1. Tuyển Mod quản lý diễn đàn. Các thành viên xem chi tiết tại đây

Tất tật về bóng đá Việt Nam những năm trước...

Chủ đề trong 'Bóng đá Việt Nam' bởi muaxuanbackinh, 11/01/2010.

  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
  1. bdnuocnam

    bdnuocnam Moderator box bóng đá VN

    Tham gia ngày:
    15/12/2008
    Bài viết:
    1.575
    Đã được thích:
    613
    "Thăng Long Xích Thố" Đoàn Khê Vinh : Con ngựa đầu đàn của bóng đá miền Bắc .


    Ðầu thập niên 1940 khi chiến tranh thế giời lần thứ 2 đang diễn ra ác liệt . Thì ở bán đảo Đông Dương , bọn quân phiệt Nhật Bản trong trục Ðức - Ý - Nhật đã bắt đầu tràn đến nước ta. Máy bay Mỹ bay sang ném bom , bắn phá căn cứ đóng quân của Nhật đì đùng . Nước VN ta thời ấy một cổ hai tròng . Pháp đô hộ gần 100 năm giờ đây Nhật lại sang xâm chiếm . Trước tình hình như vậy, chính quyền thời ấy đề ra chính sách "phòng thủ thụ động" tức là không chỗ nào được tụ họp đông người ... Các trại lính , trường học di tản ra vùng quê , nơi nào cũng đào hầm trú ẩn , có còi báo động u u là phải chạy vô hầm cho lẹ ; Đêm đèn điện không được thắp sáng , đèn phải có chụp tù mù , có còi báo động là phải tắt phụt đèn ngay, cả thành phố tối âm u . Vì phòng thủ thụ động như thế nên trò chơi tập họp đông người như đá banh coi như dẹp . Sân Mangin (Cột cờ ), sân Septo (hàng Ðẫy) , cỏ mọc đìu hiu . Năm thì mười họa có một trận banh xảy ra giữa 2 đội Nội châu và đội nhà binh Pháp nhưng vừa chơi vừa phải nơm nớp lo sợ .

    Bóng đá thời ấy đã rất thịnh hành tại miền Bắc . Ở Hải Phòng có đội Olympic Haiphonnais , xuống Nam Ðịnh có đội banh Cotonkin nổi tiếng của nhà máy dệt . Do các sân banh lớn như đã nói ở trên đều nghỉ chơi , chỉ còn sân "nhà nghèo" , sân cỏ bờ sông chỗ tòa án hàng Tre trông sang là vẫn chơi đều đều . Ðây là một sân chơi "tự phát" cho đá banh chân đất , truyền miệng mà lập đội banh , truyền miệng mà rủ nhau tới coi . Ðá chân đất giữa những đội địa phương thôi nhưng Chủ nhật nào cũng đá . Tiện lợi là ngay cạnh sân banh có một dãy "tăng xê" (tranchée) nên có báo động là đồng bào chạy ngay vào hầm trú ẩn . Người mê bóng đá tới xem cũng lý luận rằng pháo đài bay B29 của Mỹ từ xa bay tới đây , mục tiêu , tọa độ đã định sẵn rồi , đâu có thừa bom mà ném xuống bãi cỏ hẻo lánh này . Do vậy nên dân ghiền banh Chủ nhật kéo đến sân Bờ sông lũ lượt . Ði xem bóng tròn bình dân như ở đây cũng có cái thú riêng của nó . Thời nào cũng thế đi chơi , đi xem cái gì cũng phải tốn kém ngay cả thời chiến tranh này cũng không phải là ngoại lệ ; Chủ nhật đi ra bờ hồ qua nhà Bưu Ðiện , tới cái tháp cổ gần chợ hàng hoa mua 2 đồng bạc "phá sa" (đậu phộng rang nổi tiếng của ông Tàu già) rồi rẽ tay trái qua phòng Thương Mại (Chambre de Commerce) tới gần nhà Bác cổ Louis Finot là tới sân Bờ sông . Sân banh ở đây là "của chung" ra vô thong thả , không phải trả tiền . Khán giả ngồi trên đê nhìn xuống , vừa xem đá banh vừa nhai đậu phộng , thoải mái vô cùng . Bữa nào có tí tiền rủng rỉnh , lại ăn đĩa thịt bò khô gan cháy , vừa ăn vừa suýt xoa . Cái suýt xoa được pha trộn giữa một pha bóng vừa hỏng ăn cùng với vị cay của "thịt bò khô" pha dấm tỏi là khó có thể quên ...

