẽn hơn. Cô giáo mỉm cười như thông cảm và nói: "em là đứa học trò nhỏ nhất đầu tiên của cô đó!". Bố nắm tay em chặt như thầm nói: ?Như vậy cô giáo bằng lòng dạy em rồi?. Lúc đó em cảm thấy ánh mắt cô giáo hiền hậu và đang cười thân thiện với em. Em thầm vui và bớt lo sợ, rồi như thói quen thường lệ em nhón tót vào ngồi trong lòng bố.
    Vài ngày sau bố mang về cho em một chiếc đàn nhỏ cũ kỹ. Ở nhà em thường hay kéo chiếc đàn bằng nhựa mà chỉ thoát ra hai tiếng bí bo như xe chữa lửa. Có lẽ em hay kéo nên bố tường rằng em thích kéo đàn phong cầm và đã xin chỗ học cho em. Thực ra, chị của em là Tuấn Khanh cũng học kéo vài năm nay, hay được bố mẹ chở đi nơi này chỗ kia để trình diễn. Mỗi lần như vậy đều có bánh ăn và nước uống, em còn thấy sau mỗi lần trình diễn chị còn được nhiều người vỗ tay khen ngợi. Đôi lúc ở nhà em kéo
    chiếc đàn nhựa bí bo inh ỏi xong thì em cũng bắt chước nhún người cúi đầu chào khán giả, bố mẹ cũng giả vờ làm khán giả vỗ tay cho vừa lòng em. Như thường lệ chị có gì thì em phải có cái đó, nếu không mặt em sẽ khó coi lắm, mẹ hay nói thế.
    Bài tập căn bản
    Những buổi học đầu tiên có bố theo vào nghe cô giáo căn dặn để về nhà còn giúp em tập lại. Cũng may là em còn đang đi vườn trẻ, chưa đi học như mấy chị, nên có nhiều thì giờ cho việc tập dợt mỗi ngày. Chỉ một thời gian ngắn em đã kéo ra đẩy vô có vẻ dễ dàng hơn. Cô giáo ban đầu thấy em nhỏ nên sợ không biết có sức để kéo đẩy cho phát ra tiếng nhạc đều đặn. Phần kỹ thuật kéo đẩy rất quan trọng và khác với dương cầm ung dung ngồi gõ phím. Khó nhất là bên trái của chiếc đàn, những nút đen nhỏ như hạt đậu không nhìn thấy được mà phải rờ mó, đánh cho trúng nút thì thiệt là trần ai. Rồi tay phải đánh một đường tay trái đánh một nẻo không như chiếc đàn nhựa bí bo của em. Khi thấy em tiến bộ như vậy cả nhà đều vui mừng. Cô giáo cũng không ngờ em học nhanh như vậy.
    Hai tháng sau cô giáo đề nghị cho em tập một số bài để có thể đi dự thi phong cầm chung với chị Tuấn Khanh vào dịp Giáng Sinh. Một phần làm như vậy để em sẽ cố gắng và làm quen với những buổi trình diễn. Vấn đề không phải là thắng hay thua. Bố mẹ em lo ngại vì em còn nhỏ quá. Thế rồi cô giáo nộp đơn thi trong vùng cho hai chị em đánh cặp đôi và chọn một số bài dễ cho em. Giờ tập của em dài hơn và hai chị em thường đánh chung với nhau. Em nghe hòa chung hai đàn lại với nhau thì thấy hay hay và vui tai lắm, nhưng thỉnh thoảng cũng nghe chướng tai vì hai chị em cứ luôn cãi nhau, phân bì ai đánh trước đánh sau. Lúc ấy bố lại rầy la em cho là chị học lâu hơn và biết nhiều nên em phải nghe lời chị. Đôi lúc buồn em chỉ còn đánh như cái máy mà chả biết là đánh đúng hay sai. Có lẽ nhờ đó mà em đã đánh thuộc lòng các bản nhạc thật nhanh.
    Thi vòng loại
    Ba tháng qua mau, hai chị em lên Rakkestad để dự thi toàn vùng I, gồm Oslo, Akershus và một số tỉnh lân cận. Buổi ghi danh, em cũng mang bảng thí sinh trên ngực. Phần đông thí sinh đánh cặp đôi tuổi trong khoảng 12 đến 14, thành ra không ai thèm để ý đến cái đứa bé thí sinh cứ đeo trên người bố.
