1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

YASUNARI KAWABATA(1899-1972)

Chủ đề trong 'Văn học' bởi binhminhmuap, 17/10/2003.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. binhminhmuap

    binhminhmuap Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/09/2003
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    0
    Ông sinh trưởng trong một gia đình thầy thuốc có học vấn cao,ham thích văn học nghệ thuật.Ông mồ côi cha từ năm lên ba,năm sau mẹ mất.KAWABATA được ông nội đem về nuôi nấng nhưng cũng chẳng bao lâu sau cụ từ trần.
    Cậu bé KAWABATA phải nương nhờ những người bà con bên ngoại.Cậu học và đọc rất nhiều.Lúc đầu KAWABATA mơ ước trở thành họa sĩ nhưng đến năm mười lăm tuổi lại say mê văn chương.Một năm sau,KAWABATA hoàn thành tác phẩm đầu tiên"Nhật ký tuổi mười lăm",trong đó là sự miêu tả niềm xúc động chân thành,nỗi đau chua xót của chú bé mồ côi phải tận mắt chứng kiến cảnh người thân duy nhất từ giã cõi đời.
    Tốt nghiệp khoa ngữ văn trường đại học tổng hợp Tokyo,KAWABATA quyết định dành hẳn đời mình cho văn học.Cũng như những nhà văn trẻ Nhật Bản thời bấy giờ,ông bị cuốn hút bởi các trào lưu văn chương triết học phương Tây,các khuynh hướng hiện đại thời thượng mà sau đó các nhà văn Nhật cho ra đời những tác phẩm viết theo tinh thần trực giác và duy cảm chủ nghĩa.
    Tuy nhiên KAWABATA cũng sóm quay về với di sản dân tộc,với văn hóa cổ điển Nhật.Xu hướng cổ điển ở KAWABATA là xu hướng cổ điển cô đọng,rất Nhật,với nhiều ẩn dụ về nỗi đau và cái cao cả của tâm hồn.Ta sẽ nhận ra điều đó qua những tác phẩm lớn nhất của KAWABATA ,không chỉ ở những cảnh sắc Nhật Bản với các chùa chiền,núi non hồng rực hoa anh đào hay những tấm áo kimomo,những phong tục tập quán ,lễ hội,mà cái chính là tính cách Nhật trong các nhân vật.Ông có biệt tài cảm nhận thiên nhiên,lấy miêu tả thiên nhiên để khắc họa tình cảm nhân vật mà qua bút pháp đó còn phảng phất quan niệm thiền đạo Nhật về mối quan hệ giữa con người và vũ trụ .Chính nhờ đặc điểm phân tích tâm lí sắc sảo ấy,ông được các nhà nghiên cứu ở nhiều nước coi là hiện tượng kiệt xuất,có công mở ra cánh cửa tâm hồn người Nhật vốn kín đáo trước nhân loại.Điều đó đã được nhấn mạnh và đánh giá cao khi người ta trao tặng ông giải Nobel văn chương 1968.
    (còn tiếp)
  2. ttnm

