1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Xứ Thanh kính chào quý khách: Lịch sử - Văn hoá- Địa lý - Danh lam thắng cảnh - Lễ hội - Nghề truyền

Chủ đề trong 'Thanh Hoá' bởi ke_tron_tu, 26/03/2006.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. ke_tron_tu

    ke_tron_tu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/06/2002
    Bài viết:
    3.671
    Đã được thích:
    2
    Xứ Thanh kính chào quý khách: Lịch sử - Văn hoá- Địa lý - Danh lam thắng cảnh - Lễ hội - Nghề truyền thống - Ẩm thực...Ảnh qu

    DANH LAM THẮNG CẢNH​

    Đôi nét về Thanh Hoá

    [​IMG]

    Danh lam thắng cảnh: Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời, Thanh Hoá là quê hương của nền văn hoá Ðông Sơn rực rỡ, của nhiều vị Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá nổi tiếng. Khu di tích lịch sử Lam Kinh (ở Thọ Xuân) cùng các lăng tẩm, bia mộ của các Vua và Hoàng hậu triều Lê, thành Nhà Hồ (ở Vĩnh Lộc) - công trình kiến trúc bằng đá kỳ vĩ, đến thờ - lăng Bà Triệu (ở Hậu Lộc) - thờ nữ tướng xứ Thanh đánh giặc Ðông Ngô từ những năm đầu Công nguyên... và nhiều di tích lịch sử văn hoá khác trên đất quê Thanh là những trang sử hào hùng ghi lại truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc.

    Xứ Thanh không những giàu có về các di tích lịch sử văn hoá mà còn được thiên nhiên ban tặng biết bao cảnh đẹp hiếm có. Từ Hàm Rồng kỳ thú đến Bến En hoang dã mộng mơ, suối cá " thần" hấp dẫn ở Cẩm Lương - Cẩm Thuỷ, động Từ Thức nên thơ... đặc biệt bãi biển Sầm Sơn đầy nắng gió quyến rũ du khách trong những ngày hè nóng nực. Người xứ Thanh nồng hậu, mến khách vẫn gìn giữ được sinh hoạt văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Múa đèn Ðông Sơn, trò Xuân Phả, khua luống, hội cồng chiêng cùng các điệu hò sông Mã vẫn còn xuất hiện nhiều trong các lễ hội truyền thống ở các vùng quê. Ðặc sản quê Thanh như bánh gai Tứ Trụ, chè lam Phủ Quảng, dưa hấu Mai An Tiêm, nem chua Hạc Thành, nước mắm Du Xuyên, tôm, cua, cá, mực Sầm Sơn... ai đã một lần thưởng thức thì khó mà quên được.

    Có thể nói tiềm năng du lịch của Thanh Hoá thật đa dạng và phong phú. Không một vùng đất nào của quê Thanh lại không có những nét riêng mới lạ thu hút khách du lịch. Vì vậy để đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch, khám phá nét đẹp xứ Thanh, Du lịch Thanh Hoá xin trân trọng giới thiệu với quý khách xa gần các chương trình du lịch nội tỉnh.

    [​IMG]

    -Thành phố Thanh Hoá: là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh, có lịch sử ra đời và phát triển trên 200 năm. Ðến với thành phố Thanh Hoá, khách du lịch có thể tới tham quan nhiều di tích văn hoá lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

    Cách thành phố Thanh Hoá 3 km về phía Bắc, trên trục quốc lộ 1A là quần thể danh lam thắng cảnh - di tích văn hoá lịch sử Hàm Rồng mà tương lai không xa, với dự án tổng kinh phí đầu tư 296 tỷ đồng, nơi đây sẽ trở thành khu du lịch văn hoá có tầm cỡ quốc gia. Những đồi thông ngút ngàn đan xen những thung lũng thơ mộng, bao quanh là dãy núi hình 9 khúc rồng nhấp nhô uốn lượn theo dòng sông Mã. Ðộng Long Quang trên núi đầu Rồng là nơi mà du khách có thể thả sức ngắm nhìn toàn cảnh sơn thuỷ hữu tình độc đáo. Ðộng Tiên Sơn nằm ở núi Rồng là nơi lưu giữ những kiệt tác của tạo hoá. Không những thế, giờ đây Hàm rồng còn là một bảo tàng lịch sử văn hoá đồ sộ.

    [​IMG]

    Mỗi ngọn núi, dòng sông, tấc đất, cây cầu đều trở thành một hiện vật sống ghi lại những chiến công hiển hách của quân và dân Hàm Rồng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hàm Rồng vẫn đứng vững, hiên ngang, tượng trưng cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Trên sườn núi Cánh Tiên, dòng chữ "Quyết thắng" đã làm nhụt chí kẻ thù, một Hàm Rồng chưa đầy 2 km vuông đã có tới 6 đơn vị và nhiều cá nhân Anh hùng...
    Ngoài ra, du khách có thể tới tham quan Thái Miếu nhà Lê - một hình ảnh thu nhỏ của Vương triều Lê trước sự chiêm ngưỡng, bái vọng của nhân dân. Ðền vừa được trùng tu, tôn tạo lại song cơ bản vẫn giữ nguyên nét kiến trúc mang đậm dấu ấn 2 thời kỳ hậu Lê và thời Nguyễn.

    Bảo tàng Thanh Hoá, công viên Thanh Quảng, khu văn hoá tưởng niệm Bác Hồ, nhà thờ Công giáo... cũng là những nơi dừng chân hấp dẫn của khách du lịch. Hàng năm có khoảng 100.000 khách tới thành phố Thanh Hoá tham quan, du lịch trong đó khoảng 2.400 khách quốc tế.
  2. ke_tron_tu

