1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Xứ Đoài (Giới thiệu về Hà Tây)

Chủ đề trong 'Hà Tây' bởi quocanh_uk, 05/08/2006.

  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
  1. quocanh_uk

    quocanh_uk Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/10/2005
    Bài viết:
    1.277
    Đã được thích:
    0
    Xứ Đoài (Giới thiệu về Hà Tây)

    Truyền thuyết Sơn Tinh ở vùng núi Tản (ST)

    Hầu như tất cả mọi người Việt Nam đều biết truyền thuyết nổi tiếng Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, một truyền thuyết cổ gắn với thời Hùng Vương dựng nước.


    Nhưng có lẽ không ở đâu những truyền thuyết về Sơn Tinh lại phong phú, đa dạng và kỳ thú như ở vùng sông Đà, núi Tản, nơi có ngọn Ba Vì, trong tâm thức của người dân Việt là ngọn chủ sơn của nước Nam ta, nơi Sơn Tinh được tôn vinh là Sơn thần của ngọn núi thiêng và được nhân dân địa phương gọi một cách kính cẩn là Đức Thánh Tản hay Thánh Cả.

    ở đây, như tất cả những nơi thờ phụng Sơn Tinh trên đất nước ta, có nhiều ngọc phả, thần tích ghi chép lại công đức, sự nghiệp của Sơn tinh. Có cả những diễn ca, truyện thơ dài thể lục bát quen thuộc về sự tích của thần Tản Viên. Nhưng sinh động nhất vẫn là kho tàng truyền thuyết dân gian được nhân dân truyền miệng từ đời này sang đời khác trong các làng quê với tất cả lòng say mê và thành kính.

    Đó là những truyện kể về vô vàn sự tích kỳ lạ của Sơn Tinh gắn liền với những địa danh, địa hình, địa vật: Những rừng núi, gò đồi, sông suối, bờ bãi, đầm hồ; những đình, đền, miếu, mạo, những xóm thôn và những con người ở vùng xung quanh núi Tản.

    Trong ký ức của nhân dân vùng chân núi Ba Vì, Sơn Tinh trước hết là hình ảnh người Anh hùng trị thuỷ, người đã chiến thắng Thuỷ Tinh hết sức oanh liệt, cứu dân thoát khỏi nạn lụt. Trong hàng trăm truyền thuyết sưu tầm được ở vùng xung quanh núi Tản mà Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tây đã chọn in trong tập Truyền thuyết Sơn Tinh (1) thì phần lớn là chuyện Sơn Tinh đánh nhau với Thuỷ Tinh.

    Thuỷ Tinh và bộ hạ của hắn đã gây cho dân vùng này biết bao tai hoạ, tàn bạo và khủng khiếp đến mức hàng năm phải ném xuống sông cống nạp cho chúng những người con gái còn trinh như các truyện kể ở vùng Tây Đằng, Vật Lại, Cam Thượng, Đường Lâm (2).

    Sức mạnh của Thuỷ Tinh cũng thật là ghê gớm. Hắn phá tung cả những dãy gò đồi phía bắc Ba Vì tạo thành suối Di (3), xẻ cả ruộng đồng ở phía Đông núi đào thành sông Tích. Hắn húc nghiêng cả hòn Chàng Rể (4) án ngữ phía Tây dãy Ba Vì, đến nỗi trái núi này bây giờ vẫn còn gù lưng, không ngửng lên được nữa. Thậm chí Thuỷ Tinh còn hung hãn dâng nước lên tận Ao Vua và Khoang Xanh (5) ở ngang sườn núi Tản.

    Chỉ có sức lao động thần kỳ và trí tuệ phi thường của Sơn Tinh mới chống được Thuỷ Tinh. Những quả đồi Mòm và dãy gò Choi thuộc vùng Tòng Lệnh (6) ở phía Bắc núi Ba Vì hay những trái núi ở vùng Sụ Đá, La Phù và Thạch Khoán (7), những hòn núi Chẹ và núi Đá Chèm (8) ở phía tây thuộc mạn sông Đà, những dãy đồi Máng Sòng, đồi Giếng (9) ở phía Đông núi Ba Vì đều do Sơn Tinh ngày đêm gánh đất đắp nên để chặn dòng nước lũ của Thuỷ Tinh. Sự tích ?ođồi Đùm đứt quai, đồi Vai lọt sọt? kể rằng trái đồi Vai cao nhất ở xã Kim Sơn (10) là tảng đá rơi vì sọt thủng, còn dãy đồi Đùm san sát kéo dài ở xã Xuân Sơn (11) là do đứt quang, đất đổ ra nhiều dọc con đường Sơn Tinh gánh đất ngày xưa.

    Sơn Tinh còn nghĩ ra trăm phương ngàn kế để thắng Thuỷ Tinh, từ việc cắm chông trà ở bãi Đá Chông (12), thả rong rào, chăng lưới ở vùng suối Cái (13), cho quân gieo hạt thành rừng xung quan ngọn U Bò (14), ném lạt tre tạo thành luỹ tre dày ở vùng ngòi Lạt (15) rồi lao gỗ đá từ trên núi xuống đánh tan quân của Thuỷ Tinh, vỡ chạy thành 16 ngả ở vùng đầm Đượng (16).

    Trên bãi chiến trường xưa của Sơn Tinh, vẫn còn đó dấu vết những tàn binh, bại tướng của Thuỷ Tinh như Rùa, Cá Sấu ở Vân Sơn (17), Rắn và Giải ở Phụ Khang (18), Thuồng luồng ở cầu Hang vùng sông Tích (19) và thuỷ quái ở ghềnh Bợ trên dải sông Đà (20). Có đứa xác biến thành đá, thành đồi, có đứa sống sót tìm vực sâu ẩn nấp, chờ chủ tướng hàng năm trở về quấy đảo trong mùa nước lũ.

    Trong các truyền thuyết về Sơn Tinh trị thuỷ, hình tượng Sơn Tinh là người anh hùng có vóc dáng khổng lồ, có thể quảy núi, ngăn sông. Phải chăng chỉ có hình tượng kỳ vĩ của người khổng lồ mới phản ánh được hiện thực lớn lao và sức mạnh vĩ đại của nhân dân ta trong công cuộc chinh phục tự nhiên, dọc theo quá trình tiến từ miền núi xuống đồng bằng trong lịch sử xa xưa của dân tộc? Chắc hẳn rằng, để tồn tại được ở vùng đất thấp, cuộc chiến đấu ác liệt nhất của tổ tiên ta phải là cuộc chiến đấu chống lại nạn lụt hoành hành dữ dội theo chu kỳ mùa nước hàng năm.

    Cho đến hôm nay, nạn lụt vẫn còn là mối đe doạ lớn đối với nhân dân ta. Vì vậy, có thể nói truyền thuyết Sơn Tinh thể hiện ước mơ ngàn đời của nhân dân mong muốn chế ngự được hiểm hoạ lũ lụt, đồng thời cũng là lời cảnh báo tự muôn đời không bao giờ được lơ là đối với thuỷ tai.

    Trong các truyền thuyết sưu tầm được ở vùng xứ Đoài, Sơn Tinh còn xuất hiện với tính cách của người Anh hùng khai sáng.

    Từ quê cũ Lăng Xương (21), Sơn Tinh đã vượt sông Đà sang núi Tản khai phá vùng đất mới rồi sinh cơ lập nghiệp ở đây. Sơn Tinh đã đưa cả mẹ già và công chúa Ngọc Hoa về vùng núi Ba Vì. ở đây, Sơn Tinh trở thành ?oÔng tổ trăm nghề?. Vùng ven sông Tích vẫn lưu hành những truyền thuyết về việc Sơn Tinh dạy dân làm ruộng. Trong các truyền thuyết ở Ao Vua và Quy Mông (22), Sơn Tinh lại dạy dân cách đào giếng lấy nước ăn và chống hạn.

    Sơn Tinh chỉ bảo phường săn ở rừng Măng (23) cách chăng lưới và làm bẫy để săn thú, bắt chim; dạy dân ở Cung Sơn (24) cách làm ?ogiập?, một công cụ đánh cá ở vùng nước sâu, nơi hội tụ của nhiều nhánh sông. Công chúa Ngọc Hoa, vợ của Sơn Tinh dạy dân cách trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa.

    Không chỉ dạy dân cách làm ăn để dân no ấm, Sơn Tinh còn dạy dân múa hát để vui sống sau những giờ lao động nhọc nhằn. Hội múa Dô ở Liệp Tuyết (25) chính là hình thức kỷ niệm việc Sơn Tinh dạy dân nghệ thuật. Các làng Vân Gia, Nghĩa Phủ, Thuần Nghệ và Phú Nhi (26) lại truyền tụng những câu chuyện về Sơn Tinh dạy dân lễ giáo, trau dồi phong hoá, mong muốn mọi người sống với nhau đầm ấm, chan hoà, có nghĩa, có nhân. Nhiều nơi, Sơn Tinh để lại dấu chân trên đường làm thuốc, chữa bệnh cứu người.

    Trong ý thức của nhân dân, chẳng những Sơn Tinh là vị cứu tinh giúp dân chống lụt, bảo vệ đồng ruộng xóm làng, Sơn Tinh còn là vị phúc tinh dạy dân sản xuất, xây dựng cuộc sống vật chất và tinh thần, bảo đảm cho cộng đồng tồn tại lâu dài và phát triển. Trải qua bao thế hệ, trong trí nhớ của nhân dân, Sơn Tinh bao giờ cũng là vị thủ lĩnh có đức độ cao cả, có lòng cứu dân độ thế, là người anh hùng ?ohộ quốc, bảo dân, tế bần, cứu khổ?, lấy việc chăm lo cho dân làm mục tiêu tối thượng. Có phải đấy cũng là biểu tượng lý tưởng, là mong ước từ xưa của quần chúng về người lãnh tụ chân chính của nhân dân?

    ở một số truyền thuyết, Sơn Tinh lại giữ vai trò của người Anh hùng liên minh các bộ tộc, giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ đất nước.

    Truyền thuyết kể rằng, nhân một cuộc đi săn, Sơn Tinh đã thân hành dẫn dân Cẩm Lĩnh ở chân núi Ba Vì về gặp dân Tòng Bạt ở hạ lưu sông Đà để kết nghĩa anh em. Dân Tòng Bạt rất vui mừng, đã đánh bắt cá lăng, cá quất là những loại cá quý trên sông để làm lễ kết nghĩa với người anh em ở vùng cao. Trải qua hàng ngàn năm, dân hai vùng này vẫn giữ nguyên tục lệ về mùa xuân hàng năm lại mở tiệc cá lăng, cá quất để họp mặt cùng vui.

    Tinh thần hoà hợp và thống nhất ở Sơn Tinh đã thu phục được cả những vị thủ lĩnh ở các vùng xa tìm đến để kết giao (như truyền thuyết về các ông Thánh Miễu, ông Ba Bể cảm đức và phục tài Thánh Tản).

    Tuy hùng cứ một phương, có thế lực và quyền uy rất lớn nhưng Sơn Tinh vẫn thần phục Hùng Vương, xin được làm rể và bề tôi của nhà vua. Việc cầu hôn với công chúa Ngọc Hoa phải chăng cũng thể hiện tư tưởng kết liên, nhằm mở rộng bờ cõi, hoà nhập với bộ lạc gốc Văn Lang, nhằm tăng cường sức mạnh của khối đoàn kết nhân dân.

    Trong tình hình các thị tộc, bộ lạc có khuynh hướng cát cứ, phân lập và kình địch lẫn nhau, gây chiến tranh giữa các bộ lạc, việc thống nhất lực lượng của Sơn Tinh thật có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của dân tộc trong buổi bình minh của lịch sử.

    Rải rác trong một số truyền thuyết là chuyện Sơn Tinh đánh giặc để gìn giữ bờ cõi. ở những chuyện này, Sơn Tinh lại được ngợi ca như một vị Anh hùng bảo vệ đất nước.

    Truyền thuyết ở vùng Tản Lĩnh (27) kể rằng Sơn Tinh đem quân đuổi giặc, gấp đến nỗi phải cho quân ăn nồi cơm sống dở. Về sau, trong những ngày lễ hội, đồ tiến lễ bao giờ cũng có ván xôi tráng lớp mật, bên trên rắc những hạt gạo sống tượng trưng cho nồi cơm đuổi giặc chưa kịp chín. Vùng Thanh Lạng (28) lại lưu truyền những khúc diễn ca kể lại chuyện dân làng lau lá, cọ nồi, nấu bánh trưng giữa tháng mười để Thánh Tản khao quân ăn Tết sớm, kịp đi đánh giặc. Với thành tích đánh đâu thắng đó, Sơn Tinh được tôn là vị chỉ huy quân sự cao nhất của vua Hùng, được giao trách nhiệm bảo vệ nền độc lập của nước Văn Lang.

    Giống như ở nhiều nơi khác, ở Ba Vì cũng có những truyền thuyết về Sơn Tinh đánh giặc Thục. Trong nhiều trận giao chiến dữ dội với quân Thục rất đông và rất mạnh, Sơn Tinh bao giờ cũng giành chiến thắng vẻ vang. Cuối cùng, Thục chúa phải cầu hoà và xin rút quân. ở đây, chưa biết sự thật lịch sử hư thực ra sao, nhưng những truyền thuyết về Sơn Tinh đánh giặc thể hiện rất rõ ý chí quật cường bất khuất và lòng tự hào về khả năng bảo vệ vững chắc lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của dân tộc. Đó là sự tự ý thức rất sớm của tổ tiên ta về quyền làm chủ địa bản sinh sống của mình, quyết tâm chiến thắng mọi kẻ thù, bất kể chúng từ đâu đến.

    Truyền thuyết cũng cho biết Sơn Tinh rất chăm lo rèn quân, luyện võ để không ngừng nâng cao khả năng phòng thủ đất nước. Một số địa phương còn giữ được những tục lệ đầy tinh thần thượng võ bắt nguồn từ truyền thuyết Sơn Tinh, như hội xuân ở vùng Khê Thượng (29) diễn lại sự tích Sơn Tinh luyện võ ngày xưa.

    Trong truyền thuyết dân gian, hình tượng Sơn Tinh mang tính nhân dân rất đậm nét. Tuy ở địa vị tôn quý, Sơn Tinh vẫn sinh hoạt rất bình thường, giản dị, gần gũi chan hoà với nhân dân.

    Sơn Tinh cùng làm, cùng ăn với mọi người. Sơn Tinh cũng gánh đất chống lụt, tắm rửa ở ven sông như một nông dân. Sơn Tinh cũng kéo vó bên sông Tích, ăn cá gỏi ở bờ đầm Bằng Tạ (30) như một ngư dân. Sơn Tinh cũng đi săn với phường săn, cùng ngủ rừng với ông già Cẩm Đái (31), rồi lại cùng kéo ống giang và bùi nhùi với ông già để có lửa sưởi ấm trong đêm. Sơn Tinh còn thường xuyên đi thăm hỏi dân tình trong các làng quê, cùng vui chơi múa hát với bà con trong ngày lễ hội.

    Căn cứ vào truyền thuyết ở vùng Ba Vì thì có lẽ ở thời Hùng Vương, sự phân hoá giai cấp cũng còn chưa rõ nét. Hình ảnh Sơn Tinh không có dáng dấp đặc trưng của giai cấp thống trị như trong các thời kỳ lịch sử sau này. Quan hệ giữa Sơn Tinh và quần chúng nhân dân là quan hệ bình đẳng và dân chủ. Sơn Tinh không dành cho mình một đặc quyền, đặc lợi nào cả. Cũng không có sự phân biệt, sự ngăn cách nào giữa thủ lĩnh và quần chúng nhân dân.

    Truyền thuyết Sơn Tinh thì ở khắp nơi trên đất nước ta đều có. Nhưng những truyền thuyết Sơn Tinh ở vùng xung quanh núi Ba Vì vừa có trữ lượng nhiều, vừa có phong cách biểu hiện riêng, nhiều khi mang màu sắc địa phương rất rõ.

    Có thể nói hình ảnh núi sông, đất nước và quần chúng nhân dân của cả một vùng sông Đà, núi Tản đã được sử dụng như những chất liệu cơ bản để khắc hoạ hình tượng Sơn Tinh: Một cô gái cắt cỏ trên đồng, một cụ già kéo cá trên dòng sông Tích, một trái đồi Vai, một hòn núi Chẹ, một cái giếng Mũi Gươm trên đỉnh U Bò, một xóm Rùa, xóm Cua (32) nằm kề chân núi, một ghềnh Bợ ở quãng sông chảy xiết, một con nước ?ohoa mơ? mầu trắng xuất hiện trên sông cho đến mẩu gỗ ?omần để? trôi theo dòng nước lũ, ngọn cỏ ấu ba gai mọc dưới đáy đầm hồ, hầu như tất cả thiên nhiên, sản vật, con người ở khắp nơi trên đất Ba Vì, qua truyền thuyết đều được gắn liền với cuộc đời, những kỷ niệm và những chiến công của người anh hùng bất tử.

    Xen trong chuyện kể là những phương ngôn, thành ngữ khiến cho truyền thuyết giàu thêm sức hấp dẫn và thuyết phục. Ví dụ:

    - Đồi Đùm đứt quai, đồi Vai lọt sọt.

    - Thượng chí cầu Vang, hạ chí mả Mang (33).

    - Muốn vượt sông Đà, chớ qua ghềnh Bợ.

    Trí tưởng tượng sáng tạo trong truyền thuyết cũng hết sức phong phú: Những chiếc lá tre ném xuống sông Đà phút chốc biến thành những chiếc thuyền thoi, nắm lạt tre ném xuống ven ngòi Lạt biến thành luỹ tre dày, những hạt mây vừa rắc xuống đất mọc ngay thành một rừng cây xung quanh ngọn U Bò... Tiêu biểu cho sức tưởng tượng kỳ vĩ và lãng mạn đó là hình ảnh Sơn Tinh, người khổng lồ có sức mạnh phi thường: Hình ảnh Sơn Tinh gánh hai trái núi đặt chặn dòng nước lũ sông Đà, hình ảnh Sơn Tinh rải đất tạo nên những dãy đồi trùng điệp ở vùng bán sơn địa huyện Ba Vì. Trí tưởng tượng đó, thực ra, cũng chỉ nhằm phản ánh ước mơ, niềm tin và sức mạnh của nhân dân.

    Trên đây, chúng tôi đã nêu một số ý kiến, chỉ có tính chất những giả định, dựa vào những truyền thuyết Sơn Tinh sưu tầm được ở vùng xung quanh núi Tản.