    Giang sơn nào anh hùng nấy , cái sân Bờ sông hẻo lánh đó cũng một thời có những màn trình diễn gay cấn , hấp dẫn nguồi hâm mộ . Ðá bóng ở đây theo lối giữ giải của các sới vật hay đấu roi , đi quyền tại các miền thôn dã . Có một đội giữ giải , đội nào muốn thử tài thì "xin mời, cứ tới" . Ðội giữ giải vì gần khu nhà dầu nên để cho tiện việc sổ sách, gọi là đội Nhà Dầu gồm những thanh niên bờ sông , lăn lóc với trái banh trên sân cỏ tự nhiên của các bãi Phúc Xá , Phúc Tân ở gầm cầu Doumer cho đến khu Kim Liên . Ðây là người tứ xứ , không có nhà trong nội thành nên họp nhau tạo thành những khu dân cư trôi nổi dọc bờ sông . Dân ở đây sinh hoạt theo kiểu làng xã , không theo kiểu phố phường mặc dù ở ngay bên lề Hà Nội . "Nhà anh ở dưới gầm cầu , Nhà không có số đứng đầu du côn" . Ðó là phong thái của dân "bờ sông" và của đội banh Nhà Dầu . Ðội banh gồm toàn những tay lăn lóc với trái banh từ nhỏ , thêm vào cái lì lợm của thổ ngơi nên trong khoảng 2 năm (1942-1943) đội Nhà Dầu chưa từng thua trận nào . Ở đó , có thủ môn Nghĩa "rỗ" còn gọi là Nghĩa "min-tờ ru" (mille trous - nghìn cái lỗ ) bắt banh vừa dính vừa gan cùng mình . Có "a-ri-e" ( hậu vệ ) Trâm cao lừng lững banh bổng banh chìm nào cũng phá được hết , có "đờ mi" (tiền vệ ) Dậu rất đẹp trai , tóc chải cánh phượng mà đi banh vừa đẹp mắt vừa nguy hiểm , có trung phong Trí "Tàu" nhỏ con nhưng luồn lách rất giỏi , sút thật nhanh , thật độc . Ðội banh Thanh niên hàng Bạc gồm mấy người con nhà ông trưởng Ca (hiệu phở danh tiếng) có Tư Biêu đá bóng nổi danh hợp cùng lực sĩ Phúc "to" , soạn giả Ngọc Văn, kép độc Hùng Kỳ của đoàn cải lương Nhật Tân Ban ở ngõ Quảng Lạc gần đấy, đá bài bản lắm mà vẫn thua . Một đội banh vừa mạnh vừa độc, đội "A bát toa Bạch Mai" (gồm toàn đồ tể của khu Lò Lợn) đụng đội Nhà Dầu vẫn thường mang đầu máu ra về. Ở suốt giải bờ sông , đây chính là một thứ anh hùng nhất khoảnh .

    Một chiều chủ nhật chớm đông năm 1943, sân Bờ Sông đón tiếp một đội banh xa lạ , đội "Thanh Niên Hà Ðông" . Những đội sừng sỏ của Hà Nội đụng đội Nhà Dầu còn "không đi đến đâu" , xá gì một đội banh tỉnh lẻ . Chắc là phải đem thúng ra đựng những trái banh thua đem về làm kỷ niệm . Nhưng kết quả không ai ngờ , đội Hà Ðông tặng đội Nhà Dầu 2 trái rành rành . Tin này nổ ra như một chấn động trong làng cầu Hà Nội . Ðội bóng giữ giải , đội Nhà Dầu anh hùng nhất khoảnh đã thua . Người ta không tin một sự thay bậc , đổi ngôi lạ lùng như vậy , nhất là thua một đội banh vô danh như đội Hà Ðông . Cũng có thể vì khinh địch , hôm đó đội Nhà Dầu thiếu hậu vệ trụ đồng Trâm , trung phong Trí "Tàu" nghỉ đá nên mới ra nông nỗi . Trận phục thù nửa tháng sau đó giữa đội Thanh Niên Hà Ðông và đội giữ giải Nhà Dầu đã là cái đích nhắm không thể thiếu của những người hâm mộ bóng tròn Hà Nội .