    ke_tron_tu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/06/2002
    Bài viết:
    3.671
    Đã được thích:
    2
    Phát hiện 1 hang động đẹp nhất ở Thanh Hoá​
    Nhân dân xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa vừa phát hiện một hang động được coi là đẹp nhất từ trước tới nay ở Thanh Hóa, được tạm gọi là động Tiên Sơn. Động ăn sâu vào trong lòng núi đá vôi hàng kilômet, bên trong có cảnh quan đẹp, còn nguyên vẻ hoang sơ với nhiều nhũ đá vôi có hình thù khác nhau .
    Theo nhiều khách tham quan, cảnh đẹp trong động Tiên Sơn có thể sánh ngang với động Thiên Cung ở Hạ Long và Phong Nha ở Quảng Bình với các nhũ đá xếp thành hình như: hình Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi thiền trên tòa sen, đàn đá, hình các loài vật, thác bạc, giếng ngọc...
    Ngoài động Tiên Sơn vừa được phát hiện, ở xã Vĩnh An còn có bốn hang động khác. Quần thể hang động này nằm trong vùng di tích ở huyện Vĩnh Lộc gồm thành nhà Hồ, phủ chúa Trịnh, đền Hàn... là tiềm năng lớn để tỉnh Thanh Hóa phát triển du lịch.
    Hiện nay nhân dân và khách thập phương đang nô nức kéo về tham quan động Tiên Sơn. Tuy nhiên các cấp, các ngành có liên quan vẫn chưa có biện pháp quản lý để khai thác hiệu quả điểm du lịch này.
    THÀNH NHÀ HỒ - THANH HOÁ​
    [​IMG]
    Thành nhà Hồ hay còn được gọi là thành Tây Ðô thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, cách Hà Nội khoảng 150 km.
    Thành được xây dựng vào năm 1397 thời nhà Hồ. Thành có hình vuông, mỗi cạnh dài gần 500 mét, được xây bằng đá xanh cao khoảng 4,2 mét. Thành có 4 cửa. Cửa phía Nam rất giống cửa phía Nam thành Thăng Long. Quanh thành có hào sâu, phía trong thành là cung điện uy nghi lộng lẫy. Từ cửa Nam xây đường lát đá thẳng đến đàn Nam Giao ở Ðốn Sơn.
    Sau khi xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời triều từ Thăng Long về Tây Ðô. Nhưng nhà Hồ đã tồn tại được 7 năm (1400-1406) rồi bị nhà Minh tiêu diệt, thành Tây Ðô bị tàn phá và trở thành hoang phế.
    Trải qua gần 6 thế kỷ cho đến nay toà thành chỉ còn lại cửa phía Nam với 3 cổng vòm cuốn bằng đá xanh. Khung tường thành còn lại chỉ là những bức tường bằng đất. Các công trình trong thành không còn lại gì cả.
    NÚI ĐỌ - SÔNG CHU​
    [​IMG]
    Không cao vòi vọi, không trùng trùng điệp điệp, nghĩa là không có dáng vẻ hùng vĩ, nhưng từ buổi bình minh của loài người, cách đây hàng vạn năm, cha ông ta chọn Núi Ðọ làm nơi quần cư. Từ đó, núi Ðọ đã trở thành quê hương người Việt cổ. Núi Ðọ còn được gọi là Qui Sơn, được ngợi ca là "Linh Quy Hí Thuỷ" (Rùa thiêng uống nước) là thắng cảnh trong Bàn A thập cảnh.
    Núi Ðọ nằm bên hữu ngạn sông Chu, án ngữ những điểm nút, ngã ba của ba xã: Thiệu Tân, Thiệu Vân, Thiệu Khánh, ngã ba của sông Chu, sông Mã, hai con sông lớn nhất của tỉnh Thanh Hoá. Cùng với núi Bàn A (Núi Vồm - Thiệu Khánh) - Cồn Chân Tiên (Thiệu Tân) tạo ra thế chân kiềng vững chãi.
    Núi Ðọ chiếm không gian không lớn trong quần thể, nhưng có cấu tạo địa chất đặc biệt mà các núi khác xung quanh không có. Một đặc điểm rất dễ nhìn thấy của đá Núi Ðọ là cứng rắn sắc cạnh hơn nhiều lần các loại đá xung quanh như đá vôi, đá lớp.
    Cha ông ta đã biết điều đó từ rất sớm, nên đã sử dụng chúng làm công cụ lao động - Những chiếc mảnh tước, rìu tay... được lấy từ đá Núi Ðọ từng giúp cộng đồng duy trì và phát triển, vượt qua thời đại đồ đồng với nền văn hóa Ðông Sơn rực rỡ.
    Ðất Thiệu Hoá ôm trọn đôi bờ hạ lưu sông Chu. Như bao nhiêu con sông khác, từ ngàn vạn đời nay, sông Chu cần cù chuyển tải phù sa đắp lên những bãi bồi tít tắp, những cánh đồng thẳng cánh cò bay để cho ta những mùa vàng bội thu.
    Ði ngược thượng nguồn, các nhà khoa học đã phát hiện phần lớn lưu vực sông Chu nằm trong các khối đá mác-ma mà ta thường gọi là đá hoa cương, như những khối bê tông khổng lồ được cấu tạo từ những nguyên liệu hết sức bền vững, nhất là về mặt hoá học. Dọc theo các dòng chảy chỉ gặp một vài ngọn núi đá vôi lẻ tẻ, đặc biệt không có các nguyên tố độc hại như ac sen, thuỷ ngân... Chính nhờ những yếu tố đó sông Chu được coi là một trong số rất ít con sông của nước ta có nguồn nước ngọt nhất, sạch nhất và mềm nhất.
    Sông Chu núi Ðọ còn là huyền thoại của Thiệu Hoá.
    Khi đến địa phận núi Ðọ, sông Chu mềm mại đổi hướng về phía Bắc, âu yếm ôm lấy chân núi, tạo ra các bãi bồi tít tắp của xã Thiệu Nguyên và Thiệu Tân.
    Nhưng đến địa phận núi Trịnh, núi Vồm, sông Chu lừng lững chảy thẳng giữa hai dãy núi để sớm được hoà vào sông Mã cùng đi đến biển Ðông.
    Núi Ðọ kiên trinh vững vàng là thế, sông Chu ngọt ngào là thế - Ðứng trên đỉnh núi như thấy được cha ông vẫn ngày đêm nâng đỡ ta lên để được gần trời cao hơn. Ngắm nhìn dòng nước sông Chu lúc nào cũng vội vàng hối hả như thấy các bậc tiền bối luôn giục giã trên bước đường ta đi tới đại dương.
    HUYỀN THOẠI VỀ CÁ THẦN SUỐI NGỌC​
    [​IMG]
    Tại làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) có một ''''''''mó'''''''' nước ngầm từ trong lòng núi chảy ra, tạo thành một dòng suối mà đồng bào Mường ở đây gọi là suối Ngọc. Điều đặc biệt là trong dòng suối, đoạn sát ''''''''mó'''''''' nước chảy ra có một đàn cá lạ có tới vài ngàn con chen chúc bơi lội, chật cả lòng suối.
    Tương truyền đàn cá này có từ thời thượng cổ, được dân địa phương coi là cá '''''''' Thần'''''''', mang lại điều lành cho dân làng. Các chuyên gia nghiên cứu về cá trong và ngoài nước đều chưa xác định đây là loại cá gì. Nhìn bằngmắt thường thì cá ''''''''Thần'''''''' suối Ngọc giống như cá trắm, cá chày nhưng điều khác là mồm và các vây cá màu đỏ, vẩy cá màu nâu. Con cá to nhất dài chừng 0,7m trọng lượng khoảng 5 kg, thông thường thì từ 1,5 - 2 kg. Ðây là suối cá tự nhiên, có tới hàng ngàn con cá. Mỗi con cá nặng từ 2 đến 8 kg, có cá chúa nặng tới 30 kg. Ban ngày cá ra suối Ngọc bơi lội, đùa vui cùng với người, tối đến lại vào hang. Cửa hang không rộng lắm, chỉ lọt một người vào. Dân ở đây không ăn thịt cá và phong là "cá thần". Liền kề khu vực này có động Cây Ðăng rất đẹp, có thể ví như động Từ Thức (Nga Sơn). Bên bờ suối là bản Ngọc - một bản làng của người Mường với những sinh hoạt, phong tục tập quán còn mang đậm cốt cách của người Mường với các lễ hội cồng chiêng, xắc bùa và đặc sản cơm lam, rượu cần.
    Suối "cá thần" cùng hang động, bản làng dân tộc ở đây làm cho phong cảnh hữu tình, rất thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái, ngắm cảnh và tìm hiểu văn hoá dân tộc Việt Nam, mỗi năm thường có khoảng 3 ngàn khách du lịch tới tham quan.
    ''''''''Mó cá'''''''' suối Ngọc cùng với động Tiên trong núi Cô Tiên và bản sắc văn hoá truyền thống còn đậm nét của đồng bào Mường làng Lương Ngọc đã giúp nơi đây trở thành một cụm du lịch sinh thái văn hoá độc đáo...Mỗi năm thu hút hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, chiêm ngưỡng.
    CỤM DI TÍCH NGA SƠN​
    [​IMG]
    Từ thành phố Thanh Hóa, với cung đường khoảng 40 km, du khách có thể thăm cụm di tích thắng cảnh Nga Sơn - vùng đất của huyền thoại với một loạt các di tích thắng cảnh gần kề nhau: Ðộng Từ Thức, động Bạch á, chùa Tiên, Phủ Trèo, cửa Thần Phù, Mai An Tiêm, hồ Ðồng Vụa, vườn Ðào Tiên. Ðộng Từ Thức gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp Tiên - được ca ngợi là "Nam thiên đệ nhị động". Từ Thức là một quan tri huyện, thích rượu, thích cờ và say mê nghệ thuật. Trong một cuộc du ngoạn đã gặp nàng giáng Hương và lên cõi tiên để kết hôn cùng nàng. Ðộng Bích Ðào (hang Từ Thức) đúng là một cõi tiên, có kho tiền, đụn bạc, kho muối, kho gạo, có đủ các thứ cây ăn quả, có đủ dê, lợn, bò, trâu... càng vào trong phong cảnh càng đẹp, có mâm xôi, đầu rồng, cánh phượng, chân hạc, bàn cờ tiên, ao bèo, đường lên trời, đường xuống âm phủ....Thật là muôn màu, muôn vẻ lạ lùng.
    VƯỜN QUỐC GIA BẾN EN​
    [​IMG]
    Vườn quốc gia Bến En - Như ThanhThuộc huyện Như Thanh cách thành phố Thanh Hoá 36 km về phía Tây Nam. Ðây là quần thể núi, sông, hồ, rộng 16.634 ha với nhiều loài động thực vật phong phú và quý hiếm như voi, gấu, hổ, khỉ... và những cây lim ngàn tuổi nhiều người ôm không xuể; cùng trăm loại cây khác như lát hoa, chò chỉ, ngù hương, săng lẻ rất thích hợp cho loại hình du lịch sinh thái. Du khách có thể du thuyền ngắm cảnh trên 4.000 ha mặt hồ với 21 hòn đảo lớn nhỏ cùng những cảnh quan kỳ thú.
    Dãy núi đá Hải Vân với nhiều hang động đẹp như hang Ngọc, hang Cận cùng với hang Lò cao kháng chiến Hải Vân - nơi đây dưới sự chỉ huy của giáo sư viện sỹ Trần Ðại Nghĩa, mẻ gang đầu tiên của Việt Nam ra đời để sản xuất vũ khí góp phần tạo nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ lẫy lừng đều là những điểm du lịch hấp dẫn.
  3. ke_tron_tu