    Hiện thực vĩ đại trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta thời cận sử được phản ánh qua các truyền thuyết Sơn Tinh như thế nào, cần có những cứ liệu khoa học để soi sáng. Có thể truyền thuyết Sơn Tinh chứa đựng nhiều ý nghĩa, đặt ra nhiều vấn đề để các nhà nghiên cứu tìm tòi, phát hiện và lý giải.

    Nhưng chỉ riêng trong phạm trù văn hoá dân gian, với những giá trị tinh thần cao quý mà truyền thuyết Sơn Tinh để lại, chúng tôi nghĩ rằng đó là một trong những truyền thuyết hay nhất nước ta, là một trong những bản anh hùng ca tráng lệ của tổ tiên ta trong buổi đầu dựng nước. Chỉ xét riêng trong những truyền thuyết Sơn Tinh sưu tầm được ở vùng Ba Vì, cũng đã thấy những biểu hiện sáng ngời của trí tuệ, tâm hồn, phẩm chất và bản lĩnh Việt Nam.

    Nên chăng, có một kế hoạch sưu tầm đầy đủ khắp mọi miền đất nước những chuyện kể về Sơn Tinh với mọi hình, mọi vẻ, tiến tới có một công trình nghiên cứu tổng thể để khai thác và giữ lấy những viên ngọc quý này của kho tàng văn hoá dân gian, góp phần bảo vệ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
  2. quocanh_uk

    quocanh_uk Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/10/2005
    Bài viết:
    1.277
    Đã được thích:
    0
    Đường Lâm dưới góc nhìn địa - văn hóa - lịch sử (ST)

    1 - Sau hơn tám mươi năm người Pháp cai trị ở Việt Nam, từ Nam đến Bắc, với GS. P. Gourou (Những người nông dân ở châu thổ Bắc Kỳ - Les paysans du delta Tonkinois, Paris 1965, in lần 2, 666 trang) và với ông học giả quan năm Paul Mus (Việt Nam: Sociologie d?Tune guerre) người Pháp đã biết cái chìa khóa để giải mã bí mật của Việt Nam là cái làng. Thế nhưng, tới tác phẩm gần đây (2002) do Philippe Papin và Olivier chủ biên, người Pháp vẫn viết: Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ?!.
    2 - Nhiều học giả Hàn Quốc đã ?othâm canh? ở làng Tây Mỗ (Hà Tây): Mỗ - La - Canh - Cót. Họ cũng có luận án tiến sĩ về làng tứ danh hương Yên Sở (Hoài Đức, Hà Tây).
    3 - Và các học giả Nhật, nhất là GS. Yumio Sakurai, họ rất khôn ngoan khi ?othâm canh? về làng Bách Cốc (Vụ Bản, Nam Định). Khi tôi ?odợm? hỏi Yumio Sakurai là vì sao các ông chọn làng Bách Cốc thì ông ta tỏ ra ngây thơ:
    - Cũng là ngẫu nhiên thôi, do tại lão GS. Yamamoto Tatsuro (Sơn Bản Đạt Lang) gợi ý. Ông cho rằng, cái tên ?oBách Cốc? có nghĩa là ở đó có nhiều giống ngũ cốc khác nhau lại là một làng xưa kia ở vùng ven biển?
    4 - Tìm hiểu làng cổ xứ Đoài (Sơn Tây) các học giả Pháp gốc Việt như Đinh Trọng Hiếu, Nguyễn Tùng đã chọn làng Mông Phụ ở cạnh Đường Lâm, nơi có nhiều nhà cổ có thể - theo gia phả - ngược lên thế kỷ XVII. Thực ra kết cấu khung gỗ của nhà cổ truyền Việt theo kinh nghiệm điền dã của tôi, thì cứ khoảng một chu kỳ hoa giáp 60 năm là đã phải ?otrùng tu? bộ phận. Trong khu phố cổ ?o36 phố phường Hà Nội? tôi và Từ Chi lang thang xem xét, không thấy có nhà nào còn ?onguyên vẹn? trước đời Thành Thái (1888 - 1906), có chăng tôi và Vũ Hữu Minh còn thấy từng bộ phận xà - kẻ có ghi niên đại Gia Long (1802 - 1820), như ở cửa đình Kim Liên hay ở ?ođình hai ông tướng? của Hàng Bạc?
    5 - Trở lại Đường Lâm. Các học giả Nhật Bản, từ già đến trẻ đã ?onhảy xổ? vào rồi. Cô NCS. Yasuko bảo tôi: - ?oThưa Thày, em được phân công nghiên cứu so sánh làng Cam Thịnh - với làng Cam Lâm - tương đối giàu vì có buôn bán. Em được ?ocắm? ở đây hơn hai năm rồi, thi thoảng mới về Hà Nội. Em rất muốn gặp Thày để xin ý kiến?. Không biết có làm nổi luận án tiến sĩ hay không? Khôn thiệt là khôn!
    6 - Tôi có một lý thuyết vĩ mô về ?otứ giác nước? và về ?otư duy sông nước? của người Việt cổ truyền. Cổ Loa, Hoa Lư đều nằm trong một tứ giác nước. Thăng Long càng là thế:
    Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
    Kim Ngưu (Nam) Tô Lịch (Tây) là sông bên này
    Huế, Hội An cũng vậy.
    Thật trớ trêu - hay đó là ?oquy luật?? - vùng đất ?ohai vua? Đường Lâm cũng là một ?otứ giác nước?, được bao bọc bởi sông Đà và sông Tích, một chi lưu nối sông Đà và sông Đáy. Sông Tích nay đã cạn nước, có nơi là đầm lầy, có nơi là ruộng lúa. Tôi đã bàn với dân xã và ông Nguyễn Xuân Thảo - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - người con của Hà Tây - họ đều nhất trí với tôi là nên đào lại - nạo vét - con sông Tích ẩn tàng bao nhiêu kỷ niệm thời Hai Bà Trưng, Bố Cái Đại vương, Ngô vương Quyền, đặc sứ Giang Văn Minh thời Lê, tướng quân kiêm nhà thủy lợi Hà Kế Tân? Khơi lại sông Tích, vừa lợi cho nông nghiệp, vừa lợi cho giao thông đường thủy (nay khá bị xem nhẹ) vừa đẹp cảnh quan môi trường làng xã, lợi cho tham quan - du lịch sông nước? Chắc việc này sẽ được kế hoạch hoá và được thực thi thôi!.
    7 - Tôi vẫn nhớ những lời ngợi ca về bản sắc văn hoá hữu thể đa dạng theo vùng miền:
    - Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài.
    - Ăn Bắc, mặc Kinh.
    Ở Đường Lâm này có đình Mông Phụ, có chùa Mía nổi danh. Năm cái đình ở Sơn Tây cũ, mà nổi tiếng nhất là đình Tây Đằng được coi là đình làng cổ nhất nước ta (thế kỷ XVI - đời Mạc) còn sót lại.
    Phần lớn thờ Tản Viên sơn thánh, đệ nhất Tứ Bất Tử của Việt Nam. Núi Tản - Ba Vì, là biểu tượng lừng lẫy nhất của xứ Đoài.
    Đường Lâm với 36 đồi gò là ?ovùng trước núi? của non Tản. Đã có đồi và làng ven đồi thì cũng có những ?odộc? (rộc) sâu làm nên cảnh quan các làng vùng Đường Lâm là cảnh trung du. Đồi và phù sa cổ. Đất bạc màu vì không được phù sa mới Hồng Đà bồi tụ hàng năm nữa. Đất đá ong hoá. Và việc khai thác đá ong làm vật liệu xây nhà, xây mộ là một bản sắc địa - văn hoá khác của xứ Đoài, của Đường Lâm. Bây giờ thì tôi mới hiểu cái tên Phong Châu xứ Đoài đời thuộc Đường (thế kỷ VII - X) có bộ Sơn là ngọn núi, ngọn đồi (đến cái bướu con lạc đà mà người Hoa cũng gọi là Đà Phong!).
    Sách Đại Nam quốc sử diễn ca viết:
    Bà Trưng quê ở Châu Phong.
    Đó là một sai lầm anachronique (phi thời đại). Hai Bà Trưng là người thuộc thời Hán. Tên Phong Châu mới có thời thuộc Đường. Thời thuộc Hán, xứ Đoài - Đường Lâm là thuộc huyện Mê Linh. Sách Nguyên Hoà quận huyện chí (820) và sách Thái Bình hoàn vũ ký (Tống) chép: Huyện Mê Linh có núi Tản Viên. Điều này tôi đã viết một bài riêng khi huyện Thạch Thất và Viện Sử học có cuộc hội thảo về quê hương Hai Bà Trưng.
    Xứ Đoài - Sơn Tây - Mê Linh bao gồm cả Sơn Tây (cũ) và Vĩnh Phúc ?ohai nửa của một? trên đôi bờ sông Nhị - Hồng.
    8 - Xưa kia núi - đồi cũng là rừng.
    Xứ Đoài cũng là xứ núi - đồi - rừng. Đường Lâm, Cam Lâm, Mông Phụ, Phụ Khang đều là rừng gò - đồi - đa dạng sinh học. Riêng cái tên Đường Lâm là có từ trước thời Bố Cái Đại vương thế kỷ VIII (791). Vì thế mà có chuyện Phùng Hưng đánh hổ ở làng, mà sách Việt điện u linh (1329) và bia Trần ở đền/đình thờ Phùng Hưng còn ghi lại. Và xin nhớ: Việt điện u linh và Ngọc phả đền Hùng đời Hồng Đức đều ghi ở thời đó, những nơi đó (Sơn Tây - Phú Thọ - xứ Đoài) đều có thể chế quan lang - phụ đạo. Phùng Hưng (và các đời trước ông) đều là quan lang. Lúc bấy giờ (thế kỷ VIII), sự phân hoá Việt - Mường chưa rành rẽ như ngày nay. ở trung du càng là thế (sự phân hoá Việt - Mường xảy ra rành rẽ là ở vùng Luy Lâu (Kinh Bắc), Tống Bình (Hà Nội)? dưới ảnh hưởng Hoa). Rồi có hàng cây ruối với huyền tính về nơi buộc voi, buộc ngựa của các vương.
    9 - Thế còn những cái tên cửa miệng dân gian, trong ca dao tục ngữ như là Kẻ Mía, chợ Mía, bến Mía, phố Mía, chùa Mía, bà Mía?.
    Mía, tên chữ Hán là Cam Giá. Quê hương gốc của Mía là ở ấn Độ, chân núi Himalaya, truyền bá sớm sang Nam Trung Bộ rồi Giao Châu (trước thế kỷ III). Trung Hoa trước Tống - Nguyên chưa trồng mía, làm đường bằng mía mà giải quyết chất ngọt bằng mạch nha (mầm lúa mạch). Cho nên, tên Cam Giá của người Hoa là tên phiên âm từ Phạn ngữ cổ (Sanscrit): Sakkara - Kara - Kẻ Mía - Cam Giá.
    Thời Hậu Lê, tách vùng Kẻ Mía làm hai (1) và đặt tổng Cam Giá Thượng (nay là xã Cam Thượng) và tổng Cam Giá Thịnh (xã Đường Lâm bây giờ) thuộc huyện Phúc Thọ (trước là Phúc Lộc).
    Có một chuyện, thật như bịa, bây giờ nghe ra thì khá buồn cười: Một số nhà nghiên cứu căn cứ vào cái tên Phúc Lộc bảo ở Hà Tĩnh xưa có huyện Phúc Lộc, có lẽ quê hương Ngô Quyền ở đó. Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, kẻ ngu hèn này mới ở độ tuổi 20 đã phải viết một bài được cụ Trần Huy Liệu cho đăng trên Nghiên cứu Lịch sử, đầu đề là Về quê hương Ngô Quyền có 2 trang để cải chính là quê hương Ngô Quyền ở Sơn Tây, nơi đó còn đền và lăng Ngô Quyền. ý kiến này được tiếp thu ngay. Tuy vậy, cho đến nay, vẫn có một nguồn tài liệu Tộc phả họ Ngô, nói tổ tiên họ ở Sơn Tây là người gốc ái Châu! Xin nhớ là mọi bản tộc phải, gia phả, thần phả mà ta biết được hôm nay đều viết ở thời Lê và Lê - Trịnh - quê gốc Thanh - đều viết tuốt luốt từ vua Hùng, Thánh Tản đến mọi tổ tiên các dòng họ người Bắc đều gốc từ Thanh, Nghệ, không Hoan Châu thì ái Châu. Theo ý tôi, rất đáng thú vị là ta nên ?ogiải mã? những hiện tượng lịch sử hoá đó bằng cái bối cảnh triều Lê, rồi Lê - Trịnh và trào lưu di cư từ Thanh, Nghệ ra Bắc, sự ?oưu tiên? ?oTam phủ? Thanh Nghệ nó ảnh hưởng đến tâm thức các ?oông đồ Nghệ? và các sĩ phu Nho học khác? Các bản ?ophả ký?T đó đã được ?oviết lại? theo một mẫu hình chung, mới được ?ochế tạo? ra. Không nên tin cậy hoàn toàn các cứ liệu của các bản ?ophả ký? đó kiểu như bản ?ophả ký? họ Hà được làm lại mới đây đã viết Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương? những thổ hào địa phương có công trong kháng chiến chống Nguyên - Mông thế kỷ XIII, đều có công trong kháng chiến chống Nguyên - Mông thế kỷ XIII, đều có tổ tiên gốc Nghệ. Và có tới 5 vị học giả khả kính người Nghệ - Tĩnh chung nhau viết một công trình chứng minh tổ tiên người Việt là từ Nghệ - Tĩnh kéo nhau ra làm ăn ở vùng ?ovịnh Hà Nội? cổ đang cạn dần sau đợt biển tiến Plandrian từ 4 nghìn năm trước! Và từ bên kia Thái Bình Dương, cụ Hoàng Văn Chí người gốc Thanh - Đông Sơn di cư theo đường ?othượng đạo? qua Hoà Bình ra Bắc xây dựng nước Văn Lang - Âu Lạc! Rồi lại một vị tiến sĩ gốc Thanh Oai, Hà Tây viết sách, viết báo chung riêng chứng minh tuốt luốt họ Hồng Bàng, vua Hùng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp? đều có gốc tổ ở miền ?otrung? Thanh Oai. Thật là ?oloạn xà ngầu?!.
    10 - Khi đi đưa đám ma bạn tôi là Phan Kế Hoành, con cụ Phan Kế Toại, người Mông Phụ (1992), tôi tìm thấy văn hoá cũ hậu kỳ Sơn Vi ở những quả gò này. Sau này, trước khi làm khu làng văn hoá các dân tộc ở vùng Đồng Mô - Ngải Sơn, các cán bộ Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng tìm thấy nhiều di vật Sơn Vi, Hoà Bình. Đã từ lâu, di chỉ gò Mả Đống với niên đại C14 là 4.100 năm BP sơ kỳ kim khí đã trở nên nổi tiếng. Người Mường phân cư ở khắp nơi, từ Nghĩa Lộ, Văn Chấn đến Thanh Nghệ đều thờ Thánh Tản (Đản). Thế cho nên, khi Từ Chi tỏ ý nghi ngờ Mường Bi là cái nôi của tộc Mường đã hỏi ý kiến tôi về quê hương tộc Mường. Tôi trả lời: ở chân núi Ba Vì - và anh tỏ ý mãn nguyện! Tôi bảo anh thêm: Thời Trần vẫn gọi vùng đó là Quảng Oai man và đức Trần Hưng Đạo có ?ogửi? một người con trai út, đến thời Lê, con cháu là ông nghè Trần Văn Huy rồi vì ?oloạn Trần Tuân áo đỏ xứ Đoài, loạn Trần Cảo áo đen xứ Đông? (1511 - 1516), mà phải đổi họ sang họ Đặng đấy. Không tin, ông cứ ?ođọc? Đại Việt thông sử của cụ Lê Quý Đôn! Hay đến thăm đền ở gần bãi tập xe ô tô quân đội tại thị xã Sơn Tây, người Mường ở gần đó vẫn đến thắp hương đền của ngài đấy! Ông cười: Hoá ra đức Thánh Trần có con ?ongoài giá thú?, gửi người Mường ở chân núi Ba Vì!.
    11 - Tạm kết
    Tất cả những chứng - lý đó tỏ ra rằng: Đường Lâm là vùng đất cổ - người xưa.
    Đường Lâm tựa lưng vào núi Tản, mặt ngoảnh nhìn sông nước Tích Đà. Đường Lâm sẽ trường tồn và phồn vinh cùng non sông - đất nước?/.