    Đến giờ thi, ban tổ chức gọi hai chị em vào phòng chờ. Em phập phồng lo sợ. Chị Tuấn Khanh căn dặn đừng đánh sai, em lại càng lo khiến tay chân em lạnh ngắt. Bố còn ngồi đó xoa tay em và an ủi chắc không sao đâu vì mình đi dự cho vui mà. Sau đó bố chạy vội vào hội trường để theo dõi.
    Cặp trước đánh vừa xong thì đến phiên chúng em. Chị Tuấn Khanh mang chiếc ghế nhỏ thường chơi đồ hàng của em và để em ngồi trên sân khấu với đèn chiếu sáng trưng. Cả hội trường nhốn nháo xầm xì. Em càng sợ và không dám nhìn xuống dưới. Nghe tiếng gọi của bố mẹ, em rõi mắt nhìn về tiếng gọi. Em thấy bố mẹ ngồi gần sát sân khấu và vẫy tay để cho em yên lòng. Em cũng vẫy tay lại. Thấy vậy mọi người cũng vẫy tay trả lại em. Em cảm thấy yên lòng hơn. Hai chị em bắt đầu đánh và em cứ tự nhiên để trỗi lên những tiếng nhạc quen thuộc và mắt cứ đăm đăm nhìn bố mẹ thỉnh thoảng cười một chút để giữ bình tĩnh. Hai chị em vừa dứt tiếng nhạc, mọi người dưới hội trường đứng dậy vỗ tay khen ngợi liên hồi. Đường vào hậu trường có xa đâu mà tiếng vỗ tay vẫn chưa dứt. Buổi chiều hôm đó, hai chị em được gọi lên sân khấu để nhận bằng diplom và được chọn trong số bốn cặp để đi tiếp cho giải quán quân toàn quốc.
    Thi toàn quốc
    Ba tháng sau, hai chị em theo bố mẹ đi lên tít tận miền Trung Na Uy. Gọi là miền Trung, chứ lái xe về phía Bắc, hơn 10 tiếng đồng hồ. Cả nhà ở trên đó suốt cả tuần lễ vì có đến hơn 400 người tham dự lận. Có một số người gặp lần tranh giải kỳ trước còn nhớ đến em, nấn na nói chuyện với bố mẹ và khen em rối rít.
    Rồi giờ trình diễn của hai chị em cũng đến. Tiếng giới thiệu về em, một thí sinh nhỏ nhất từ trước tới nay tham dự đánh cặp với chị của em. Hai chị em song tấu nhạc bản "Menuett" của Nhạc sĩ Haydn biên soạn, bản dân ca của Na Uy "Vesle guten" và liên khúc "Kardemomme-gryte" của Egner. Khi mới bắt đầu được vài nốt bỗng một cái nút không chịu nhả ra, em ngưng lại để kéo nó lên và bắt đầu lại. Nhưng hễ nhấn cái nút đó thì lại bị dính như vậy. Cô giáo Brith và bố em chạy lên để giúp sửa lại. Rồi lần thứ ba, thứ tư làm em cứ phải dừng ngang. Mọi người có vẻ lo cho em lắm. Cuối cùng em cũng hoàn tất phần trình diễn của mình mặc dù cái nút cứng đầu đó đã làm hỏng buổi trình diễn của em. Mọi người thở phào mừng rỡ vì tai qua nạn khỏi.
    Huy chương vàng
    Buổi lễ phát giải cùng chiều hôm đó, em buồn lắm vì mấy chị khác được huy chương. Có đứa thấy em mặt buồn rầu, chạy tới an ủi: " Lan-Anh biết không, hồi đó mình cũng đi dự từ lúc sáu tuổi và cho đến nay đến bốn lần rồi mà chưa được một lần nào thắng cả. Đừng buồn nhe!"
    Trên đường về em nằng nặc đòi huy chương giống như những người khác. Bố đang lái xe ầm ừ cho qua chuyện, mẹ hứa sẽ kiếm cho em một cái. Sau đó em ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
    Đến sáng xe đỗ cạnh một trung tâm thương mại, bố mẹ giục xuống xe đi kiếm cái gì ăn sáng đã. Trong lúc ăn sáng mẹ đi vào mấy cửa tiệm và khi ra mẹ gọi bố và em đến bậc thang để bắt chước làm lễ phát giải. Em đứng trên bậc thang cao giống như các lực sĩ thắng giải đứng trên bục để đón lãnh huy chương. Mẹ quàng vào cổ em một chiếc huy chương vàng thật to mà mẹ mới mua được. Mẹ nói, cái này thật là đặc biệt vì có cả sô cô la ở bên trong. Em thật sung sướng: "À ha, cái này hơn mấy cái kia, vì có cả sô cô la nữa". Khách qua lại chỉ tủm tỉm cười, em không còn nhớ đến cái huy chương nào nữa.