    Sân Bờ Sông bữa ấy đông gấp bội . Ði xem "chùa" trên bờ đê mà đi chậm không còn chỗ đứng . Người ta nói rất nhiều đến thủ môn Phụng "trọc đầu" và cánh phải gồm hữu nội (inter) và hữu biên (aile droite) của Hà Ðông . Ðây là hai anh em ruột , anh là Ðăng , em là Khê, cặp tiền đạo hay nhất và cũng là lực lượng chủ công của đội khách . Ðội Hà Ðông bữa ấy tới sân Bờ Sông rất long trọng. Toàn đội đi trên một chuyến xe bus , treo một ngọn cờ đỏ tua vàng có thêu chữ "Thanh Niên Hà Ðông" phấp phới . Ngoài cầu thủ đi trên xe bus còn có khá đông thanh , thiếu niên đi xe điện hoặc xe đạp đi theo ủng hộ . Thủ môn Phụng đầu trọc cao lừng lững trên 1m80 , ăn mặc ly kỳ quần áo kaki Mỹ , đi ghệt (một thứ bao bằng da của nhà binh quấn lấy bắp chân) , một thanh kiếm Nhật lủng lẳng bên mình . Cầu thủ Hà Ðông đều rắn rỏi , mặt mũi sáng sủa . Người ta đặc biệt chú ý tới cầu thủ hay nhất của Hà Ðông là Khê , mới chừng 18-19 tuổi , cao lớn , khỏe mạnh , thân hình cân đối , da nâu hồng , tóc cắt ngắn có những lọn tóc buông xõa xuống trán.

    Có lẽ đây là trận đấu quan trọng và đông người xem nhất từ trước đến nay trên sân Bờ Sông . Khi trọng tài dẫn 2 đội cầu ra chào khán giả , tiếng vỗ tay từ 4 phía nổi lên như sấm . Ðội chủ nhà giữ giải bữa nay xếp đủ lương tài hảo thủ quyết trả mối hận thua 0-2 kỳ trước . Vừa nhập trận đội Nhà Dầu tràn lên đàn-áp tơi bời . Trụ đồng Trâm từ hàng phòng ngự dâng cao tăng thêm áp lực . Sức công hãm của đội chủ nhà mỗi phút mỗi thêm dồn dập nhưng nhờ thủ môn Phụng mạnh mẽ , ra vô đúng lúc nên dù bị lấn sân , đội khách vẫn giữ vững thành trì . Vào gần cuối hiệp 1 , từ một trái phạt góc , trụ đồng Trâm nhảy cao hơn hết đội đầu vào trước khuôn thành . Nhanh như cắt, trung phong Trí "Tàu" ngả người đá móc vào góc lưới , ghi một bàn thắng độc đáo cho đội chủ nhà .

    Vào hiệp 2, đội khách đổi chiến thuật . Hữu biên Khê chạy vào giữa , lúc thì đá trung phong , lúc lại chuyển sang cánh trái , hoặc cánh phải cốt ý tránh sự đeo bám của đối phương . Giữa hiệp 2 một trái banh vừa được giải vây lên ; Khê ở giữa sân nhận trái banh , bằng một động tác kỹ thuật xuất sắc , đưa bổng trái banh qua đầu trụ đồng Trâm , chạy theo đánh đầu cho trái banh qua một tiếp ứng rồi bằng một sức rướn kỳ lạ , kiểm soát trái banh trước hậu vệ nửa bước chân tiến về phía cầu môn . Bằng kỹ thuật tuyệt vời , Khê đã một mình loại 2, 3 cầu thủ địch đối diện với thủ môn . Nghĩa "Rỗ" đã nhào ra , nhưng với sự bình tĩnh hiếm thấy Khê nâng trái banh qua đầu thủ môn . Banh bay cầu vồng, từ từ vô lưới trước sự reo hò tở mở của người mộ điệu .

    Chỉ còn chừng 10 phút nữa chấm dứt trận đấu . Hậu vệ trụ đồng Trâm quay về đeo riết Khê , không rời nửa bước . Cuộc chiến mỗi lúc thêm gay cấn , chưa biết phần thắng về ai . Ðội khách Hà Ðông như được tiếp thêm sức mạnh nên càng về khuya càng gắn bó . Gần mãn trận , chợt Ðăng phóng một đường banh vượt tuyến rất đẹp cho Khê đang ở cánh phải . Bằng một nước rút thần tốc , Khê dốc banh như sóng tiến vào vùng cấm . Qua một tiền vệ , qua một hậu vệ , trụ đồng Trâm tiến ra truy cản . Bằng một độ dừng đột ngột , Khê "cắt mặt" Trâm tiến vào trung lộ , Trâm cũng lẹ làng không kém bám theo . Lại một cú dừng banh khác , Khê quay ra phía phải , giơ chân dợm sút , Trâm trân mình tràn tới nhưng đó chỉ là động tác giả của Khê . Từ chân phải banh được chuyền rất nhanh sang chân trái . Ở một góc độ mà không ai nghĩ một hữu biên sút được , từ chân trái trước vùng cấm địa Khê buông một cú sút bất ngờ độc hiểm . Banh bay như phát đại bác nả thẳng vào góc thượng xa . Banh đụng lưới rồi mà Nghĩa "rỗ" vẫn còn chưa kịp phản ứng.

