1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Xin nhờ các bạn box Văn học giúp...

Chủ đề trong 'Văn học' bởi tinyhuong, 09/04/2002.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0
    Từ những năm 20, phong trào văn học lãng mạn Pháp đã phát triển mạnh mẽ ...
    +A.de Lamartine (1790-1869) là nhà thơ tiêu biểu của chủ nghĩa lãng mạn Pháp. Lamartine viết những tập thơ trữ tình nổi tiếng : Trầm tư (1820), Trầm tư mới (1823), Những hài hòa (1830). Lamartine là người khai phá một giọng thơ ca mới, là nhà thơ trữ tình xuất sắc khi nói về thiên nhiên gắn với tâm tình con người, khi nói về sự gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu.
    Tác phẩm Jôxơlanh (1836) là một bản trường ca 2000 câu thơ hằm tái hiện số phận lịch sử nhân loại. Qua 9 thời kì, nhân vật Jôxơlanh tượng cho sự đấu tranh của tâm hồn con người vươn tới Thượng Đế bằng sự thanh khiết hóa trong nỗi đau khổ. Tác phẩm cũng thấm nhuần chất trữ tình khi tác giả bộc bạch những kỉ niệm riêng của cuộc đời mình.
    +A.de Vigny (1797-1863) xuất thân trong một gia đình quý tộc phá sản vì cách mạng.. Ông bát đầu sáng tác năm 1820 và dần dần nổi tiếng với những tác phẩm như Môizơ (1822), Êloa (1823), Xanh Mac (1826), Stenlê (1832),Đaphnê (1837). Vigny hướng về thời đại cổ xưa để tìm đề tài cho tác phẩm, thể hiện sự hoài nghi và bi quan của ông. Ông suy tưởng về thân phận con người không thể tránh được định mệnh thần bí. Những nhân vật của ông đều ngã xuống (Xanh Mac), hoặc đứng bơ vơ với thiên tài của mình (Môizơ), hoặc đơn độc trong tình thương (Siva), trong tình yêu (Xămxông)...Ông cảm thấy con người thì bàng quang hay thù nghịch, thiên nhiên thì hoang vắng, lạnh lùng.
    Vigny khẳng định một thứ triết lí thất vọng khi ông ca ngợi sự nhẫn nhục và sự yêu thương, hoặc nói về chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa khắc kỉ : Cái chết của con sói (1838), Sự nổi giận của Xămxông (1839), Đỉnh núi Ôlivê (1839).
    Từ những năm 40, Vigny viết một số tác phẩm có ý nghĩa tiến bộ hơn thể hiện niềm tin tưởng vào ý chí con người trong Cái chai trên biển cả (1847), Tinh thần thuần túy (1863).
  2. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0
    "Chủ nghĩa lãng mạn là chủ nghĩa tự do trong văn học-nghệ thuật, tự do trong xã hội, đó là hai mục đích sống mà mọi bộ óc nhất quán và lôgic đều phải vươn tới ".(V.Hugo)
    Trong lúc các nhà văn lãng mạn tiêu cực nói lên số phận của tầng lớp quý tộc Pháp thì những người có tư tưởng tự do đã chống lại bọn bảo hoàng cực đoan nhằm bảo vệ lí tưởng CMTS Pháp.
    Năm 1824, tờ báo Địa Cầu của nhóm người tự do đứng đầu là Pên Đuyboa đã tập hợp những nhà văn tiến bộ như Xanhtơ Bơvơ, Xtăngđan (Stendal)... Họ muốn mở rộng chân trời nghệ thuật, tiếp thu truyền thống thời Phục Hưng, thế kỉ ánh sáng. Họ lên án chủ nghĩa thần bí và văn thơ hoài cổ của các nhà văn lãng mạn tiêu cực, chống lại khuynh hướng chỉ nhìn "mặt tội lỗi, thấp kém " của XH, đề ra nhiệm vụ văn học cần tìm tòi "cái đẹp và điều tốt lành " trong cuộc sống.
    Năm 1826, Tao đàn ra đời đứng đầu là nhà văn Victor Hugo đã tập hợp nhiều nhà văn ưu tú như Anfrê đờ Muyxê, Thêohin Gôchiê, Giêra đờ Necvan, Alexandre Duyma...Phần lớn các thành viên của Tao đàn là các nhà văn lãng mạn tiến bộ gắn bó với cuộc đấu tranh chính trị và XH đương thời. Họ đấu tranh quyết liệt với các nhà văn bảo thủ của chủ nghĩa cổ điển và đưa ra những nguyên tắc thẩm mĩ cho trường phái của mình.