    ke_tron_tu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/06/2002
    Bài viết:
    3.671
    Đã được thích:
    2
    LỄ HỘI VĂN HOÁ
    Để góp phần nâng cao hình ảnh của quê hương Thanh Hoá và nhằm giúp đỡ cho tất cả mọi người con của quê hương xứ Thanh, vì điều kiện xa quê không thể về thăm nhà, hoặc tới tất cả các du khách trên mọi miền đất nước cũng như những vị khách quốc tế khi có dịp về thăm quê hương của vị anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi, Tasmalakan xin phép mọi người được tiếp tục sau hai topic về Văn hoá, ẩm thực với danh thắng và làng nghề truyền thống Thanh Hoá, bằng một topic mới mang tên :LỄ HỘI VĂN HOÁ XỨ THANH. Thông qua topic này , cá nhân tôi muốn giới thiệu tới tất cả các bạn dù là những người dân Thanh Hoá hay là các vị khách từ mọi miền khắp đất nước và dĩ nhiên là cả các bạn bè quốc tế, có dịp đến với Thanh Hoá, sẽ được thưởng ngoạn các lễ hội văn hoá truyền thống - một món ăn tinh thần không thể thiếu của không chỉ nhân dân Thanh Hoá, mà cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam ở 63 tỉnh thành còn lại trên cả nước! Hy vọng những đóng góp nhỏ bé của cá nhân Tasma - một người con Thanh Hoá, sẽ mang lại cho các bạn những giờ phút thật vui vẻ và hạnh phúc!
    Đến với Thanh Hoá, đến với các lễ hội truyền thống của xứ Thanh, các bạn sẽ hiểu nhiều khám phá mới mẻ về Quê hương - Đất nước - Con người Việt nam.
    ( trích từ bài của Tasmalakan )
    ĐÊM HỘI PỒN PÔNG​
    [​IMG]
    Pồn Pôông có nghĩa là cuộc vui, nhảy múa, ca hát mừng hoa, chơi hoa được tổ chức vào mùa xuân. Đây là hình thức nghệ thuật tổng hợp bao gồm múa hát, diễn xướng, sân khấu, trang trí, tín ngưỡng thông qua các làn điệu dân ca xường rang, bọ mẹng, xéc bùa... Người Mường lại tổ chức trò diễn Pồn Pôông nhằm mục đích gì? Hỏi chuyện Nhà thơ Vương Anh, dân tộc Mường, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thông tin (VHTT) Thanh Hoá thì được biết: Pồn Pôông thể hiện mong ước mùa màng bội thu, bản mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc.
    Trò Pồn Pôông diễn ra xung quanh cây hoa kết bằng hoa gỗ. Các bông hoa được cắt từ cây bạng, theo hình loa kèn, xếp cuốn như bông cúc, nhuộm xanh đỏ vàng, cắm vào các chẽ hoa, nhiều chẽ được xếp, xâu lại thành cành hoa, nhiều cành cắm lại thành tầng cây. Mỗi cành có từ 400 đến 1070 hoa. Mỗi cây có từ 5 đến 12 cành hoa. Các bông hoa tượng trưng cho lúa, ngô, khoai, bầu bí, trâu bò, sự sinh sản, cây rừng... Ngoài ra, trên cây hoa còn treo hình con gà, chim, cò, hươu nai, lợn gà đẽo bằng gỗ, nào cày bừa, nào cuốc xẻng, dao, liềm, mũi tên, áo mũ...Tuỳ theo tài năng, thâm niên của bà máy (người tổ chức trò diễn, cũng là người có tài bốc thuốc chữa bệnh) trong việc cứu nhân độ thế mà cây bông có nhiều tầng hay ít, cao nhất là 12 tầng.
    Bên cạnh cây hoa là bàn để rượu cần và các mâm cỗ lễ với các món ăn truyền thống của người Mường trong dịp tết lễ như canh uôi, canh đắng.
    Trò diễn Pồn Pôông có hai phần, phần lễ và phần diễn trò, múa hát quanh cây hoa. Một hồi chiêng trống nổi lên, bà máy bắt đầu làm lễ khấn ma nổ, rước ma nổ, rước vua, thần linh, tổ tiên về chơi hoa. Bà máy chủ trì cuộc Pồn Pôông hôm nay là bà Phạm Thị Tắng, người làng Lơ, xã Cao Ngọc, Quang Trung, từng đã có 37 năm làm nghề bốc thuốc nam chữa bệnh, bà cũng là người thông thạo tất cả các trò diễn Pồn Pôông. Sau bài khấn, bà máy dẫn đầu đoàn các con mày gồm nam nữ thanh niên, những người tham dự Pồn Pôông ra phía cổng rước ma nổ về bằng xường rang (dân ca Mường), bằng các điệu múa mang tính chất lễ nghi tín ngưỡng.
    Theo nhạc cồng chiêng, mọi người tham dự cuộc chơi, bắt đầu hát múa xung quanh cây hoa. Con trai con gái hát dạo những bài xường, rang để xin vào chơi hoa. Bà máy hát mời, lựa người tài giỏi xường rang từ đám người xin vào chơi. Nếu đồng ý cho tham gia cuộc chơi, bà tung dây rặng (là dải lụa màu xanh, hoặc đỏ dài 1,5m đến 2m), quàng vào cổ người được chọn. Nếu khéo ca, lời đẹp thì người vào chơi càng đông. Lời ca nói đến hoa quả, hoa đời - cụ thể như ngô, lúa, sắn, khoai và cả nụ cười, gương mặt của con người cũng là bông hoa đẹp nhất. Họ múa những điệu múa mô phỏng các động tác trong quá trình lao động, vui chơi như phát nương làm rẫy, làm cửa, làm nhà, trồng bông, dệt vải, săn bắt thú rừng, thả lưới quăng chài, đánh e, đánh mảng, chơi chấp, ném còn, leo dây..Họ vừa múa hát vừa đùa nghịch, vui nhộn. Có thể coi đây là vòng xoè hoa, múa hoa của người Mường, vừa múa tung khăn vừa hát vừa diễn trò. Trong vòng múa bông này, mỗi người là một diễn viên độc diễn xung quanh cây hoa, lôi kéo mọi người từ già đến trẻ, từ các bản xa, mường gần tụ hội về quanh cây bông. Tất cả các tình tiết trong trò Pồn Pôông, ai cũng có thể bổ sung, sáng tạo lại. Các nghệ nhân thi đua nhau diễn lại các tích truyện mà người Mường đã thuộc nằm lòng như truyện tình nàng Nga Hai Mối, nàng ờm, chàng Bông Hương, nàng Con Côi, truyện Hồ Lê út Lót... Đây là bốn truyện tình nổi tiếng của người Mường từ xa xưa để lại.
    Người trong cuộc thả hồn vào các loài hoa tượng trưng, hát khen hoa đẹp. Trai gái xường với nhau, múa hát đối đáp giao duyên trong âm vang cồng chiêng, và tiết tấu của ống nứa giã lên đập xuống nhịp nhàng với âm điệu lời ca, khiến cho không khí cuộc vui càng thêm rộn ràng, sôi nổi. Họ hát lên bài ca hẹn ước, dặn dò, rồi thổ lộ nỗi lòng. Âm thanh cồng chiêng cùng tiết tấu ống nứa thay đổi theo trò diễn, lúc lên bổng, lúc xuống trầm, lúc nhanh lúc chậm. Cuộc vui sau đó bước vào chặng tiếp theo với nghĩa là đã tàn một đêm hát trao duyên, trao tình, đã cạn một đêm múa hát vờn quanh mùa hoa. Lời ca của chặng này thể hiện khát vọng của con người muốn thoát ra khỏi cái vòm hoa bằng gỗ kia. Dù đêm cạn, nhưng họ lại xường, lại hát lên, ước muốn để cây hoa "sống" lại, muốn chắp cánh thêm cho cây hoa, đưa sắc hương cây hoa đến miền xa nữa. Mà trong lời hát, họ gọi miền xa ấy là nơi đẻ ra hoa, là vườn hoa vĩnh hằng ở trên trời, sắc hương ấy sẽ là tâm tình của họ, miền xa ấy là cái hy vọng tìm đến hạnh phúc và tình yêu. Họ muốn nhờ cây hoa nói hộ cho tình yêu đang trào dâng. Nên giờ đây, họ xường rang để tăng thêm sự hoà quyện tâm đầu ý hợp. Họ cùng nhau hát, vin cành hoa, ngắm hoa, chuẩn bị cho việc trao hoa, gửi hoa, hẹn nhau mùa sau gặp lại. Sắp đến giờ chia tay, họ xường thưởng hoa. Nói là xường thưởng hoa, nhưng chưa phải là bẻ cành hoa trao tay, chưa phải ôm bó hoa mà cười hớn hở. Xường nài nhau cầm tạm cành hoa xâu xấu, có khi nhún nhường không ai chịu nhận hoa này, hoa khác, khiêm tốn hát rằng tài mọn của mình chưa đáng được cầm hoa. Con trai con gái mặc trang phục dân tộc đượm màu xuân sắc, đôi má ửng hồng, nụ cười tươi rói, hát múa lượn quanh cây hoa, đua nhau ứng tác những khúc ca xường chào ra về độc đáo, vừa uống rượu cần, vừa trao tặng nhau những bông hoa hái trên cây. Lời xường rang là lời ước hẹn lần chót, rào trước đón sau để rồi chúc tụng nhau trở về vui tươi, hạnh phúc. Qua các bài hát tâm tình, trao hoa, có đôi trai gái đã dạt dào yêu thương, thề nguyền vàng đá, nhiều đôi nên vợ nên chồng sau cuộc vui mỗi độ xuân về.
    LỄ HỘI CẦU NGƯ​
    Ðược tổ chức hàng năm ở làng Diêm Phố (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc), vào cuối tháng hai âm lịch, kéo dài trong 4 ngày, thường được chuẩn bị trước hàng tháng trời với mục đích cầu mong trời yên biển lặng, thuận lợi cho mùa vụ đánh bắt cá trong năm.
    Lễ vật quan trọng là một thuyền rồng đã được làm rất công phu, trang trí đẹp đẽ và cỗ tam sinh gồm (1 con gà; thủ lợn; con vịt). Ðàn làm lễ được dựng bên bờ biển. Trên đàn có 3 cỗ kiệu, 1 thờ phật thích ca, 1 thờ Vua Thuỷ Tề và 1 thờ Tứ vị Thánh Nương. Sau khi ông chủ tế làm lễ, các dòng họ lần lượt vào lễ. Bên ngoài tổ chức các trò chơi dân gian như đánh cờ tướng, kéo co, đấu vật và hát giao duyên đối đáp nam nữ.
    Ngày cuối cùng của lễ hội dân làng kéo nhau đưa tiễn thuyền rồng dọc bờ biển về hướng Nam. Ðến địa phận cuối làng người ta tổ chức hoá thuyền rồng để cúng thần.
    LỄ HỘI ĐỀN THỜ BÀ TRIỆU​
    [​IMG]
    [​IMG]
    Bà Triệu Ẩu húy là Triệu Thị Trinh sinh ngày 2-10 năm Bính Ngọ (226), tại huyện Quân Yên quận Cửu Chân (Yên Ðịnh ngày nay). 19 tuổi bà đã có câu nói nổi tiếng: "Tôi muốn cưỡi gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Ðông đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta".
    Bà đã chiêu mộ trai tráng đánh giặc và trở thành chủ soái năm 248. Ngày nay nhiều nơi có đền thờ bà Triệu; có nơi tôn vinh là " Bà Chúa Thượng Ngàn". Lễ hội được tổ chức từ ngày 19 đến hết ngày 24 tháng hai âm lịch, trong một không gian rộng từ Ðền đến Lăng về đình Làng. Lễ Mộc dục - Tắm tượng vào ngày 18 hoặc 19 - 2 (âm lịch). Tế Phụng Nghinh với nội dung mời Vua Bà và Lục bộ triều đình về trong ngày huý kỵ của Bà. Rước Bóng- Rước bát hương Vua Bà từ đền chính đến Lăng mộ rồi rước về đình làng. Ðặc biệt ở đình làng còn diễn trò " Ngô Triệu giao quân" rất sôi nổi. Sau lễ buổi trưa, cả làng ăn đồ nguội (vì đánh trận phải ăn lương khô). Buổi chiều nấu nướng cỗ bàn để khao quân.
    Trong dịp lễ hội, dân làng còn tổ chức thi đấu vật, leo dây, thổi cơm, thi đánh cờ tướng...; làm cho lễ hội càng thêm sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng.
    LỄ HỘI PHỦ NA​
    Phủ Na thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh. Tương truyền Phủ Na thờ Bà Triệu. Lễ hội hàng năm được mở trong một thời gian dài từ 12 tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch. Lễ hội thu hút khách thập phương về dự rất đông: Tham quan thắng cảnh, thắp hương tưởng nhớ công ơn Bà Triệu, cầu mong những điều may mắn trong năm.
    LỄ HỘI ĐỀN THỜ LÊ HOÀN​
    Ðược tổ chức hàng năm từ ngày 07 đến 09/03 (âm Lịch) tại đền thờ ông ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Ngày 07/03 là ngày khai hội: Dân làng tổ chức rước kiệu Thân mẫu và bố nuôi của Vua về đền thờ Lê Hoàn. Ngày 08/03 là ngày chính kỵ. Trong đền làm lễ đại tế. Bên ngoài tổ chức các trò chơi dân gian như: Thi vật, bắn nỏ, đua thuyền,...Ngày 09/03 là ngày lễ tạ rước kiệu từ đền Lê Hoàn về làng và tan hội. Lễ hội đền thờ Lê Hoàn là hình thức tôn vinh người anh hùng dân tộc, đem lại bài học giáo dục truyền thống sâu sắc.
    LỄ HỘI LÀNG PHÚ KHÊ​
    Làng Phú Khê nay thuộc địa phận hai xã Hoằng Phú và Hoằng Quí huyện Hoằng Hoá. Lễ hội làng Phú Khê được tổ chức vào ngày rằm tháng hai âm lịch và kéo dài trong 7 ngày. Phần lễ chủ yếu là nghi thức cúng tế Thành hoàng làng-là hai bộ tướng thời Ðinh, cầu chức cho nhân khang vật thịnh.Nét đặc sắc của lễ hội làng Phú Khê là mâm cỗ phải dày 2 tầng ( do thờ 2 vị thần hoàng). Ðây cũng là lễ hội được tổ chức rất nhiều các trò chơi dân gian đặc biệt như chọi gà, bơi thuyền đập vịt, đập nồi, vật, đánh đu,đấu roi, bắt chạch trong chum, dệt vải trên thuyền v.v...Tất cả các trò chơi đều có thưởng cho người thắng cuộc. Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tham dự và vẫn được duy trì đến ngày nay.
    LỄ HỘI XUÂN PHẢ​
    Xuân Phả là tên một làng thuộc xã Xuân Trường huyện Thọ Xuân. Lễ hội Xuân Phả được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 âm lịch. Phần tế lễ được tiến hành vào chiều Mùng chín. Theo lệ cũ có các trò kéo hội, trò chạy giải, để tế Thành hoàng. Phần hội bắt đầu vào sáng mùng mười với năm trò diễn là Hoa Lang, Xiêm Thành, Ai Lao, Tú Huần và trò Ngô. Lễ hội vừa để tỏ lòng thành kính đối với Thành hoàng làng, vừa biểu hiện truyền thống văn hoá của địa phương; đã thu hút hàng ngàn lượt người đến dự.
    HỘI ĐỀN SÒNG - BỈM SƠN​
    Mở hàng năm vào ngày 15 tháng Ba Âm lịch tại đền thờ Bà chúa Liễu và ba vị ?oTam Thánh? (Nội đạo tràng) là Tả quân Thánh Nhật Quang, Hữu quân Thánh Nguyệt Quang và Tiền quân Thánh Ngọc Sư. Có các cuộc tế lễ linh đình, đám rước thánh Mẫu Liễu Hạnh do các bà và các cô đảm nhiệm, kèm theo cả cờ quạt và phường bát âm. Nhiều trò vui như: hát tuồng, hát chèo, trống quân, hát xẩm, ca trù... thi đấu vật, kéo co, đánh võ, đánh cờ và chọi gà... Phần chính của hội là hát chầu văn và lên đồng.
  4. ke_tron_tu