    Ngồi xem trên bờ đê hôm đó , có sự chứng kiến của đàn anh Tí "bồ" . Tí "bồ" những năm qua là cầu thủ xuất sắc của đội banh hạng nhất Nội Châu và của làng cầu Hà Nội . Vì Mỹ ném bom , vì "phòng thủ thụ động" đá banh hạng nhất phải nghỉ nên tài danh thượng thặng mới tạm dừng chân trên sân cỏ Bờ Sông xem đàn em đá bóng . Thật bất ngờ khi đàn anh Tí "bồ" chỉ Khê mà nói : "Ðây sẽ là một cầu thủ kỳ tài" . Tí "bồ" mà khen như vậy đâu phải chuyện chơi . Một cầu thủ đang tỏa hào quang như Tí "Bồ" ít khi tán dương một cầu thủ đàn em như vậy . Và cái tên Ðoàn Khê Vinh tự Khê của đội Thanh Niên Hà Ðông đã được ghi vào bộ nhớ của người hâm mộ bóng tròn Hà Nội từ đó .

    Tí "bồ" đầu thập niên 40 là niềm vinh dự của học sinh , sinh viên Hà Nội ; anh đang học tú tài (không nhớ rõ ở Thăng Long hay Gia Long) nhưng vì đá bóng hay quá nên được mời đá cho đội Nội Châu , Một đội của thanh niên Hà Nội . Người Hà Nội đi xem Nội Châu đá , thực ra là đi xem Tí "Bồ" biểu diễn . Cái tên anh là một mâu thuẫn kỳ lạ . Tên là Tí - là chuột , là một cái gì nhỏ bé mà anh lại có biệt danh là "bồ" một cái gì to lớn , kềnh càng "bồ thóc, bồ lúa, bồ tượng" . Hôm nào Nội Châu đụng đội nhà binh Pháp Ancre Sportif , xem Tí bồ đụng ông tây đen "cột nhà cháy" Beye như là được xem một màn David đụng Goliath . Tí bồ chỉ đứng trên thắt lưng của Beye một chút mà thôi , một anh tí hon bên cạnh một người khổng lồ . Nhưng anh tí hon như một con chuột khôn ngoan , luồn lách đi qua cột nhà cháy Beye như làm trò ảo thuật . Anh tây đen Beye to lớn kềnh càng nhưng bản tính lại hiền khô . Thấy Tí bồ lừa banh , đi banh hay quá nhiều lúc tây đen Beye lại nhe răng cười trắng nhởn.

    Ðội Ancre có một thủ môn rất giỏi Derrera , người ta thường gọi là người cao su vì anh bay nhảy lẹ làng , bắt banh bổng cũng hay mà plongeon cứu banh xà cũng giỏi . Cảnh tượng tuyệt vời là Tí bồ lừa banh qua Beye , qua luôn hậu vệ đối diện với thủ môn Derrera . Người cao su bổ nhào vào chân Tí bồ nhưng nhanh như chuột Tí bồ đã gạt banh ra phía khác nhảy lên rồi ung dung đưa banh vào lưới trống . Những pha bóng luôn làm mãn nhãn người hâm mộ và đưa tên tuồi cùa Tí "bồ" lên 1 tầm cao khác .

    Thời gian qua đi . Cách-mạng tháng 8 rồi toàn quốc kháng chiến chống Pháp tháng 12 năm 1946 . Toàn dân , chuẩn bị đi vào vào một trò chơi lớn hơn : đòi độc lập cho xứ sở . Như bao thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ Tí Bồ trở thành Tự Vệ Thành Hà Nội . Sau hơn 2 tháng trời dùng súng trường , mã tấu , lựu đạn chày , bom xăng tự chế chống chọi với xe tăng , đại bác , máy bay ... Đội Tự vệ Thành Hà Nội của Tí "bồ" được lệnh rút ra bưng kháng chiến trong một sớm đầu Xuân lạnh giá .