    Các nhà văn lãng mạn tiến bộ Pháp đã tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của thời đại như tư tưởng của các nhà bách khoa thế kỉ ánh sáng (18), lí tưởng dân chủ cộng hòa của đại CMTS Pháp, CNXH không tưởng của các nhà XH học vĩ đại đầu thế kỉ 19.
    Với cảm xúc nồng nàn và trí tưởng tượng bay bổng, họ đã biến hóa tư tưởng thời đại thành lí tưởng riêng của các nhân vật trong tiểu thuyết, kịch và thơ ca. Các nhân vật của họ đã vượt qua những gian nguy, cảm nghĩ sâu sắc, hướng đến những ý định lớn lao tuy còn mơ hồ. Họ bắt đầu quay nhìn về quần chúng lao động nghèo khổ, những con người bất hạnh.
    Thơ trữ tình đã phân chia thành thơ ca thuần túy thơ ca chiến đấu (V.Hugo).
    Kịch lãng mạn đã hình thành, hoàn chỉnh lại thể đram.
    Tiểu thuyết với nội dung lớn đã kế thừa thành tựu của tiểu thuyết thế kỷ 18 và trở thành một loại thể chiếm ưu thế để biểu hiện khát vọng chủ quan của nhà văn và phản ánh đời sống XH.
    Văn học lãng mạn tiến bộ ở Pháp có nhiều nét tích cực so với văn học lãng mạn ở một số nước Châu Âu đương thời, gắn liền với những biến cố cách mạng quan trọng của đất nước.
  3. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0
    Victor Hugo (1802-1885)​
    Trong thế kỉ 19, với sự nhạy cảm của thiên tài lãng mạn, những nét độc đáo trong sáng rất đa dạng phong phú, với trường độ sáng tác của một người đã sống và gắn mình với cả một thế kỷ đầy biến cố, V.Hugo đã trở thành "hiện thân chủ nghĩa lãng mạn" là "tiếng vọng âm vang của thời đại". Chẳng những thế, cho tới nay, ông vẫn được coi như một nhà văn đã kết hợp được những tình cảm phổ biến nhất, những khát vọng bình dị và sâu xa nhất cúa con người và được coi như "nhà tiên tri của hòa bình thế giới".
    Trong hơn 60 năm sáng tác, ông đã để lại hơn 20 vở kịch, 10 tiểu thuyết lớn và truyện vừa, 15 tập thơ gồm 153873 câu thơ, hàng trăm bài chính luận, lí luận văn chương, hàng nghìn bức thư tình là những áng văn hay và vài ba nghìn tranh vẽ. Sự phong phú về sáng tác của Hugo bắt nguồn từ mối liên hệ của ông với đời sống nhân dân, sự tham gia trực tiếp vào các phong trào chính trị và văn hóa tiến bộ.
    Những tập thơ đầu Đoản Thi, Về phương Đông đã rung lên niềm yêu thương của nhà thơ lãng mạn với quá khứ xa xăm hoặc những miền xa lạ.
    Những tập thơ trữ tình sau những năm 30 : Lá mùa thu, Tiếng hát buổi hoàng hôn, Tiếng nói bên trong, Tia sáng và bóng tối là "trạng thái hoàng hôn kì lạ của tâm hồn và của XH trong thế kỉ" Ông mở rộng suy tưởng về lẽ sống, về tình đồng loại, về nỗi đau khổ và sức mạnh của nhân dân.
    Những tập thơ chiến đấu và hùng ca từ những năm 50 : Trừng phạt, Chiêm ngưỡng, Truyền kì các thời đại đã vươn đến tầm khái quát XH.
    Tình yêu thương những con người khốn khổ bị đọa đày như được gieo mầm khắp các tập thơ để kết đọng tạo thành những rung động âm vang qua các hình tượng lớn trong tiểu thuyết và kịch của Hugo. Thơ đi vào tiểu thuyết, kịch dựa vào thơ. Sự phối hợp tài tình giữa các yếu tố nghệ thuật đó đã giao hòa tình thương cảm giữa tác phẩm và người đọc, gây ấn tượng mạnh mẽ về tấm lòng nhân ái bao la của V.Hugo. Hugo bênh vực người da đen cầm đầu nghĩa quân chống lại bọn thực dân da trắng (Buy Jacgan), chống lại luật lệ khắc nghiệt đày đọa kẻ cùng khổ (Clôđơ Gơ). Hugo ca ngợi tình thương yêu giữa những con người bình thường : cô vũ nữ Esmeralda, anh chàng kéo chuông Quasimodo. Tác phẩm lớn Những người khốn khổ miêu tả những cảnh đau lòng dưới đáy XH Pháp với cả chiều rộng và chiều sâu. Những con người bị vùi dập hiện ra trong tác phẩm với tất cả vẻ đẹp cao cả. Hugo tin rằng lòng yêu thương tuyệt đối có khả năng tiêu diệt điều ác và mang lại hạnh phúc trong tương lai cho số phận những con người khốn khổ. Những rung động đầy chất thơ được nâng lên sự suy tưởng có tính chất triết lí đó giải quyết vấn đề xóa bỏ nỗi đau khổ của nhân loại trong thời kì hiện đại.
