1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Xuân về với người Rục

Chủ đề trong 'Quảng Bình' bởi KienGiangriver, 28/04/2005.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. KienGiangriver

    KienGiangriver Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/02/2005
    Bài viết:
    42
    Đã được thích:
    0
    Xuân về với người Rục

    Xuân về với người Rục

    Cận Tết, chúng tôi lên bản Ơn, bản Mo Ó Ồ Ồ, bản Yên Hợp thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình để hòa cùng niềm vui Tết với đồng bào người Rục. Mưa và rét buốt. Con đường hun hút trong vách núi đá vôi dựng đứng. Chúng tôi vượt rét đến với đồng bào và gặp Trưởng bản Yên Hợp, Trần Trực, anh cười to: ?oLên kiểm tra Tết bà con phải không? Đừng lo, bản no Tết vui Tết lắm đi thôi?.

    Những hồi tưởng thời gian đã qua
    [​IMG]
    Già, trẻ đồng bào Rục nhiệt tình vỗ tay trước các tiết mục văn nghệ.
    Trần Trực nói: ?oChuyện lâu lắm rồi, hồi nớ năm 1959, mình còn nhỏ hỏn sống cùng cha mẹ trong hang, một hôm bộ đội người Kinh bắt gặp đồng bào mình trong hang, họ nói là người rừng vì không ai có áo, tóc dài ngang lưng, leo trèo nhanh lắm, thấy người lạ cả hang người bỏ chạy tán loạn vô rừng. Lúc đó bộ đội người Kinh mất ăn mất ngủ băng rừng lội suối tìm đồng bào về. Mình còn nhớ trưởng đoàn là Lê Bá Cương dẫn đầu, tìm và phát hiện đồng bào mình ở hang Cà Rưng. Lúc đó ai cũng sợ, may có một già làng người Sách đi cùng nên không lo nhiều nhưng lạ lắm, không ai dám lại gần đoàn người khác mình đâu.

    Già làng người Sách cùng bộ đội thuyết phục dân mình tròn một cái nắng (một ngày) mới rón rén đi theo bộ đội biên phòng ra thung lũng dựng lều làm rẫy. Thiếu muối bộ đội cho, thiếu gạo bộ đội cũng cho, bộ đội còn may áo quần cho mặc. Lúc đầu uống không được cái nước nấu sôi, nóng là lũ lượt bỏ vào rừng. Bộ đội lại đi tìm, lại trốn chạy. Nhưng chui lủi mãi trong rừng thì củ mài cũng hết, cái đói, cái rét hành hạ mà bộ đội thì được cái bụng gọi về cho ăn nên mọi người mon men về lại?.

    Những năm tháng chiến tranh, Trần Trực lại kể: ?oMỗi lần nghe bom nổ, người mình lại chạy lẩn vào rừng. Bộ đội biên phòng lại đi theo ăn, ở động viên thuyết phục mãi tới năm 1971 người Rục mới lũ lượt rời khỏi hang. Rồi chiến tranh đi qua, nghèo đói vồ lấy mọi người, mới ra khỏi hang, không biết chăn nuôi, trồng cây, chỉ biết bộ đội cho gì ăn nấy, dựng nhà cho thì ở chẳng biết sửa. Ba năm nhà dột thì họ hàng cùng nhau xô ngã rồi ù chạy lên hang. Bộ đội lại tất tưởi đi tìm. Đồng bào mình chẳng biết làm công cụ lao động, chỉ có cây ná, ngọn lao. Bộ đội cho cuốc, rựa, cày? nhưng không biết sửa, hư là vất nên đói vẫn hoàn đói.

    Rồi năm 1989, không biết răng dân bản Yên Hợp mình chết một lúc 36 người, cứ nghĩ con ma rừng bắt nên kéo nhau vô hang lại. May lúc đó bộ đội giải thích thuận tai, ưng bụng quay về, lại được học cái chữ. Lúc đầu cái chữ cứ loi choi, nhưng mình biết cái chữ làm cho người Rục mình hồi sinh?.