    Chiếc đàn hảo tâm
    Niên khóa mới bắt đầu lại, em vui vì được gặp lại cô giáo Brith. Cô giáo như qúy em hơn vì thời gian qua em đã cố gắng làm học sinh siêng năng. Một hôm cô giáo gọi điện thoại cho mẹ để báo một tin quan trọng. Em thấy mẹ rưng rưng nước nắt. Một lát sau mẹ gọi em lại và kể chuyện xúc động đó.
    Sau một buổi tổ chức trình diễn phong cầm Titanos vừa kết thúc, có một người mang chiếc đàn giao lại cho Ban tổ chức và nói: "Gửi biếu qúy vị, tùy nghi xử dụng!" Ban tổ chức còn đang phân vân chưa kịp cám ơn thì người đó đã bỏ đi. Họ còn đang hoài nghi chưa biết có thật thế không, bởi chưa có ai có thể đem cho một chiếc đàn nhiều tiền và lại còn ẩn danh như vậy. Họ vỗ vai nhau vì hiểu ra đây là chuyện thật và loay hoay với ý nghĩ nên làm gì với chiếc đàn này. Thực ra, Ban tổ chức có thể đem đấu giá để mang lại cho qũy tổ chức một khoản tiền lớn, nhưng họ không làm thế vì phải tìm một việc gì cao qúy hơn như trao lại cho người nào thực sự cần đến chiếc đàn này. Vậy nên làm sao đây?
    Sau cùng Ban tổ chức đề nghị mọi người góp ý. Trong số người hiện diện góp ý và có ý kiến của Ông Torgeir Ole Jacobsen và Bà Gunda Kristine Johannesen:
    - Tôi nghĩ là có một người rất cần. Đó là em bé năm tuổi Lan-Anh! Trong lần tham dự Quán quân phong cầm Na Uy ở Malm vừa qua, em bé tí hon này đã bị chiếc đàn làm trở ngại buổi trình diễn, như qúy vị đã biết...
    Người khác tiếp lời:
    - Chiếc đàn cũ của Lan-Anh bị hư và gia đình em là người ngoại kiều, chắc là em rất cần có chiếc đàn mới để thay thế!."
    - Nghĩ coi, điều này có thể làm cho em vui như thế nào.
    Mọi người im lặng vì xúc động. Mắt rươm rướm. Họ sực nhớ lại giây phút phấn đấu vượt trở ngại của Lan- Anh, cô giáo Brith và bố em ba lần bốn lượt chạy lên giúp em sửa lại. Khuôn mặt lộ buồn nhưng cương quyết không bỏ cuộc của em và ánh mắt vui trở lại khi hoàn tất phần trình diễn của mình... Ngăn nỗi xúc động, mọi người chớp vội nước mắt đang chực chảy và ai ai cũng đồng ý trao chiếc đàn cho Lan-Anh như trút được nỗi buồn riêng của thí sinh trẻ xui xẻo đó.
    Bỗng một ý kiến cắt ngang:
    - Nhưng chiếc đàn kiểu Piano này khác với đàn nút bấm của nó, vả lại nó to như thế này thì phải chờ đến lớn mới dùng được.
    - Hay là đăng báo bán chiếc đàn này sau đó mua một chiếc đàn nhỏ thích hợp cho em, nếu cần cũng phải bỏ thêm chút tiền để mua, như vậy có ý nghĩa hơn.
    Sau đó Ban tổ chức đã giao đến Ông Geir Harry Haugland phụ trách cơ sở LM Studio & Musikkservice tại Brummunddal để tiện liên lạc với cô giáo của em. Bên cạnh đó còn có Ban tổ chức đại hội Titano và nguyệt san Tân Cổ "NyGammalt" bảo trợ cho chiếc đàn mới cho Lan-Anh.