    Những nhân vật trong các tiểu thuyết của ông không hoàn toàn rạch ròi giữa ba tuyến (Nạn nhân - Kẻ hung bạo - Vị cứu tinh) mà đã mang tính chất phức tạp, không nhất thể, không nguyên phiến. Đặc điểm thứ hai, kết thúc gần với tiểu thuyết theo đúng nghĩa của nó, không phải là một kết thúc rõ ràng, hoàn toàn có hậu. Nét thứ ba, là chất thơ, chất suy tư sâu thẳm trong những hình tượng nhân vật gần với biểu tượng hơn là điển hình, nằm trong một thứ văn xuôi mọc cánh và nằm trong những chương bình luận ngoại đề. Với những kích thước khác nhau và ngăn cách bởi một khoảng thời gian sáng tác khá dài và đầy biến động, hai cuốn Nhà thờ Đức Bà Pari Những người khốn khổ đã là hai cái mốc tiêu biểu cho hai giai đoạn trước và sau những năm 1848-1852.
    Được sửa chữa bởi - oshin vào 21/04/2002 10:26
  4. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0
    Nhà thờ Đức Bà Pari
    Cho tới nay, dù trào lưu lãng mạn đã qua, thời Trung Cổ của phương Tây càng xa xôi hơn, nhưng tiểu thuyết lịch sử Nhà Thờ Đức bà Pari vẫn là một cuốn truyện được dịch và đọc nhiều trên thế giới với tất cả vẻ ngây thơ, tươi mát và tình yêu con người tràn ngập trong đó.
    ...Quần chúng : mù quáng và ít nhiều thụ động trước một lực lượng còn tối tăm và mù quáng hơn họ.Quần chúng, đó là Quasimodo dị dạng, câm lặng, không thể nào diễn đạt được ý nghĩ của mình, đó là những ăn mày lở loét què cụt, là những lưu manh, là cô gái bôhêmiêng lang thang, không tên tuổi (Esmeralda chưa phải là một cái tên), đó là nhân loại còn ở "giai đoạn ấu trĩ", đầy bản năng, hung hãn nhưng bỗng chốc có thể hé ra vẻ đẹp sáng ngời dưới lớp vỏ xù xì xấu xí.
    Không phải chỉ vì muốn phục hồi lại quang cảnh quá khứ mà Nhà Thờ Đức Bà Pari bị ám ảnh bởi môtíp đám đông. Họ đặc biệt xuất hiện ở các cảnh ngày hội hóa trang, cảnh công chúng chứng kiến Quasimodo bị đưa lên đài chịu cực hình và cảnh đám đông lưu manh tấn công Nhà thờ Đức Bà. Trên quảng trường, vào thời điểm hội hè Carnaval, vào những phút giây đảo lộn trật tự thông thường ấy, anh hề, gã làm trò mới có sự chuyển đổi vai đặc biệt, Quasimodo trở thành Giáo hoàng, và Esmeralda trở thành ánh sáng, thành Ngọn lửa, thành Nàng Tiên kì ảo. Vào những phút giây chịu cực hình, Quasimodo và Esmeralda-dù vẫn ít nhiều mù quáng và ấu trĩ như công chúng- đã biến đổi chính mình và có khả năng thức tỉnh cả công chúng nữa. Gịot nước mắt lần đầu tiên chảy trên gò má nứt nẻ của Quasimodo vì ngụm nước đầy tình thương mát lành của Esmeralda đã khiến công chúng hô lên : Noel ! Noel !...Mỗi nền văn minh đều bắt đầu từ thần trị và kết thúc bằng dân chủ : đó chính là kinh nghiệm xương máu của những thế kỉ đã qua và của thời đại Hugo.
    Những hình tượng ở đây gần với những mẫu gốc của văn học dân gian hơn là gần với biểu tượng. Phảng phất bóng dáng Trương Chi qua Quasimodo và qua kết thúc câu chuyện, hình ảnh mối tình mà cái chết cũng không thể chia rẽ-khi người ta muốn kéo bộ xương của Quasimodo ra khỏi bộ xương mà y ôm hôn, thì nó vụn tan thành bụi...