    ke_tron_tu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/06/2002
    Bài viết:
    3.671
    Đã được thích:
    2
    LỄ HỘI LAM KINH​
    [​IMG]
    [​IMG]
    Từ thành phố Thanh Hóa, theo tỉnh lộ 15A đi về hướng Tây 51km, ta sẽ gặp chiếc "nôi vàng". Ðó là Lam Kinh (thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân), nơi bắt đầu của thời kỳ hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, nốt nhạc đầu tiên của bản anh hùng ca đánh đuổi giặc Minh, thu giang sơn về một mối. Lam Kinh nằm trên đất huyện Thọ Xuân, một huyện đã sinh cho dân tộc hai đời Lê (Tiền Lê, Hậu Lê) - vùng đất mà cách đây gần một ngàn năm cụ tổ của Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi thấy chim bay về đậu quây quần thành bầy, quyết định san đất dựng nhà.
    Bạn đã được thưởng thức hương vị cay cay ngọt ngọt của chè lam Phủ Quảng, một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, mật mía, trộn lẫn lạc và gừng? Bạn đã được nếm cái dẻo quạnh, đen nhanh nhánh của bánh gai Tứ Trụ, cái béo ngậy, giòn thơm của cá rô Ðầm Sét rán vàng. Những sản phẩm nổi tiếng đó bạn sẽ gặp khi về Lam Kinh.
    Ở xứ Thanh không ai nói là "đến" Lam Kinh. Người ta nhắc nhau "về" Lam Kinh. Về nhà, về với khu di tích lịch sử, về với nơi khởi nguồn của những chiến tích hào hùng. Khác hẳn với những danh thắng khác, chuyến du lịch của ta chộn rộn nhịp điệu cuộc sống đương đại. Về Lam Kinh, ta bổng thấy tĩnh tâm, thư thái. Năm tháng như lùi lại. Hiện lên trong ta khung cảnh Hội thề Lũng Nhai. Một đêm năm Bính Thân (1416) 18 người con của đất nước hừng hực ý chí đứng trước đống lửa ngùn ngụt cháy, thề đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Cái màu xanh vô tận của núi rừng, xanh ngắt của sông Chu, xanh âm u của rêu phong thềm gạch đưa ta ngược dòng thời gian. Lam Kinh là đây: Chiếc "nôi vàng" của những sự tích ngọc. Chuyện về một nhà sư già mách Lê Lợi táng linh xa vào mảnh đất hình quốc ấn. Thế đất xoáy ốc, trước mặt có núi Chiêu làm hương án, tả có núi Rồng chầu về, hữu có núi Hồ chầu lại, tay phải Hồ Thuỷ, tay trái Long Sơn liên kết như chuỗi hạt châu phát ngôi Thiên tử. Chuyện về cây gươm thần do Lê Thận, người dân chài lưới trên sông dâng tặng, 10 năm theo Lê Lợi tung hoành trận mạc, để rồi sau khi đất nước thanh bình trả lại Rùa vàng làm nên sự tích Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng thủ đô. Chuyện về lá rau cải in hình quả Quốc ấn, người vợ Lê Lợi làm vườn bắt được quả ấn vàng có chữ Lê Lợi để trên lưng ấn. Chuyện về cô gái áo trắng chết nằm bên sông hóa hồ ly đánh lạc hướng kéo đàn chó ngao cùng lũ giặc Minh chạy ra khỏi nơi Lê Lợi đang ẩn nấp, cứu nhà vua một phen thoát hiểm. Chuyện về Lê Lai, lãnh tụ thứ hai của nghĩa quân, một trong số mười tám người ở Hội thề Lũng Nhai, đổi áo bào, nhận cái chết về mình, liều mình cứu chúa. Ðây là bia Vĩnh Lăng. Nhà bia vút cong mái ngói. Những cột gỗ thẳng tắp, nghiêm trang như những người chiến binh cổ đứng gác để dòng văn do ngôi sao Khuê - Nguyễn Trãi biên soạn chảy mãi vào hậu thế. Cây đa già phơ phất chòm râu và đồi Lim xào xạc kia cứ rủ bóng thời gian xuống những lăng tẩm, đền miếu, cứ điểm rơi kiên nhẫn từng chiếc lá tạo nên cung đàn trong chiều u tịch. Hàng tượng đá, voi đá, ngựa đá đứng đó trầm mặc với thế cuộc, trầm mặc với tuế nguyệt, khắc hoạ lại cho ta những mùa xuân thanh bình từ Ðông Ðô vua quan xe lọng tưng bừng trở về Lam Kinh bái yết lăng miếu.
    Dưới ngọn cờ: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo", bằng lối đánh: "Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh"... cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo năm 1418 đã kéo dài 10 năm, huy động được đông đảo sức người sức của của cả dân tộc:"Hợp trí hợp mưu", "nằm gai nếm mật" vây thành, diệt viện, giành thắng lợi vang dội ở các trận Chi Lăng, Xương Giang, Cần Trạm, tiêu diệt hàng chục vạn viện binh giặc buộc giặc Minh ở thành Đông Quan, Tây Đô, Cổ Lộc, Chí Linh phải đầu hàng. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, xưng là Thuận Thiên Hoàng đế, đặt tên nước Đại Việt, niên hiệu Thuận Thiên, đại xá thiên hạ ban: "Cáo Bình Ngô" trở thành vị Anh hùng dân tộc. Nếu lịch sử Việt Nam, các Vua Hùng được xem là ông Tổ dựng nước, Ngô Quyền được suy tôn là ông Tổ Trung Hưng, với sự nghiệp Bình Ngô thắng lợi, chấm dứt 20 năm đô hộ của giặc Minh sáng lập triều Hậu Lê (kéo dài hơn 360 năm ) mở ra thời kỳ phát triển thịnh vượng nhất của đất nước thời phong kiến tự chủ - Lê Lợi xứng đáng là ông Tổ Trung Hưng thứ 2 của dân tộc Việt Nam.
    Ðược xây dựng từ năm 1433, Lam Kinh trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Bị hỏa hoạn, bị đập phá. Những dấu tích còn lại cho ta thấy ở đây từng tồn tại một công trình kiến trúc to lớn, độc đáo, những tác phẩm điêu khắc đá tinh xảo với những cung điện thành quách như: Thành nội, thành ngoại, sân Rồng... Những thềm gạch rêu phong lặng lẽ, những chân cột đá trắng mòn mưa nắng gợi cho ta man mác nổi niềm "Tạo hóa gây chi cuộc hí trường".
    Ðặc biệt là khu mộ của các đời vua triều Lê. Nơi đây có Vĩnh Lăng, Hựu Lăng, Mục Lăng cất giữ hình hài xương thịt của Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông. Nơi yên tĩnh vĩnh hằng của cha con, ông cháu Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi. Ngày nay còn lại Bia Vĩnh Lăng (Lê Lợi) được dựng năm 1433, đây là tấm bia to nhất nước ta, cao 2,97m, rộng 1,94m, dày 0,27m; Bia Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Cách khu di tích Lam Kinh không xa là đền Lê Hoàn thuộc xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Năm 979, Ðinh Bộ Lĩnh bị sát hại, trước nguy cơ xâm lược của quân Tống, Thái hậu Dương Vân Nga đã lấy áo Hoàng bào khoác cho Lê Hoàn - Ông trở nên vị Vua sáng lập ra triều đại mới. Ðền thờ Lê Lai cách Lam Kinh 5 km là nơi thờ vị tướng đã đổi áo cứu Lê Lợi trong lúc lâm nguy, là nơi tham quan hấp dẫn của du khách.
    Ðâu rồi "Lối xưa xe ngựa"? Ðâu rồi những văn bia chứa đựng dòng văn cổ lóng lánh của các sĩ phu nổi tiếng? Về Lam Kinh, sự nghiệp hưng đế 360 năm của thời hậu Lê như được thời gian chầm chậm quay lại. Ta từng biết Lưu Bang chém rắn trắng khởi nghĩa dựng nên cơ đồ 300 năm nhà Hán (Trung Quốc). Về đây giữa chiếc "nôi vàng" ta tự hào có Lê Lợi vung gươm khởi nghĩa quét sạch giặc Minh ra khỏi non sông gấm vóc, dựng nên một triều đại cường thịnh nhất trong lịch sử dân tộc. Từ trận ra quân đầu tiên đánh "Mã Kỳ" đến trận hãm thành Ðông Quan. Từ Lạc Thuỷ (Thanh Hoá) tới núi Mã Yên (Lạng Sơn), từ mùa xuân năm Mậu Tuất (1418) đến mùa xuân năm Mậu Thân (1428) là bản hùng ca bất tử. Gió từ sông Chu vẫn thổi về khúc ca ấy. Cây cối Lam Kinh vẫn ngày đêm rì rầm hát về khúc ca ấy.
    Còn hôm nay Lam Kinh vẫn xanh ngắt, hòa xanh với các bãi bồi theo dọc sông Chu. Dòng sông vẫn cuồn cuộn ngày đêm đem nước nguồn xuôi về phía biển. Chiều trung du xứ Thanh vẫn ráng đỏ Lam Kinh. Ta ra về mà tiếng cồng chiêng, tiếng quân reo trận mạc vẫn chưa dứt. Son sắt bài văn thề Lũng Nhai. Sang sảng một Bình Ngô Ðại Cáo. Có điều gì xao xuyến trong ta. Có cái gì níu lại chân ta khiến ta cứ phải quay lại ngắm nhìn. Ðó là Lam Kinh chiếc "nôi vàng" của tất cả chúng ta.
    Hơn 600 năm đã qua đi, ngày nay Lam Kinh trở thành khu Di tích lịch sử oai hùng của dân tộc. Du khách thập phương đến đây không những chiêm ngưỡng một vùng Lam kỳ thú mà còn tự hào về một vị anh hùng hào kiệt - Đức Thí Tổ Cao Hoàng Đế - Anh hùng dân tộc Lê Lợi - của đất nước.
    Tưởng nhớ đến công lao của ông, Đảng và Nhà nước ta đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị của di tích lịch sử Lam Kinh đặc biệt quan trọng này.
    Hàng năm vào dịp tháng 8 âm lịch, lễ hội Lam Kinh là lễ hội lớn nhất trong năm trên địa bàn tỉnh, được tổ chức trong ba ngày, từ 21-23/8 (AL), thu hút khoảng 10 vạn khách tới tham quan, dâng hương tưởng niệm. Ngày giỗ của Lê Lợi (22/8/1433) được cử hành trọng thể. Tiếng cồng chiêng âm vang rừng núi. Các điệu múa dân gian: Múa Xéc bùa, múa đèn Ðông Anh, múa rồng uyển chuyển bay lượn. Các trò chơi: Ném còn, dựng cây nêu, hát trò Xuân Phả náo nức lòng người.
    LỄ HỘI BÁNH CHƯNG - BÁNH DÀY​
    Hàng năm đến ngày 12 tháng 5 âm lịch, nhân dân các làng xung quanh thị xã Sầm Sơn tổ chức lễ hội bánh chưng - bánh dày. Ðây là lễ cầu cho mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh, mưa thuận, gió hoà. Những chiếc bánh dày có đường kính 30 cm, bánh chưng mỗi cạnh 40cm được chuẩn bị công phu từ khâu chọn gạo, đậu, thịt, lá gói đến kỹ thuật chế biến, được đặt trang trọng trên những chiếc kiệu cùng dân các làng đưa về tế lễ ở khu vực đền Ðộc Cước.
    Sau nghi lễ những chiếc bánh chưng - bánh dày được các làng cùng nhau chấm giải để lựa chọn bánh làng nào ngon nhất. Lễ hội kết thúc, bánh được mang về chia cho dân trong làng cùng hưởng lộc để trong năm gặp nhiều may mắn.
    linhphi94 thích bài này.
  5. ke_tron_tu