    Năm 1950 , lời tiên đoán của đàn anh Tí "bồ" ngày nào về Ðoàn Khê Vinh tức Khê đã thành sự thực , có khi còn trên "sự thực" nữa . Lúc đó danh tiếng của Khê không những chỉ nổi lên ở Hà Nội mà còn vang dội đến Saigon và kể cả trên trường quốc tế . Ở Hà Nội lúc đó cột trụ của bóng tròn là đội Cảnh sát Công an . Danh thủ tiền chiến (trước 1945) còn lại có thủ môn Thọ Ve và hậu vệ Minh "khoèo" (tay cán vá) của đội Cotonkin Nam Ðịnh ngày trước (sau này Thọ Ve vào Saigon bắt gôn cho đội Ngôi Sao Gia Ðịnh) . Trần văn Ứng là xương sống của đội bóng Hà Nội , Khê trên hàng tiền đạo là chủ công của đội tuyển Bắc Hà . Cầu thủ mới nổi có Nghẽn hậu vệ , tiếp ứng Luyến , Thưởng (cầu thủ đá giữa sân thời ấy tiếng Pháp kêu bằng demi , tiếng Việt gọi là tiếp ứng , bây giờ là tiền vệ ) . Trên hàng tiền đạo ngoài Khê còn có 2 Hợi . Hợi "móm" và Hợi "còm".

    Năm 1949 , nước VN (mới được độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp) có thành lập một đội tuyển bóng tròn cả Nam , Trung , Bắc để giao lưu với các nước Bắc Phi thuộc địa của Pháp như Algerie , Tunisie , Maroc , rồi sau đó sang Pháp đá giao hữu . Miền Bắc góp mặt 3 người thuần Việt 100% có tên trong đội hình là Ứng, Thưởng (tiếp ứng) và Khê (tiền đạo) ; nhưng Ứng vì công vụ không đi (anh là công chức cao cấp của ngành Cảnh sát - Công an), chỉ có Khê và Thưởng tham gia đội tuyển . Khê được xếp đá chính thức trên hàng tiền đạo . Trong những trận đầu tiên với Bắc Phi , hữu biên Khê trận nào cũng ghi bàn và được coi là chân sút đặc sắc của miền Ðông Nam Á . Khê được một số đội banh Pháp mời sang đá "nhà nghề" , danh tiếng Khê thực sự đã nổi trội.

    Nhưng chuyện không ngờ đã xẩy ra . Ðội VN đang viễn du , Khê bỗng nhiên bỏ đội tuyển ra về. Hỏi ra mới biết ... Khê nói: "Có moi trên hàng tiền đạo là Guichard (ông cò cảnh sát trong Nam và là thủ quân đội tuyển với tên VN mới là Trần văn Dương) mất chỗ nên có nhiều chuyện phiền , hiềm khích liên miên , mất vui nên moi bỏ tiền túi , mua vé máy bay ra về" . Hỏi được hỏi về trình độ túc cầu VN lúc đó , Khê lắc đầu nói : "Chỉ có moi là classe internationale (trình độ quốc tế ) , kỳ dư là cầu thủ địa phương". Khê còn tiếp thêm : "Tiếp tân của nhà vua Maroc , hết sức lịch sự ; mình là dân "cậu" , ăn nói phải cho đúng phép ; moi nghe một số cầu thủ mình nói tiếng Tây "lô can" , moi chán quá nên chỉ mong về nước sớm" . Ngay từ hồi còn chơi cho đội tuyển Hà Đông , mọi người thường nói đến tính cách "bốc đồng" của Khê , có thể là anh nói chơi , mà cũng có thể là anh nói thật , không biết đâu mà lường . Ðá banh cũng vậy , thích là ra sân , không thích là tự nhiên bỏ cuộc . Anh như một con ngựa rất hay nhưng có nhiều chứng tật .