    Sự đan chéo những yếu tố bi hài, cái đẹp và cái dị dạng cũng mang lại cho truyện tính chất grôtexcơ. Cái kết thúc của thiên tình sử vừa bi đát vừa hài hước, bởi theo lời Hugo, bên cạnh đám cưới của Phơbuyx là "đám cưới" của Quasimodo và Esmeralda :họ chỉ có thể gặp nhau dưới mồ. Mỗi nhân vật là một sự hài hước bi đát. Pie Granhgoa là sự thất bại của ảo mộng trước nhu cầu vặt vãnh của cuộc sống. Quasimodo cũng là một loại "đom đóm yêu một vì tinh tú". Frôlô là sự không thể điều hòa giữa thèm khát và khổ hạnh. Phơbuyx là sự đối lập giữa vẻ đẹp bên ngoài và sự xấu xa trống rỗng bên trong...
  5. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0
    Nhìn chung, văn học lãng mạn Pháp ra đời và phát triển trên cơ sở những biến động lịch sử lớn từ cuối thế kỷ 18. Có thể nói, sáng tác, lí luận và phê bình đã đi song song trong văn học lãng mạn Pháp. Phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp phức tạp trong ba mươi năm đầu thế kỉ 19, văn học lãng mạn Pháp đã phân chia thành hai khuynh hướng : tiêu cực và tiến bộ.
    Chủ nghĩa lãng mạn Pháp có những tính chất chung của VHLM ở các nước châu Âu khác như : thoát khỏi những quy tắc ngặt nghèo của truyền thống VH cũ, đề cao tưởng tượng và cảm xúc của chủ quan cá nhân nhà văn, khơi nguồn cảm hứng từ nguyện vọng , tư tưởng của các tầng lớp nhân dân đương thời, tiếp thu nguồn đề tài của các dân tộc khác, cách tân loại thể...
    Bên cạnh đó, văn học Pháp có những nét riêng như : ít tính chất tư tưởng, triết lí phức tạp như văn học lãng mạn Đức; ít khơi sâu vào các nguồn văn học dân gian như ở nhiều nước có phong trào giải phóng dân tộc; ít tính chất anh hùng ca như văn học lãng mạn Nga và Tây Ban Nha. Đặc sắc của văn học Pháp là khuynh hướng lãng mạn tiến bộ chiếm ưu thế; tồn tại khá lâu với nội dung phong phú; tính chất trữ tình xuyên suốt các loại thể thơ, kịch và tiểu thuyết; sự tồn tại và ảnh hưởng qua lại giữa văn học lãng mạn và nghệ thuật lãng lãn mạn như hội họa, âm nhạc...
  6. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0
    c. Văn học hiện thực từ đầu thế kỉ 19 đến những năm 60
    Văn học hiện thực phê phán Pháp xuất hiện sau năm 1820, phát triển mạnh mẽ cho đến những năm 60 và có thể chia 2 thời kì trước và sau năm 1848. Sau cuộc Cách mạng tháng 7/1830, chính quyền thuộc về giai cấp đại tư sản. Đồng tiền thống trị trong mọi lĩnh vực XH với quyền lực và sức mạnh tha hóa của nó. Cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra và giai cấp công nhân dần trưởng thành đã dẫn đến cuộc Cách mạng tháng 6/1848. Giai đoạn trước năm 1848 là giai đoạn phát triển rực rỡ của văn học hiện thực với những nhà văn ưu tú : Stendhal, Balzac, Mêrimê. Sau thất bại của cách mạng 1848, tâm trạng bi quan nảy sinh trong tầng lớp tí thức, văn nghệ sĩ Pháp. Đế chế II thống trị nước Pháp phơi bày thực tế tầm thường, lừa lọc, xấu xa. Nhiều nhà văn bày tỏ thái độ hoài nghi và căn ghét thực tại. Văn học hiện thực Pháp sau năm 1848 bộc lộ những dấu hiệu của sự suy thoái. Những nhà văn tiêu biểu của giai đoạn sau là Flaubert, Đôdê, Maupassant...
    +Stendhal (1783-1842) là một nhà văn hiện thực lớn "nhân đạo một cách sâu sắc và có tính triết học" (Gorki), "là nhà tâm lí học vĩ đại nhất " (Ten). Khi ông còn sống, rất ít người đọc tác phẩm của ông. Balzac là nhà văn lớn duy nhất của thế kỉ đã đánh giá đúng đắn tài năng của ông. Ngày nay, người đọc ngày càng hâm mộ. Văn phong tự nhiên, ngắn gọn, chính xác và trong sáng của ông rất gần với văn phong hiện đại.
    Các tác phẩm chính : Tiểu luận và tình yêu (1822), tiểu luận Raxin và Sêchphia (1823)...Stendhal đã viết một số tiểu thuyết, đặc biệt là 3 tác phẩm : Đỏ và đen (1830), Tu viện thành Pacmơ )1838), Luyxiêng Lôen (1835).