    ke_tron_tu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/06/2002
    Bài viết:
    3.671
    Đã được thích:
    2
    CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG​
    1- Nghề làm nem chua ở thành phố Thanh Hoá
    Nem chua (quả) ở thành phố Thanh Hoá là một sản phẩm ẩm thực xuất hiện khá lâu đời, ngày nay đã trở thành món đặc sản được thị trường cả nước ưa chuộng. Nghề làm nem chua ở Thành Phố Thanh Hoá tập trung chủ yếu các phố Trường Thi, Cầu Sàng, Lò Chum, Tân Bình, Cầu Bố, Ðông Hương. Nguyên liệu làm nem rất đơn giản, gồm: Thịt lợn nạc, bì (da lợn) hạt tiêu, muối trắng, lá đinh lăng và gạo rang làm thính. Nem chua được gói trong nhiều lớp lá chuối tươi để ủ; sau từ 2 - 3 ngày là ăn được.
    Nem chua Thanh Hoá là "mồi nhậu" rất được ưa thích của mọi giới từ bình dân đến cao cấp.
    2-Chiếu cói Nga Sơn
    Nga Sơn là một huyện nằm sát biển, về phía Bắc của tỉnh Thanh Hoá. Nghề trồng cói và dệt chiếu ở đây đã có trên 150 năm. Cho đến nay, nghề dệt chiếu vẫn là nghề thủ công - chỉ dùng sợi đay, sợi cói và cái "go" 2 người trong một ngày làm chăm chỉ cũng chỉ được 4 chiếc chiếu loại to. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học đã tạo ra giống cói mới chịu mặn, chịu chua, năng suất cao, chất lượng cói đảm bảo dai, bền, dài tới 2 m. Việc đa dạng hoá chủng loại sản phẩm cói cũng đặc biệt được coi trọng. Với bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công ở đây, các sản phẩm chiếu cói, thảm cói, đồ thủ công mỹ nghệ như: làn, dép, đĩa, giỏ trang trí... bằng cói đã không chỉ làm vừa lòng khách trong tỉnh, trong nước mà khách nước ngoài cũng rất ưa chuộng.
    Tuy hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm cùng loại bằng chất liệu nhựa, mây, gỗ, tre song nhờ chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nhạy bén với thị trường, đặc biệt là sự ưu việt về giá cả, chủng loại và công dụng mà mặt hàng cói đã chiếm lĩnh được thị trường, kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng đáng kể. Ðến nay, toàn huyện đã có 3 công ty và 10 xí nghiệp, hợp tác xã chuyên sản xuất kinh doanh mặt hàng chiếu cói và các sản phẩm từ cói (chưa kể các công ty nội, ngoại thương cấp tỉnh) toàn huyện có 35% số hộ chuyên sản xuất hàng cói, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 2 triệu lá chiếu, doanh thu năm 2000 ước đạt 30 tỷ đồng, thu hút gần 2 vạn lao động.
    Người dân nơi đây còn biết tận dụng những thửa ruộng không trồng được cói để nuôi thuỷ, hải sản và đặc biệt họ còn là những hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình khi khách đến thăm quan vùng quê ngút ngàn cói mà trong tương lai không xa việc phát triển ngành nghề truyền thống chiếu cói sẽ gắn liền với việc phát triển du lịch làng nghề, du lịch sinh thái.
    3-Nghề Dệt của người Mường Thanh Hoá
    Vùng thung lũng chân núi ở miền núi và trung du Thanh Hoá là địa bàn cư trú chính của người Mường. Trước kia việc giao lưu trao đổi hàng hoá rất khó khăn. Ðể giải quyết nhu cầu vải mặc và các đồ dùng bằng vải khác, đồng bào các dân tộc Mường trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, tự tạo ra nguyên liệu để dệt vải.
    Trước đây, hầu như nhà nào cũng có một khung dệt vải, dẫu đơn sơ nhưng rất đỗi quen thuộc. Dệt Mường cũng như dệt của một số dân tộc khác, hầu như có chung một quy trình kỹ thuật; nhưng khác nhau ở tính mỹ thuật của mỗi sản phẩm. Nổi bật nhất của sản phẩm dệt Mường là nghệ thuật trang trí cạp váy với những hoa văn hình học và động vật, mà có nhà nghiên cứu cho rằng: Thể hiện của nghệ thuật từ văn hoá Ðông Sơn. Từ xa xưa trong xã hội Mường cổ truyền, nghề dệt đã trở thành một ngành sản xuất quan trọng, giữ vị trí hàng đầu trong các nghề thủ công gia đình.
    4- Nghề mộc Ðạt Tài
    Ðạt Tài là một làng lớn của xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hoá. Gọi là nghề mộc Ðạt Tài nhưng bao gồm cả hai làng Hạ Vũ (xã Hoằng Ðạt) và Hà Thái (xã Hoằng Hà). Ba làng này thuộc xã Hà Dương, tổng Bút Sơn cũ, nay thuộc xã Hoằng Ðạt và xã Hoằng Hà.
    Thợ mộc ba làng này không chỉ làm nhà, đình chùa, cung điện mà còn chạm trổ những cửa võng, hoành phi, tượng, Long, Ly, Quy, Phượng, làm kiệu, làm ngai thờ, Hạc, Ngựa thờ cho đến các loại tủ thờ hiện đại. Thợ mộc Ðạt Tài được nhiều người, nhiều nơi ca ngợi bởi cách bố cục một khung nhà từ cột, xà, rường, kẻ... cân đối hài hoà, thanh thoát và làm nghề có lương tâm. Vì thế mà người ta nói thợ Ðạt Tài làm nhà có phong cách riêng: Chỉ cần nhìn kỹ mấy đường lắp, đường sàm các kẻ ở hiên nhà, nhất là quan sát hình dáng và nét chạm có thể nhận ra nhà nào là do thợ ba làng này làm. Ngày nay tay nghề của những thợ mộc Ðạt Tài vẫn nổi tiếng trong cả tỉnh.
    5- Nghề làm đồ mỹ thuật - mỹ nghệ truyền thống
    Tại thành Phố Thanh Hoá, đã xuất hiện một cơ sở sản xuất đồ mỹ thuật - mỹ nghệ truyền thống - đó là "Công ty tu bổ di tích và xây dựng công trình văn hoá Thanh Hoá" đóng tại 148 - Tống Duy Tân. Sản phẩm chủ yếu của công ty là sản xuất đồ mỹ thuật - mỹ nghệ truyền thống và các mặt hàng gia dụng cao cấp như: Tủ, bàn, ghế,.v.v... do những thợ thủ công có tay nghề bậc cao được tuyển chọn ở các làng nghề thủ công truyền thống ở Thanh Hoá và các tỉnh bạn đảm nhận.
    Tại hội trợ quốc tế tổ chức ở Hà Nội tháng 4.2001, nhóm hàng của công ty gồm: Hương án, tượng bà Chúa Thượng Ngàn, tượng hạc, ngựa cùng bộ bàn ghế cao cấp bằng gỗ đã được tặng huy chương vàng của hội chợ và bằng khen của Bộ NN&PTNT.
    6- Nghề đan mây, tre ở Quảng Xương
    Nghề đan lát bằng mây tre ở Quảng Xương có từ lâu đời, tập trung và nổi tiếng nhất là ở vùng các xã Quảng Phong, Quảng Ninh,Quảng Ðức. Sản phẩm đan mây tre Quảng Xương rất phong phú; Rổ, rá, nia, dần, sàng v.v... Nhưng nổi tiếng nhất là thúng, mủng, ***g bàn. Dưới thời thực dân phong kiến, thúng, mủng của Quảng Xương đã có tiếng là bền, đẹp. Nét đặc biệt của đồ đan mây tre Quảng Xương là kỹ thuật hun khói để tạo độ bền, làm tăng độ bóng đảm bảo tính thẩm mỹ của sản phẩm.
    Trong những năm 70 - 80, nhiều mặt hàng mỹ thuật đan mây, tre của Quảng Xương đã có mặt ở thị trường các nước Ðông Âu. Sau một thời gian gián đoạn do thị trường tiêu thụ hẹp, hiện nay, nghề đan mây, tre Quảng Xương đang được phục hồi và phát triển.
    ( trích từ bài của anh MagicEyesinParadise )
    linhphi94 thích bài này.
  6. ke_tron_tu

