Xoay quanh dòng Rock Việt Rock việt đã có hay chưa? Đang từng bước "chinh phục" hay chỉ là những phù phiếm của thói ham đua đòi và a dua vô lối. Những gì mà các rock band Việt tự nhận đang trưng ra liệu có thể gọi là rock được không khi mà ranh giới gữa chúng và nhạc sến khá mong manh? Những ồn ào quanh một "hiện tượng" như The wall không cho thấy một làn sóng mới nào trong thưởngthức mà phần nhiều là sự a dua kiểu fan club. Đa số những bạn trẻ hàng ngày hăng hái bật nhạc của The wall nghe tỏ ra khá hãnh diện khi họ đang biết thưởng thức "rock Việt", coi thường những kẻ chỉ biết nghe những thứ nhạc Việt thị trường khác. Tâm lý ấy là dễ hiểu và cũng có thể thông cảm được bởi khi người ta tiếp xúc với một cái gì đó lạ lạ, cho dù là cũ người mới ta, thì thường nảy sinh suy nghĩ chỉ mình mình hoặc rất ít người biết cái "mới" ấy. Cũng là "rock Việt", 2 nhóm cựu trào ở TP. HCM là Atomega và Da vàng đã ra album riêng từ lâu rồi nhưng chỉ được đa số sinh viên phía Bắc biết đến khi dân làm đĩa lậu nhét các anh tài này chung với những CD lậu cua The wall. Sinh viên, đối tượng thưởng thức đông nhất, thụ động nhất, a dua nhất đã hân hoan chào đón Atomega, Da vàng như vừa khám phá ra một thế giới âm nhạc mới, và vì các đĩa xịn của 2 album này đã hết từ lâu nên càng nhiều sinh viên tin rằng mình đang có trong tay những của hiếm. Tâm lý sính của lạ như thế giúp nuôi dưỡng một dòng nhạc tạm được gọi là rock Việt mà rất nhiều tay chơi nhạc và những khán giả thụ động kia đang ra sức hô hào quảng bá như thể đó sẽ là tương lai của nhạc nhẹ Việt Nam vậy. Việc hâm mộ một dòng nhạc nào đó là bình thường, nhưng gán cho dòng nhạc ấy những thuộc tính mà nó không có thì không chỉ những khán giả nhẹ dạ đã nhầm to mà chính nhưng người đã sinh ra dòng nhạc ấy còn nhầm to hơn, cái nhầm dẫn đến nhiều chuyện ảo tưởng về mình. Rõ ràng không thể nào cứ gào lên, đánh guitar điên cuồng là có rock. Một tay chơi rock có tiếng của Sài Gòn, Quang Thắng (ca sĩ chính nhón Atomega - giờ đã giải tán) cách đây mấy năm đã phát biểu hồn nhiên "Chỉ cần một người biết chơi guitar có hồn, một giọng ca đủ khỏe, một người gõ nhịp đầy đam mê, bạn đã có một rockband". Rock đơn giản vậy sao? Và có thể nói : Chỉ cần một giọng hát cao vút, một tay dàn piano tinh tế là ta có một nền nhạc kịch ư? Thế nào là một giọng hát đủ khỏe, phải chăng là biết gào lên? Làm sao để chơi guitar có hồn, phải chăng cứ khua điên loạn và tóc tai xõa xượi? Trả lời được mấy câu hỏi đó thì mới vỡ ra, rock chưa bao giờ dễ dàng cả. Và vì thế, cũng rất nên xem lại những gì đang được gọi là "rock Việt". Đó là sản phẩm của những tìm tòi sáng tạo hay chỉ là sự bắt chước thô thiển được ngụy trang bằng vài làn điệu (có vẻ) dân ca và tiếng Việt (đương nhiên). Sự bắt chước được thể hiện cả trong cách ăn mặc, nói năng, biểu lộ cảm xúc trước đám đông. Với người Tây, những điều đó diễn ra tự nhiên như chuyện hàng ngày là thế, nhưng với những rock fan và rocker Việt Nam thì... Nói như thế không phải để phủ nhận tất cả những nỗ lực của những bạn trẻ mê nhạc rock mà mong muốn đem phong cách rock đến với âm nhạc Việt Nam. Nhưng những nỗ lực chỉ có thể thành nếu đi từ chính cái nhìn của người Việt với loại âm nhạc ấy, để từ đó hoặc tìm cách Việt hóa hoặc tìm ra cái gì thích hợp của thiên hạ kết hợp với cái ta đang có mà sản sinh ra một phong các âm nhạc hợp với thể tạng người Việt để người Việt, trước tiên là các tay chơi rock có thể hát lên, đàn lên một cách tự nhiên nhất không phải gò mình mà gào lên, hoặc cố ép mình ngất xỉu một cách vờ vĩnh trong những rock show đầy nghiệp dư.