    Năm 1951, đội Nam Hoa danh tiếng của Hồng Kông viếng thăm Hà Nội. Ðá với đội tuyển nhà binh Pháp ở miền Bắc, Nam Hoa thắng 2-0 , sau đó đá với đội tuyển Hà Nội . Ðầu tiên có tin Khê tẩy chay không đá nhưng phút cuối cùng lại thấy Khê ra sân . Nhìn cái dáng dấp đặc biệt , tóc cắt ngắn xõa xuống trán , áo mở phanh nút ngực , quần đùi vấn xếch hai bên , khán giả vỗ tay vang dậy . Với Ứng , Nghẽn , Thưởng hàng hậu thủ , Khê và Hợi "còm" , Hợi "móm" trên hàng tiền đạo . đội Hà Nội chơi một trận để đời . Dù thua trước một trái , nhưng đội Hà Nội phản công đẹp mắt ; có Hợi "còm" đưa banh Khê như một con thần mã chạy dọc hành lang bên phải tràn xuống vùng cấm địa . Gôn "Vạn lý Trường Thành" Bao Gia Bình ra khép góc ; chỉ đợi có thế Khê rất nhanh "cắt mặt" hậu vệ Hồng Kông chuyển banh sang chân trái sút banh như chớp vào góc xa , Bao Gia Bình nhìn theo , chới với . Hòa 1-1 ... Bị kèm rất gắt nơi góc phải , Khê chuyển sang góc trái . Từ một quả "đổi cánh" ngoạn mục của Hợi "móm" , Khê nhận được banh từ gần 30m cách khuôn thành Hồng Kông , Khê đi thêm một nhịp , qua một đối thủ rồi từ cánh trái chuyền sang chân phải sút luôn . Dù gôn Bao Gia Bình đã cẩn thận dự phòng nhưng trái banh quá hay , quá lẹ , bay qua đầu thủ môn chui thẳng vào lưới . Ký giả kỳ cựu Thiệu Võ có nói rằng ở VN từ Nam chí Bắc chỉ có 2 người có cú "sát thủ" này . Thập niên 50 có Khê, thập niên 60 có Nguyễn Văn Ngôn (Ngôn lùn) . Xuống cánh trái dứt bằng chân mặt , xuống cánh mặt dứt bằng chân trái nên thủ môn "lỡ khóc lỡ cười" .

    Trong cuộc họp báo sau trận đấu , ông bầu đội Nam Hoa , cầu vương Lý Huệ Ðường dù thua Hà Nội 2-1 vẫn phong tặng Ðoàn Khê Vinh tức Khê là "Thăng Long xích thố" .

    Sau 1954 , vì tình hình kinh tế gia đình không cho phép nên Khê đã cùng với gia đình di cư vào nam . Lúc đó , Khê vẫn còn trẻ chừng 27, 28 tuổi nhưng không hiểu sao , anh từ giã sân cỏ rất sớm ; Đây là một thiệt thòi cho người hâm mộ phía Nam vì chưa thấy tài năng của ông thể hiện trên sân cỏ phía Nam , trong khi Trần Văn Ứng nhiều hơn Khê 5, 6 tuổi vẫn đá cho AJS và đội tuyển miền Nam . Khê tốt nghiệp trường Thể Chất ở Phan Thiết nên anh hành nghề huấn luyện thể dục , thể thao tại các trường trung học Saigon cho đến ngày đất nước được thống nhất . "Kỳ nhân cầu quái" Ðoàn Khê Vinh tức Khê giờ không còn nữa . Nghe nói anh đã cùng với gia đình anh định cư ở Mỹ , rồi không hiểu sao anh trở lại quê nhà và sống những ngày còn lại tại quê hương cho đến khi ra đi vĩnh viễn .
  2. Blood_Buddha

    Blood_Buddha Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    08/12/2010
    Bài viết:
    3.041
    Đã được thích:
    2.031
    Lần cập nhật cuối: 16/11/2014
  3. lao_ta

    lao_ta Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    17/11/2014
    Bài viết:
    83
    Đã được thích:
    74
    Miền Nam có TM Lưu Đình Thăng (Cảng SG), Trần Văn Hải (Phú Khánh) rất xuât sắc. Dương Ngọc Hùng được Trần Văn Khánh trao áo, y như sự chuyển giao thế hệ. Sau Hùng là Cường (SEA Games 18) và cứ thế...đến giờ có cháu nhỏ Tấn Trường cao 1m9 rất khá song bữa trước nghe tin uống rượu say đến tập chậm, sao thế?
    -------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    Cám ơn ông già Phu nha , Ông viết thật hay, nhưng Miền Nam thủ môn CSG có Lưu Kim Hoàng ông à, ông kia là trung vệ khét tiếng Lê Đình Thăng bạn thân chí cốt của Thầy Tam Lang.
    Ngoài ra MN còn có Nguyễn Hồng Phẩm của Hải Quan và Trần Văn Hiệp của Sở công nghiệp nữa.
    Công nhận thời đó dân việt ghiền đá banh thiệt , nếu không tới sân thì thôi, còn ở nhà thì toàn nghe radio , vậy mà say đắm mới ghê.
  4. eversong

    eversong Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    04/08/2007
    Bài viết:
    4.431
    Đã được thích:
    5.745
    Chả có gì đặc biệt cả, cái thời người ta thông tin ít, chưa mở và phát triển như bây giờ thì có gì nghe đấy, một đồn mười, mười đồn trăm, thêu dệt thêm những cái li kì và mặc trí tưởng tượng bay bổng, nhất là dân ta lại có cái tính hiếu kì truyền miệng, nên việc các *****i xưa được dựng thành truyền thuyết với cả hâm mộ đông đảo là lẽ tất nhiên.