    +Honoré de Balzac (1799-1850) là nhà văn hiện thực lớn nhất nước Pháp nửa đầu thế kỉ 19.
    Trong 20 năm, từ 1829-1848, Balzac đã viết hơn 90 tác phẩm lớn nhỏ mà phần lớn được tập hợp lại trong Tấn trò đời. Ngoài ra còn nhiều vở kịch và những Truyện ngắn ngộ nghĩnh. Khối lượng tác phẩm đồ sộ làm cho danh tiếng của ông vang lừng khắp Châu Âu.
    Tấn trò đời là một công trình toàn vẹn, mỗi tác phẩm là một đơn vị hoàn chỉnh nhưng lại liên quan đến tác phẩm khác. Nhiều nhân vật sống luân lưu từ tác phẩm trước đến tác phẩm sau. Đó là bức tranh toàn cảnh XH Pháp từ năm 1816-1848.
    Nội dung tiểu thuyết hiện thực của Balzac bao quát mọi hoạt động của con người ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mọi hoạt động của các giai cấp và tầng lớp XH khác nhau. Tác phẩm đã phản ánh những mặt cơ bản của cuộc sống con người ; đời sống vật chất, kinh tế, tinh thần...Đặc biệt là Balzac đã vạch trần vai trò của đồng tiền trở thành động lực XH bấy giờ.Balzac phản ánh cuộc đấu tranh sống còn giữa giai cấp quý tộc suy tàn và giai cấp tư sản đang lên.
    Các nhân vật phản diện chiếm số đông trong tác phẩm của Balzac :bọn tham lam, hãnh tiến, lũ bất nhân, cơ hội. Thực ra, Balzac cũng có quan tâm thể hiện các "nhân vật đức hạnh", những con người tốt và có lí tưởng trong tác phẩm của ông, tuy việc làm này có phần khó khăn hơn.
  7. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0

    +Prosper Mérimée (1803-1870) là nhà văn viết truyện ngắn của văn học hiện thực phê phán Pháp. Ông sớm kết bạn với Stendhal và chịu ảnh hưởng sâu sắc của nhà văn hiện thực lớn này. Những kiệt tác trong hơn 20 năm sáng tác của ông là : Côlômba, Tamangô, Mateo Fancôn, Carmen...
    Mêrimê viết về con người thuộc giới thượng lưu Pháp nhằm phơi bày tính cách nghèo nàn, phù phiếm, thói đạo đức giả và vị kỉ của họ. Sự tàn nhẫn núp dưới cái vỏ đạo đức giả đã cướp mất chút hạnh phúc nhỏ nhoi của con người nghèo khổ. Khinh ghét giới thượng lưu đương thời, Mêrimê đi tìm đề tài ở những xứ sở xa lạ và thể hiện những tính cách mãnh liệt, những vẻ đẹp tự nhiên hoang dã.
    Trong chuyện Mateo Fancôn (1829), Mêrimê đã mô tả tập quán và tính cách của người dân đảo Corxơ, chân thật, tôn trọng danh dự. Đứa con trai duy nhất của Fancôn đã chỉ cho cảnh binh bắt một người bị truy nã vì nó không thắng được lòng tham một chiếc đồng hồ vàng. Người cha đang tâm dùng súng săn lạnh lùng trừng phạt con mình vì danh dự gia đình.
    Chuyện Côlômba viết về những Văngdetta, sự báo thù truyền kiếp và khốc liệt ở đảo Corxơ. Câu chuyện vừa trữ tình vừa hùng tráng được dẫn dắt thật khéo léo đi đến kết thúc đầy kịch tính.
    Truyện Carmen (1845) là một đỉnh cao nghệ thuật truyện vừa của Mêrimê. Carmen là người thợ thủ công trở thành một người Bôhêmiêng, một cô gái lang thang. Jôsê là một người lính đào ngũ trở thành tên cướp. Carmen không tránh khỏi những thói xấu như mê tín, tàn nhẫn, tùy tiện. Nhưng Carmen lại là một cô gái dũng cảm can trường, dồi dào nghị lực, say mê mãnh liệt. Carmen hấp dẫn vì biết tôn trọng danh dự, biết bảo vệ tự do trong cuộc sống, sẵn sàng đi đến cái chết không hề sợ hãi.
    Đặc điểm truyện ngắn của Mêrimê là hết sức giản dị cô đọng với từng chi tiết được chọn lọc kĩ càng. Phong cách khô khan có vẻ lạnh lùng của ông thực ra chứa chất nhiều kịch tính và chất trữ tình sâu xa.Tác phẩm của ông làm "người ta đọc trong một giờ, người ta đọc lại trong một ngày và rồi chúng tràn ngập cả trí nhớ, buộc người ta phải ngẫm nghĩ mãi không thôi" (Emile Faguet).