  3. quocanh_uk

    quocanh_uk Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/10/2005
    Bài viết:
    1.277
    Đã được thích:
    0
    Đình Mông Phụ (ST)


    Đại bái đình Mông Phụ. Ảnh: Ban quản lý di tích Hà Tây
    Trên dòng trôi chảy của văn hóa Đường Lâm, đình Mông Phụ nổi lên như một trong những ngọn đèn dẫn dắt người dân quê này vượt qua những thác ghềnh của lịch sử để vững bước tới bờ của tương lai. ở nơi ấy, chúng ta đã gặp dòng văn hóa vật thể và phi vật thể hòa quyện với nhau một cách nhuần nhuyễn mà hun đúc nên một tinh thần thiện tâm, một ý chí quật cường của cả vùng đất danh tiếng này.
    Làng Đường Lâm nằm trên đất thềm nền của núi Ba Vì, đây là một miền đất cổ, một địa đầu để người Việt khởi động trong cuộc trường chinh tiến xuống vùng đồng bằng/châu thổ thấp, khai mở ra nước Việt với những nền văn minh của thời trung cổ. Vượt qua các di tích khác của Đường Lâm, với đền Phùng Hưng và Ngô Quyền, thì đình Mông Phụ và chùa Mía có thể coi là hai điểm sáng văn hóa rực rỡ của miền quê nông nghiệp này.
    Trước hết, chúng tôi muốn đề cập đến vị thần được thờ và một số vấn đề liên quan đến ngôi đình Mông Phụ. Đình Mông Phụ thờ Tản Viên Sơn Thánh làm một vị thành hoàng làng, đã cho chúng ta biết, mảnh đất này nằm trong vùng của một vị anh hùng văn hóa khởi nguyên sản phẩm của nền kinh tế nông nghiệp lúa nước. Vào thời tiền sử, như nhiều nhà khoa học đã cho biết, người Việt còn sống ở thượng lưu sông Hồng, sinh sống bằng phương thức săn bắt/bắn và hái lượm, trong điều kiện ấy bà mẹ thế gian quản lý miền rừng núi được nảy sinh. Xuôi theo dòng sông Hồng, cũng đồng nhất với sự phát triển của lịch sử, khi nông nghiệp được khẳng định thì bà mẹ xứ sở cũng nảy sinh, đó là bà Âu Cơ. Cùng với bà Âu Cơ thì một số vị thần linh nông nghiệp khác ở dạng sơ khởi cũng ra đời. Trong tư duy mêng mông của thời cổ đại, người Việt đã hình thành nhận thức: Có trời thì có đất, có ngày tất có đêm, có nam phải có nữ..., suy cho cùng, phải có âm có dương. Âm dương đối đãi là nền tảng cho sự nảy sinh và phát triển của muôn loài, muôn vật. Từ kinh nghiệm của sản xuất nông nghiệp, người xưa cũng đúc rút rằng, mưa là tinh dịch của trời cha tràn xuống lòng đất mẹ để cho muôn loài sinh sôi. Nhưng, không phải lúc nào trời cũng mưa thuận gió hòa để đem nguồn sinh lực tưới nhuần muôn cõi. Cũng như nhiều cư dân khác trên thế giới, người Việt khi tiến xuống những vùng đất thấp, nhìn lại phía sau, họ đã thấy đỉnh núi thường có mây phủ (gắn với trời), chân núi ở dưới (gắn với đất), từ đó, tư duy của người tiền - sơ sử đã nhận ra: Núi là cái gạch nối giữa trời và đất, một con đường thông linh nhằm chuyển tải nguồn sinh lực vô biên từ tầng trên xuống tầng dưới. Nhận thức của họ đã được phát triển hơn khi hội vào hòn Cô Sơn. Và, người Việt đã sớm tìm được núi Tản Viên, để vị thần núi này mang tư cách một đấng ?ovô cùng?, mà tín ngưỡng dân gian xếp Thánh vào loại đứng đầu bách thần, để gọi là đức Thánh Cả. Có thể nghĩ, Thánh Tản là một anh hùng văn hóa ra đời vào thời tiền - sơ sử, rồi trên dòng trôi chảy của sự phát triển lịch sử mà Ngài được đắp thêm da thêm thịt để mang nhiều chức năng mới, như dạy dân cày cấy, đánh cá, làm nghề..., đặc biệt Ngài được coi như là một chứng tích lịch sử để nói lên sự sáng tạo thần kỳ của dân tộc ta trong việc đắp đê chống lụt, bảo vệ mùa màng sản xuất, rồi được huyền thoại hóa bằng câu chuyện đấu tranh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Hiện tượng đó được chứng minh rõ ràng bởi một số truyền thuyết, mà theo cố GS. Từ Chi và cố GS. Trần Quốc Vượng, thì ở vùng cao phía trên - nơi sông Hồng chưa có đê, Sơn Tinh và Thủy Tinh là hai người bạn thân (non nước hữu tình), khi xuống vùng thấp, xuất hiện đê là xuất hiện cuộc chiến đấu dai dẳng trường kỳ này. Vai trò của Sơn Tinh đồng nhất với nguồn hạnh phúc viên mãn của dân tộc, nên vị thần núi này đã theo bước chân của người Việt mà tràn lan khắp mọi vùng của đất nước. Chúng ta có thể tạm nghĩ rằng, núi Ba Vì là hòn núi chủ của toàn quốc trong tư duy nông nghiệp của dân ta.
    Người Đường Lâm thờ thần Tản Viên ở đình Mông Phụ như là một lẽ đương nhiên trong bước đường phát triển, bởi Thần/Thánh là đại diện của chân lý, của cả đạo và đức, một chỗ dựa tinh thần, một trung tâm hội tụ đoàn kết cộng đồng để bảo vệ và xây dựng xóm làng. Trong tinh thần ấy, đình Mông Phụ đã được đứng ở một vị trí đẹp nhất làng, trên một mảnh đất cao ráo, sáng sủa, xưa kia là nơi tụ hội của cây cối, chim muông. Thuở đầu, đất đai còn rộng rãi, dân cư còn thưa thớt, mặt trước đình còn thoáng đãng nên cảnh quan thật phong quang, đẹp đẽ.
    Hiện nay, đình quay hướng Tây Nam, với hướng Nam mang đúng tư cách ?oThánh nhân Nam diện? nhằm đề cao Thánh như một ông vua tinh thần của làng xã, hướng Nam tượng bằng màu đỏ là hướng chứa đầy sinh lực, mát mẻ và cũng là hướng của thiện tâm trên nền tảng trí tuệ. Đồng thời, đó cũng là ?oLấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam?. Hướng Tây mang yếu tố âm, mặt thần (mặt đình) là dương, nên giữa kiến trúc - thần và không gian đã tạo thành một thể âm dương đối đãi, khiến thần luôn yên vị. Đó là ước vọng thường trực trong nhận thức dân gian của người Việt trước đây. Như vậy, nhìn về hướng Tây Nam đã mang tính tổng hòa mọi ý nghĩa như nêu trên, khiến đình Mông Phụ được coi như nằm ở giữa trung tâm của miền đất thánh thiện.
    Hiện nay, mở đầu cho đình là một nghi môn tứ trụ có niên đại vào thế kỷ XX. Có thể nghĩ rằng, đây là những trục thông linh, mà hai trụ giữa lớn hơn, với trên đỉnh là đôi lân trong thế ngồi nhìn xuống, mang ý nghĩa kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương. ở những nghi môn tứ trụ xưa hơn thì đỉnh cột này thường là bốn con phượng theo kiểu lá lật, vì phượng tượng trưng cho bầu trời, với đầu đội công lý và đức hạnh, mắt là mặt trời - mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, lông là cây cỏ, chân là đất..., nó còn tượng trưng cho Thánh nhân. Trong tư cách này, phượng như hội tụ sinh lực của bốn phương trời truyền qua cột mà tràn về trần gian; còn lân tượng cho trí tuệ, cho sự trong sáng của tầng trên (ở các cột của nghi môn Mông Phụ đã đặt phượng ở trụ nhỏ và lân ở trụ lớn). Bước qua nghi môn là một sân rộng, hai bên có tả hữu vu. Mỗi tòa xây theo kiểu năm gian tường hồi bít đốc với bốn hàng chân cột, vì nóc theo kiểu chồng rường, cốn kèo ngồi, xà nách nối cùng xà lòng. Nhìn chung, kiến trúc này là sản phẩm của thế kỷ XX, chạm khắc dưới dạng bào trơn đóng bén. Đáng quan tâm ở đây là, phía bên hữu đã đặt ban thờ các vị tổ của dòng họ thuộc các giáp - một hiện tượng ít gặp ở nhiều ngôi đình khác (hiện tượng trên cũng đã thấy được thể hiện ở hai đầu hồi của đại đình Ngãi Cầu (Hoài Đức)), ban thờ kể trên được đặt lửng ở hồi trong của tòa nhà. ở tòa tả vu cũng là nơi thờ những thần linh dân gian liên quan.
    Đáng quan tâm nhất là kiến trúc của tòa đại đình. Hiện nay, kiến trúc này được dựng theo kiểu chữ Công. Bằng vào khảo sát thực địa, qua nghệ thuật chúng ta có thể thấy rằng, trước đây đình được dựng theo kiểu chữ Nhị mà tòa trong có phần sớm hơn tòa ngoài, với phong cách nghệ thuật khoảng đầu thế kỷ XVIII, còn tòa ngoài có thể muộn hơn vài chục năm. Niên đại ghi trên câu đầu cho biết, đình được sửa chữa lại vào năm Tự Đức thứ 12 (1859), sau đó, còn được tu sửa nhiều lần nữa, mà một niên đại tập trung là vào đời Thành Thái (cuối thế kỷ XIX).
    Trở lại với kiến trúc tòa đại đình, được dựng theo kiểu ba gian hai chái, sáu hàng chân cột đặt trên một nền đất thấp. Hiện nay, đình vẫn có sàn, được bưng ván gỗ. Từ trên xuống, mái đình to, bè, không thể hiện lưỡng long chầu nguyệt, bờ nóc hơi cong, được kết thúc bởi hai đầu kìm dưới dạng lân cõng trên lưng một vân xoắn lớn. Hình thức này còn kế thừa gần gũi từ lân đuôi cá đội vân xoắn với phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII ở đền Và.
    Qua đó, có thể thấy, đây là hai con vật như tượng cho âm dương của bầu trời đang cõng biểu tượng của sấm chớp. Tại khúc nguỷnh từng bên là một đôi Náp/Xô với hình thức của lân, với niên đại khá muộn, trong tư thế nhìn xuống sân như để kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương. ở đầu guột là một hồi long được đắp đơn giản trong thế chạy vào. Rồi đầu đao là một con lân trong thế chạy lên, đỉnh đao chỉ là một đầu rồng quay chầu vào nội đình. Nhìn chung, những con giống trên bộ mái đều mang tư cách là linh vật của tầng trên, gắn với nguồn sinh lực vũ trụ như sấm chớp và trí tuệ, khiến cho bộ mái, thân đình và dưới đất là một hợp thể của Tam tài (Thiên - Địa - Nhân) để mỗi khi làm lễ thông linh cũng đồng nhất với hiện tượng thông Tam giới.
    Kết cấu bộ khung gỗ trong lòng nhà, gồm bộ vì nóc theo kiểu giá chiêng ở trên liền chồng rường ở bên dưới. Trên cùng là một rường con cung tỳ lực trên hai đầu cột trốn và gồng lưng đội thượng lương, hai đầu đội đôi hoành thứ nhất. Từ thân trên của cột trốn một con rường cụt ăn mộng vào cột rồi chạy ra đỡ đôi hoành thứ hai. ở thân dưới cột, là con rường khác đỡ đôi hoành thứ ba, rường này ăn mộng xuyên qua cột trốn, mà không bị cắt ở phần giữa. Tất cả hệ thống trên tỳ xuống con rường dưới thông qua các đấu vuông thót đáy. Rường này vươn hai đầu đỡ hai hoành nóc thứ tư, rồi ép bụng trên câu đầu, câu đầu đỡ đôi hoành thứ năm và tỳ lực trên đấu vuông thót đáy kê trên đầu cột cái. Như vậy, mỗi bên của vì nóc đã có tới năm khoảng hoành. ở cốn mê (phần nối giữa cột cái và cột quân) cũng đã được thể hiện năm khoảng hoành với xà nách có cùng độ cao với xà lòng để nối với xà nách trong, khiến chúng ta cảm giác ba bộ phận này (xà nách ngoài - xà lòng - xà nách trong) như cùng một thân gỗ. Phía trong của các đầu cột cái, nơi đội bụng câu đầu đều có đầu dư chạm rồng dưới dạng bong kênh và lộng. Từ cột quân ra cột hiên (hoặc tường đỡ mái) là một kẻ liền với phần trên lưng kê đỡ ván dong, tương ứng với bốn khoảng hoành, đầu kẻ nhô ra phía ngoài để ngậm tàu mái. Phần ngoài cột hiên chỉ được thể hiện hai khoảng hoành mà thôi.
    Vốn dĩ đình Mông Phụ chỉ có sàn mà không có tường bao, xung quanh chỉ có lan can kiểu chấn song con tiện, mà hình thức có thể rất gần gũi với đình Chu Quyến (Ba Vì) và đình Hữu Bằng (Thạch Thất). Có thể vào thời gian muộn, cuối thể kỷ XVIII, hoặc đầu thế kỷ XIX, người ta đã dựng khung để lắp ván gỗ nhằm tăng sự thâm nghiêm cho ngôi đình. Nền của đình là đất nện mà không được lát, bởi người xưa quan niệm rằng, lát nền nhà là ngăn chặn sự giao hòa của khí âm và khí dương, khiến làng xóm khó phát sinh, phát triển. Ngoài ra, chân tảng kê cột, cũng như ở đình Tây Đằng và nhiều ngôi đình khác thường làm bằng đá phiến mà không cần gia công theo kiểu thức âm dương (vuông - tròn), vì thực tế, đã có sàn thì người ta ít quan tâm đến nghệ thuật của hòn tảng. Nhìn chung, đại đình Mông Phụ có dáng dấp như nhiều ngôi đình thông thường khác, song với sáu hàng chân, bờ ngói giọt gianh đã bắt đầu cao hơn, khiến cho mái tuy thấp nhưng vẫn như bè ra, tuy chỉ có ba gian hai chái lớn nhưng đình có tới sáu bộ vì nóc, với bốn bộ tỳ lực trên các cột cái, còn hai bộ ở đầu đốc, tỳ lực trên hệ cột trốn đứng lực trên xà đùi.
    Ở tòa hậu cung phía sau chỉ được làm với dạng một gian hai chái lớn, chủ yếu với bộ vì nóc được làm theo kiểu tương tự như ở tòa đại đình nhưng chỉ có bốn hàng chân cột, nên ngoài vì nóc kiểu giá chiêng kiêm chồng rường thì cốn chủ yếu là chồng rường, ở đầu cột quân là bẩy mà không có kẻ...
    Ở tòa ống muống, bộ phận kiến trúc có khả năng làm muộn về sau, đó là kết cấu của cuối thế kỷ XIX, với vì ván mê là chính..
    Ở lĩnh vực kiến trúc, một chi tiết khác đáng quan tâm trên mặt bằng là đình Mông Phụ cũng có một giếng tròn ở bên hữu tòa đại đình, tương đồng như ở đình Tây Đằng. Như vậy, tạm có thể nghĩ đây không phải là giếng làng mà là giếng đình nhằm phục vụ cho những sinh hoạt tâm linh cũng như những sinh hoạt liên quan khác.
    Nổi lên trong kiến trúc đình Mông Phụ, đó là, những mảng chạm khắc. Có thể nói rằng, hiện tượng chạm tầng tầng, lớp lớp ở đầu dư, cốn, xà nách, bẩy... dưới dạng lộng, bong kênh với độ chênh có khi trên 10 cm đã như đạt đến đỉnh cao của một hình thức thao diễn kỹ thuật, trong đó nổi lên là các đề tài gắn với rồng với nhiều dạng thức khác nhau, như: Rồng tai cánh sẻ, mồm loe rộng, mắt lồi nhìn thẳng mà hình thức còn rất gần gũi với những con rồng của nghệ thuật nửa cuối thế kỷ XVII; rồi những con rồng ở đầu dư với mũi đao mác vát chéo hoặc gọt tròn, mà không nhọn, đã là sản phẩm của thế kỷ XVIII; tiếp đó là những con rồng của thời Nguyễn (thường đi liền với hệ thống tứ linh) thuộc giai đoạn khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, điển hình là chầu mặt trời trên bộ vì ván mê của toà ống muống. Nhìn chung, chúng ta vẫn đọc được ở đây, thông qua những con rồng, là ước vọng cầu mưa, cầu mùa, cầu sự sinh sôi; rồi lão long huấn tử như nhắc nhở chúng ta về ý thức học tập, trong tinh thần ?ophi trí bất hưng?. ở đây, còn có phượng hàm thư cũng nhắc đến ý thức coi trọng Nho học; rồi long mã gắn với ý thức: Long - rồng -? bay lên - tung -? kinh tuyến - thời gian; Mã - ngựa -? chạy ngang - hoành -? vĩ tuyến - không gian. Linh vật này như chứa đựng chí tung hoành của nam nhi, đồng thời cũng biểu hiện về khả năng cõng không gian và thời gian chuyển động. Đó là tư cách của bậc Thánh nhân. Ngoài những hình thức chạm khắc như nêu trên, ở tòa ống muống còn chạm những hình tùng lộc, với cả một bầy hươu, hay tùng hạc..., đó là những sản phẩm của cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đánh dấu sự thâm nhập của văn hóa Trung Hoa, thông qua tầng lớp nho sĩ bình dân vào kiến trúc của làng xã.
    Đình Mông Phụ còn rất nhiều giá trị khác, cả về lịch sử lẫn nghệ thuật. Song, chỉ thoáng qua đã cho thấy, đình mang một giá trị đặc biệt với tính chất cầu nối giữa tạo hình của thời Lê Trung Hưng với thời Lê Mạt và Nguyễn. Một sản phẩm mang tính lấp chỗ trống trên dòng chảy của kiến trúc truyền thống Việt./.