    Bố mẹ Lan-Anh thật xúc động vì nhiều người quan tâm đến em như vậy. Món qùa tinh thần thật qúy hóa. Chiếc đàn hảo tâm và Lan Anh đeo chiếc đàn gửi tặng được đăng tải trên báo chí và nhiều người biết đến. Nửa khuôn mặt ngây ngô của em bị chiếc đàn to lớn che khuất nhưng không dấu nổi ánh mắt đang nở nụ cười biết ơn.
    NMT
  8. hoanghac1

    hoanghac1 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    402
    Đã được thích:
    0
    Chào các bạn
    Mừng anh
    Mừng anh anh vừa tới
    Ghé thăm chúng tôi chốn này
    Lòng tôi sao thấy vui ghê khi thấy mặt anh cười trông thật hay
    Ối ối ối giời là giời ối
    Mặt anh giống như mặt bò ...
    (Bài ca sinh hoạt)
    Vào một buổi tối , tôi rủ bà xã tôi cùng cô gái út đi tản bộ sau khi ăn tối . Qua một đường Springdale , không có đường dành riêng có khách bộ hành , chúng tôi phải đi trên sân cỏ các nhà người Mỹ . Chợt như có tiếng ai gọi ơi ới . Tôi khẽ nói :
    - Có ai gọi kìa .
    Bà xã ngó dáo dác qua bên kia đường . Một ông đầu đen ngồi trước cửa nhà , nói vọng sang :
    - Không phải chị , cái ông mặc áo thun trắng kia kìa .
    Tôi sửa mắt kiếng , ngó qua và giơ tay chào .
    - Anh ở Việt Nam mới qua .
    Không hiểu sao lúc đó tôi bèn Dạ to một tiếng .
    - Mời anh qua chơi , nhà tôi có quần áo cũ anh chị có muốn mua lấy mà dùng không ?
    - Dạ không , để khi khác nha anh . Chúng tôi phải qua nhà bà chị gần đây .
    Ông bà này tôi nghe nói qua Mỹ được vài năm , mới mua nhà được vài tháng . Tôi mới qua Mỹ , chừng lối 21 năm thôi .
    HoangHac 10.5.04
  9. hoanghac1

    hoanghac1 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    402
    Đã được thích:
    0
    Chào các bạn
    Trúng số
    Sáng hôm nay mở ti vi coi tin tức , đài nào đài nấy chiếu cảnh phỏng vấn một ông Á Châu . Ông này trúng số với tiền mặt hơn 62 triệu Mỹ kim .
    - Xin ông cho biết cảm tưởng khi dò trúng vé số .
    Ông Nguyễn văn Út , cư dân thành phố Carrolton (nằm hướng Bắc Tây Bắc cách Dallas chừng mươi dặm ) vui vẻ trả lời :
    - You know , Sáng thứ bảy qua , tui ra siêu thị mua thức ăn , loáng thoáng nghe ông giám đốc bàn tán với nhân viên là có ai mua vé sổ xố lotto mua ở cửa tiệm này trúng giải độc đắc Mega Lotto 101 triệu đô la . Lúc đó tui xin tấm vé có số để dò (print-out) và cảm thấy hình như tui có hai con số trúng . Khi tôi về nhà gọi : "Má thằng tí đâu rồi , kiếm cho tui tờ vé số nha " Bà xã tui cằn nhằn : " Ui cái ông này ! Trúng đâu mà la dữ vậy . Coi chừng trúng gió , bắt tui cạo gió nữa sao " . Tui cầm tờ vé số lên : " Trời Phật ơi ! Trời Phật ơi ! Lúc đó bà xã chạy lại đỡ tui ngồi xuống ghế : " Ông làm gì vậy ? Trúng số à ! Trời đất quỉ thần ơi ! Thôi ông đưa tui giữ , kẻo nó bay đi mất .
    Ông Nguyễn văn Út , vợ , cô con gái và hai người cháu cùng lái xe xuống thủ phủ Austin sáng sớm ngày thứ hai để làm giấy tờ cũng như có vài cuộc phỏng vấn nho nhỏ trước khi ông bà lãnh giải thưởng . Ngày chiều hôm đó ông nhận một tấm ngân phiếu thật to .
    Ông Út được hỏi ông có kế hoạch nào khi ông có một món tiền quá lớn :
    - Tui có ý định xây một ngôi chùa ở Duncanville . Ngoài ra tôi và gia đình sẽ trở lại quê hương giúp đỡ họ hàng người thân , xây trường học cũng như bảo trợ các viện mồ côi .