  8. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0
    d. Văn học Công xã Pari
    Năm 1851, Lui Bônapac làm cuộc đảo chính khai sinh Đế chế II. Hai mươi năm sau, Đế chế II sụp đổ sau thất bại trong cuộc chiến Pháp - Phổ. Từ tháng 9/1870-3/1871 đã diễn ra cuộc xung đột giữa chính phủ cộng hòa tư sản và nhân dân lao động Pari, đứng đầu là giai cấp vô sản. Sáng 18/3, Pari được đánh thức bằng tiếng reo hò vang dội : "Công xã muôn năm ! " Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, giai cấp vô sản làm chủ một thủ đô. Sau đó xảy ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa Công xã và bọn ********* Vecxay. Công xã thất bại, chỉ tồn tại 72 ngày, những chiến sĩ Công xã bị thế lực tư sản phục thù đàn áp đẫm máu.
    Cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân lao động Pháp, thắng lợi và cả thất bại của Công xã Pari làm hình thành một nền văn học mới, văn học tiên phong trong nửa sau thế kỉ 19 ở Pháp. Những nhà văn, nhà thơ Công xã cũng là những chiến sĩ kiên cường, bất khuất : Ôgien Pôchiê, Luizơ Míen, Juylơ Valex, Jăng Baptixtơ, Clêmăng, Clôvix Huygơ...
    Văn học Công xã Pari bao gồm các tác phẩm thơ văn của các chiến sĩ Công xã sáng tác trước và sau khi Công xã được thành lập. Ngoài ra cũng phải kể đến một số tác phẩm của các nhà văn tiến bộ đương thời có cảm tình với Công xã như V.Hugo, Rembo, Veclen.
    Các tác phẩm thể hiện tinh thần yêu nước, tự do, dân chủ, hòa bình, phác họa con người của thời đại cách mạng vô sản. Họ chiến đấu dũng cảm ngoài chiến trưòng, họ chiến đấu thầm lặng trong nhà tù với tất cả niềm tin mãnh liệt. Cái đẹp của nhân vật mới ở đây là sự hòa hợp giữa lí trí và nhiệt tình, giữa ước mơ và thực tiễn.
    Văn học Công xã Pari là một bộ phận quan trọng của văn học cách mạng nói riêng và gia tài văn học Pháp nói chung. Nó thực sự góp phần mở đầu văn học cách mạng hiện đại của châu âu và thế giới.
  9. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0
    e. Trường phái Pacnaxơ, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa tự nhiên.
    Trường phái thơ ca Pacnaxơ ra đời năm 1852 ở Pháp với các nhà thơ Teophin, Gochie, Locôngtơ đờ Lilơ, Têoođo đơ Băngvin, Jozê Maria...Họ đưa ra lí thuyết nghệ thuật thuần túy (nghệ thuật vị nghệ thuật) Quay lưng với thực tại xã hội, Lilơ-bậc thầy của trường phái này nói về bí mật của thế giới nội tâm, sùng bái vẻ đẹp lịch sử, cổ xưa, ngoại lai. Năm 1866, tuyển tập của 37 nhà thơ ra đời, nhan đề Pacnaxơ đương đại, đề xướng việc sùng bái hình thức thuần túy. Họ kế thừa nhũng lụan điểm của Gochie : ""Thơ ca chỉ nên quan tâm đến cái Đẹp". Cái đẹp phải là sự chiếm lĩnh hình thức thuần túy.
    Các trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật và Pacnaxơ dần dần quay lưng lại với thực tại xã hội, chìm đắm trong cái đẹp thuần túy. Thực ra nội dung thơ ca của họ đã bộc lộ sự chán chường, bi quan trước hiện thực XH đương thời.
    Chủ nghĩa tượng trưng tiếp tục thể hiện những sắc thái của tư tưởng bi quan, lo âu trước những biến cố nửa sau thế kỉ 19 bằng bút pháp tượng trưng của các nhà thơ nổi tiếng Bôđơle, Rembô và Veclen, Malacmê...