  4. quocanh_uk

    quocanh_uk Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/10/2005
    Bài viết:
    1.277
    Đã được thích:
    0
    Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá làng cổ ở Đường Lâm (ST)

    Đường Lâm - một làng cổ nổi danh, tên nôm là Kẻ Mía. Xã Đường Lâm gồm 9 thôn, trong đó làng cổ ở Đường Lâm được xác định là làng Mông Phụ. Các làng Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm nằm trong không gian văn hoá làng cổ này.
    Năm 2005, Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tây đã lập hồ sơ về làng cổ ở Đường Lâm và đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin ra Quyết định số 77/2005/QĐ - BVHTT ngày 28/11/2005, xếp hạng di tích quốc gia làng cổ ở Đường Lâm. Sau phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội (di tích phố cổ đô thị), thì Đường Lâm là làng cổ đầu tiên trong cả nước được xếp hạng di tích quốc gia.
    Có thể nói, không ở đâu như ở xã Đường Lâm còn hội đủ các giá trị văn hoá của làng cổ Việt Nam, trên bất kỳ phương diện nào thì nơi đây vẫn là một làng cổ tiêu biểu nhất của Hà Tây và của cả nước
    Về lịch sử, xuyên suốt các thời kỳ, Đường Lâm là một vùng đất cổ có quá trình hình thành và phát triển liên tục. Không ở đâu như Đường Lâm, xưa là đất hai vị vua anh hùng dân tộc:
    Phùng Hưng và Ngô Quyền, rồi Thám hoa Giang Văn Minh, một nhà ngoại giao lỗi lạc, đồng thời nơi đây cũng là quê hương của nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong lịch sử.
    Đối với di sản văn hoá vật thể, Đường Lâm có 21 di tích, bao gồm đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, phủ thờ, lăng mộ... Trong đó, có 10 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh, mà chùa Mía đã nằm trong danh mục di tích được đề nghị xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, còn có hàng trăm ngôi nhà cổ được xây cất bằng chất liệu đá ong, rất đặc trưng của xứ Đoài, tập trung ở các làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp. Cổng làng Mông Phụ cũng là một trong những cổng làng có niên đại sớm ở Hà Tây. Ngoài ra còn có những cổng xóm, cổng nhà có giá trị độc đáo về kiến trúc và nghệ thuật dân gian.
    Về di sản văn hoá phi vật thể: Đường Lâm còn bảo lưu được nhiều lễ hội, phong tục tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, lưu giữ hơn hai nghìn trang văn bản Hán Nôm ghi chép thần phả của các làng, gia phả các dòng họ, gia đình, các tác phẩm văn học, văn hoá, y học, cùng với các bia ký, hoành phi, câu đối, văn tự trên các bản khắc gỗ ở các di tích, các truyền thuyết, cổ tích, tục ngữ, ca dao, dân ca... hết sức phong phú về mảnh đất con người, quê hương Đường Lâm trong các thời kỳ lịch sử.
    Về môi trường cảnh quan sinh thái: Tụ cư trên vùng đất trung du, những quả đồi thấp nối tiếp nhau như bát úp nối vùng đồi gò với ngọn chủ sơn Ba Vì, tạo cho Đường Lâm có cảnh quan, môi trường sinh thái đẹp, gắn với những địa danh mang tính huyền thoại, như đồi Gươm, đồi Hổ Gầm..., những truyền thuyết về Phùng Hưng, Ngô Quyền và các thời kì trong lịch sử. Từ xa xưa, Đường Lâm đã được mệnh danh là đất địa linh nhân kiệt...
    Ở Đường Lâm có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Độc đáo nhất là dặng duối cổ, tương truyền là nơi buộc voi ngựa từ thời Phùng Hưng, Ngô Quyền. Cũng phải kể đến những đặc sản và nhiều nghề truyền thống của Đường Lâm đã đóng góp những sản vật độc đáo như cây mía de (xưa) dùng làm đường, mật; cơm phố Mía; giống gà Mía nổi tiếng...
    Do vậy, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá ở Đường Lâm cho xứng với vị thế của làng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, gắn văn hoá với du lịch của địa phương và của tỉnh là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
    Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá ở Đường Lâm cần tập trung vào các lĩnh vực sau:
    1 - Bảo tồn di sản văn hoá vật thể
    Trong những năm vừa qua được sự quan tâm của Bộ Văn hoá - Thông tin, của Tỉnh uỷ, ủy ban nhân dân tỉnh, trong chương trình hợp tác giữa tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội, một số di tích ở Đường Lâm đã được đầu tư bảo tồn, tu bổ cơ bản như chùa Mía, đền thờ Phùng Hưng, Ngô Quyền, lăng Ngô Quyền, đình Mông Phụ. Song, số di tích đã được xếp hạng hoặc chưa được xếp hạng ở địa phương, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, vẫn chưa được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo thì còn quá lớn. Đây là một yêu cầu cấp thiết ở Đường Lâm hiện nay.
    Uỷ ban nhân dân thị xã Sơn Tây đã có kế hoạch khôi phục, tôn tạo Văn miếu Sơn Tây trên đất Đường Lâm. Cần sớm lập/hoàn thành dự án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt (các di tích khác cũng vậy). Trên cơ sở đó, huy động các nguồn vốn, cùng với đầu tư của nhà nước, thực hiện xã hội hoá để bảo tồn di tích ở Đường Lâm.
    Từ năm 2000 đến nay, thực hiện chương trình hợp tác được ký kết giữa Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thông tin) với Cục Tài sản văn hóa Nhật Bản, Cục Di sản văn hoá, Viện Nghiên cứu Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cùng với Cục Tài sản văn hoá, Trường Đại học Nữ Chiêu Hoà của Nhật Bản đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, thống kê được hơn 800 ngôi nhà cổ, trong đó đã đo vẽ được hơn 400 ngôi, ở các làng Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng... Qua đó đề xuất các phương án bảo tồn, tạo cơ sở cho Sở Văn hoá - Thông tin làm hồp sơ xếp hạng di tích quốc gia làng cổ ở Đường Lâm.
    2 - Bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể
    Trên cơ sở kết quả nghiên cứu sưu tầm một cách có hệ thống di sản văn hoá phi vật thể ở Đường Lâm của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua, cùng với các công trình nghiên cứu, sưu tập trước đây, cần phải phục dựng lại đời sống văn hoá tinh thần xuyên suốt các thời kì lịch sử ở Đường Lâm, tái hiện phong tục tập quán, tổ chức lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, văn hoá ẩm thực đặc trưng truyền thống của Đường Lâm. Trước mắt, cần biên soạn, xuất bản các công trình nghiên cứu, sưu tầm, làm đĩa VCD thuộc các lĩnh vực, để làm tài liệu nghiên cứu, bảo tồn và lưu giữ lâu dài. Những công việc này cũng phải được đầu tư xứng đáng, có vị trí quan trọng như bảo tồn di sản văn hoá vật thể.
    3 - Bảo tồn môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên
    Cùng với việc bảo tồn văn hoá vật thể, phi vật thể, phải tiến hành bảo tồn cảnh quan, môi trường, sinh thái, các loài gen quý như gà Mía, loài duối cổ và các cây cổ thụ ở địa phương, đồng thời trồng mới các loài cây nội sinh phù hợp, phục vụ cho việc giữ gìn môi trường sinh thái ở Đường Lâm. Và, cũng phải xem đây là việc bảo tồn di sản văn hoá, cần được tiến hành một cách đồng bộ.
    4 - Xây dựng các công trình văn hoá mới ở Đường Lâm
    Là những người làm công tác văn hoá thông tin, chúng tôi luôn mong ước, trong sự nghiệp đổi mới phát triển của đất nước, các di sản văn hoá của dân tộc được bảo tồn cho xứng với truyền thống văn hoá của dân tộc mà các thế hệ ông cha đã đổ mồ hôi, xương máu, nước mắt tạo dựng nên. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn có những công trình văn hoá mới mang tầm cỡ ghi dấu ấn thời đại, làm cho dòng chảy văn hoá của dân tộc liên tục phát triển. Hơn nữa, các công trình văn hoá mà cha ông ta đã xây dựng ở Đường Lâm còn lại đến ngày nay, do điều kiện lịch sử trước đây, nhìn chung còn nhỏ bé, chưa xứng với vị thế của các vị anh hùng dân tộc, của quê hương Đường Lâm. Do vậy, việc xây dựng các công trình văn hoá mới nhằm tôn vinh lịch sử, các bậc anh hùng dân tộc, kết tinh các giá trị văn hoá ở Đường Lâm hiện nay, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và phát triển du lịch là rất cần thiết, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vấn đề đặt ra là, việc xây dựng các công trình mới cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học, đảm bảo sự hài hoà giữa các giá trị văn hoá truyền thống và hiện đại, giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
    Với nhận thức đó, Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tây nhất trí cao với chủ trương, trên cơ sở quy hoạch đảm bảo sự hài hoà giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển văn hoá, cần xây dựng ở Đường Lâm những công trình văn hoá mới xứng đáng với vị thế của Đường Lâm.
    Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tây ủng hộ đề xuất một dự án xây dựng công trình văn hoá Văn Thánh Đường Lâm và đặc biệt là đề xuất của Viện Sử học Việt Nam, của các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá về việc xây dựng ở Đường Lâm nhà Thái Miếu để tôn thờ, tôn vinh các bậc danh nhân, đặc biệt là Ngô Quyền, cho xứng đáng với vị thế của ông, người anh hùng dân tộc đã đem lại nền độc lập, tự chủ cho nước nhà, mở ra một kỷ nguyên mới, chấm dứt hàng nghìn năm đô hộ của phương Bắc.
    Bộ Văn hoá - Thông tin đã xếp hạng di tích quốc gia làng cổ ở Đường Lâm. Cũng như phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội, công tác quản lí việc xây dựng nhà ở, các công trình nằm trong khu vực bảo vệ và không gian cảnh quan của làng cổ là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quá trình đô thị hoá nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, đã tác động tiêu cực rất lớn đến việc bảo tồn và phát huy làng cổ. Sẽ không còn làng cổ nữa nếu như chúng ta quản lí xây dựng không chặt chẽ, để cho các ngôi nhà cao tầng bê tông cứ ngày ngày mọc lên, trong khi các ngôi nhà cổ thì ngày càng xuống cấp, mai một, khiến không gian văn hoá của làng cổ bị phá vỡ. Các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, nhất là các chuyên gia của Nhật Bản tâm huyết với làng cổ ở Đường Lâm vô cùng quan ngại trước thực tế này.
    Bảo tồn làng cổ ở Đường Lâm có rất nhất nhiều công việc phải làm, trước mắt là: ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây phải hoàn thiện, sớm công bố quy định bảo tồn làng cổ, quản lí xây dựng ở Đường Lâm, tổ chức cho nhân dân học tập, tự giác, nghiêm túc thực hiện quy định này. Nhân dân Đường Lâm đã tạo dựng nên những giá trị làng cổ, thì cũng chính nhân dân phải tự giác bảo vệ làng cổ của mình. Đây là yếu tố quyết định thành công của việc bảo tồn làng cổ ở Đường Lâm.
    Để tổ chức thực hiện bảo tồn, phát huy làng cổ ở Đường Lâm, cần thành lập ngay Ban quản lí di tích làng cổ, gồm những chuyên viên, cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thuộc các lĩnh vực có liên quan, để triển khai các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
    Nhiệm vụ đầu tiên của Ban quản lí di tích làng cổ ở Đường Lâm là phải phối hợp với các ngành hữu quan ở tỉnh và trung ương sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo làng cổ ở Đường Lâm từ 2006 - 2020. Trên cơ sở đó, tranh thủ các nguồn lực, bao gồm đầu tư của Nhà nước, thực hiện xã hội hoá, huy động nguồn lực của nhân dân, tranh thủ các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước cho làng cổ ở Đường Lâm.
    Làng cổ ở Đường Lâm đang mở ra một triển vọng lớn. Bộ Văn hoá - Thông tin, các tổ chức văn hoá và các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu của Nhật Bản rất ủng hộ và sẽ giúp đỡ chúng ta khuyến nghị với UNESCO công nhận làng cổ ở Đường Lâm là di sản văn hoá thế giới. Kết quả sẽ tuỳ thuộc vào trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhất là sự nhận thức, tự giác bảo tồn làng cổ của nhân dân Đường Lâm. Công việc phải bắt đầu ngay từ hôm nay, dẫu có muộn nhưng vẫn còn kịp.
    Chúng ta kì vọng di tích quốc gia làng cổ ở Đường Lâm.

  5. quocanh_uk

    quocanh_uk Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/10/2005
    Bài viết:
    1.277
    Đã được thích:
    0
    Làng Việt cổ Đường Lâm truyền thống và hiện đại (ST)