    Tết vui xuyên rừng già
    Hôm chúng tôi lên, một hình ảnh xúc động lần đầu tiên sau 46 năm phát hiện người Rục, họ được Đoàn nghệ thuật Quảng Bình lên tận nơi diễn văn nghệ phục vụ bà con đón vui Tết. Những gương mặt bà con người Rục ngạc nhiên vì lạ lẫm, áo quần chưa đủ lành lặn và bên chân họ, lũ trẻ con nhếch nhác, nhưng ai cũng háo hức nhìn những diễn viên đẹp như mơ biểu diễn văn nghệ. Họ xúm quanh sân khấu, cười nói rộn ràng, vỗ tay nhiệt liệt.

    Chị Đinh Thị Thanh vạch áo cho con bú, nói rất to: ?oMình đưa con đi từ hơn ba giờ chiều. Mừng lắm. Sáng nay nhà còn hai lon gạo, mình bảo chồng nấu cho con ăn hết để đi xem hát. Mai bộ đội cho gạo, nếp ăn Tết rồi, Tết này không sợ đói nữa. Mà chừ mình còn được xem hát, thấy nhiều thứ đẹp lắm, rứa là cái bụng mình thiệt vui, Tết này vui lắm, no lắm khi có gạo bộ đội cho?.

    Ông Cao Nhịn, Trưởng bản Ơn xuýt xoa: ?oSướng quá cán bộ ạ, mấy năm nay chỉ biết coi ti vi bên bộ đội biên phòng chiếu, chừ coi tận mắt mấy o, mấy chú văn công diễn thiệt thích con mắt. Ngày mai còn được đi nhận quà Tết của Nhà nước cho nữa thì quá vui rồi. Tết ni no tinh thần, no bụng lắm đây?. Cao Nhịn kể rằng, trước đây bản anh rất khổ, không điện, không đường, không trường, không trạm, nay có hết, rất vui. Anh cũng nói, mấy Tết trước không có văn nghệ tưng bừng như thế này, năm nay quá vui. Rồi nhà nước cho quà thì bếp lửa lũ làng đỏ mãi mấy ngày Tết thôi.

    Với đồng bào Rục có lẽ như đứa con út trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Lịch sử tộc người này chỉ được biết đến khi bộ đội biên phòng đồn Cà Xèng Óc Sách tình cờ phát hiện tháng 5-1959 trong trạng thái nguyên thủy. Vậy mà bây giờ họ đã cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, để được như thế này, loài người phải mất hàng vạn năm còn người Rục chỉ mất 46 năm! Người Rục bây giờ đã có chi bộ Đảng, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cũng có đại biểu HĐND huyện Minh Hóa tên Cao Xuân Đàn, 30 tuổi. Có nghĩa rằng, người Rục đã thực sự cùng dân tộc hội nhập và đi lên.

    Dân số người Rục bây giờ đã hơn 600 người, họ đã trồng 14ha ngô, 10ha sắn. Để được như thế đồng bào Rục đã vật vã học tập đến mệt nhoài, nhưng họ còn quyết tâm học cho bằng được làm cây lúa nước như những người anh em khác. Để có những thành quả ban đầu tuyệt vời ấy, tỉnh Quảng Bình đã không lùi bước khi quyết định đầu tư 32 tỷ đồng phát triển toàn diện đồng bào Rục. Huyện và xã cũng đang dậy lên quyết tâm tuyên truyền, vận động bà con cố gắng học chữ, mở mang kiến thức thâm canh, chăn nuôi để đến một ngày không xa bà con tự làm được hạt lúa, đẩy lùi được nạn đói.