    Các nhà thơ tượng trưng chống lại những truyền thống của chủ nghĩa lãng mạn và lí thuyết trường phái Pacnaxơ và đề ra phong cách biểu hiện độc đáo của họ. Bôđơle (Baudelaire, 1821-1867) cảm thấy chán ghét thế giới tư bản và mang một nỗi buồn sâu sắc, luôn bị ám ảnh bởi tuổi già và cái chết. Những tập thơ tiêu biểu là Nỗi u buồn Pari (1869), Tim ta trần trụi (1864) và đặc biệt là tập thơ Những bông hoa ác (Fleurs du Mal, 1857). Tác phẩm làm chấn động dư lụan, bị tòa kết án . Lần đầu tiên trong văn học, một nhà thơ thi vị hóa cái xấu, điều ác, nỗi đau ! Tác phẩm phản ánh nỗi cô đơn và những tình cảm tiêu cực của con người bấy giờ. Bôđơle thường dùng tượng trưng bằng một hình ảnh kết hợp với một ý tưởng cô đọng trong bài thơ. Ví như trong bài thơ Chim hải âu, hình ảnh con chim hải âu gãy cánh đứng trên boong tàu tượng trưng cho nỗi khốn cùng của nhà thơ trong cuộc sống.
    Chủ nghĩa tự nhiên là một trào lưu văn học ở Pháp từ những năm 60 của thế kỉ 19. Những nhà văn tự nhiên chủ nghĩa ở Pháp là hai anh em Gôngcua và Emile Zola.
    Émile Zola (1840-1902) là nhà văn đứng đầu trường phái tự nhiên nhưng sáng tác tác phẩm lại là sự xâm nhập, xen kẽ những yếu tố tự nhiên và hiện thực chủ nghĩa.
    Về lí luận, Zola cho rằng cần đưa khoa học tự nhiên vào nghệ thuật, ông muốn ứng dụng những phương pháp của khoa học thực nghiệm vào tiểu thuyết. Tiếp thu những luận điểm triết lí của Ten, ông cho rằng những tình cảm, tính cách của con người đều bị những quy luật chi phối, nhất là quy luật di truyền hay các quy luật trong sinh học. Tiểu thuyết trở nên một bộ phận của lịch sử tự nhiên và của y học.
    Lí luận văn học của Zola bộc lộ mâu thuẫn tư tưởng phức tạp của ông : những luận điểm tự nhiên xen kẽ hiện thực. Như vậy, về mặt nhận thức, dù Zola muốn nhấn mạnh những quy luật tự nhiên, nhưng ông lại không thể bỏ qua thực tế con người sống trong môi trường XH. Ông đã thu thập các sự kiên tự nhiên và XH một cách khách quan, ông đã lăn lộn thực tế để sống và để viết. Ông đã chứng kiến những biến cố cách mạng lớn lao và cả nhứng thành tựu khoa học xuất sắc của thế kỉ.Ông vừa đọc Mac, Đacuyn, vừa kế thừa truyền thống hiện thực của Balzac.
    Mâu thuẫn tư tưởng của Zola đã chi phối việc xây dựng bộ tiểu thuyết Gia đình Rugông Macca trong 20 năm (nhan đề phụ : Lịch sử tự nhiên và xã hội của một gia đình dưới thời đế chế II). Zola nêu rõ 2 mục đích của công trình : dựa trên những phát hiện mới về sinh học, theo dõi tác động của quy luật di truyền đối với các thành viên của một gia đình, đồng thời nghiên cứu cuộc sống XH Pháp thời Đế chế II.
  10. Oshin

    Oshin Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    04/01/2002
    Bài viết:
    653
    Đã được thích:
    0
    Văn học phương Tây thế kỷ 19 bao gồm nhiều khuynh hướng, nhiều trào lưu, trong đó, hai trào lưu văn học chủ yếu ở hầu hết các nước phương Tây bấy giờ là chủ nghĩa lãng mạn chủ nghĩa hiện thực phê phán. Văn học Pháp ở thế kỷ này được xem như có tính chất tiêu biểu hơn cả nên em đã giới thiệu ở phần 1. Trong phần 2 này, em chỉ xin điểm qua một cách tóm lược các đặc điểm của văn học Đức, Anh, Mĩ ở thế kỉ 19.
    2. Văn học Đức, Anh, Mĩ thế kỉ 19
    a. Văn học Đức thế kỉ 19
    Một số tác giả nổi bật : về trường phái lãng mạn có Nôvalix (1772-1801), Ecnet Hôpman (1776-1822)...;trường phái hiện thực phê phán có Henrich Heine (1797-1856), Friedrich Hebbel (1813-1863)...
    Những đặc điểm chung giống với văn học phương Tây thế kỉ 19 là văn học lãng mạn cũng chia thành 2 khuynh hướng tiêu cực và tích cực với nội dung trữ tình đậm nét. Văn học hiện thực xuất hiện giữa thế kỉ cũng kế thừa truyền thống văn học ánh sáng và văn học lãng mạn tiến bộ.