    Ví dụ như cô giáo Thảo hồi xưa thuộc hàng hot chứ như liên xô chống mỹ rồi rét túp với u pon bây giờ nó đầy ra đấy, có ai nhớ mặt được hết bọn nó không, mà tính về độ ngon thì các loại yến veo với vàng anh ăn thua gì, nhưng mà người VN vẫn khoái cái gì có tính cục bộ vì nó cho cảm giác "gần gũi", "thiết thực" kiểu như "tao quen thằng ABC có anh họ đá ở đội XYZ", hơn là những gì có trình độ và đẳng cấp thực tế.
  5. Blood_Buddha

    Blood_Buddha Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    08/12/2010
    Bài viết:
    3.041
    Đã được thích:
    2.031
    =))
    hồi cấp 3, đọc cô giáo thảo trước khi có internet, nói thật là chả thấy gì
  6. Namdinh80

    Namdinh80 Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    26/02/2003
    Bài viết:
    6.241
    Đã được thích:
    2.691
    Bác chắc bị làm sao :D, em nghĩ thế. Không phải tự nhiên nó là một siêu phẩm truyền kỳ trong cát bụi thời gian :))
  7. Blood_Buddha

    Blood_Buddha Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    08/12/2010
    Bài viết:
    3.041
    Đã được thích:
    2.031
    chắc cũng là vì tính truyền kỳ đó, nên mong đợi của mình nó cao hơn thực tế khi đọc chăng :P
  8. Blood_Buddha

    Blood_Buddha Thành viên gắn bó với ttvnol.com

    Tham gia ngày:
    08/12/2010
    Bài viết:
    3.041
    Đã được thích:
    2.031
    lọc trong này ra chắc khối bài cho BIÊN NIÊN SỬ BÁN ĐỘ CỦA BÓNG ĐÁ VIỆT NAM
  9. LDSC

    LDSC Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/12/2014
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    2
    Box này hay quá, còn rất nhiều danh thủ ngày trước chưa được giới thiệu, bác bdnuocnam và bác muaxuanbackinh co thể kể thêm về họ k?
    Lần cập nhật cuối: 29/12/2014
    Dyt_chy_anh_Nam_Pede thích bài này.
  10. LDSC

    LDSC Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/12/2014
    Bài viết:
    2
    Đã được thích:
    2
    HÀ THÌN - NHÀ KỸ THUẬT CỦA BÓNG ĐÁ NGHỆ AN

    Bóng đá Nghệ An những năm 70-80 của thế kỷ 20 nổi tiếng với lối chơi chém đinh chặt sắt. Một thế hệ cầu thủ đã tâm đắc với thứ bóng đá đó đến nỗi cứ nói đến SLNT rồi SLNA là khán giả nghĩ ngay đến thứ bóng đá bạo lực. May thay, trong số cầu thủ máu nóng hồi đó vẫn có một người kỹ thuật , đó là đội trưởng Hà Thìn.

    Năm 1968, Hà Thìn trúng tuyển vào lớp bóng đá trẻ của nghành TDTT Nghệ An. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tầy gang, sau 3 năm phấn đấu, đội bóng trẻ bị giải tán, Hà Thìn được chuyển vào nhà máy cơ khí Vinh, trở thành một anh thợ. Bảy năm liền, cầu thủ Hà Thìn an phận với giải bóng đá phong trào. Tưởng những cuộc sống sẽ gắn liền với những máy tiện và các sản phẩm sắt thép thì một cơ hội mở ra làm thay đổi cuộc đời ông.

    Đầu năm 1979, tỉnh đội Nghệ Tĩnh quyết định cho đội bóng của mình tham gia giải hạng B toàn quốc với mục tiêu lên hạng A2. Ngành TDTT tỉnh nhớ ngay đến Hà Thìn, bèn làm việc với nhà máy cơ khi Vinh mượn ông về tăng cường cho đội bóng. Đội tỉnh đội lên hạng còn Hà Thìn đuợc rút về nghành TDTT.