    NAM DƯƠNG
    Nguồn: http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/nam2005/thang2/36062/
  2. mvc

    mvc Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/02/2004
    Bài viết:
    1.706
    Đã được thích:
    1
    Bác KGR thân,
    Cám ơn nhiệt tình của bác đã bỏ công sưu tầm và ủng hộ box những bài viết hay về QB!
    Trên box QB đã có một số chủ đề liên quan đến nguồn tư liệu, tin tức về QB, sẽ là một thuận lợi cho người đọc nếu tất cả các nguồn tài liệu được quy về một mối, để tiện cho người theo dõi, tham khảo, trích dẫn, bình luận....., chứ nếu một mục tin lại lập một chủ đề như thế sẽ rất loãng và khiến thành viên cảm thấy không thích tham gia bình luận, nhất là một số tin bị trùng lặp do người post lập thành chủ đề mới sau không biết đã có bài post trước đó ở trong một chủ để khác rồi
    Để tiện cho việc theo dõi và sau này sẽ dễ dàng để tạo mục lục cho box QB, mvc sẽ kiến nghị các admin gép những chủ đề tin cua bác KGR vào những chủ đề đã có sau:
    [topic]147585 [/topic] hoặc [topic] 162614 [/topic]
    Hiện nay, rất hoan nghênh các thành viên tạo những chủ đề mới mang tính cá nhân hơn (tự người gửi viết chứ không đi copy từ các nguồn khác) và hoan nghênh các mem tạo những chủ đề có thể lôi kéo mọi người tham gia viết bài và bản thân người viết cũng tham gia giữ cho chủ đề được sống lâu
    Thân / mvc
  3. tbminh

    tbminh Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    11/01/2002
    Bài viết:
    240
    Đã được thích:
    0
    Nhớ lại hồi ở nhà , học năm 1 đại học xem Đường lên đỉnh Olimpia thấy cậu Sách tỉnh nhà đi thi . Giới thiệu là học sinh giỏi trường Dân tộc nội trú gì đó , sáng sủa đẹp trai phết . Mỗi tội cuối cùng cậu ấy chẳng được điểm nào
  4. KienGiangriver

    KienGiangriver Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/02/2005
    Bài viết:
    42
    Đã được thích:
    0
    Ngược bản Ma Coong, xuôi về đất Rục
    [​IMG]
    Già ràng ống - bí mật của người Rục - Ảnh: Vũ Toàn