    ke_tron_tu Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/06/2002
    Bài viết:
    3.671
    Đã được thích:
    2
    ẨM THỰC XỨ THANH​
    Về ẩm thực xứ Thanh: Nem chua Hạc Thành. Chè lam Phủ Quảng. Bánh gai Tứ Trụ. Cua biển, ghẹ, sò huyết, tôm, mực, cá thu, cá trà Sầm Sơn, Hải Thanh, Tĩnh Gia.
    Nhắc đến Thanh Hoá, đến hương vị quê Thanh không thể không kể đến đặc sản nem chua còn gọi là nem quả. Từng quả nem đã đại diện cho tình cảm gắn bó của người xứ Thanh lưu luyến tiễn chân du khách. Chỉ bằng bì lợn, thính, thịt lợn, gia vị, chiếc lá đinh lăng bánh tẻ quấn ngoài cùng một ít bí quyết gia truyền mà cái khối nhỏ vuông vắn có màu xanh của lá chuối, màu trắng của lạt mà làm say lòng người đến.
    Kế đến phải kể đến đặc sản tiết canh dê cùng các sản phẩm từ dê. Dê phải kén thứ dê núi ở vùng núi đá Hà Trung, Vĩnh Lộc. Với bàn tay khéo léo và kỹ thuật pha chế điêu luyện, bát tiết canh dê như một bức hoạ tuyệt vời với các gam màu xen kẽ: đỏ của tiết, xanh của rau, vàng của vừng lạc, đen xám của dê song lại rất mát, nhắm kèm với rượu ngâm mật dê thì mới hợp khẩu vị. Nhân nói về rượu, xin thưa ngon nhất phải kể đến rượu Nga Liên (Nga Sơn) được chưng cất bởi giống gạo nếp cái đã được chọn lựa cẩn thận. Nhấp một chút rượu đã có cảm giác thơm đầu lưỡi mùi nếp mới, cay của men say.... Thứ đến là rượu làng Quảng. Tuy chỉ nấu bằng gạo tẻ, song không biết là do men, do nước hay do bí quyết nhà nghề mà độ rượu rất cao, rất đậm song lại rất êm...
    Mấy năm gần đây, một số món ăn Huế đã "du nhập" vào Thanh Hoá, đặc biệt là các món ăn từ hến. Hội nghị liên hoan, gặp gỡ, sinh nhật, cải thiện cuối tuần, thậm chí nghỉ mát Sầm Sơn cũng về Thành phố - A lô ! cơm hến !. Ðây cũng là dịp để hến làng Giàng tự khẳng định một lần nữa "vị thế" sẵn có của mình trong "họ". Với sự kết hợp giữa công thức và nguyên liệu của hai miền đã làm món hến sào, cơm rang hến, canh hến nao nức lòng người. Dường như với sự khác biệt về màu sắc (hến làng Giàng có vỏ màu vàng còn loại hến khác có vỏ màu đen) đã làm cho nước hến thêm ngon, thêm trong còn ruột hến thì thơm hơn, ngậy hơn.
    Nói đến làng Giàng thì không thể không kể đến Phi Cầu Sài rất hiếm có ở các địa phương khác, rất ngon, rất mát. Thỉnh thoảng lại thấy nhớ và bất chợt thoảng nghe đâu đây tiếng rao của bà bán hàng rong "Ai phi mua !".
    Chưa hết, còn một kho đặc sản khổng lồ của xứ Thanh mà đâu đâu cũng biết đó là nguồn hải sản dọc biển Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia. Nào cua biển, ghẹ, sò huyết, tôm, mực, cá thu, cá chà... Cũng là ở biển nhưng con cua, con cá ở đây nó thơm và ngon một cách lạ lùng. Chính vì thế mà các loại mắm, nước mắm Thanh Hoá ngon nổi tiếng cả nước.
    Chớm Hè, mới tới địa phận Bắc thành phố du khách đã được chiêm ngưỡng từng "kim tự tháp" dừa xanh mọc hai bên đường "địa phận huyện Hoằng Hoá". Dường như tạo hoá đã thiên vị ban tặng cho mảnh đất Anh hùng, kiên cường trong kháng chiến loại dừa sai quả, nhiều nước và ngọt mát đến thế.
    Ai có dịp qua huyện Thọ Xuân thì không thể không mua bánh gai Tứ Trụ về làm quà. Cũng từ bột gạo nếp, đậu xanh, dừa, mỡ lợn nhưng khác là có thêm lá gai đã trở thành đặc sản Thanh Hoá. Còn sản phẩm nửa bánh, nửa kẹo nhưng lại rất hấp dẫn bởi cái cay của gừng tươi, cái thơm của bột gạo nếp, mật mía, lạc tạo nên một sản phẩm vừa cứng vừa giòn đó là Chè lam Phủ Quảng. Mà sắp tới, tỉnh đang có kế hoạch đầu tư khôi phục và phát triển sản phẩm này như một đặc sản dân tộc.
    Còn nhiều lắm, nào là cam Giàng, dứa Thạch Thành, mía Kim Tân, rồi ong Yên Khương, bánh đa cầu Bố, rượu cần dân tộc Thái... không thể kể hết được đã tạo nên một hương vị xứ Thanh rất gần gũi nhưng lại rất riêng.
    MẮM TÉP HÀ TIÊN​
    Mắm tép Hà Yên là một đặc sản quý và độc đáo ở vùng chiêm trũng xứ Thanh, nổi tiếng nhất là hai làng Ðình Trung và Yên Xá thuộc xã Hà Yên, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Từ xa xưa đã có câu Giò nạc Yên Xá, nước mắm Ðình Trung.
    Làng Ðình Trung là một làng Việt cổ, nằm ven sông Hoạt, chuyên làm nghề mắm tép. Công việc làm mắm tép đòi hỏi phải theo mùa, khi tép ngon, béo. Hằng năm cứ đến vụ cày bừa đông (tháng 11 và 12 âm lịch) cả làng ra đồng đánh tép. Dụng cụ đánh bắt tép có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất vẫn là cái riu - một dụng cụ đan bằng tre, nứa hình con tôm cong ngược, được đẩy trong nước đánh rất tiện. Chỗ nào nhiều rong rẻ và rong trơn thì mới nhiều tép ngon.
    Dân làng Ðình Trung chỉ chọn loại tép riu làm nguyên liệu chế biến nước mắm, còn tép gạo tuy to và nạc hơn nhưng khi làm mắm không ngon. Tép riu đánh về nhặt sạch rong rêu và cá tạp, để cho thật ráo nước. Cứ mười bát tép là bốn bát muối, hai bát gạo rang giã nhỏ (thính) trộn đều, cho vào chum, chĩnh hoặc vại tùy theo số lượng tép, đổ nước vừa xăm xắp, rồi đậy kín. Mắm tép để càng lâu càng ngon, nhưng nhanh nhất cũng phải sáu tháng trở lên.
    Khi nấu nước mắm, người ta cho mắm tép vào một túi vải, rồi vắt kiệt lấy nước cốt cho vào nồi nấu lên, khi đun vừa lửa, nếu muốn mắm đặc thì đun lâu hơn. Nước mắm thơm ngon cũng là một bí quyết, trong khi nấu những người dân ở đây còn cho đậu xanh rang vàng, giã nhỏ đun sôi một lúc. Khi nấu giữ độ lửa sao cho khi rót ra, mắm có ánh vàng, sóng sánh như mật ong.
    Trước đây nước mắm tép Ðình Trung được tiến vua. Xưa kia mỗi lần làm nước mắm tiến vua thì các chức sắc trong làng phải cử người đến tận khe Gia Giã, làng Cổ Ðam (vùng Bỉm Sơn bây giờ) để đánh riêng một loại tép quý, loại tép riu nhỏ, có mầu trong xanh, muối lên mầu đỏ trông thật ngon mắt. Khi nấu nước mắm cũng phải chọn người nấu giỏi nhất vùng. Ðồ dùng để muối tép gọi là ton (giỏ) hình tròn to và đều nhau, để vào trong vại hoặc chum. Miệng của ton vừa bằng ngang miệng vại, chum, rồi mới cho tép trộn thính, muối được đổ chung quanh ton. Trong thời gian muối, nước cốt của mắm ngấm sang cái ton, đến khi mắm đủ độ chín thì dùng gáo bằng nứa, múc nước cốt đã ngấm đó, rồi theo bí quyết riêng nấu nước mắm.
    LƯƠN BUNG CỦ CHUỐI​
    Từ lúc còn nhỏ, hễ gần đến Tết Trung thu tôi đã nghe cả nhà bàn tán món lươn bung củ chuối. Lươn đánh bẫy ở ao trước nhà, củ chuối đào ngoài vườn. Những con lươn to bằng ngón chân cái, da vàng ươm, óng mượt, phải trông quen mới thấy đẹp, hấp dẫn. Ông nội tôi bảo: "Rằm tháng tám, ta làm món lươn bung với củ chuối". Củ chuối phải là chuối hột mới ngon. Chọn đào củ chuối hột non, cây cao trên dưới một mét, gốc to phình. Củ thái nhỏ miếng, ngâm nước lã khoảng một giờ cho ra hết vị chát.
    Dùng tro bếp tuốt nhớt trên mình lươn, lấy lá chuối khô tuốt thêm lần nữa cho thật sạch, mổ bụng, bỏ ruột, vứt đuôi, rồi dần cho mềm, chặt ra từng khúc ngắn độ đốt ngón tay. Củ chuối ngâm vớt ra bóp mẻ cùng với lươn, thêm gia vị, vỏ quýt, mắm tôm, hành, ớt, đợi một lúc cho ngấm rồi bắc lên bếp đun. Nếu thấy ít nước thì khi lươn, chuối sôi, cho thêm một ít nước sôi. Đun nhỏ lửa vừa đủ nước sôi sình sịch. Không trộn, đảo để lươn không bị nát. Vì nấu món này cần thời gian lâu để củ chuối và lươn mềm nhừ nên người Thanh Hóa gọi là "bung", đậy kín vung. Chất tanh béo của lươn vàng hòa với chất chát hơi hơi của củ chuối hột, cộng thêm chất chua của mẻ, thơm, cay của vỏ quýt, ớt, chất ngọt của mắm tôm... tạo thành thứ hương vị đặc biệt bốc lên ngào ngạt. Lúc này mới tra thêm mắm muối cho vừa miệng và bỏ vào một ít lá lốt thái nhỏ. Quê tôi có câu:
    ... Cá rô quyện với nồi rang
    Còn như củ chuối, lươn vàng quyện nhau...