    Thị xã Sơn Tây nằm trong vùng đất cổ xứ Đoài, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội của khu vực phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội và phía Bắc tỉnh Hà Tây. Thế núi hình sông đã tạo cho thị xã như một chiếc cầu nối giữa Sơn Tây với thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận khác. Nằm trong vùng đất ?ođịa linh nhân kiệt?, thị xã là nơi có đậm đặc các di tích lịch sử - văn hoá, trong đó làng Việt cổ ở Đường Lâm là một làng cổ điển hình của nước ta còn được bảo tồn khá nguyên vẹn đến ngày nay.
    Đường Lâm nay là tên 01 xã trong số 6 phường và 9 xã của thị xã Sơn Tây. Xã Đường Lâm hiện gồm có 09 thôn: Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm, Phụ Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Trước kia, cả vùng này gọi là Kẻ Mía, gắn liền với địa danh: Chợ Mía, phố Mía, chùa Mía, Bà Chúa Mía... Tên Đường Lâm lần đầu tiên được ghi vào chính sử với cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng những năm cuối thế kỷ VIII. Theo các văn bia có trong xã Đường Lâm, thì năm 1473, có tên xã Cam Giá (Phụng tự bi ký ở đình Đoài Giáp); năm 1634, có tổng Cam Giá Hạ (Sùng Nghiêm tự bi ký ở chùa Mía - thôn Đông Sàng); năm 1750, có tổng Cam Giá Thịnh (Tu tạo Sùng Nghiêm tiền đường bi ký ở chùa Mía). Đầu thế kỷ XIX, tổng Cam Giá Thịnh gồm 08 xã, thôn, phó, giáp và tổng. Cam Giá Thượng gồm 5 xã, thôn (Các tổng, trấn, xã danh bị lãm). Cuối thế kỷ XIX, tổng Cam Giá Thịnh gồm 07 xã, giáp là: Cam Giá Thịnh, Đông Sàng, Phú Nhi, Mông Phụ, Đoài Giáp Thượng, Cam Lâm, Yên Mỹ và tổng Cam Giá Thượng gồm 05 xã là: Cam Cao, Cam Đà, Cam Yên, Bài Nha, Quỳnh Lâm (Đồng Khánh địa dư chí lược). Diên cách cấp tổng và xã, thôn vùng Kẻ Mía đã qua nhiều thay đổi, song trong tâm thức dân gian xứ Đoài, từ lâu Đường Lâm vẫn nổi tiếng với cái tên địa danh: ?oKẻ Mía?, ?oMột ấp hai vua? (Bố Cái Đại vương - Phùng Hưng và Tiền Ngô vương - Ngô Quyền).
    Đường Lâm ngày nay và làng Mía ngày xưa là một trong những Việt cổ điển hình, là sự kết tinh và phát triển rực rỡ hàng ngàn năm của nền văn minh sông Hồng. Xét về mặt cảnh quan thiên nhiên, đặc điểm môi trường sinh thái thì Đường Lâm nằm trong vùng chân núi Ba vì - Tản Viên và gần các sông: Nhị Hà (sông Hồng), sông Đà, sông Tích, sông Đáy. Núi Tản hùng vĩ là tổ sơn của đất Việt và với đền Thượng, đền Trung, đền Hạ (còn gọi là cung Thượng, cung Trung, cung Hạ); đền Và ?oĐông Cung điện? thờ Tản Viên Sơn Thánh là đệ nhất ?oTứ bất Tử?, được coi như thần điện của người Việt. ấp cổ Đường Lâm - một miền đồi đá ong ba bên bốn bề non xanh nước biếc vờn quanh, cảnh sắc bầy ra như bức tranh thuỷ mặc giữa mênh mang đất trời, với những địa danh: Bãi Sà Mâu, gò Trống, gò Chiêng, đồi Gầm, đồi Gậy, gò Đồng, gò Yên Ngựa, gò Voi, gò Long, gò Kho, gò Văn Miếu, rộc Kiêng, mũi Giáo, rặng Ruối buộc voi, giếng Chuông Sa, vũng Hùm, thiên hình vạn trạng, tạo nên một vùng cổ tích.
    Đường Lâm cũng là vùng đất đa dạng về cảnh quan và sinh học, về môi trường và sinh thái, với Gà Mía, mía Đường Lâm (?oKẻ Mía kéo mật hộn đường?), gạo Rí, lúa Sọc, lúa Sòi (?oCơm phố Mía?, ?ochè Đông Viên?; ?odưa hấu, dưa gang là làng Mông Phụ?)... là những đặc sản của vùng Kẻ Mía. Về mặt lịch sử, khu Đường Lâm có con người cư trú từ rất sớm, được phản ánh qua di tích văn hoá Sơn Vi (Mông Phụ), văn hoá Phùng Nguyên (gò Mả Đống)....
    Ngay từ thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên, rồi qua diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước dài lâu của quốc gia dân tộc, Đường Lâm đã cống hiến cho đất nước những người con ưu tú, làm rạng danh sử sách Tổ quốc. Ngay từ những năm đầu Công nguyên, bà Man Thiện - người xã Cam Thượng (thuộc Kẻ Mía - Đường Lâm xưa), đã nuôi dạy nên hai người con - hai phụ nữ Việt Nam anh hùng đầu tiên - Hai Bà Trưng, với chiến công ?ođền nợ nước, trả thù nhà? lừng lẫy. Điều kỳ diệu hơn cả là, chỉ trong hai thế kỷ từ nửa sau thế kỷ VIII đến nửa thế kỷ X, ?oĐường Lâm cổ ấp? đã sinh hai vị anh hùng cứu nước: Bố Cái Đại vương - Phùng Hưng và Ngô Quyền; Ngô Quyền với chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938, đã khẳng định nền tự chủ của dân tộc ta, xứng đáng là vị: ?oTổ trung hưng thứ nhất? như nhà yêu nước lớn của thế kỷ XX Phan Bội Châu đánh giá. Đường Lâm còn là đất có nhiều người đỗ đạt và có công với nước với dân. Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam, từ năm 1075 đến năm 1919 ở xã Đường Lâm từng có 04 người đỗ tiến sĩ là: Hoàng Bồi (1437 - ?), người làng Cam Thịnh, đỗ hoàng giáp vào năm 1463, dưới triều vua Lê Thánh Tông (tương truyền, ông chính là người lập ra làng Đoài Giáp); Kiều Phúc (1452 - ?), người làng Đông Sàng, đỗ tiến sĩ năm 1493; Giang Văn Minh (1573 - 1638), người làng Mông Phụ, đỗ thám hoa năm 1628; Kiều Dục (1854 - 1912) người làng đông Sàng, đỗ phó bảng 1880. Người dân Đường Lâm có thể tự hào về nhà khoa bảng của mình và xem họ là những bậc tiên hiền. Cùng đó, bia Bản xã tiên hiền liệt vị (dựng năm 1917) còn ghi tên những người gốc Đường Lâm đã làm quan từ đầu thế kỷ XIX: án sát Nguyễn Trọng Nguyên, án sát Giang Văn Hiển, Giám sát ngự sử Phan Văn Chấn, Hàn lâm viện thị giảng học sĩ Phan Dương, Tri phủ Đỗ Doãn Chính, Đốc học Trần Khắc Lương, Tri phủ Phan Văn Nghị, Thí bộc tự khanh Kiều Cự, Kinh lược vệ tham tán Hải Phòng sứ Phan Kế Tiến, Tuần phủ Kiều Thịnh.
    Cũng có thể nói, hiếm vùng đất nào mà dấu tích văn hoá vật thể lại còn nhiều và nổi tiếng như Đường Lâm - một xã mà có đến 16 di tích, bao gồm đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ, lăng mộ, quán..., trong đó có 07 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia và 01 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, Đường Lâm còn có 800 ngôi nhà cổ được xây cất bằng chất liệu đá ong, rất đặc trưng ở xứ Đoài, tập trung chủ yếu ở các thôn: Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng, Đoài Giáp. Nét đặc sắc của làng cổ Đường Lâm là những ngôi nhà gỗ xây bằng đá ong, nằm trong những khuôn viên cũng bằng đá ong và những con đường lát gạch nghiêng giữa những bức tường đá ong cổ kính. Người dân xứ Đoài còn lưu truyền về một Văn miếu rất lớn bên bờ sông Tích. Đó là Văn miếu Sơn Tây, tại thôn Mông Phụ. Công trình di tích này đã bị phá huỷ, nhưng một số di vật cổ vẫn được bảo tồn tại đình làng Mông Phụ (như chiếc khánh đồng và khánh đá). Cùng với những di sản văn hoá vật thể ấy, người dân Đường Lâm từ hàng ngàn năm nay đã sáng tạo và bảo lưu được một khối lượng di sản văn hoá phi vật thể rất phong phú: Những tư liệu văn tự cổ không chỉ ở các di tích lịch sử mà còn ở trong mỗi gia đình người dân Đường Lâm (thần phả, ngọc phả, sắc phong, câu đối, đại tự, bia đá?); những lễ hội đình, đền, chùa đặc sắc của một vùng đầy huyền tích, và các sinh hoạt văn hoá, phong tục dân gian, các nghi lễ như: Hội cá (gỏi cá), chọi gà, tế gà (gà Mía), hội vật chùa ón, trò chơi bắt vịt, đánh đu, bơi chải, hát nhà trò, ca trù, rước thánh, cờ người v.v.
    Thật hiếm có một làng Việt cổ nào đặc sắc về di tích lịch sử - văn hoá cảnh quan thiên nhiên kỳ thú đến thế. Nhưng hiện tại, hàng ngày, hàng giờ, cả một quần thể di sản cổ ở Đường Lâm đang có nguy cơ bị biến dạng bởi các ngôi nhà tầng, nhà hộp. Hình như người dân địa phương đã quên đi lời nguyền thủa nào: ?oKhông ai được xây nhà cao hơn mái đình?, nên đã có một số nhà cao tầng mọc lên ngay sát các khu di tích linh thiêng như đình Mông Phụ, đình Cam Thịnh?; cổng nhà bằng chất liệu đá ong nay đã được thay thế bằng xi măng cốt thép.
    Một số ngôi giếng cổ trong xã đã bị lấp đi hoặc bị ô nhiễm môi trường cần phải có biện pháp khôi phục, bảo vệ. Trong một số nhà dân, nền nhà bằng gạch Bát Tràng nay đã được thay thế bằng gạch men Trung Quốc, gạch liên doanh. Một số di tích lịch sử văn hoá đang xuống cấp nặng nhưng chưa được quan tâm tôn tạo như: Nhà thờ họ Phan, họ Giang, đình Đoài Giáp; ngay cả đình Đông Sàng, tuy đã được phục dựng, nhưng cũng không còn giữ được dáng vẻ, đường nét xưa kia? Thực trạng này dường như cũng là quy luật tất yếu vì xã Đường Lâm với đặc điểm là làng quê không chỉ đậm đầy các di sản văn hoá, mà Đường Lâm hiện còn là một ?ocơ thể sống?, người dân (với mật độ khá cao) vẫn đang cư trú, sinh sống và xây dựng, phát triển đi lên theo dòng chảy lịch sử. Do vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá ở đây vừa phải bảo vệ và tôn vinh được các giá trị văn hoá, vừa không được làm ngắt ?odòng chảy lịch sử? đó. Đây là mâu thuẫn không dễ gì nhận thức và giải quyết trên thực tế. Có rất nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của ngôi làng cổ Đường Lâm như: Sự phát triển dân cư, tốc độ đô thị hoá, sự phát triển kinh tế thị trường và nhiều tác động xã hội khác. Và hơn cả, là sự thiếu hiểu biết của người dân khi nhận thức về di sản văn hoá lâu đời của cha ông để lại và công tác tuyên truyền về việc bảo tồn làng cổ Đường Lâm của chính quyền địa phương còn hạn chế.
    Trước những tác động của thời tiết, mưa bão, nóng ẩm và sự tác động của con người thì việc bảo tồn làng cổ đá ong Đường Lâm như một bảo tàng sống của nền văn minh thôn dã Việt Nam đang là vấn đề bức bách của chính quyền và nhân dân địa phương. Uỷ ban nhân dân thị xã Sơn Tây, tại Tờ trình số 120/TT-UB ngày 9/4/1999, đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây xem xét việc lập dự án đầu tư, bảo tồn, tu bổ, khai thác di sản văn hoá làng Việt cổ Đường Lâm. Từ nhiều năm qua, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp và tôn tạo di tích, Nhà nước và nhân dân địa phương đã đầu tư tu bổ một số di tích trong khu vực này như: Chùa Mía, đình Phùng Hưng, đền - lăng Ngô Quyền. Tuy nhiên, việc đầu tư lẻ cho các di tích chưa đáp ứng được yêu cầu bảo tồn và phát huy tổng thể các di sản văn hoá của một khu làng cổ vừa có bề dày lịch sử, vừa chứa đựng nhiều di sản văn hoá như ở Đường Lâm. Vì vậy cần có một dự án quy hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách tốt hơn, bài bản hơn. Đây cũng là vấn đề được chính quyền thị xã đặc biệt quan tâm. Để làm được việc này, không phải chỉ một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, sự quan tâm đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, và hơn cả là ý thức của mỗi người dân Đường Lâm. Hiện nay, chính quyền thị xã đang có những biện pháp cụ thể nhằm bảo tồn và ngăn chặn tốc độ đô thị hoá ngày càng đáng lo ngại của làng cổ Đường Lâm, cụ thể là:
    - Triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, giá trị văn hoá của Đường Lâm, giúp mọi người thấy được giá trị đặc biệt, tiềm năng du lịch, văn hoá của ngôi làng mình, qua đó nâng cao lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của người dân đối với di sản văn hoá này.
    - Soạn thảo quy chế quản lý, bảo tồn làng Việt cổ, tổ chức học tập, quán triệt quy chế đến từng gia đình trong toàn xã để nhân dân thực hiện. Đặc biệt nêu cao vai trò của cán bộ, đảng viên trong việc gương mẫu chấp hành quy chế. Thực hiện các biện pháp bảo vệ tốt những công trình hiện có, không xây dựng những công trình đồ sộ, nhà cao tầng hoặc bê tông hoá, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp. Đối với những hộ ở làng cổ nằm trong phạm vi bảo vệ có nhu cầu về nhà ở, Uỷ ban nhân dân thị xã đã chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã Đường Lâm quy hoạch quỹ đất ngoài phạm vi làng cổ để thực hiện phương án cắm đất cho dân.
    - Đề nghị các bộ, ngành Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây đầu tư kinh phí tu bổ các di tích một cách đồng bộ; trước mắt, cần có thiết kế kiến trúc đặc thù của làng cổ, hướng dẫn nhân dân tu sửa và xây dựng theo quy hoạch, thiết kế kiến trúc đó, đồng thời hỗ trợ những gia đình có nhà cổ khi họ có nhu cầu tu bổ, sửa chữa lớn theo quy định.
    - Cần tiến hành dự án quy hoạch tổng thể làng Việt cổ Đường Lâm trong mối quan hệ khăng khít với các dự án của vùng và thị xã. Xác định phạm vi, đối tượng, mục đích và nguồn đầu tư tu bổ, tôn tạo không chỉ giới hạn ở các thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Cam Lâm, mà còn liên quan với cả quần thể di tích, các hạng mục, công trình kiến trúc khác có liên quan. Đồng thời, cần chú trọng xác định thứ tự ưu tiên trong quy hoạch, xây dựng lộ trình thực hiện quy hoạch.
    - Việc lập kế hoạch khảo sát điều tra về di sản văn hoá vật thể và phi vật thể cần tiến hành song song với quá trình vận động cộng đồng cư dân tham gia vào công tác bảo tồn tại địa phương.
    Cuối cùng, xin được nhấn mạnh rằng, từ năm 2003, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thông tin, Cục Di sản văn hoá (Việt Nam) cùng Cục Tài sản văn hoá Nhật Bản đã ký kết bản Thoả thuận về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ và quản lý các công trình xây dựng và làng cổ truyền thống. Đây là một việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Tiếp đó, ngày 28/11/2005, Bộ Văn hoá - Thông tin đã ban hành Quyết đinh xếp hạng di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, một sự kiện lịch sử trọng đại của nhân dân Đường Lâm - xứ Đoài, mà còn là trách nhiệm to lớn của nhân dân Đường Lâm, nhân dân thị xã Sơn Tây nói riêng và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tây nói chung.
    Hy vọng rằng, với truyền thống của đất Đường Lâm địa linh nhân kiệt, xã Đường Lâm sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến xa hơn nữa để mãi mãi xứng đáng với danh hiệu vẻ vang là quê hương một ấp hai vua - một xã anh hùng. Trong hiện tại và tương lai, xã/làng cổ Đường Lâm sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách ở trong và ngoài nước./.

  6. chauphihwangza

    chauphihwangza Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/06/2006
    Bài viết:
    1.487
    Đã được thích:
    0
    Xứ Đoài - xứ Sơn Tây xưa(gồm 3 tỉnh hiện nay là Hà Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc) là đất dựng nước của các Vua Hùng, Vua Thục , quê hương của Thánh Tản Viên, Vua Trưng, Ngô Quyền, Phùng Hưng, ... là đất anh hùng số 1 của nước Việt.
  7. quocanh_uk

    quocanh_uk Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/10/2005
    Bài viết:
    1.277
    Đã được thích:
    0
    Chùa Tây Phương (ST-thưviệnhoasen)
    Chùa Tây Phương ở núi Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Tây. Theo các tài liệu để lại thì chùa xây từ đời Cao Biền (865-875). Vào niên hiệu Chính Hoà (1680-1705), Tây Vương Trịnh Tạc đi qua thấy cảnh trí trang nghiêm, bèn truyền cho sửa chữa lại chùa và xây tam quan. Sau đó chùa bị phá. Chùa Tây Phương còn đến nay đã được xây lại trên nền chùa cũ, vào khoảng 1788-1789 dưới triều Tây Sơn. Hiện trong chùa còn chuông đồng đúc năm Bính Thìn 1796, năm Cảnh Thịnh thứ 4 và bài Minh do Phan Huy ích soạn khắc vào chuông năm Mậu Ngọ (Cảnh Thịnh thứ 6).
    Chùa Tây Phương xây 3 toà xếp thành hình chữ tam (=), nhìn bề ngoài mỗi toà có hai tầng, 8 mái và 8 đầu đao cong vút. Toà giữa hẹp nhưng cao hơn toà thượng và hạ. Do xếp hình chữ tam, không nối liền mà mỗi toà cách nhau một quảng nhất định, thềm toà nọ cách thềm toà kia là 1m60, nên nội thất mỗi toà đều được chiếu sáng. Các toà nhà gạch trần theo hình cong và được chạm trổ theo kiểu "bán âm, bán dương", hay kiểu "sắc sắc không không" theo triết lý nhà Phật. Phía trong chùa dựng theo lớp chồng giừơng thống nhất, chồng cột có xà đỡ.
    Nghệ thuật trang trí kiến trúc Chùa Tây Phương được biểu hiện qua các đề tài: rồng phượng, hoa, lá ở trên các vì xà, van nong... với kỹ thuật chạm bẹt (chạm nông).
    Về tượng Chùa Tây Phương là những di sản quý giá những tượng Phật và tượng các vị tổ. Tổng công có 62 pho tượng. Trong đó tượng của 18 vị Phật Tổ được các nghệ nhân tạo tác một cách tinh vi tài giỏi, sinh động.
    Lịch Sử
    Chùa Tây Phương dựng trên đỉnh núi Tây Phương thuộc xóm Tây Phương của thôn Yên xã Thạch Xá huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây. Nhiều tư liệu thư tịch và truyền truyền thuyết cho hay núi Tây Phương còn gọi là núi Câu Lậu. Sách xưa Việt sử thông giám cương mục và thơ Phan Huy Iích gọi tên chùa theo tên núi là Chùa Tây Phương. Cổng chùa và một bức hoành trong chùa đều ghi rõ Tây Phương Cổ Tự. Nhưng tất cả bia và chuông hiện còn đều ghi tên chùa là Sùng Phúc ở trên núi Tây. Phương. Trong khu vực núi Tây Phương xưa nay có 3 chùa : Quan Âm ở chân núi, Am Thanh ở lưng chừng và Sùng Phúc ở trên đỉnh. Sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (NXB KHXH, năm 1993) trang 230 giới thiệu tóm tắt 2 văn bản bia chùa Quảng Phúc và chuông chùa Sùng Phúc ở cùng một địa phương và cho biết đều là những tên của chùa Tây Phương. Tấm bia mang tên "Quảng Phúc tự hưng công tu tạo thạch bi" ở tình trạng "bia vỡ", "chữ mờ" vì thế có lẽ chữ Quảng chính là chữ Sùng, dựng năm 1639.
    Trong bài thơ Qúa Tây Phương Sơn tự ( Thăm chùa núi Tây Phương) làm năm 1788, Phan Huy ích viết ở câu 3 : "Cát lệnh dễ sa đôi xích nhưỡng" đã tả cảnh núi: Đan sa còn dễ của quan lệnh họ Cát chất thành đống đất đỏ. Và ông ghi chú : "Núi Tây Phương xưa có tên là núi Câu Lậu. Sách sử chép rằng : Đời Tấn có Cát Hồng thích việc luyện đan, biết núi Câu Lậu có đan sa bèn xin làm chức lệnh Giao Chỉ, tức là vùng đất này". Đá núi xám đỏ nay vẫn còn, song không có dấu tích gì của việc luyện đan ở đây.
    Trong sách Sơn Tây địa chí (1939), Phạm Xuân Độ dẫn lời tâu của Cao Biền với vua Đường ghi trong truyện Kiều Cao Vương: " Tại cấp giữa núi Câu Lậu có huyệt đế vương, thần đã làm chùa để yểm". Trần Trọng Kim trong sách Phật lục cũng dẫn truyền thuyết trên, song nghi ngờ ngay: " Kể thực ra, thì không có di tích gì làm bằng chứng cả".
    Một số sách báo viết về chùa Tây Phương cho rằng được xây dựng vào thời Mạc, nhưng không chứng minh. Niên đại này có thể tin được, vì đầu thế kỷ XVII vào những năm 30 chùa đã phải sửa chữa lớn, hơn nữa trong chùa còn hai tấm bia đều bị mờ hết chữ nhưng còn đọc được rõ tên bia ở mặt ngoài là Tín thí và Tây Phương sơn Sùng Phúc tự thạch bi (mặt bia kia áp vào tường hồi toà chùa giữa nên không đọc được), các hoa văn trang trí thuộc phong cách nghệ thuật cuối TK XVI sang đầu TK XVlI.
    Ngoài sân vườn, cạnh gốc cây sung có tấm bia Tây Phương sơn Sùng Phúc tự bị mờ gần hết nhưng còn vài dòng in rập cẩn thận có thể đọc được những thông tin rất quý: "Đại Việt quốc Sơn Tây trấn Quốc Oai phủ...Ngày 12 tháng 11 năm Nhâm Thân trùng tu chùa Sùng Phúc núi Tây Phương, dựng Thượng điện 3 gian, Hậu đường và hành lang 22 gian... Ngày 2 tháng 2 năm Ất Hợi đặt hội an tượng, khai quang điểm nhỡn... Nguyên soái tổng quốc chính sễ phụ Thanh Vương..." Thanh Vương là niên hiệu của chúa Trịnh Tráng (1623-1657), như vậy năm Nhâm Thân sửa chùa là 1632 và năm Ât Hợi an tượng là 1635, phù hợp với hoa văn trang trí thuộc phong cách nửa đầu TK XVII. Quy mô chùa có Thượng điện ở giữa, Hậu đường phía sau, Hành lang dài ở hai bên, và tất nhiên phía trước phải có Tiền đường, đã được xây dựng theo kiểu "nội Công ngoại Quốc" giống như nhiều chùa cùng thời.
    Tấm bia Quảng Phúc tự hưng công tu tạo thạch bi (được đề cập ở phần trên) cho biết năm Kỷ Mão - 1639, chùa Tây Phương được vị sư trụ trì cùng các hội chủ (như công chúa Trịnh Thị Ngọc Thể và chính phi Trịnh Thị Ngọc Tài... ) góp tiền tô tượng và sửa chùa. Có thể coi đây là đợt tu sửa bổ sung hay kéo dài của lần trùng tu chùa năm 1632 và an tượng chùa năm 1635. Pho tượng Quan Âm Nam Hải 12 tay (tượng mới bị mất và đã làm lại, bệ cũ vẫn còn) với lối chạm trau chuốt, khối hình duyên dáng, các nếp áo cân đối, các hoa văn trang trí mềm mại, khuôn mặt phúc hậu... được các chuyên gia xếp vào nửa đầu TK XVll, có lẽ thuộc đợt an tượng năm 1635.
    Theo tấm bia Thập phương tín thí thạch bi dựng năm Canh Ngọ niên hiệu Chính Hoà II (1690) thi lúc này chùa Tây Phương được chúa Trịnh Căn cho tu sửa lớn, làm Tam quan, ngoài kinh phí của triều đình còn huy động sự đóng góp của nhân dân từ nhiều vùng xa gần, trong đó có những người ở tận Tiên
    Du và Từ Sơn thuộc xứ Bắc (Bắc Ninh). Nhưng ngày nay chưa tìm được dấu tích của đợt tu sửa này.
    Sách Việt sử thông giám cương mục cho biết chúa Trịnh Giang (1729 - 1740) đã cho tu sửa quy mô nhiều chùa, trong đó có chùa Tây Phương được bắt đầu từ 1735, kéo dài đến 1740 Trịnh Doanh lên ngôi chúa cũng là lúc khởi nghĩa nông dân rầm rộ mà sử cũ gọi là "Đại loạn năm Canh Thân", đã cho ngừng lại. Phan Huy ích nhiêu lần đề cập đến đợt tu sửa này. Trong bài thơ Quá Tây Phương sơn tự (Qua chùa núi Tây Phương) làm năm 1788, ông viết ở lời chú "Còn tượng Phật chùa chiền dựng trên đỉnh núi, là vào khoảng niên hiệu Vĩnh Hựu (1735 - 1740), Thuận Vương (Trịnh Giang) có uỷ cho viên Trung sứ đến xây". Thậm chí mãi đến năm 1809 khi làm bài thơ Thu đăng Tây Phễơng sơn tự ký kiến (Mùa thu trèo lên chùa núi Tây Phường ghi lại những cảnh nhìn thấy) cũng ghi lại trong lời chú rằng chúa Trịnh Giang từng sai sửa chùa và tạc "mười pho tượng cực kỳ khéo léo". Ngay cả năm 1798 viết bài văn dài Sùng Phúc tự chung để khắc lên quả chuông đúc sau khi dựng chùa 2 năm, ông khăớng định ngay ở đoạn mở đầu : "Trước đây dưới triều vua Lê niên hiệu Vĩnh Hựu, vua sai trung sứ xây dựng lại thiền viện to lớn, điêu khắc tượng pháp, chế tác pháp âm tiếng kêu vang bên tai". Những sử liệu trên rất thống nhất khăớng định đợt tu sử lớn từ 1735 đến 1740. Nhễng đoạn sau bài văn chuông, Phan Huy Iích cho biết tiếp: "Kịp khi vật đổi sao dời, vạn vật biến đổi, cảnh chùa u tịch, chuông đồng chăớng còn, mà chùa ngày thêm đổ nát... Mùa đông năm Mậu Thân (1788) tôi đến nơi đây, nhìn bóng tùng xễa mà lòng bồi hồi nhớ lại cảnh cũ!" Nhễ vậy cho đến cuối đời Lê - Trịnh, chùa Tây Phương đã đổ nát, may chăng còn được ít tượng.
    Hiện tại trong chùa có bộ tượng Tam Thế và pho A Di Đà ngồi trên toà sen được gọt tỉa cầu kỳ, họa tiết trên áo và nhất là cái tán phía sau các pho tượng Tam Thế được chạm khắc lộng lẫy, toàn thể cân đối nhễng công thức nên nghiêm trang đến lạnh lùng, sự mượt mà do tỉa tót công phu nên khô cứng... Nhưng tính chất tạo tượng này hoàn toàn phù hợp phong cách nghệ thuật đầu TK XVIII, có thể nằm trong số "mười pho tượng cực kỳ khéo léo" tạc trong đời Vĩnh Hựu.
    Sau phần nói về quá khứ, Phan Huy Iích trong bài văn chuông trở về hiện tại: "Nay may gặp lúc thịnh thời, Phật giáo hưng thịnh, thiện nam tín nữ trong ấp quyên góp tiền của công sức, hưng công tu tạo và đúc quả chuông lớn nặng chừng 200 cân. Tiếng chuông lại ngân vang nhễ xưa. Mỗi khi rảnh rỗi, tôi thường đến đây thăm thú". Chính ông là hội chủ đứng ra hưng công đúc chuông, năm 1796 đã cúng 10 quan tiền cổ, năm 1798 lại nhận lời các vị kỳ lão trong thôn viết bài minh văn chuông.
    Cùng với nguồn sử liệu trên, xà nóc của toà chùa trong còn ghi năm xây dựng là "Giáp Dần niên quý đông cát nhật tạo" và năm sửa chữa: "Bính Tuất niên mạnh xuân cát nhật tu lý".
    Năm Giáp Dần ở đây gắn với năm Mậu Ngọ - 1798 viết minh văn chuông, hăớn là năm 1794, đã dựng lại chùa theo đúng kiểu chùa Kim Liên (Hà Nội) dựng năm 1792 được ghi rõ bằng can chi trên xà nóc là Nhâm Tý và bằng niên hiệu vua Quang Trung 5 trên bia đá. Lần làm lại chùa ở thời Tây Sơn này đến nay vẫn còn hầu nhễ nguyên vẹn. Một số sửa chữa ở thời Nguyễn vào năm Bính Tuất mà các cụ già ở địa phương còn nhớ "thuộc đời vua Tự Đức",
    có thể ứng với năm 1886, nhưng sửa nhỏ không ảnh hưởng đến kết cấu và trang trí kiến trúc thời Tây Sơn. Lần làm lại chùa cuối thế kỷ XVIII đã làm thêm rất nhiều tễợng gỗ mà nay vẫn còn: các vị Phật, các vị Bồ Tát, các vị Tổ kế đăng, các vị Kim Cương... có phong cách khắc hăớn tượng các thời khác.
    Trước đây một số tài liệu dựa vào lời kể của người già địa phương cho rằng đời Tự Đức tạc thêm một số tượng. Nhưng những tượng này lại được nói rõ xuất xứ muộn hơn một chút trong tấm bia Nam Mô A Di Đà Phật dựng năm Khải Định 9 (1924) ở lòng tháp Phương Viên: Nhà sư Thanh Ngọc đến chùa Sùng Phúc trụ trì từ năm Thành Thái 5 (1893), đã cùng các "thân hào kỳ lí trong xã hội họp nhất trí tu tạo và sửa sang 3 toà tự vũ, nhiều lần chấn chỉnh,
    đồng thời tạc tượng Quan Âm trăm tay, cùng tượng Thiện Tài và Long Nữ. Cũng trong thời gian này còn tô lại Bát bộ Kim Cương và Thập bát La Hán vàng son lộng lẫy, lại dựng một toà thờ Tổ, một pho tượng truyền thần... Ngày 1 tháng 9 năm Canh Thân (1920) làm lễ trà tì ghi trong Phật lục để lưu truyền dài lâu. "Như vậy các tượng Kim Cương và Tổ kế đăng (mà ở đây gọi là La Hán) đã có từ thời Tây Sơn, giờ được sơn thếp lại, còn tượng Quan Âm trăm tay cùng hai tượng Thiện Tài và Long Nữ mới được tạc khoảng năm 1920. Cũng cần kể thêm một số tễợng nữa như bộ Thập điện Diêm Vương, Phạm Thiên, Đế Thích, Quan Âm tống tử, Sơn thần và quan hầu cận... đều thuộc phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn cuối thế kỷ XIX có thể thuộc đời Tự Đức (?).
    Trên xà nóc của toà chùa ngoài còn ghi hai niên đại sửa chùa: "Canh Tý niên trọng thu cát nhật tu lý - Việt Nam dân chủ cộng hoà thập tứ niên mạnh xuân trùng tu: Lần sửa sau rõ ràng là năm 1958 thì lần sửa trước vào năm Canh Tý hẳn là gắn với nhà sư Thanh Ngọc ứng với năm 190. Những lần sửa chữa này hoặc nhỏ, hoặc đã mang ý thức bảo tồn nên không làm thay đổi phong cách nghệ thuật của cha ông.
    Cũng như tháp mộ, một kiến trúc phụ nhưng quan trọng là miếu Sơn Thần mà dân địa phương gọi là đền Trình xây ngay ở góc bên trái trước sân chùa, trên xà nóc còn viết dòng chữ Hán: "Quý Dậu niên xuân nhị nguyệt sơ thập nhật Ngọ thời trùng tu Thiên Cổ miếu" cho biết kiến trúc này đã được sửa chữa lớn vào năm Quý Dậu - 1935. Trong miếu, ngoài bức hoành phi thiên cổ miếu muốn khẳng định miếu thờ thần Núi có từ xa xưa, thì bức hoành phi trạc quyết linh xác định vị trí tối linh của thần quét sạch bụi trần, có ghi lạc khoản Đinh Mùi (- 1907?) đều nói về lớp văn hoá - kiến trúc bổ sung ở đầu thế kỷ XX.
    Nhà tổ và điện Mẫu hiện tại ở sau khu Tam bảo là sự chuyển dịch vài mươi năm trước từ khoảng đất bên phải khu Tam bảo, nhưng lối kết cấu và trang trí kiến trúc đều cùng khẳng định niên đại ban đầu của nó không thể sớm hơn đầu thế kỷ XX, nó làm cho cảnh chùa thêm hoàn hảo, gắn bó Phật giáo với tín ngưỡng bản địa và thế giới tâm linh với cuộc sống thực tại.
    Thế nhưng chính trong thời đại chúng ta, từ định hướng "hiện đại hoá" xã hội, đôi khi chúng ta lại muốn "làm mới cho đẹp" đã vi phạm cảnh quan và chức năng di tích. Con đường lên chùa vốn là một lối mòn ẩm có rêu mọc quanh những tảng đá ong xếp tự nhiên, để cuộc trẩy hội chùa như đi trên thảm nhung mà nhịp chân luôn thay đổi, thì nay được xây bậc đều đặn, khô khốc như cầu thang hun hút lên đỉnh ngôi nhà 15 tầng! Đầu đường dốc xây thêm một cái cổng nửa Tam quan chùa, nửa Nghi môn đền, và cuối đường xây thêm một nhà khách mà dường như chẳng bao giờ mở cửa! mấy pho tượng quan âm bị mất hồi đầu thập niên 90, giờ đã làm lại song có ảnh mẫu mà vẫn như sáng tác mới. Thậm chí có lúc đã sơn lại tượng y phục bóng nhoáng không ăn nhập với da thịt làm cho đầu và tay cứ như phân thân lơ lửng! May mà thời gian dần làm nhoà cho. Tất nhiên cái tích cực là chúng ta đã hạn chế được sự phá hoại của thời gian, giữ cho dân tộc một di sản sáng giá.
  8. quocanh_uk