    Đội tỉnh đội được bàn giao cho ngành TDTT và đổi tên thành đội SL Nghệ Tĩnh. Hà Thìn trở thành đội trưởng của đội bóng ấy. Năm 1992, tỉnh Nghệ Tĩnh tách làm 2, đội bóng ở lại với nghành TDTT Nghệ An. Hà Thìn làm đội trưởng đội SLNA đên ngày chia tay sân cỏ (1988), ở tuổi 36.

    Thoạt đầu Hà Thìn đá trung vệ đội Tỉnh đội Nghệ Tĩnh. Khi đội lên hạng A2, anh được xếp đá tiền vệ, tiền đạo và là người có duyên ghi bàn thắng bằng đầu. Khán giả Nghệ An đầu 4, đầu 5 bây giờ vẫn nhắc đến Hà Thìn với câu nói suýt xoa: Thằng nứ này mà nhảy lên đánh đầu thì mê luôn. Hắn nhảy lên rồi dừng lại như có phanh tay, ngó nghiêng ngó ngửa, sau đó mới đánh đầu bào chỗ thủ môn không thể bắt được. Họ còn nhớ trận đấu chia tay sân cỏ của ông. Đó là ở giải tập huấn các đội phía bắc đầu năm 1988. CA Thanh Hóa dẫn trước 1-0. Phút thứ 75 ông được đưa vào sân và chỉ ít phút sau, đón một quả phạt góc, ông nhảy lên đánh đầu theo kiểu có phanh tay san bằng tỷ số. Tỷ số trong hai hiệp chính là 1-1, đá luân lưu 11m, SLNA thắng. Ông nói: Chia tay sân cỏ mà bàn thắng quan trọng là niềm vui của một tiền đạo.

    Hà Thìn chơi bóng không dùng sức, ông quan niệm chiến thắng đối phương bằng kỹ thuật mới giá trị. Quan niệm này theo ông suốt 13 năm làm công tác đào tạo bóng đá trẻ và các học trò của ông không ai dính vào lối đá thô bạo. Ông có một kỷ niệm khá sâu sắc về khả năng lừa bóng của mình. Trong trận đấu hạng A2 (SLNA QK1 năm 1980), ông dẫn bóng từ cầu môn nhà, qua cả tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ và thủ môn đối phương rồi ghi bàn. Ông nói đùa: Mình như là Maradona ở Mexico 86 vậy. Nhãn quan chiến thuật của ông khá sắc, luôn biết khai thác thế mạnh của đồng đội. Một ví dụ điển hình: đội SLNA có tiền đạo Thanh Bình, ông này có tốc độ rất tốt. Hà Thìn thường chọc khe hoặc nhảy lên đánh đầu trượt cho Thanh Bình lao vào ghi những bàn thắng đẹp mắt. Ông tâm sự: Trong đội SLNA tôi là cầu thủ lớn tuổi nhất. Tính tôi ôn hòa, ghét bạo lực, lại là đội trưởng nên trách nhiệm dẫn dắt lối chơi kỹ thuật, ngăn cản lối chơi bạo lực luôn được tôi tâm niệm Không ít lần tôi phải ngăn cản những cái đầu quá nóng để trận đấu khỏi đi theo hướng xấu. Bây giờ nghĩ lại thấy tội cho họ. Anh em hồi ấy thiếu đủ thứ, đặc biệt là những kỹ thuật tranh bóng như xoài, xoạc phá bóng... không được trang bị, vậy là họ cứ tranh bóng theo cảm tính tranh bóng một cách quyết liệt và ... hồn nhiên, thế là thành lối đá chém đinh chặt sắt mà không biết lại cứ tưởng là ..dũng mãnh.

    Ảnh hưởng của ông đối với đội bóng xứ Nghệ rất lớn. Sau 3 năm Tây du. Năm 1992 ông trở về và trở thành HLV đào tạo bóng đá trẻ của SLNA. Lối chơi kỹ thuật được ông truyền cho các học trò và các đội bóng mà ông phụ trách luôn có thành tích tốt: 1988- HCĐ U18, 1989 HCĐ U14, 2001 vô địch U21 báo Thanh Niên , 2002 vô địch U15 Báo Thanh niên tiền phong, 2004 HCĐ U21 Báo Thanh Niên. Ông được coi là một trong những người có công lớn trong việc cải tạo lối chơi Schém đinh chặt sắt thành lối chơi kỹ thuật. Năm 2006 ông là HLV Trưởng đội P.SLNA. Theo VFF.
    Dyt_chy_anh_Nam_Pede thích bài này.

Chia sẻ trang này