    Chỉ dịp rằm tháng tám, quê tôi mới nấu món lươn vàng củ chuối hột, trước hết vì tháng tám mưa nhiều, củ chuối non mềm, ít nhựa, lươn mát nước kiếm được nhiều mồi nên béo. Củ chuối hột non, đào lên dùng ngay, để lâu bị khô và tích nhựa. Lươn to vàng mới ngon, lươn đen, nhỏ kém ngon. Món này không cúng Tết Trung thu, chỉ để ăn. Buổi tối, trải chiếu ngoài sân, ăn cỗ tết trông trăng rằm. Các cụ thời xưa cẩn thận đánh mâm đồng sáng quắc như gương để soi mặt trăng, nhìn cho rõ. Bên mâm cỗ, kẻ nhắm nhót, người đưa cay, đợi trăng lên cao để xem trăng tỏ hay mờ, trăng tròn hay náu mà tính chuyện làm ăn. Do đó, Tết Trung thu là lễ tết quan hệ tới mùa màng nhà nông. Cỗ cúng thông thường có thịt, cá, xôi, bánh trái. Còn món nhắm rượu để ngồi lâu khề khà không gì bằng củ chuối bung lươn.
    Còn món lươn, dược học ngày nay đã công nhận nó là một vị thuốc bổ. Theo kinh nghiệm cổ truyền, lươn có tác dụng bổ âm mạnh. Các cụ xưa giải thích vì lươn kiếm ăn dưới bùn nước, ở trong hang hốc. Lươn nấu củ chuối để trung hòa cái âm tính vốn rất mạnh của nó với dương tính chuối củ thành một món ăn, thích hợp với mọi người. Các cụ còn nói: lươn thích trăng sáng; những đêm sáng trăng, lươn hay rong chơi đây đó, nên Tết Trung thu cần lươn giúp cho trăng to, vì "tỏ trăng rằm thì được lúa chiêm".
    Ngày nay quê tôi, tuy chưa phổ biến cũng đã du nhập món "lẩu lươn": lươn, rất nhiều lươn om với chuối xanh bổ dọc hoặc cà... Nhưng dầu sao, bao người vẫn không hề quên hương vị đặc biệt của nồi lươn vàng bung củ chuối hột. Mỗi khi đến tiết trung thu, tôi lại nhắc câu ví hát dân gian thuở xưa của mẹ tôi dạy:
    Đương cơn binh địa ba đào
    Ai đem củ chuối mà ngào với lươn!