    quocanh_uk Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/10/2005
    Bài viết:
    1.277
    Đã được thích:
    0
    Kiến trúc chùa Tây Phương (St-thưviênhoasen)
    Tên chính thức của chùa là sùng Phúc mưu cầu mọi sự tốt lành như bao ngôi chùa vốn có nguồn gốc từ buổi đầu kỷ nguyên độc lập: Vạn Phúc, Vĩnh Phúc, Thiên Phúc, Ninh Phúc, Diên Phúc... Song mọi người cứ gọi theo tên núi, là chùa Tây Phương với niềm tin đã đúc kết thành câu đối ghi ở toà chùa trong!
    Tây Phương hữu Phật tín tư sơn
    Thạch Thất truyền kinh nghi thử địa
    (Tin ở núi này - Tây Phương có Phật
    Ngờ đâu đất ấy - Thạch Thất truyền kinh)
    Chứ tâm thức Việt Nam cổ gọi đây là núi Trâu - xa xưa phát âm là Klâu, rồi dần phiên âm Hán Việt thành Câu Lậu. Lớp văn hoá gốc nhoà đi, Câu Lậu được giải thích do núi có hình cong tựa chiếc móc câu khổng lồ! Nói thế thâm tâm vẫn tin các dãy núi đá lẫn đất của vùng Thạch Thất là đàn trâu 9 con: Câu Lậu, Lôi Âm, Gai - Vòi Voi, Nứa, Dền, Nồng, Đỏ, Miễu và Đống Cao. Câu Lậu cao hơn 50m là con trâu đầu đàn quay đầu lại vẫy gọi cả đàn ra sông Tích Giang uống nước.
    Quần thể núi đá lẫn đất của vùng Thạch Thất như đối trọng với quần thể núi đá của vùng Quốc Oai ở phía Nam trước mặt, lại như cùng trong tổng thể với dải núi So, núi Sở... Phía sau được hình dung thành các con hổ, con ngựa, con rồng, con mộc, con hoả. Những núi này là sự chuyển tiếp của vùng đồng bằng ở thềm cao lên vùng trung du Ba Vì, để rồi nhập vào vùng núi đá vôi Hoà bình trùng điệp.
    Gắn với núi cao là sông dài. Sông nội đồng có dòng Tích Giang từ chân núi Ba Vì chảy về, trườn lượn quanh co, lững lờ trôi chảy, khúc nào cũng như tụ phúc ban lộc cho xóm làng. Xa hơn một chút là sông Đáy vốn là đường giao thông thuỷ xuôi xuống xứ Nam. Và đi thêm một chút nữa là sông Hồng cuộn chảy tung sóng hào hùng.
    Núi sông ở vùng châu thổ là sự điểm tô cho đồng ruộng, tạo thế đối đãi âm dương, hình thành những vùng địa linh, mà dấu son là một loạt chùa danh tiếng được gọi theo tên núi. Nếu các chùa Sở, chùa So, chùa Thày... có quy mô lớn thuộc loại "chùa trăm gian" lại mở ra hoà đồng với ngoại cảnh để như vô hạn, thì chùa Tây Phương lại khuôn trong mặt bằng đỉnh núi vừa phải, nổi lên ở vẻ đẹp kiêu sa cả về kiến trúc lẫn điêu khắc.
    Núi Trâu - Câu Lậu vượt lên toàn vùng là đất thiêng, trong thời Bắc thuộc đã gắn với huyền thoại cung cấp đan sa cho Cát Hồng luyện thuốc trường sinh, và viên đô hộ sứ kiêm thày phù thuỷ Cao Biền phát hiện ra huyệt đế vương rồi tìm cách trấn yểm, sang kỷ nguyên độc lập dân tin là đất Phật cực lạc nên mang thêm tên nữa Tây Phương. Núi nhỏ nhưng từ chân lên đỉnh có tới 3 chùa: Đầu non phía Bắc là chùa Quan Âm (hay Quan Quận), vạch đường lên đỉnh cũng là về đất Thánh có chùa Am Thanh (hay Thanh Am) ở lưng chừng, và cuối cùng chùa Tây Phương ở trên đỉnh nên còn gọi là chùa Cao Sơn. Dân địa phương từ lâu vẫn truyền tụng: "Đệ nhất Cao Sơn, đệ nhị Thanh Am, đệ tam Quan Quận" nói lên sự đánh giá nghệ thuật, đồng thời cũng là con đường chúng sinh tìm đến Phật giáo để được giải thoát: Trong trần tục có Quan Âm cứu khổ, giúp chúng sinh hiểu kinh pháp có sư tăng lập am giảng đạo, giác ngộ rồi thành Phật ở Tây Phương vời vợi. Đường xưa lên chùa lượn theo sườn núi thoai thoải dễ đi, vòng qua am thanh mới lên Sùng Phúc, nay vẫn dùng nhưng khuất nẻo, chỉ những ai lắng tâm cầu Phật mới có duyên tìm được. Nhưng cũng từ lâu đã mở một con đường chạy thăớng từ chân núi chỗ bãi rộng có bóng đa cổ thụ soi gương đầm nước lên thăớng đỉnh núi, đường dốc, trước xếp đá thỏi to nhỏ ngang dọc xa gần khác nhau để du khách vui đùa khi trẩy hội và thay đổi nhịp chân, vậy mà đợt trùng tu năm 1971 đã xây lại "nuột nà", "hiện đại"!
    Từ đường 21B liên huyện Quốc Oai - Thạch Thất vào chùa cũng là đường thôn Yên (An) sang xóm Tây Phương được trải nhựa thênh thang, đầu ngoài là đầm Liêu dạng hình chữ Âất (Z), đầu trong vượt qua kênh đào thủy nông sang đầm Cầu Đá bán nguyệt là nơi tụ thủy tích phúc. Phía trước núi đồi ôm bọc. Người xưa quan niệm đó là một địa cục hiếm hoi, dựng đền thờ Thần dựng chùa thờ Phật là đắc địa hơn cả.
    Cạnh gốc đa bờ đầm Cầu Đá có một miếu nhỏ, trong có tấm bia Thạch kiều mộc quán bi kí dựng năm Cảnh Hưng 27 (1766) nói về cầu Hoa Phong ở Tây Phương do một bà cúng hậu mà dân địa phương còn nhớ với những tình cảm kính trọng. Theo tên bia, xa xưa nơi đây có cầu đá và quán gỗ, có thể là loại kiến trúc kết hợp "Thượng gia hạ kiều" bắc qua chỗ eo của đầm để sang chân núi lên chùa. Quán gỗ đầu xóm cùng với cây đa cổ thụ vừa là chỗ ngồi chơi hóng mát của người già với những chuyện quê, là chỗ bán nước và hàng vặt cho đời sống ngày thường của dân làng. Đây chính là một môi trường văn hoá tạo cho cây đời xanh tươi, thêm một thế đối trọng với cảnh thoát tục trên đỉnh núi. Cầu đá không còn nhưng đã trở thành tên đầm để còn mãi với thời gian.
    Núi Câu Lậu là núi đất lẫn đá, tre-mai-vầu cùng một số cây hoang quanh năm xanh tốt um tùm, một số vạt bằng - nhất là hai bên đường lên chùa đã được dân khai thác dựng nhà làm vườn nhưng không làm mất vẻ hoang sơ tự nhiên của núi. Núi thấp nên chùa ở trên đỉnh nhưng không xa dân, thoát tục mà vẫn gần đời, đủ đảm bảo sinh hoạt đời thường của sư tăng và là chỗ dựa tinh thần của các Phật tử.
    Từ chân núi lên chùa, trước chỉ là hẻm nhỏ như lối mòn đi vào các xóm ngõ, gần đây được xây Tam quan ngoại phỏng theo kiểu ở chùa Láng (Hà Nội) kết hợp thờ Phật với thờ Thần: Cơ bản là 4 cột hoa biểu vươn cao, vuông thành sắc cạnh, uy nghi chững chạc; phía trên có dầm ngang tạo ra khung cửa giữa cao hơn 4 mét và khung cửa hai bên cao hơn 3 mét, trên dầm cr 3 cửa đều úp bộ mái toả ra bốn phía với những đầu đao cánh hoa chênh vênh trên cao. Qua Tam quan ngoại phải leo hơn 230 bậc đá, dọc đường có vài chiếu nghỉ, cuối cùng dẫn đến cổng chùa cũng mới được xây lại theo kiểu tam quan: Cửa giữa treo biển Tây Phương Cổ tự, hai bên cánh gà trổ cửa vòm cuốn, bên trên có mái, nhưng các cửa bên chỉ mang tính tượng trưng không hợp với bậc lên xuống.
    Đỉnh núi là một mặt bằng khá rộng, bao khuôn viên là hệ thống cây xanh tự nhiên mọc theo sườn núi. bình đồ toàn khu chùa trước 1945 và nay, khu Tam bảo và miếu Sơn thần vẫn giữ nguyên, nhưng các kiến trúc khác đã thay đổi. Theo bản vẽ trong Phật lục (1943) thì tháp mộ, nhà Tổ, điện Mẫu, tăng phòng và các nhà phụ đều ở bên phải khu Tam bảo; nhưng giờ đây tháp mộ xây lại ở phía bên trái còn các kiến trúc khác chuyên về phía sau khu Tam bảo. Sự thay đổi này biểu hiện tính linh hoạt, không cố chấp của Phật giáo, tạo cho tổng thể cân đối và nhất là giành khoảng rộng ở sườn bên để du khách tiến lui chiêm bái các toà chùa của khu Tam bảo mà thụ cảm cao nhất vẻ đẹp kiến trúc cùng trang trí ngoại thất. Vườn hoa vườn cảnh ở khu trước chùa, trừ những cây to ổn định, nếu trước kia có hai bồn hoa nhỏ ở hai bên, giành khoảng giữa làm đường chính đạo vào thăớng gian giữa tiền đường; thì giờ đây khoảng trống ấy phía ngoài là bồn hoa, phía trong là bể non bộ, du khách đi vòng sang hai bên cho lòng tĩnh tại. Trước miếu Sơn thần cũng thế.
    Ngoài những bồn cây cảnh nhỏ, sân vườn quanh khu Tam bảo là cả một vườn cây vườn cảnh không rậm rạp huyền bí, không cao trội che trùm kiến trúc, mà vừa độ để cùng kiến trúc tôn nhau lên, thâaas thoáng song rõ ràng, đủ râm mát để vẽ hoa nắng trên sân vườn, có màu xanh tán lá bên màu nâu tường mà mái, có những cành cây vươn uốn tự nhiên bên những mép tường, cạnh cửa thăớng tắp và những diềm mái uốn nhẹ bên những hoa đao vút cong duyên dáng.
    Hệ cây xanh ở chùa Tây Phương nếu kể đầy đủ phải tính từ chân núi lên đỉnh để rồi vào khuôn viên chùa. Mở đầu là cây đa cổ thụ ở bờ đầm Cầu Đá, nó xum xuê, vươn dài cành lá, buông rủ rễ thành thân phụ song hành chắc chắn. Cây đa vừa là hình ảnh của những làng quê văn hoá, vừa liên tưởng đến cây bồ đề mà đức Phật đã ngồi thiền tìm lẽ giải thoát cho kiếp đời khổ ải. Rồi quanh núi và bao lấy khuôn viên chùa là bạt ngàn tre - mai - vầu vươn thăớng nhưng lả lướt, lòng rỗng và trong trắng biểu hiện "tâm không" nhà Phật, cũng là cái bản thể tuyệt đối chung nhất của muôn loài. Trong sân vườn nhiều nhất là cây đại, thân cành mọc rất tự nhiên như sự giác ngộ vượt khỏi mọi sự giàng buộc, mùa đông lá rụng thì tua tủa sừng hươu nhú bọng nhung vươn lên nhận sinh lực của trời cha truyền cho đất mẹ,. mùa hạ thì rợp lá xanh điểm hoa trắng vàng ngan ngát hương thiêng, nó là cây chăm-pa của người Chàm và người Lào, xem như hình đất nước hồn dân tộc mà họ thờ trọng vọng. Đó đây còn một số cây mít với tên chữ là ba-la-mật hàm chứ một sự huyền bí thiêng liêng, ở tiếng Phạn có nghĩa là đến bờ giác ngộ, vì thế các tượng thờ đều phải tạc bằng gỗ mít. Lại cả cây sung có tên chữ là vô-ưu, biểu hiện sự thoát tục, bỏ được hết mọi ưu tư phiền muộn. Rồi thông reo mang theo sự thông hiểu tận cùng của trí tuệ, nó thanh cao, vượt lên mọi gian khó cuộc đời.
    Cây xanh còn len lỏi vào không gian nội thất. Giữa các toà chùa Hạ - chùa Trung - chùa Thượng là những khoảng sân hẹp có bể nước với nhiều chậu cảnh, bồn hoa làm cái gạch nối tự nhiên, đóng mà vẫn mở, chan hoà nghệ thuật với cuộc đời.
    Ba toà chùa song hành tách bạch, toà trước và sau 5 gian, bố cục mặt bằng chữ Tam (º ) là một sáng tạo độc đáo, tuy trước đó đã có tiền để ở chùa Thày (Hà Tây) với chữ Nhất (- ) sau chữ Công (I). Nhưng đầu hồi các toà nhà thò thụt này lại được xây tường nối với nhau nên nhìn bên ngoài mang dạng chữ Công. Đây là một hướng đi đổi mới trong truyền thống. Nhìn chéo ở sườn bên, tường và mái chùa cứ lô xô, cái hữu hạn gợi ra sự động vui vô hạn. Cả ba chùa lại đều làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, toà giữa rộng và cao hơn một chút, phá đi sự lặp lại đơn điệu mà vẫn thống nhất chặt chẽ, vừa tạo cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát, vừa tạo sự đông vui nhộn nhịp. Cả một hệ thống hoa đao chen chúc vươn lên, tua tủa những đầu rồng, phụ hoạ vào là những cặp lân - rồng đón đầu nhau trên bờ giải như đấu trí đua tài. Các mảng mái mũi ngói nhấp nhô như sóng nước rập rờn xô đuổi, dàn ra cho đến cạnh mép gặp nhau được khuôn lại bằng những đường bờ nóc, bờ giải sắc cạnh song lại trổ hoa thủng như dải đăng ten sang trọng. Các lá mái lan nhô ra thì phía dưới mái lại thụt vào thẫm tối, đối lập để cùng nổi bật.
    Phần mái động rộn thì phần tường lại tĩnh lặng, dựng đứng chững chạc. Ngược lại với các đường mũ tường và cạnh cửa được quét vữa trát vôi như những nẹp viền trắng làm khung ghìm giữ, cả mảng tường được xây gạch Bát tràng già đanh đỏ xẫm với những mạch vữa dày vuốt cong vỏ măng, tạo thành hệ thống vạch ngang song hành đưa tầm mắt mở rộng sang hai bên, bề thế, chắc chắn. Nét sáng tạo rất riêng là giữa các mảng tường vuông và chữ nhật lại được trổ một cửa tròn, là sự kết hợp âm - dương, quy - củ mang tính mẫu mực cả trong nghệ thuật và cuộc sống. Trong lòng cửa sổ được ***g 4 hình tròn tạo ra các vành khăn bằng nhau, cắt dọc cứ nửa đặc gắn với nửa rỗng, cái hư kết hợp với cái thực tạo thành một cấu trúc hoàn hảo, gắn với tư tưởng Phật giáo được gọi là cửa sổ sắc sắc - không không. Bó nền của cả khu Tam bảo là những khối đá ong đẽo gọt vuông thành sắc cạnh, mặt đanh nâu nhưng lỗ chỗ, đằm mà xốp.
  9. quocanh_uk