    Ông Út nghỉ một lát , nghẹn ngào nói tiếp :
    - Quê tui trẻ em đi bộ thiệt xa mới tới trường , lội năm sáu cánh đồng , vì thế tui định xây cất một ngôi trường tiểu học cho các em nơi tui đã sinh trưởng .
    Ông Út đã mua vé số ở tiệm Sack ''n Save 1235 S. Josey Lane , thành phố Carrolton . Tiệm này sẽ được tiền hoa hồng là một triệu Mỹ Kim vì đã bán vé số trúng độc đắc .
    Ông Út nói :
    - Mỗi tuần tui đều có mua lô-tô , thứ tư 5 đô vé Lotto Texas và thứ sáu 5 đô Mega Millions .
    Vé trúng độc đắc 8-10-17-24-39 và Mega ball là 52 . Tiền trúng là 101 triệu Mỹ kim và ông Út chọn lấy tiền mặt , sau khi trừ thuế ông ta có 62.060.880 đô la .
    HoangHac theo DallasMorningNews 5/10/04
  10. hoanghac1

    hoanghac1 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/09/2003
    Bài viết:
    402
    Đã được thích:
    0
    Người mẹ kế
    Phương Trầm Khuất (Florida)
    Chị tôi ốm nặng rồi qua đời khi bé Trâm vừa tròn một tháng tuổi , nó bị mù bẩm sinh . Anh rể tôi vừa làm cha vừa làm bà vú . Nhìn cảnh gà trống nuôi con , ai cũng ái ngại khuyên anh nên đi thêm một bước nữa để chăm sóc bé Quyên . Những lúc ấy anh chỉ lặng lẽ cố dấu tiếng thở dài não ruột , trong thâm tâm anh nghĩ : " Tìm được cho mình một người vợ thì dễ , chứ tìm được một người mẹ cho con mình thì khó lắm . "
    Nhưng rồi thời gian qua đi , khi vòng tang trắng trên đầu anh đã đốt thành tro , anh tôi đi cưới người đàn bà khác . Ban đầu người vợ mới của anh rất yêu thương bé Quyên , chăm sóc nó như một bà mẹ thật sự . Nhưng chẳng được bao lâu , khi có một đứa bé trai bụ bẫm ra đời thì bé Quyên như người thừa trong căn nhà nhỏ đầy tiếng cười và tiếng khóc . Anh tôi suốt ngày bận bịu với công việc ở nhà máy , tối về anh bận bịu với "Cục cưng nối dõi của mình " , anh không còn để ý đến con bé mù đó nữa . Bé Quyên chưa biết buồn , nó lủi thủi chơi một mình ở một xó xỉnh hay một góc vườn nào đó . Nó bị người mẹ kế cấm không được đến gần em bé , nên bạn nó chỉ có chú chó con mà ba nó mới xin về . Có một hôm em bé đang chơi , chợt nghe tiếng thét của thằng em , nó quên lời cấm , hối hả định vào nhà dỗ em . Nhưng khi tay nó vừa chạm vào chiếc nôi thì bà mẹ kế từ ngoài chạy vào váng cho nó một cái tát nảy lửa .
    - Đồ quỉ sứ ! Mày làm gì con tao thế . Mày định giết nó hả ? Đã đui mà còn ác , mày muốn đi theo con ****** phải không ?
    Cứ mỗi tiếng "phải không " là mẹ kế dúi đầu con bé vào tường . Bé Quyên vừa đaU vừa hoảng sợ , nó quì xuống đất nức nở van xin :
    - Má ơi ! Xin đừng đánh con , con không hại em , không phải , không phải mà ...
    Nhưng người mẹ kế không tin lời nói của nó và hôm đó con bé bị một đòn nhớ đời . Cũng từ hôm đó bé Quyên biết buồn , nó thường hay khóc một mình .
    Một thời gian sau thằng bé tập tễnh biết đi , nó lớn như Gióng , và hồn nhiên như một chú chim chích . Người mẹ kế "cảnh giác ", "kiểm soát" chặt chẽ không cho thằng bé chơi với bé Quyên , nhưng không làm sao ngăn cấm được trẻ thơ đang ở độ tuổi tò mò , nên người mẹ kế đành quay sang gắt gỏng , cau có với con bé . Bé Quyên không sợ bị đánh đòn vì đối với nó đã quá quen thuộc . Nó chỉ sợ không được chơi và trò chuyện cùng em bé . Hai chị em nó thường dắt nhau ra góc vườn , nơi có một khóm hoa mẫu đơn phủ kín trốn chơi ở đó . Người mẹ kế lâu dần không thấy bé Quyên hại con mình nên thả tự do cho hai đứa nó .