    BÁNH ĐÚC SỐT​
    Bánh đúc là thứ quà dân dã, rất quen thuộc với mọi người từ làng quê đến thành thị. Nhưng riêng bánh đúc sốt thì chỉ có ở thành phố Thanh Hoá, đặc sản của làng Bào Giang, làng Cốc thuộc phường Lam Sơn.
    Gọi là bánh đúc sốt bởi vì món này phải ăn nóng. Nguyên liệu gồm bột tẻ, nước vôi trong, rau cải giã tươi, lọc bỏ hết bã, lấy nước, muối. Cả mấy thành phần trên hoà trộn với nhau. Và một nguyên liệu quan trọng nữa là đậu xanh nấu chín, đánh cho nát tơi, lúc nào ăn thì mới xúc đậu rải đều lên bát bánh.
    Khi nấu bánh chỉ đun lửa riu riu, vừa nấu vừa dùng đũa cả cỡ lớn đánh không ngơi tay. Nồi bánh nhấc xuống được ủ kín giữa ổ rơm hoặc giữa bì gai, đay quấn chung quanh trong chiếc thúng cái. Có khách ăn, bánh múc ra khói toả trùm miệng bát, nóng hôi hổi, màu bánh lại xanh như ngọc thạch do màu nước rau cải tạo nên. Đặc biệt là hương vị bánh đúc sốt thì vô cùng hấp dẫn. Thoảng nhẹ một mùi thơm ngầy ngậy béo; ấy chính là sự hoà hợp của mùi bột gạo, vôi và rau cải (cải bẹ). Đã thế lại thêm hương vị thơm bùi của đậu xanh nữa.
    CÁ MÈ SÔNG MỰC​
    Xứ Thanh có nhiều đặc sản như nem chua, chả tôm, bánh gai Tứ Trụ, chè lam Phủ Quảng? Nhưng nếu không kể đến cá mè sông Mực quả là thiếu sót. Sông Mực nằm trong vùng sông hồ mênh mông thuộc Vườn Quốc gia Bến Én, huyện Như Thanh, Thanh Hóa. Do đặc thù sinh thái phong phú, nguồn thức ăn cho cá mè dư dôi nên cá mè béo mẫm, ngầy ngậy, to con, có con nặng đến vài ba yến.
    Các món ăn cá mè được chế biến cũng rất đa dạng như: nấu lẩu, nấu om, rán? nhưng tuyệt vời nhất lại có chút hoang dã là thưởng thức cá mè luộc chín kèm theo các gia vị: khế chua, rau thơm, ớt, chuối xanh, lộc sung, giá sống?
    Các thứ trên đem cuốn lại bằng bánh đa nem. Cái béo ngầy ngậy của thịt cá mè luộc hoà hợp với vị chát của lộc sung, chuối xanh, vị chua của khế, vị ngọt của giá sông, hương dịu của rau thơm. Cuốn xong, đem chấm với bát nước mắm đặc sản xứ Thanh có đủ gia vị: tỏi, ớt, chanh, đường thì ngon tuyệt, dậy mùi, ăn một lại muốn ăn hai. Người ta dùng bánh đa nem cuốn-cá mè với các loại rau ghém kể trên rồi chấm vào bát nước mắm đặc sản của xứ Thanh có đủ gia vị ớt, chanh, tỏi, đường.
    Sau khi thỏa thích du ngoạn thăm thú Vườn Quốc gia Bến Én, chỉ mất 5-10 phút chuẩn bị là du khách đã có ngay một món ăn ngon. Cái béo ngậy nóng hổi của cá kèm với vị chát ngọt của lộc sung, chuối xanh, vị chua của khế, hương thơm dịu của rau thơm sẽ để lại cho du khách ấn tượng khó quên.Những ai đã từng một lần đến Vườn Quốc gia Bến Én, đừng quên thưởng thức các món ăn đặc sản đậm nét dân dã từ cá mè sông Mực.
    RẠM RANG​
    Ngay từ ngày còn bé xíu khi bố đi công tác ở nước ngoài , mẹ gửi chyp về quê với ông bà nội ...vào mùa gặt đứa cháu lũn cũn lúc nào cũng theo bà đi mót lúa ..cuối mùa khi nước bắt đầu lấp xấp để cày ải thì mọi người thường rủ nhau đi bắt rạm..con rạm cũng gần giống như con cua ..nếu không biết thì có thể nhầm lẫn giữa con cua và con rạm ... nhưng con rạm có màu vàng hơn và cái mai cũng mỏng hơn con cua .
    Ram bắt về có rất nhiều cách chế biến nhưng hai cách chế biến phổ thông nhất là nấu canh và rang với mẻ ...nhưng trước khi làm món rạm rang hay nấu canh thì bà bao giờ cũng bắt một con đẹp nhất buộc cọng rơm để cho cô cháu chơi ..
    Con rạm rửa sạch hết bùn đất ..nếu làm món canh rạm thì tách mai và thân ra , giã nhuyễn phần thân với một chút muối sau đó lọc lấy nước , ra ngoài vườn hái một mớ rau tập tàng vào rửa sạch thái nhỏ , bắc nồi nước rạm lên bếp , khi nồi nước sôi thì vớt phần thịt ra cho đỡ bị xác sau đó cho rau vào , nêm gia vị và tiếp tục cho thịt rạm vào ...bắc ra đậy vung lại một chút cho rau chín ..như vậy canh sẽ chín và thịt rạm không bị xác .Còn với món rạm rang thì chọn con rạm mới lột vỏ , vặt hết chân và càng cho vào niều đất .Lấy một chút mẻ và nghệ hoà lẫn lọc lấy một ít nước .Bắc nồi rạm lên bếp đảo đều tay với muối , sau đó cho nước nghệ vào mẻ vào ..đảo đều tay cho đén khi nồi rạm khô và con rạm săn lại ..bắc ra và nhâm nhi
    ( Tổng hợp từ các bài viết của anh MagicEyesinParadise, chị Tchyp, Tasmalakantuan_dan )
    Được tchyp sửa chữa / chuyển vào 13:27 ngày 01/04/2006
  7. dienthai

    dienthai Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    21/03/2006
    Bài viết:
    2.949
    Đã được thích:
    13
    Đây là đâu ở TH vậy? Có phải Thành nhà Hồ không![​IMG]
  8. dienthai

    dienthai Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    21/03/2006
    Bài viết:
    2.949
    Đã được thích:
    13
    Còn đây là thành cổ trong thị xã (TP) Thanh Hóa?
    [​IMG]
  9. nguoi_thachthanh

    nguoi_thachthanh Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    17/05/2006
    Bài viết:
    64
    Đã được thích:
    0
    AI MUỐN ĐI DU LỊCH XỨ THANH CÓ THỂ THAM KHẢO QUA ẢNH.
    [​IMG]
  10. tchyp

    tchyp Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/02/2004
    Bài viết:
    1.305
    Đã được thích:
    0
    Đặc sản nem chua
    Nem ăn ngon, có sự đảm bảo chất lượng thì mua ở hàng nem đầu phố Trường thi, trước cửa Ty Công an tp. ở đây nem có mùi thơm đặc trưng, ăn cay, ngọt, thêm cái chua dốt ở đầu lưỡi.
    Trên phố Lê Hoàn có hàng nem đảm bảo lắm về chất lượng. Hình như là nem Thắng Tuyến. Chưa thấy trường hợp đâu bụng nào khi lấy nem ở đây. Ăn đúng ngày thì ngon, ngọt, cái dai đặc trưng của nem ở đây cũng không lẫn được, nếu so sánh với loại nem phổ thông thì biết.
    Các bác nhà mình khi đi xa đều chọn cho mình một hàng nem ưng ý để làm quà, rủi chọn hàng không đảm bảo thì teo.
    Mà các khách cũng không nên mua nem chua ở dọc đường, ga tàu, cái đó chỉ dành cho người bụng khoẻ, còn không là gặp Tào tháo ngay, hay ăn phải nem có hàn the là chuyện bình thường. Hãy hỏi người Thanh hoá hay để người ta mua biếu.
    Còn nhiều hàng nem nữa nhưng em chỉ biết hàng này thôi.
    Nói đến quà từ Thanh, người ta chỉ biết đến nem chua thôi, còn thứ khác thật ít biết.
    [Ở Thành phố, cũng có rất nhiều hàng ăn sáng. Nói tới hàng ăn ngon có những địa chỉ thực khách thường lui tới như:
    Bánh cuốn:
    Kể đến nếu ăn bánh cuốn các bác chịu khó đi xuống dưới cầu Sâng. qua cầu rồi rẽ phải. đi một đoạn nữa sẽ thấy hàng bánh cuốn, bánh xèo bên tay trái. Chỉ có 2 hàng nằm cạnh nhau thôi, dễ tìm lắm. Bánh ở đây có vị dai, mềm khi cắn một miếng, nước chấm pha ngon, vị rất đặc trưng. Bánh cuốn thường ăn sau khi đã thưởng thức bánh xèo, với cái ròn đôm đốp trong miệng, béo ngậy khi cắn, rồi đến vị của nhân, nào mộc nhĩ, thịt lợn bằm, miến mằn mặn, cay của hạt tiêu, thơm của hành... rồi sau đó thưởng thức cái vì mềm mại, thanh của bánh cuốn, hành, mộc nhĩ thơm ròn, bên ngoài lớp vỏ bánh lại dai và mềm. Cảm giác ăn bánh xèo xong mà ăn bánh cuốn thì như từ xa mạc rồi lên bắc cực vậy, vừa ròn tan xong lại chuyển sang mềm mại, dai thanh. Người nào kiêng mỡ, ăn bánh cuốn mà không ăn bánh xèo thì lại thấy được cái thanh tao đến lạ. Ăn xong thấy nhiệt trong người như được giải toả đi vậy.
    Khác với bánh cuốn nơi khác, cũng không so sánh với bánh cuốn thanh trì, bánh thanh trì làm cuộn một cuộn tròn dài, còn bánh cuốn xứ Thanh lại được cuốn như những chiếc nem nhỏ, ăn vừa miệng, lại có nhiều nhân nên tạo nên cảm giác khác của nhân bánh.
    Cháo lươn
    Cháo lương Thanh hoá khác hẳn với cháo lươn Ninh Bình. Tuy nói Cháo lươn là đặc sản của Ninh Bình nhưng Cháo lươn Thanh hoá lại hoàn toàn khác.
    Nói là cháo nhưng khi bưng bát cháo ra bạn không khỏi ngạc nhiên vì nó giống như canh vậy. nước cháo không sánh mà rất loãng, khác với cháo ở Ninh Bình, nước cháo trong, Hạt gạo còn nguyên, nhưng khi đưa vào mồm cảm giác mềm mại của hạt gạo không cứng như cơm nhưng lại không mềm như những hạt gạo còn sót lại trong nồi cháo bình thường.
    Lươn được xào mềm, có vị đậm đà, dai đặc trưng của thịt lươn, thơm của hành phi mà không tanh. không xào ròn quá mà dễ ngấy, cũng không mềm quá để nhanh chán. thêm hành, ngổ xanh tạo nên mùi vị đặc trưng của món cháo lươn.
    Trên cùng là đậu phụ. Đậu phụ Thanh nếu ăn không thấy xác mà không mềm như đậu phụ của Hà nội, nhưng khi thả vào bát cháo lươn nó ngấm nước dùng thì lại có cảm giác hoàn toàn khác, không còn xác, mà mềm, ngấm vị đậm của nước dùng nhưng vẫn như còn nguyên cái vị dai dòn của vỏ đậu được rán.
    Cháo lươn ăn nóng mới ngon, ăn xong người mắc cảm cũng thấy mình nhẹ nhõm.
    Thành phố thanh hoá có quán cháo lươn ở đường quốc lộ 1, nếu đi từ phía bắc vào, qua ThanhhoaPlaza một cột đèn đỏ, từ ngã tư giao với đường Nguyễn Trãi đi ngược đường lên khoảng 50m, Hỏi hàng cháo lươn.
    Hoặc ở Phố Lê Hoàn, gần nhà văn hoá thiếu nhi (chỗ sân Balít) có quán cháo lươn cũng rất ngon, Bà quán này chỉ làm cho vui mà không kinh doanh nên làm rất ít, nếu 8 giờ mà đi ăn thì Hết.
    (Bài viết của Chotim2006)

Chia sẻ trang này