    quocanh_uk Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/10/2005
    Bài viết:
    1.277
    Đã được thích:
    0
    (tiếp bài trên)
    Bản thân các mảng khối kiến trúc đã là sự trang trí, các phần gỗ lộ ra, từ khu đĩ - rốn nhện ở nóc hồi với diềm mái và đầu bẩy đều được trang trí những hình trạm nhất quán, nhẹ nhàng, tươi rói như băng hoa làm duyên. Ơở diện to nổi bật là ván gió khu đĩ của 2 toà ngoài và trong đều nhấn mạnh chiếc lá nhiều thuỳ, còn ở mặt giữa là mặt hổ phù. Những đề tài này sẽ được lặp lại nhiều lần ở nội thất.
    Ra vào khu Tam bảo có hệ thống cửa bức bàn ở ba gian toà chùa ngoài phía trước, hoặc những cửa phụ ở hồi bên. Trong nội thất dù đóng kín cửa vẫn sáng thoáng, chăớng những nhờ hai sân hẹp mở ra khoảng trời nhỏ lấy ánh sáng và gió từ trên cao rọi xuống, còn nhờ hệ thống cửa sổ thông ngang với ngoài. Trong mỗi sân thiên tỉnh lại có một bể nước vừa là gương hắt sáng, vừa là chiếc máy điều hoà giữ cho trong chùa có một ôn độ cần thiết để bảo dưỡng bộ khung chùa và các hiện vật bằng gỗ, nhất là hệ tượng.
    Tam bảo được dựng trên khu đất rộng hơn 18m và sâu hơn 25m. Hai toà ngoài và trong đều cao 6m, lòng (giữa hai dãy cột quân) rộng hơn 5m, trong khi đó toà giữa cao 7m lòng rộng 5m8, hết nền thêm 2m, đều theo kiểu chồng diêm có cấu trúc các bộ vì giống nhau là sự kết hợp chặt chẽ của các đường ngang (xà, giường, câu đầu, đầu bẩy) với cột dọc, xác định các trục tung và hoành rõ ràng, đối lập để tạo cảm giác chắc khoẻ và mạnh mẽ. Không có kẻ, đddaaf bẩy cũng nằm ngang mà trước đó mới xuất hiện rè rặt ở các cột góc Thượng điện chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), thì giờ đây được khăớng định rứt khoát nó nâng bộ mái lên cao hơn. Ngang chuyển sang dọc không cứng nhờ cái nghé ở đuôi kẻ được gọt cong gần như cung phần tư đường tròn. Cấu trúc cổ diêm ngoài nhìn vào gợi nhà hai tầng, song nội thất thông từ nền đến mái cao thoáng, cột cái vươn cao đỡ thăớng mái trên, cột quân chỉ đỡ mái dưới, thêm cột trốn ở trên xà đùi (nối đầu cột quân với bụng cột cái) để đỡ phần dưới mái trên. Như vậy trên thực tế mỗi vì có tới 6 cột, nhưng từng "tầng" thì chỉ có 4 cột, do đó kết cấu rất chắc mà không vướng, không gian nội thất đảm bảo cả hai phần cao và rộng, đáp ứng cho việc bày tượng không bị che khuất và treo cờ phướn không vướng. Các cột cái và cột quân dựng trên nền nhà dựng trên nền nhà đều được kê trên chân tảng đá không chỉ có hình tròn ở trong hình vuông, mà quanh hình tròn còn ngả xoè ra hai lớp cánh sen, khăớng định sự phát triển ở đất Phật thanh tao. Các cột quân dựng trên xà đùi cũng thông qua cái đấu tròn mang hình bông sen nở hoặc cả hồ sen. Đầu các cột trước khi đỡ hoành đều được đội cái đấu tròn chạm bông sen. Các con giường ở vì nóc chồng nhau và chồng lên câu đầu cũng đều thông qua những cái đấu chạm bông sen. Hệ thống hoa sen ở chùa Tây Phương rất phong phú, khăớng định tính chất đất Phật.
    Xà nóc là chiếc hoành cao nhất, còn tàu đao là chiếc hoành dưới cùng, không kể những hoành mái trên chiếu rọi xuống mái dưới trùng nhau, thì ở mỗi hệ thống mái trước hoặc sau của toà ngoài và toà trong có 9 hoành ứng với điềm Sinh, còn ở toà giữa có 10 hoành ứng với điềm bệnh (trong chu kỳ đời người: Sinh - Bệnh - Lão - Tử). Hệ thống rui trên hoành được gắn thanh ngang vào mộng thành các ô vuông, tạo ra cả một mảng phên liên kết chặt chẽ đỡ mái ngói, mỗi ô ngói lót được nhuộm một màu xanh - đỏ - trắng - vàng như lá cờ nhà Phật, là nét riêng chỉ có ở chùa Tây Phương.
    Hoành nằm ngang rất dài theo chiều mặt của chùa nên phải nối ở trên các vì, do đó giường đỡ hoành ở chỗ chắp được thông qua cái dép hoành có dạng con thuyền để vừa che khuất vết chắp, vừa tăng diện tiếp xúc đảm bảo độ bền vững. Riêng đầu bẩy do nằm ngang xa hoành nên đỡ thông qua cái dép hoành kép. Bụng dép hoành soi gờ kéo ra ăn nhập vào hoành, tạo sự chuyển giường dọc sang hoành ngang rất tự nhiên. Các đấu hoa sen và dép hoành ngoài giá trị chịu lực còn là hình thức trang trí. Các con giường, xà, câu đầu và đầu bẩy cơ bản được bào trơn, xoi gờ, chạy chỉ, ở phần đầu còn được chạm các guột mây và bó lá. Riêng ở nếp giữa thay hoa lá bằng rồng và hổ phù, rồng ở đầu bẩy chui qua cộtcó đuôi phía trong xoắn gắn liền mảng nghé với xà. Những bộ phận chịu lực được các trang trí trên phủ lên đã trở nên nhẹ nhõm và tươi mát. Phần chạm theo bố cục của nghệ thuật trang trí chính là các giải hồi văn trên các ván không chịu lực: Diềm lá sòi chuyển tiếp hàng mũi ngói giọt nước xuống tàu đao, trong mỗi lá sòi ở toà ngoài và toà trong là một chiếc lá nhiều thùy còn ở mặt giữa là mặt hổ phù; ván nong xà hạ nối các cột quân chạm hệ thống 3 tầng đấu chạc toả ngang, xen kẽ là hình chiếc lá nhiều thùy với mây xoắn biểu thị sự phong đăng phồn thịnh ở toà ngoài và toà trong, hoặc rồng và phượng ở toà giữa. Nếu rồng phượng biểu hiện tầng trời thì chiếc lá nhiều thùy tựa lá đu đủ, lá thầu dầu hay còn gợi lá ngô đồng dễ gây sự liên tưởng cuộc sống cộng đồng đầy đủ và giàu sang.
    Cắt dọc khu Tam bảo, 3 toà nhà lòng rộng khác nhau được tách ra bởi khoảng sân rộng chừng 2m trũng xuống một chút, phá đi sự phăớng lặng đơn điệu. Cắt ngang, các gian chùa rộng hẹp khác nhau, từ giữa ra là 3m51, 3m35 rồi 2m87 đã tập trung được sự bài trí vào tâm.
    Từ bố cục mặt bằng 3 toà nhà, mỗi toà nhà có 2 tầng mái, mỗi tầng có 4 lá mái... có người đã nghĩ đến một vũ trụ luận Tam tài (Thiên - Địa - Nhân) với sự phát triển Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, sinh Bát quái rồi biến hoá vô cùng. Nếu điều suy luận này tin được thì kiến trúc chùa Tây Phương đã ***g được ý nghĩa triết học vào trong giá trị nghệ thuật để càng đẩy cao tính nhân văn.
    Chùa Tây Phương là chùa lớn có lịch sử lâu đời, song cả chùa chỉ có một tháp mộ sư, hiện mới được xây lại ở vườn cạnh hồi bên trái khu Tam bảo, mang tên Phương viên bảo tháp. Tháp bình diện vuông, trên phần nền cao là 3 tầng thu nhỏ dần ngăn cách bởi các hàng mái có góc đao uốn cong lên. ở tầng 1 có bia dựng năm Khải Định 9 (1924). Lòng tháp có sá lị thiền sư Thanh Ngọc và di hài các thiền sư khác nhau là cụ Thanh Túc rồi cụ Phúc Hải. Tháp và tường hoa bao quanh đều được xây khá muộn (cụ Hải Tịch năm 1971). Không có tư liệu gì - kể cả trí nhớ của nhân dân về các thiền sư trước cụ Ngọc (cụ Ngọc về đây trụ trì năm 1893), thậm chí sau khi cụ Túc tịch, một thời gian dài do các ông thống trong làng quản lý, mãi sau mới có cụ Hải về. Tháp mới, song nhờ gắn với cây xanh vươn cành xoè tán ra để cùng hoà nhập đã nhân lên cả vẻ đẹp và thời gian. Cũng cần biết cây tháp mộ này tuy xây sau 1971 nhưng tiền thân của nó đã có trước năm 1943, vốn ở sát hồi toà chùa giữa khu Tam bảo.
    Trong toàn cảnh chùa cũng cần lưu ý miếu Sơn thâaaf, tuy lối kiến trúc thuộc lần sửa chữa năm 1933 nhưng ở đó có một chiều sâu văn hoá. Nếu ở nhiều chùa, tượng Đức Ông không thể thiếu, là sự kết hợp của nhân vật Cấp Cô Độc trong Phật thoại với thổ thần của dân gian, thì ở chùa Tây Phương, Thổ thần chính là Sơn thần tự tại, không cần nhận thêm chức danh nhà Phật, với hai tấm biển thờ còn treo khăớng định cả chiều sâu lịch sử và uy thế lẫm liệt. Dân gian gọi miếu này là Đền Trình càng củng cố thêm sức mạnh tín ngưỡng bản địa. Miếu 4 gian xây dọc, giành gian ngoài làm sảnh sắp lễ và ba gian trong thờ cúng, tạo chiều sâu hun hút linh thiêng, hồi sau là tường hậu xây tường bít đốc nhưng hồi trước có mái phụ tạo hoa đao uốn cong lại gợi kiến trúc truyền thống. Sự tồn tại của miếu Sơn thần - đền Trình cũng là một nét độc đáo của chùa Tây Phương.