    Anh tôi mỗi khi đi làm về đều có mua bánh cho cậu con trai , vì thế cứ chiều đến , cậu bé hay dắt chị ra trước ngõ đợi ba về . Thoáng thấy anh tôi là cậu bé ào tới kêu tíu tít : " A , a , a ba về " Anh tôi nhấc bổng cậu bé , vò trên đầu cậu bé nũng nịu :
    - Hà hà ...con trai cưng của ba ngoan quá . Nào ! Cho ba hôn cái đi nào .
    Cậu bé sung sướng cười nắc nẻ . Bé Quyên bị bỏ quên lẳng lặng đi chỗ khác , đôi vai gầy của nó rung lên . Hình như nó khóc .
    Ngày tiếp ngày , cảnh tượng ấy diễn ra đều đặn , con bé ngây thơ trở nên ít nói và gầy như một chiếc lá khô . Anh tôi vẫn vô tình không thấy . Đến một hôm anh tôi đi làm về , bỗng dưng lên cơn sốt . Bé Quyên hốt hoảng lần mò qua nhà ông Năm , ông thầy thuốc nhà bên cạnh . Lúc nó về đến bên bố giọng than thở lo lắng :
    - Ba ơi ! Ba có làm sao không ? Đừng chết nghe ba ! Ông Năm tìm đôi kính , rồi sẽ đem thuốc cho ba ngay cho ba .
    Con bé có vẻ bồn chồn , rồi lại hỏi :
    - Nhưng mà sao ông Năm không đi liền , mà phải cần đôi kính chi hở ba ?
    - À ! Để ông nhìn thấy đường vậy mà .
    Anh tôi mệt nhọc trả lời cho qua chuyện . Không ngờ bé Quyên chộp lấy tay anh , giọng vừa run vừa hớn hở :
    - Ba ơi ! Con cũng muốn một đôi kính như ông Năm vậy , ba mua cho con nha ba !
    - Con cần nó để làm gì ?
    Anh tôi ngạc nhiên hỏi . Bé Quyên sợ ba từ chối , nó òa khóc :
    - Ba ơi ! Con có nhìn thấy gì đâu ! Con muốn được sáng mắt để nhìn thấy ba , nhìn thấy em Tí thôi mà .
    Anh tôi nghe thấy như có một cái gì trỗi dậy nhói lên trong ***g ngực , không biết giải thích sao cho con bé hiểu được , anh đành giấu người trong tấm chăn , nước mắt dàn dụa .
    Hôm sau trước cổng nhà chỉ có một mình cậu bé đợi ba về . Anh tới không thấy bé Quyên , nét mặt biến sắc :
    - Chị con đâu ?
    Cậu bé phụng phịu chỉ tay vào khóm hoa trong góc vườn . Anh tôi bế con trai đặt bên bé Quyên , âu yếm hôn lên mái đầu thơ dại , giọng trìu mến kỳ lạ :
    - Hai con yêu quí của ba .
    Bé Quyên bỗng quàng lấy cổ anh ta và mếu máo :
    - Ba ơi con đã có bố rồi , con không cần đôi kính mắt nữa đâu .
    Anh tôi sững sờ ôm con bé vào lòng và khóc , khóc nức nở , khóc như chưa bao giờ được khóc . Anh thấy như lương tâm đang hỏi tội , anh biết tại sao con bé không cần đôi kính mắt đó nữa , mặc dù mới hôm qua đây nó thiết tha nài nỉ . Con bé chưa ý thức được nổi bất hạnh của cuộc đời , trước mặt nó chỉ là một màu đen dày đặc . Nhưng nó đã ý thức được một cuộc sống , đã nhìn thấy lòng thương yêu là quí hơn tất cả . Và đối với nó tình thương còn cần hơn ánh sáng . Anh tôi không ngờ rằng khi trở thành một kỹ sư nổi tiếng anh lại được học ở chính của đứa con gái bé bỏng của mình , một bài học đơn giản về cư xử , nhưng đó là đạo lý của con người . Nhìn bé Quyên qua hàng nước mắt , anh tôi nói :
    - Chính ba mới thật là kẻ mù . Cám ơn con ! Cám ơn con đã cho ba ánh sáng .
    PTK

Chia sẻ trang này