    Đặc điểm riêng là văn học lãng mạn Đức hòa hợp yếu tố triết lí và trữ tình, tìm nguồn về văn học dân gian. Văn học hiện thực đã sử dụng các thể loại phổ biến là kịch, thơ, văn xuôi.
    b. Văn học Anh thế kỉ 19
    Nhìn chung, văn học lãng mạn tiến bộ chiếm ưu thế trong văn học Anh ba mươi năm đầu thế kỉ 19. Văn học lãng mạn Anh đã sáng tạo ra 2 thể loại : tiểu thuyết lịch sử và truyện thơ trữ tình, có ảnh hưởng rộng lớn ở châu Âu. Các tác giả nổi bật : Walter Scott (1771-1832), George Gordon Byron (1788-1824), Percy Shelley (1792-1822)...
    Văn học hiện thực phê phán Anh đã phản ánh trung thực XH Anh nửa đầu thế kỉ 19. Những yếu tố trữ tình và châm biếm đậm nét tạo nên bút pháp hiện thực đặc sắc của các nhà văn hiện thực Anh. Các tác giả nổi bật : Charles Dickén (1812-1870), William Thackeray (1811-1863), Charlotte Bronte (1816-1855)...
    c. Văn học Mĩ
    Trào lưu văn học mới-văn học lãng mạn ra đời ở Mĩ từ những năm 30. Các nhà văn lãng mạn Mĩ đã thể hiện cảm xúc cá nhân trước vẻ đẹp của thiên nhiên , "kết hợp tư tưởng với cảm xúc" (Hactơ). Một biểu hiện của trào lưu văn học lãng mạn ở mĩ là chủ nghĩa siêu nghiệm của một số tác giả nổi lên từ năm 1836 - 1860. Họ say sưa với quá khứ huy hoàng như trong tác phẩm của Washington Irving (1783-1859), Nâthniel Hawthorne (1804-1864), hoặc thích miêu tả những nơi có tính chất ngoại lai như tiểu thuyết lịch sử của Fenimoore Cooper (1789-1851), hoặc phê phán chế độ nô lệ như tiểu thuyết của Bisơ-Xtâu. Ngoài ra còn có những nhà văn nhà thơ tài năng khác như : Lôngfenlo, Herman Melvine...
    Văn học hiện thực phê phján Mĩ xuất hiện từ những năm 60 của thế kỉ 19, có phần chậm hơn so với ở châu Âu, với các tác giả nổi bật như : William Howells (1837-1920), Walter Whitman (1819-1892), Mark Twain (1835-1910)...Đặc sắc của văn học hiện thực phê phán Mĩ là đã phản ánh sinh động đời sống của người dân Mĩ ở nhiều địa phương khác nhau, những nét riêng của các khu vực nhân văn và bối cảnh thiên nhiên đa dạng. VHHTPP Mĩ thế kỉ 19 đã xây dựng những điển hình của các giai cấp, các tầng lớp XH đang phân hóa trong thời kì ổn định CNTB tự do cạnh tranh ở Mĩ. Phong cách thể hiện của một số nhà văn hiện thực đã kết hợp chặt chẽ các yếu tố trữ tình, hiện thực và châm biếm. Văn học HTPP Mĩ trong thế kỉ 19 chưa có tầm khái quát rộng lớn với khối lượng tác phẩm tiểu thuyết đồ sộ như văn học hiện thực phê phán Pháp.
    *******​
    Chị Tinyhuong ơi, phần văn học thế kỉ 20 trong cuốn sách này, người ta chưa tổng kết lại các khuynh hướng, trào lưu sáng tác mà chỉ giới thiệu một số tác giả tiêu biểu (Bernard Shaw, Franz Kafka, Bertolt Brecht, Ernest Hemingway, Albert Camus, Samuel Beckett, Eugène Ionesco, Louis Aragon (có nhiều tác giả lạ quá, em chưa nghe tên bao giờ luôn đó. Hic, chắc tại em dốt văn). Em nghĩ có lẽ vì cuốn sách được viết khi còn chưa qua khỏi thế kỉ 20 nên người ta chưa thể nhìn khái quát lại được ? Với lại cũng có thể rằng ở thế kỉ 20, sự phân biệt các trào lưu không rõ ràng bởi tính phức tạp, đan xen của các tác phẩm, thêm vào đó là sự xuất hiện của nhiều thể loại, phong cách mới...(?)
    Chị ơi, vậy là hình như cái điều chị muốn biết nhất thì em vẫn chưa trả lời được rồi.
    Em thấy bác Pagoda có viết về văn học đương đại của Mĩ http://www.ttvnonline.net/forum/topic.asp?TOPIC_ID=49806, thêm với mấy cái tài liệu trên mạng, chị xem thử sao ạ .
    Chị ơi, còn phần hai của Ranh Con và Oklahoma du kí nữa, khi nào rảnh chị viết tiếp nhé, em thích đọc lắm.
    Thương chúc chị vui vẻ
    Oshin

Chia sẻ trang này