  10. quocanh_uk

    quocanh_uk Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/10/2005
    Bài viết:
    1.277
    Đã được thích:
    0
    PHẬT ĐIỆN (ST-THƯVIỆNHOASEN)
    Mặt bằng kiến trúc chùa Tây Phương khác hẳn nhiều chùa đã dẫn đến sự sắp xếp tượng pháp cũng theo lối riêng - nhất là đối với khu Tam bảo.
    Trong sách Phật lục, Trần Trọng Kim cho chúng ta một sơ đồ bài trí tượng ở chùa Tây Phương trước Cách mạng, so với mặt bằng bài trí hiện tại, khu gian giữa với những tượng chính rất ít thay đổi, song với những tượng kết hợp và tượng ở các gian bên thì thay đổi rất nhiều: Bộ tượng Tam toà Thánh mẫu và chư vị các cô trước được thờ ở gian giữa toà chùa trong, nay chuyển sang điện mẫu ở gian bên nhà Tổ phía sau. Bộ tượng Kim Cương 8 pho trước chia đôi 4 pho thờ ở toà ngoài và 4 pho thờ ở toà trong, nay tập trung tất cả ra toà chùa ngoài. Bộ tượng Thập điện Diêm Vương trước chia ra hai hàng xếp dọc 2 tường hồi toà chùa giữa, nay chuyển về gian giữa của toà chùa trong ở quanh hương án. Bộ tượng 14 pho trước gọi là La Hán bày dàn hàng ngang theo tường hậu các gian bên của toà chùa trong, và 2 pho nữa bày ở cuối 2 hồi của toà chùa giữa, thì nay cả 16 pho được xác định là các Tổ kế đăng bày ở tường hồi và tường hậu của toà chùa trong (trừ gian giữa). Tượng hai vị thị nữ trước thờ ở gian giữa toà chùa trong, nay đưa ra toà chùa ngoài đặt cạnh Thiện Tài và Long Nữ ở hai bên pho quan Âấm trăm tay. Tượng Kỳ Đà thiên tướng, Thổ Địa và Sơn thần (có lẽ là giám trai hiện nay) trước đều thờ ở toà chùa ngoài, nay chuyển sang bày ở phía ngoài của tường hồi toà chùa giữa. Hai pho tượng hậu trước thờ ở đầu ngoài hai tường hồi toà giữa, nay chuyển về trước ban thờ Tam toà Thánh Mẫu ở nhà Tổ. Hai pho tượng Quan Âm Nam Hải và Quan Âm Tống Tử trước thờ ở gian giữa toà chùa trong, nay chuyển ra cuối đầu hồi của toà giữa.
    Những thay đổi trên xác định Phật điện có sự ổn định ở phật chính, còn phần phụ và phần kết hợp do quan niệm và nhận thức của từng thời có thể điều chỉnh cho thích hợp. Và với tinh thần trên, ngày nay nếu cần vẫn có thể điều chỉnh tiến tới có một Phật Điện hoàn hảo hơn.
    Kiến trúc chùa lớn phổ biến là kiểu "nội Công ngoại Quốc" ngoài khu Tam bảo chữ Công còn Hành lang ở hai bên và Hậu đường ở đằng sau, hay ít ra khu Tam bảo chữ Đinh, do đó có tiền đường chủ yếu bày tượng Hộ pháp nên còn gọi là chùa Hộ, có Thiêu hương cơ bản để nhà sư thắp hương ngồi tụng niệm, có Thượng điện bày hệ thống tượng Phật - Bồ Tát và những nhân vật liên quan. Mặt bằng kiến trúc chữ Tam lại đòi hỏi cách bày khác với một hệ thống tượng thích hợp.
    1. Chùa Tây Phương không có bộ tượng Hộ pháp khuyến thiện và Trừng Aác như hầu hết các chùa, vị thần tướng bảo vệ Phật pháp ở đây là Thái tử Kỳ Đà con Vua Ba Tư Nặc nước Xá Vệ. Ngài có khu vườn ở vị trí thuận tiện, lại có nhiều cây cối cho hoa quả có mùi hương u nhã, rất thích hợp cho đức Phật giảng kinh. Cư sĩ Cấp Cô Độc đã dùng vàng mua đất, còn Thái tử cúng cây, hai người cùng dâng đức Phật và quy Phật pháp. Cấp Cô Độc được giao cai quản các cảnh chùa, còn Kỳ Đà lại vâng sắc chỉ đức Phật hộ trì Phật pháp trong ba châu, trở thành Tam châu Hộ pháp. Ngài là thiên tướng, tượng được thể hiện đứng nghiêm trên những đám mây đùn cao, mặc áo giáp đội mũ trụ, hai tay chắp trước ngực theo ấn liên hoa, thanh kiếm gác trên cánh tay để ngang trước ngực. Là võ tướng nhưng thân hình phốp pháp, mặt hiền hậu, dáng uy nghi chững chạc. Mang tư cách Hộ pháp, Kỳ Đà đáng ra phải được đặt ở toà chùa ngoài, nhưng nay nhường chỗ cho bát bộ Kim Cương. Tượng Thái tử Kỳ Đà là một pho tượng "lớn như Hộ pháp" đặt ở gian hồi mái lan xuống thâaas gần chạm đầu tượng, cái không gian hạn hẹp càng làm cho tượng bức bối muốn vươn ra nhưng lại biết kiềm chế với thế đứng nghiêm gác kiếm. Ngoại hình và nội tâm của Kỳ Đà khăớng định một phong cách khác Lê và Nguyễn, thuộc một giai đoạn mới của nghệ thuật đầy sức sống là Tây Sơn.
    2. Kim Cương là lực sĩ thiên thần cầm chày kim cương hoặc một thứ vũ khí rắn, đem thần lực để hộ trì Phật pháp, tay kia đặt ở thế quyền. Chùa Tây Phương có 8 tượng Kim Cương đều đứng trên mây, trong đó 5 vị mặt đỏ, gân guốc, cương nghị và 3 vị mặt trắng nhân hậu. Bản thân tên Kim Cương đã thể hiện tính chất cứng rắn không thể phá vỡ, là vật báu quý nhất và là thứ vũ khí tốt nhâaas. Bộ tượng ở chùa Tây Phương gồm 8 pho là:
    1. Thanh Trừ Tai Kim Cương
    2. Tích Độc Thần Kim Cương
    3. Hoàng Tuỳ Cầu Kim Cương
    4. Bạch Tịnh Thuỷ Kim Cương
    5. Xích Thanh Hoả Kim Cương
    6. Định Trừ tai Kim Cương
    7. Tử Hiền Thần Kim Cương
    8. Đại Thần Lực Kim Cương
    Tất cả đều là võ tướng, chân tay và khuôn mặt đang phối hợp với nhau trong những thế võ, có cả tính cương và tính nhu, không những ngoại hình phù hợp giải phẫu cơ thể mà còn toát ra nội tâm cương nghị mà đôn hậu. Trong bài các vị La Hán chùa Tây Phương, Huy Cận đã giành khổ thơ thứ 3 để nói về các vị Kim Cương:
    Có mắt vị giương, mày nhíu xệch
    Trán như nổi sóng biển luân hồi
    Môi cong chua chát, tâm hồn héo
    Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.
    Mà đúng ra là gắn với 5 vị Kim Cương mặt đỏ - một dạng của Hộ pháp trừng ác. Còn 3 vị Kim Cương mặt trắng lại là một dạng khác của Hộ pháp khuyến thiện, theo tính chất Kim Cương phải cầm võ khí, sonh khuôn mặt bầu bĩnh, mảng khối căng nuột, võ khí cũng chỉ cầm hờ, dáng vẻ khuyến khích. Cả 8 vị kim Cương đều cao lớn hơn hăớn người thực, ngoại hình cân đối, nội tâm rất người, áo giáp bó sát thân song ống tay, mép tà và dải lụa lại rất bay và mềm mại rõ chất vải lụa. Phong cách ấy chỉ thấy ở thời Tây Sơn, trước đó chưa có, sang Nguyễn bắt chước nhưng gượng, cứng.
    3. Toà chùa ngoài với tính tiền đường, nhưng không như các chùa thông thường, ở đây gian giữa được thờ tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn với những người giúp việc là thiện tài, Long Nữ và hai Thị nữ. Nhóm tượng này được tấm bia dựng năm 1924 nói rõ là được làm ở đầu thế kỷ XX, song lại có mẫu từ vài thế kỷ trước, nó thiên về cái đẹp hiện thực đời thường. Quan Âm thiên thủ thiên nhãn vốn là vị Bồ Tát nhân hậu nhất, quảng đại từ bi, luôn thấu suốt nỗi khổ của chúng sinh để rồi ra tay cứu vớt, được mọi người thường xuyên kêu cầu. Ơở đây thờ ngài ngay toà chùa ngoài cho gần đời, mọi người vào chùa thấy ngay và do đó vơi đi nỗi khổ, nhận ngay được ý nghĩa tên chùa Sùng Phúc. Quan Âm thiên thủ ở đây có hơn trăm tay (112?), tất cả đều là những cánh tay lớn, được xếp chen chúc nhưng rất hợp lý, cân đối hai bên, cánh tay trần nõn nà, đeo vòng, bàn tay cầm vật báu hoặc kết ấn, trong đó đôi tay chính từ vai ra được kết ấn chuẩn đề ở trước ngực - do đó còn gọi là "Quan Âm chuẩn đề". Trăm tay mà như hai tay đang múa ở những thời điểm chuyển tiếp, làm cho tượng kết hợp được cả nghệ thuật không gian và nghệ thuật thời gian. Tượng lớn hơn người thực, chùa ở đỉnh núi, song đầu thập niên 90 đã bị kẻ gian lấy mất, năm 1993 được tạc lại pho khác thay thế, dù theo ảnh cũ nhưng sự bắt chước nào mà chăớng vụng dại!
    Bốn pho tượng nhỏ ở hai bên, vốn xưa chỉ có Thiện Tài và Long Nữ, còn hai pho Thị giả là chuyển từ nhà trong ra. Những pho này gần với loại tượng trang trí, được chạm khá tỉ mỉ, tinh khéo, dáng có chất hài, kết hợp được vẻ đẹp mỹ thuật với mỹ nghệ, là sự chuyển tiếp của phong cách Tây Sơn.
    Toà chùa giữa đáng ra ở nhiều chùa là toà Thiêu hương giành cho nhà sư ngồi tụng kinh trước bàn thờ đèn hương trang trọng, nếu có tượng thường là bộ Thập điện Diêm Vương bày ở hai bên tường, phía ngoài có bộ Giám Trai và Thổ Địa. ở nơi chuyển tiếp Tiền đường sang Thiêu hương. Ơở chùa Tây Phương, tình hình khác hăớn, nhà này không có chỗ hành lễ của sư tăng, toàn bộ gian giữa là phần chính của Phật điện, dọc tường của hai gian bên được bày tượng tổng hợp từ Tiền đường đến Thượng điện, nhưng bộ tượng Thập điện Diêm Vương lại chuyển vào giữa toà chùa trong.
    Phần phụ ở gian bên, ngoài tượng Thái Tử Kỳ Đà ở giữa hồi bên trái (đã nói ở trên), hai bên đối diện nhau các bộ Giám Trai và Thổ Địa ở phía ngoài, Quan Âm Nam Hải và Quan Âm Tống Tử ở phía trong. Hai tượng Quan Âm này thông thường được bày ở cuối các gian bên của toà Thượng điện để vừa trang trọng vừa gần đời.
    4. Quan Âm Nam Hải là một dạng của Quan Âm chuẩn đề hay Quan Âm thiên thủ, đặc điểm là có một con quỷ (?) nhô đầu lên mặt bể đội toà sen mà tượng ngồi. Tượng có 12 tay nên còn gọi là Quan Âm thập nhị tý, gồm một đôi tay chắp trước ngực, một đôi tay để trên đùi và 4 đôi tay xoè ngang chếch lên ở hai bên sườn, khuôn mặt trái xoan với đôi mắt khép hờ muốn thu mọi hoạt động vào nội tâm, đầu đội mũ thiên quan với những bông hoa nổi khối tươi rói, cổ cao 3 ngấn kiêu sa, thân hình thon thả, các nếp áo gấp chảy xuôi xuống nuột nà phủ lấy chân, toàn thể biểu hiện vẻ đẹp duyên dáng kín đáo của phụ nữ Việt Nam, cũng toát lên tình cảm đôn hậu tế nhị.
    Bệ tượng gồm 3 phần gắn bó hữu cơ với nhau: Phần dưới là đế biểu trưng bể nước trong hình bát giác có mặt bên chạm rồng võng lưng, được đặt trên hai câaas khối vuông mà phần chuyển tiếp làm thành bông sen, có chân đế rộng chắc chắn nhưng phần đỡ bể thu lại gọn gàng. Phần giữa là quỷ mặt người nhô đầu và giơ hai cánh tay lực lưỡng lên khỏi những lớp sóng để đỡ toà sen, khối đậm nhưng bố cục thủng hở nên chắc mà thoáng. Phần trên toà sen nở xoè với những lớp cánh trơn óng ả, mập mạp. Tượng ngồi thiền trên toà sen gây được cảm giác tĩnh mà động. Với những đặc điểm tạo hình trên, tượng Quan Âm Nam Hải có phong cách gần với những tượng ở nửa đầu TK XVII, đây cũng là thời kỳ thương nghiệp phát triển mà các thuyền buôn thờ loại tượng này để được yên tâm vào lộng ra khơi. Đây là pho tượng sớm nhất hiện còn có thể gắn với đợt sửa chữa chùa và an tượng 1632 - 1635, vốn đặt ở cuối dãy hồi bên trái toà nhà giữa, nhưng đddaaf thập niên 90 đã bị mất. Năm 1993 nhà chùa cho làm lại tượng đặt trên bệ cũ, đã thêm một số chi tiết như 2 đầu rồng vươn lên chầu mũ tượng và 11 đầu người xếp thành 2 tầng trên mũ trước khi đội tượng nhỏ A Di Đà, kỹ thuật tạc có phần thô nên dáng chung hơi cứng.
    5. Đối lại với pho Quan Âm Nam Hải, ở cuối dãy hồi bên phải là tượng Quan Âm Tống Tưó, được dựa theo tượng Quan Âm toạ sơn vốn đã có từ các TK XVII - XVIII rồi cải biên theo tích truyện Thị Kính, nên còn gọi là Quan Âm Thị Kính phổ biến ở thời Nguyễn. Thực ra đây là một nhóm tượng, nhân vật chính là tiểu Kính Tâm mang hình một thôn nữ Việt Nam đôn hậu, thủy chung nhưng do dồn nén oan khiên nên khuôn mặt trầm ngâm, đau đáu, ngồi khẽ khàng trên những mỏm đá, buông thõng cả hai chân để trên mặt đất, hai tay bế một đứa trẻ bé tí (mới tạc lại). Đầu tượng đội mũ lại được trùm khăn như đầu chim, mình mặc yếm, áo dài, váy là trang phục ngày hội của bình dân, do đó trang nhã mà thân quen. Là Quan Âm nên hai bên nhích về đằng trưuwows có cặp tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ đứng theo quy tắc "tả nam, hữu nữ", là những tượng nhỏ mang tính mỹ nghệ tinh khéo và vui như để trang trí. Phía sau vai phải của Quan Âm có thêm con vẹt đậu trên cành cây là hoá thân của Thiện Sĩ - người chồng cũ của Thị Kính. Nhóm tượng này được tạc ở thời Nguyễn muộn, trong cách tạo tượng đã mang theo cái thẩm mỹ mới của nông dân về sự cân đối nuột mịn, tỉa tót.
    6. Đầu dãy hồi bên trái của toà giữa là tượng Giám Trai. Đây là vị Thần trông coi việc ăn uống của các sư tăng, cũng được xếp vào hàng Bồ Tát. Trong các chùa từ thời Lê về trước chưa thấy tượng Giám Trai, nhưng lại rất phổ biến trong các chùa thời Nguyễn. Theo Từ điển Phật học Hán Việt thì tượng Giám Trai mặt xanh, tóc đỏ có nghĩa là một hình dạng kỳ dị dễ gây ấn tượng sợ. Nhưng tượng Giám Trai ở các chùa Việt Nam đều rất người, bình dị, thân thuộc, có nơi mang dáng dấp một ông quan, nơi lại có dáng phong nhã tu hành, hoặc một người được bầu Hậu Phật. Giám Trai chùa Tây Phương mang hình một ông quan văn ngồi trên bục, đầu đội mũ cánh chuồn, mặt đầy đặn đôn hậu, mặc áo thụng, ngực đeo đai, chân đi hài, tay đặt trên đùi nhưng giấu trong ống tay áo cầm dựng đứng chiếc hốt, tay trái để úp tự nhiên bàn tay trên đầu gối. Các nếp áo sóng mượt, mũ và nửa trên áo chạm mây xoắn có tua bay ra và long mã trên sóng nước. Tượng có thân hình cân đối, lớn hơn người thực, mảng khối căng đẫy, trang trí vừa phải, tạo hình gần gũi với những Kim Cương mặt trắng, là tượng Giám Trai thuộc loại sớm nhất còn thấy.
    7. Đối diện với Giám Trai ở bên phải là Tượng Thổ địa lớn như người thực, ngồi cân đối trên bục, hai chân buông thõng, hai tay để ngửa trên đầu gối, trong đó tay trái cầm dựng đứng chiếc hốt. Đầu tượng đội mũ cánh chuồn nhưng hai cánh lại uốn cong xuống vai, khuôn mặt chữ Điền phương phi, mắt và lông mày xếch lên, dáng trang nghiêm, bộ râu dày và dài đến bụng càng làm tăng vẻ bệ vệ, song trong dáng quan phụ mẫu lại rất đôn hậu và dịu hiền. Các nếp áo chảy mềm mại, y phục trang trí rồng, mây và sóng thêm một ít hồi văn chữ nhân, tcả dàn ra vừa phải. Trong mẫu tượng Thổ Địa ở các chùa Việt Nam, hình ảnh chung là một quan võ nghiên nghị, thì ở chùa Tây Phương chỉ có bộ râu là tương đồng nhưng không bạc trắng. Tượng Thổ Địa có phong cách như Giám Trai, thuộc loại sớm của đề tài này.
    Toà chùa trong giành các gian bên để bày hệ thống tượng 16 vị Tổ Kế đăng, mang tính chất nhà hậu đường, nhưng lại giành gian giữa vừa bày những tượng quan trọng nhất của Phật điện, vừa bày bộ tượng Thập điện Diêm Vương. Chúng tôi giành riêng chương sau giới thiệu các vị Tổ kế đăng, cũng chuyển các tượng Tam Thế và A Di Đà vào phần Phật điện chính, ở đây xin trình bày về bộ Thập điện Diêm Vương.
    8. Bộ tượng này vốn được bày dọc hai tường hồi toà chùa giữa, nhưng về sau được chuyển đến vị trí hiện nay, tức ở giữa Phật điện chính bị ngắt đôi, nên vừa trang trọng, vừa gần đời. Phật giáo coi trọng thuyết NHÂN - QUAả nó xuyên thấu cả ba đời về sự báo ứng thiện - ác, gieo hạt nào sẽ thu được quả ấy. Cửa Phật vốn từ bi, song đi đôi với tinh thần khuyến thiện được biểu hiện tập trung ở phật điện chính thì vẫn không quên trừng ác mà bộ tượng Thập Điện Diêm Vương là hình ảnh cụ thể - mà một số chùa được vẽ thành bộ tranh lại càng sinh động. Kinh Địa Tạng bản nguyện nói nhiều tới các loại địa ngục và việc truy tiến công đức, trong đó các vua cõi âm được gọi là Diêm Vương, thống lãnh cõi chết, dùng phép bình đăớng mà trị những vong hồn đã phạm tội ở dương gian, sau đó tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà cho đầu thai ở kiếp tương ứng. Mười vị Diêm Vương cai quản các điện sau:
    - Tần Quảrg Vương: Điện thứ nhất
    - Sở Giang Vương: Điện thứ hai
    - Tống Đế Vương: Điện thứ ba
    - Ngũ Quan Vương: Điện thứ tư
    - Diêm La Vương: Điện thứ năm
    - Biến Thành Vương: Điện thứ sáu
    - Thái Sơn Vương: Điện thứ bảy
    - Bình Đăớng Vương: Điện thứ tám
    - Đô Thị Vương: Điện thứ chín
    - Chuyển Luân Vương: Điện thứ mười

Chia sẻ trang này