    TT - Tuy cùng dân tộc Chứt nhưng người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có những nét văn hóa nổi trội, khác biệt so với người Mã Liềng, A Rem, Sách, Rục...
    Nghe vậy, tôi khẩn trương rút khỏi bản A Rem đi tiếp 10km trên ?ođường 20 Quyết Thắng? thì lần lượt gặp 18 bản của người Ma Coong nằm rải rác trong những lũng núi sâu hun hút phía dưới chân rừng. Đây là vùng khí hậu hai nước Việt - Lào đan xen ?obên nắng đốt, bên mưa quây? dưới bầu trời tây Trường Sơn đúng như bài hát Sợi nhớ sợi thương của Phan Huỳnh Điểu - Thúy Bắc.
    Cả làng đập trống
    Thật xui xẻo, tôi chọn Cà Roòng - một trong 18 bản của người Ma Coong - để thâm nhập thì bản vắng ngắt. Y Lan, cô gái trẻ măng, chỉ tay về phía có đỉnh rừng cao ngất bảo họ đi làm rẫy và đi săn thú sau cái núi đó, không biết tối hay mai mới về tùy thuộc việc làm rẫy xong hay chưa, có săn được con gì hay không. Khi tôi hỏi chuyện về lễ hội đập trống thì Y Lan nở nụ cười thật tươi.
    Theo lời Y Lan, đó là lễ hội cầu mùa của riêng dân bản Ma Coong diễn ra hai ngày hai đêm bắt đầu từ đêm 16 tháng giêng âm lịch. Đến dịp lễ hội người A Rem cũng kéo cả bản sang đây cùng chung vui vì họ không có lễ hội gì. Tiếc thay bây giờ đã là ngày 16-3, lễ hội đập trống chỉ còn lại dư âm trong lời kể.
    Y Lan kể: ?oTrước khi khai hội khoảng vài tuần, trai bản vô rừng tìm những khúc gỗ to đem về khoét ruột, đẽo hai đầu giống như cái trống. Da bịt hai đầu trống thường là da bò, nhưng tốt nhất là da con mang vừa mỏng lại vừa bền. Đêm hội tập trung đầy đủ những già làng (khoảng 14 cụ cao niên nhất) ngồi trên dãy ghế cao nhìn xuống sân hội.
    Trước mặt mỗi già là một hũ rượu ngon được làm bằng loại men đặc biệt (rượu này do dân tự nguyện đóng góp). Khi sân hội đã đông chật người thì già làng làm lễ cúng chúa đất, cầu những điều tốt lành cho mùa màng. Già làng cũng là người đầu tiên đập trống rồi tuyên bố cho dân bản mở hội. Xong việc già quay lại mời các cụ mở nắp các hũ rượu cần uống mừng ngày lễ?.
    Sau đó, cả làng xông vô đập trống. Bản này thi với bản khác, bản nào đập được nhiều lần vào mặt trống thì sẽ gặp được nhiều vận may trong cuộc sống hơn. Cùng với tiếng đập trống là tiếng cồng, chiêng vang lên với từng điệu nhạc không lời do các thổ dân sáng tác để giữ nhịp đập trống sao cho không bị đứt đoạn thì hội mới vui. Đập khỏe nhất, hăng nhất là hội thanh niên. Đập cho đến khi thủng trống thì lễ hội mới kết thúc. Nếu đập trống thủng sớm là điềm báo năm đó được mùa to.
    Đêm trống thủng là đêm vui nhất của nam nữ thanh niên vì đó là ?ođêm tự do, đêm tình ái? của những người mới bắt đầu biết yêu đương. Họ dắt nhau ra khỏi bản đi cho đến sáng hôm sau mới về lại bản mình. Y Lan nói rằng có lẽ vì thế nên lễ đập trống được xem là lễ hội vui nhất trong đời người Ma Coong.
    Những đứa trẻ được cứu sống
    Sau lễ hội đập trống năm nay, cũng tại bản này đã xảy ra cái chết thương tâm của già làng Đinh Keo 83 tuổi. Cả bản ai cũng nói già Keo chết vì trúng thuốc độc do người trong bản vì ghen tuông cài bẫy nhau khiến già vô tình trở thành nạn nhân...