    ttnm Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    14/09/2003
    Bài viết:
    36
    Đã được thích:
    0
    Cô bạn có cuốn Cố Đô à? sao không thử post ít cảm xúc lên đi.
    Y. Kawabata là nhà văn Nhật có một số tác phẩm chính sau:
    1. Tiếng rền của núi
    2. Xứ Tuyết.
    3. Ngàn cánh hạc
    4. Người đẹp say ngủ
    5. Vũ nữ Itzu....
    Trong đó đâu như 3 tác phẩm 2, 3, và Cố Đô được xét ăn giải Noben. Tôi đọc thấy khoái nhất truyện Cố Đô. Đó là tác phẩm Nhật nhất theo tưởng tượng của tôi. Có chùa chiền, có trà đạo, có rước kiệu, có hoa anh đào,... có đủ thứ gợi ra một Nhật Bản truyền thống.
    Đoạn người em che mưa cho bà chị tiểu thư dưới tán những cây thông liễu đẹp như một bức tranh khắc gỗ.
    Cả truyện đọc xong thấy ám cái không khí dìu dịu nhẹ nhàng và kính cẩn. Ấn tượng mãi cái đoạn Hiđêo phân tích hoạ tiết chiếc thắt lưng của Takichiro vẽ cho con gái mình:
    "Dường nhu có thú vị đấy, đặc sắc đấy, nhưng... trong đó thiếu sự hài hoà, thiếu hơi ấm của tâm hồn. Mẫu vẽ phảng phất nỗi bất ổn, một vẻ gì đấy bệnh hoạn"
    Ông Takichiro tá hoả vứt béng cái mẫu vẽ ấy đi, ấy thế mà cậu Hidêo vẫn cứ nhớ lại mà dệt đúng đến từng chi tiết. Tài thật.
    Ờ mà nhiều chi tiết đọc khoái lắm. Nhẩn nha một hồi cứ như vừa đi tham quan Nhật về. Khà khà.
    Tuy nhiên các cuốn khác lại đọc rất mệt. Tiết tấu chậm quá. Câu nào cũng ám dụ, câu nào cũng có ý nghĩa nào đấy mà nghĩ được ra thì phê, không nghĩ ngay được, đọc sang câu khác thấy chỉ muốn nhấp nha nhấp nhổm. Điển hình là cuốn Xứ Tuyết. Rất nhiều hình ảnh đẹp, nhưng cả truyện thì...
  3. Hoabaoxuan

    Hoabaoxuan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/10/2002
    Bài viết:
    1.232
    Đã được thích:
    0
    Tớ thích Cố Đô và Thuỷ Nguyệt. Truyện Ngàn cánh hạc cũng ấn tượng lắm. Cậu binhminhmua... có Cố Đô thì post hộ vài đoạn với, lâu lắm rồi không đọc nên quên nhiều.
    *********
    Có chiếc lá bay ngược chiều gió thổi
    Mềm như em và xao xác như em!...
  4. binhminhmuap

    binhminhmuap Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/09/2003
    Bài viết:
    79
    Đã được thích:
    0
    KAWABATA tự tử bằng hơi độc trong một căn nhà nhỏ bên bờ biển.Người ta cho rằng nguyên nhân cái chết là do ông đòi hỏi ở mình quá cao,khi tự thấy không còn khả năng vượt nổi những tác phẩm trước đó từng một thời vang bóng,ông đã tự kết thúc cuộc đời mình.Song đối với người đọc,con người ông và các tác phẩm của ông là bất tử.Tựa như khi chiêm ngưỡng một ngọn núi ,ta phải đứng rất xa,thậm chí rất nhiều dặm,mới bao quát hết được vẻ đẹp của nó,mới thấy khối hình đồ sộ và cái đỉnh tuyết phủ đâm vút lên trời cao của nó.Với KAWABATA cũng vậy,năm tháng càng qua đi chúng ta càng nhận thấy con người ông cũng như những tác phẩm của ông có giá trị biết bao.
    VỀ TÁC PHẨM "CỐ ĐÔ"( KYOTO)(1962)
    Tiểu thuyết "Cố đô"-bức tranh thiên nhiên tuyệt vời và tình yêu lứa đôi nơi kinh đô ngàn tuổi Nhật Bản-là một trong số ba tác phẩm của ông đaõ được đưa ra trước viện hàn lâm Thụy D9iển để xét duyệt giải Nobel đồng thời cũng là một trong ba tác phẩm của ông được người Nhật yêu thích nhất.
    Mặc dù ra đời ở một làng gần Osaka song KAWABATA lại luôn coi Kyoto-kinh đô Nhật xưa-là quê hương mình.Có lẽ do vậy mà qua "Cố đô",KAWABATA đã tiếp tục suy ngẫm với nỗi buồn man mác về những cái đã mất và những điều sẽ đến,về tương lai,vận mệnh nền văn hóa dân tộc và số phận người dân Nhật bình dị trong cái buổi xứ sở họ sục sôi lao vào công nghiệp hóa.
    ( lần tới mình sẽ post cảm xúc lúc đọc " Cố đô" và vài đoạn)
  5. codet

    codet Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/03/2002
    Bài viết:
    1.130
    Đã được thích:
    0
    Cái này còn phải xem xét à, nguyên nhân chính của việc tự tử đâu phải đơn giản thế.
    Listen to...
  6. Illustrator

    Illustrator Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/10/2003
    Bài viết:
    50
    Đã được thích:
    0
    KY chết. Trước đó là cuốn " người đẹp say ngủ"
    Tiếng Rền của núi là một truyện cũng rất hay.
    Hầu như tiểu thuyết nào của K.Y cũng hay cả. Cái hay, mà sau đó một thời gian dài, bằng những trải nghiệm người đọc mới cảm được. Theo một cách nhìn nhận nào đó cách viết của Yasunari không phải là biểu tượng. Nhưng theo một cách nhìn khác nó có quá nhiều các biểu tượng. Nói văn chương của của Y là tâm hồn của người Nhật chính là chỗ cô đọng. cô đọng như muốn thành một biểu tượng.
    Các biểu tượng theo một cách nhìn nhận riêng của Yasunari được ấp ủ với một nỗi buồn nhớ, tiếc nuối khôn nguôi. Dưới mọi góc nhìn văn chương của ngài thì không có cái gì không mang vẻ đẹp. Các nhân vật của Yasunari bằng sự tinh tế luôn nhận ra nó, mang theo nó trong tâm hồn. Và bỗng chốc chúng chói ngời trong một khoảnh khắc, sáng rực một cách buồn bã...Một nỗi trầm mặc linh thiêng về vẻ đẹp và nỗi buồn.
    Xây dựng cốt truyện rất đơn giản. Một cuốn tiểu thuyết chỉ vài ba nhân vật rất gọn gàng. Xứ tuyết là 3 nhân vật : Shimamura, cô vũ nữ, bạn của cô vũ nữ, cuối cùng một nhân vật chết. Nhàn cánh hạc là 4 nhân vật: Ông bố , ông con Mitani Kikuji, tình nhân bố bà Ota, cô gái trẻ mặc áo ngàn cánh hạc ( quên tên) . Tiếng rền của núi 2: Ông già Shingo và cô con dâu. Cố đô 3 nhân vật: Hai chị em sinh đôi lạc nhau và anh người yêu... Các nhân vật của Ya không phải là cái đích ông nhắm đến.
    Yasunari tạo nên nhân vật của ông để họ nói một tiếng nói khác, tiếng nói đang dần bị lãng quên. Đọc Ya ta như quên đi các cái tôi. Các cái tôi tự nó mờ nhạt và lùi lại nhường chỗ cho cái đáng nhẽ ra là phải lùi lại.- Bối cảnh, không gian ,trang phục, hành động, lời nói. Chúng - những vai phụ đã trở thành cái bận tâm mà Yasunari muốn chuyển tải. Tất cả những đó được nâng niu thương mến y như thể chúng sắp rời xa vĩnh viễn vậy. Mà nó đang rời xa vĩnh viễn thật. Cô vũ nữ chết, cái chén vỡ, Thời gian không thể trở lại...Tất cả là những nỗi buồn.
    Đọc Yasunari người ta không nên chờ đợi một cái gì kỳ diệu. Tất cả đều rất trầm lặng, nhẹ nhàng, ánh sáng chiếu nhẹ nhàng qua triền cửa, từ đó có thể nhìn ra một khoảng không hoa cỏ cũng nhẹ nhàng ( Xứ tuyết), cố đô cũng nhẹ nhàng yên ả -các cô thôn nữ đốn cấy cũng trầm lặng(Cố đô) , tiếng rền cũng hầu như không nghe thấy mà chỉ hình như là có (Tiếng Rền của núi ), Trà đạo tất nhiên nhẹ nhàng nghiêm mật ( Ngàn cánh hạc). Vũ nữ, lại càng rất nhẹ nhàng, chỉ là những giọng hát khẽ dù trong tiệc rượu hay khi đi tắm trong đêm ( Xứ tuyết), những cái trở mình, hơi thở, chuyển đặt bàn tay ( Người đẹp say ngủ). Nhẹ nhàng trầm lặng đó là một vẻ đẹp nhưng không phải là hấp dẫn. Vì thế, đọc Yasunari là không dễ, Thắp nhang đốt trầm nghĩ cũng không quá- với một không khí tiểu thuyết như vậy...
    Mà thôi.
    Khỉ phải gió
  7. Hoabaoxuan