    Trung tá Nguyễn Thành Phú cho biết vụ án đang được bộ đội biên phòng đồn 593 tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ nhằm tránh những hiềm thù để đời của người Ma Coong. Cũng theo trung tá Phú, năm 1991 một đồn phó quân sự đồn biên phòng 593 đã qua đời vì trúng độc trong cuộc uống rượu cần tương tự vụ án này nhưng hai năm sau mới tìm ra được tung tích hung thủ. Anh Phú bảo mẹo bỏ thuốc độc của kẻ chủ mưu rất tinh vi.
    Thấy khách đến, kẻ chủ mưu đã ém sẵn mồi thuốc độc trong móng tay út. Khi chuẩn bị mời rượu, hắn cầm cần thử rượu trước và mồi thuốc nhanh chóng được bật từ móng tay sang nằm trong miệng cần.
    Nhưng rùng rợn hơn là cái chết đối với những đứa trẻ sơ sinh. Trong thời kỳ đứa trẻ đang bú sữa mẹ, nếu người mẹ đó không may qua đời thì bắt buộc phải chôn sống đứa trẻ theo. Trung úy Cao Tiến Phương - cán bộ dân vận trẻ của đồn 593, người dân tộc Sách - như vẫn còn hết sức hồi hộp khi kể lại chuyện chị Y Xoan 36 tuổi (con già làng Đinh Keo) ở bản Cà Roòng qua đời đầu năm 2005. Vì biết trước tập tục quái dị này nên đồn cử Phương tới để can thiệp.
    Khi Phương đến thì đứa trẻ chưa kịp đặt tên của Y Xoan đã bị anh em trong họ bắt bỏ xuống huyệt của Y Xoan. Trung úy Phương kể: ?oKhi thấy họ lấy hai chân Y Xoan kẹp vào cổ đứa bé để lấp đất, tôi hét lên vì không chịu đựng nổi. Giải thích mãi không ai chịu nghe, tôi đành nghĩ cách đề xuất phương án bộ đội biên phòng sẽ chịu trách nhiệm chăm nuôi đứa trẻ. Nếu có ?oma rừng? về nhà quấy phá thì bộ đội chịu trách nhiệm tiêu diệt để dân bản yên lòng. Vậy là đứa trẻ thoát chết?.
    Đinh Đường năm nay đã 8 tuổi (tên Đường do những người lính biên phòng đặt vì thời gian được bộ đội nuôi thằng bé rất thích ăn đường). Tôi đi tìm gặp chú bé may mắn được sống để chụp tấm ảnh nhưng Y Lan bảo nó đi rẫy từ sớm với bà ngoại rồi, không biết khi mô về mà đợi.
    Trung tá Phú nói: ?oTrước Đinh Đường, bộ đội 593 cũng đã phát hiện và cứu sống một bé gái con của Y Din ở bản Noồng qua đời năm 20 tuổi. Đó là lần sinh đầu đời của Y Din nhưng do bà mụ không lấy hết nhau thai ra nên Y Din bị băng huyết nặng dẫn đến tử vong. Đứa bé cũng được phát hiện lúc chuẩn bị đưa cổ vào chân mẹ để kẹp...?. Lần ấy bộ đội biên phòng cử người về xuôi mua sữa, vú nhựa lên nuôi nhưng do sức yếu đứa bé chỉ sống được hơn hai tháng, đến cuối năm 2004...
    Bí mật của già ràng người Rục
    Từ tây Trường Sơn tôi xuôi về đi cắt mặt tuyến đường Hồ Chí Minh nơi tiếp giáp di tích lịch sử sân bay Khe Gát (sân bay dã chiến, điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ trong chiến tranh) thuộc huyện Bố Trạch. Đây là một trong những tâm điểm tập kết nhân lực, lương thực, vũ khí quan trọng của bộ đội Trường Sơn từ năm 1966-1971. Lúc này trời vẫn chưa chịu ngớt mưa và gió lạnh.
    Tôi đi thêm 50km xe thồ, vượt đèo Đá Đẽo cheo leo dài 3km mới tới đồn biên phòng Cà Rèng - Óc Sách 585 để vào các bản Mó O ồ ồ, bản Ón và bản Yên Hợp thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa nằm dưới dãy núi A Dín khi trời vừa sập tối. Nghe thượng tá Đinh Tiến Khâm - đồn trưởng đồn 585 - giới thiệu tôi là người Nghệ An, trưởng bản Yên Hợp Trần Trực - 47 tuổi, đang lên danh sách cứu trợ gạo giáp hạt của bản - đứng dậy tay rót rượu, miệng tự giới thiệu bằng tiếng Kinh khá sõi: ?oAnh em tôi chuẩn bị bán bảy con bò để đi tìm anh em họ hàng ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tôi họ Trần quê ở Hà Tĩnh thật mà...?.