    Hoabaoxuan Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/10/2002
    Bài viết:
    1.232
    Đã được thích:
    0
    Cậu đọc nhiều Kawabata nhỉ, hay quá. Nhưng về nhân vật của Ngàn cánh hạc thì cậu nhớ sai rồi.
    Đọc truyện này, ban đầu người ta bị lầm tưởng, bị mê hoặc bởi ngàn cánh hạc trên chiếc áo kimônô, trên chiếc túi cầm tay, chiếc khăn thêu hồng rực của một cô gái trẻ. Cô gái ấy xuất hiện gần như từ đầu, và ai đọc đến đó cũng ngỡ rằng đó là nhân vật trung tâm. Nhưng sự thưc thì không phải như vậy.
    Càng đọc, người ta càng bị hút sâu vào mối tình duyên kỳ lạ, ngẫu nhiên mà không ngẫu nhiên, tình cờ mà không tình cờ, trùng hợp mà không hẳn là trùng hợp giữa hai bố con ông Mitani và hai mẹ con bà Ota. Đây mới là bốn nhân vật trung tâm của truyện, còn cô gái mặc áo ngàn cánh hạc ấy chỉ là một ảo ảnh xa mờ trong tâm trí người con trai Kikuji mỗi khi anh ta hoài nghi, băn khoăn về những gì mình đã làm, mỗi khi anh ta muốn một cuộc sống bình thường yên ả, mỗi khi anh ta muốn thoát ra khỏi vòng tròn quá khứ mỗi ngày một khép chặt giữa anh ta và hai mẹ con bà Ota. Ngàn cánh hạc cứ ẩn hiện, rập rờn trước mắt anh ta trong khi đến cả gương mặt của người con gái ấy anh ta cũng không còn nhớ nữa.
    Người con gái của bà Ota tôi không nhớ tên, chỉ nhớ cô ta có một gương mặt rất lạ và một cái cổ cao rất đẹp, một cô gái yếu đuối mỏng manh và mê đắm trong mối tình đầu... Một cô gái luôn sống trong nỗi đau khổ, dằn vặt bởi những tai tiếng mà người mẹ đã gây ra. Cô là hiện thân cho người phụ nữ NB trong thời kỳ ấy. Sống trong khuôn phép, cô biết âm thầm chịu đựng, nhưng cô cũng biết yêu mãnh liệt, biết khổ đau và biết đợi chờ...
    Nhưng cái đọng lại cuối cùng trong Ngàn cánh hạc đối với tôi là hương vị của Trà đạo NB. Tuyệt vời và bí ẩn . Tôi thích hình ảnh mà K. đã sử dụng, một vệt nứt đã ố màu trên miệng chén trà của bà Ota... Hình ảnh đó không tan biến đi trong tâm trí người đọc cả khi chén trà đã vỡ tan thành những mảnh vụn. Nó vẫn còn tồn tại trong tâm trí mọi người nhẹ nhàng, quyến luyến mà day dứt, bí ẩn như một chút khói thoảng nơi miệng chén trà xưa.
    *********
    Có chiếc lá bay ngược chiều gió thổi
    Mềm như em và xao xác như em!...
  8. Illustrator

    Illustrator Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    25/10/2003
    Bài viết:
    50
    Đã được thích:
    0
    Hì hì.
    Đọc truyện của Yasunari mà nhớ được tên nhân vật thì cũng là khá rồi. Tôi thì không nhớ lắm nên phải tra cứu lại đấy( nhưng vẫn sai). Em Hoa Bao Xuân nhỏ nhắn dễ thương ( bắt chước ai đó gọi như thế...) còn nhớ đến cả gương mặt rất lạ, cái cổ cao cao nữa thì quá tuyệt.
    Với ngàn cánh hạc tôi lại nhớ những căn phòng uống trà, trông ra những khu vườn, Những khoảng tĩnh lặng... tĩnh lặng chậm chạp người ta đối diện nhau và hồi nhớ những cảm xúc...Và hình ảnh vết ố rồi cái chén vỡ (một biểu tượng??)
    Khỉ phải gió

Chia sẻ trang này