    Kể chuyện ở bản, Trần Trực bảo sợ nhất là năm 1998 cùng lúc 48 người bị chết, có nhà chết cả năm người khiến dân ba bản tưởng ma rừng đòi nên lũ lượt kéo nhau chạy vô hang đá. Mãi về sau mới biết dịch sởi tràn về, dân bản không có thuốc lại nhảy xuống nước tắm cho bớt nóng nên mới nhiễm bệnh chết hàng loạt.
    Năm 2001 đồn biên phòng 585 tiếp tục nhiều cuộc hành trình đi hàng ngày đường vô hang Ná, hang Cà Rung, Cà Tóc, Trườn, Rom... vận động mãi, gần 100 người Rục mới trở ra ở nhà mới của dự án 32 tỉ đồng. 243 người Rục được phát hiện và đưa ra khỏi hang đá năm 1959 (hiện người Rục có 76 hộ/345 khẩu) cùng thời điểm với người Cọi, người Mã Liềng ở Hà Tĩnh nhưng đa số người Rục ở đây đang chịu sức ép của lối sống hoang sơ.
    Từ bản Mó O ồ ồ với những túp lều rách nát đan xen ngôi nhà dự án bên con đường mới mở, tôi đi sâu vào bản Rục Lan nằm trong hẻm rừng mới thấy nhận xét vừa nêu là xác đáng. Trẻ em chân đất trần truồng. Phụ nữ cũng chân đất, ngồi bếp uống rượu và hút thuốc ?ođể sên vắt nghe mùi khét không bám theo ta nữa?. Bữa ăn chính là bồi, ngô, sắn chấm muối và ?ocon gì có thịt là ăn? kể cả chuột, nhái.
    Người Rục bao đời uống nước lã vì ?okhông quen uống nước nấu sôi?. Họ luôn xem già ràng (thầy cúng) là người có phép biến hóa để ngự trị hoặc ru ngủ các loại ?oma? rừng. Thiếu úy biên phòng Trần Ngọc Lĩnh (cháu Trần Trực) dẫn tôi đến xem ông ống - già ràng nổi tiếng làm phép chữa bệnh cho dân bản. Nhưng khi Lĩnh gợi ý ông kể chuyện làm phép thì ông im lặng rồi từ chối.
    Ông nói với Lĩnh bằng tiếng Rục đại ý: ?oLời khấn ma ràng thiêng liêng lắm. Chỉ khi có con bệnh ta mới khấn, mới xin để đi tìm hồn của họ chứ không thể làm khi không có ai đau ốm?. Lĩnh nói mãi ông mới lấy vòng hoa lá đội lên đầu, hai tay cầm chặt hai ống nứa cao thấp khác nhau (dưới mỗi ống nứa buộc thêm một thanh mét nhỏ vót nhọn giống như cái chân ống nứa) rồi bắt đầu ràng.
    Ông ống cho biết: ?oỐng nứa dài đựng lời kêu gọi thần lớn, ống nứa nhỏ là lời kêu gọi thần nhỏ. Khi hai ống nứa này luôn được ràng (mài) đi ràng lại trên tấm đá mài là khi ta đang đi tìm hồn người bị bệnh. Người bị bệnh phát cuồng chạy nhảy, khát nước, nói nhảm, đau bụng, muốn nôn, mắt trợn đỏ... là do cái hồn người đó đi mất. Ta phải biết cách đi tìm cho đến khi nào đưa hồn của họ về đây là họ khỏe thôi?.
    Mỗi lần đi tìm hồn phải mất 6-7 giờ, nghĩa là phải ràng liên tục trong vòng bảy giờ, miệng luôn đọc bài ?oma ràng? mới mong tìm được. Nói đoạn ông ống đọc cho Lĩnh nghe: ?oỚ mút cà tét, ớ mút cà tui, mút cà chen, mút phen, cù cu, bản thổ, ác. Nghĩa là: Mắc ma rừng hay ma rừng trêu chọc, mắc thần đất hay thần đất bắt đi...?.
    Đọc đến đó ông ống im bặt, ngước ánh mắt đỏ hoe nhìn tôi và Lĩnh hồi lâu. Lĩnh bảo tôi ý già ràng nói đừng bắt già phải cầu khấn, đi tìm hồn khi không có hồn nào bị ma bắt. Đó cũng là lý do ông ống chỉ đọc cho Lĩnh nghe được một câu như câu thần chú, còn lại bao lời gọi hồn khác khiến người Rục bao đời kính nể vẫn đang là một bí mật chỉ có mỗi già ống biết mà thôi.
    VŨ TOÀN
    Nguồn: http://www2.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=78308&ChannelID=89

Chia sẻ trang này